Gần 50 năm mới có dịp trở lại Việt Nam, người cựu binh Ca-dắc-xtan không thể ngờ ở tuổi “xưa nay hiếm” lại có dịp được đặt chân lên mảnh đất nơi ông từng một thời trai trẻ kề vai, sát cánh cùng các chiến s và người dân nơi đây chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông chính là cựu chiến binh Ca-dắc-xtan I-xa Bi-xê-nốp (Issa Bissenov), cựu chuyên gia cố vấn quân sự thuộc Liên Xô trước đây đã sang giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trở lại Việt Nam, không còn thấy đâu dấu vết của chiến trường xưa, của một Hà Nội thời khói bom, lửa đạn, nhưng miền ký ức của một thời chiến tranh ác liệt dường như chưa phai nhạt trong người cựu binh thuở nào. Đúng hơn phải gọi ông là thương binh, bởi ông đã hai lần bị thương do sức ép quá lớn của bom nổ trong thời gian công tác tại Việt Nam. Ông vĩnh viễn mang thương tật ở tim, thường tái phát mỗi khi trở trời và gần như mất thính lực phải nhờ tới máy trợ thính.

cuu-binh-nguoi-nuoc-ngoai-a
Cựu chiến binh I-xa Bi-xê-nốp và vợ đang ở thăm Việt Nam.

Ông I-xa Bi-xê-nốp kể, hồi đó, tham gia quân đội Xô Viết một thời gian, ông nhận được lệnh điều động sang giúp đỡ Việt Nam cùng đội ngũ các chuyên gia quân sự của Liên Xô (cũ). Người cựu binh nhớ thời kỳ ấy, phong trào giúp đỡ Việt Nam ở Liên Xô đang lên rất cao và có những người sẵn sàng lên đường sang giúp đỡ Việt Nam. Bố mẹ và vợ ông đã ủng hộ, động viên ông lên đường vì họ đều hiểu rằng đây là một nhiệm vụ đầy ý nghĩa, giúp một dân tộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc trước kẻ thù xâm lược. Hết 15 ngày phép, được về với gia đình, ông cùng các chuyên gia cố vấn khác trong đoàn hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ.

"Khi đó tôi mới 23 tuổi, chưa nghĩ nhiều về chiến tranh, càng không nghĩ gì tới sự nguy hiểm hay cái chết, mà chỉ thấy rất vui vì mình có cơ hội được giúp đỡ một đất nước đang trong thời kỳ gian khó, đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Nhưng tới Việt Nam đã giúp tôi hiểu được nhiều điều", ông chia sẻ.

Thời gian đầu sang Việt Nam, ông công tác với vai trò một bác sỹ giúp đỡ những người bị thương trong chiến tranh vì lúc đó nhiệm vụ này là rất cần kíp. Chính công việc đó đã giúp ông được tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát mà người dân Việt Nam phải gánh chịu trong chiến tranh. Nhưng cũng vì thế ông càng khâm phục và cảm thông với những con người đang cầm súng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Trên hết, họ giúp ông hiểu được giá trị của cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam.

Được một thời gian, ông chuyển sang công tác mới với cương vị một chuyên gia tên lửa giúp huấn luyện và đào tạo các trắc thủ tên lửa cho quân đội Việt Nam -nhiệm vụ giúp ông được trực tiếp cùng chiến đấu với các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam. “Tinh thần dũng cảm, ý chí đấu tranh quật cường của họ đã khiến chúng tôi cảm phục. Chúng tôi, những chuyên gia quân sự nước ngoài ngày càng trở nên yêu mến đất nước và con người Việt Nam tự lúc nào”, ông I-xa Bi-sê-nốp hồi tưởng.

Nơi ông tham gia huấn luyện và chiến đấu cùng quân và dân Việt Nam là một khu rừng ở tỉnh Hà Bắc (cũ). Ông I-xa Bi-xê-nốp cho biết, các chuyên gia cố vấn quân sự như ông chia thành các nhóm bí mật, mặc quần áo dân sự, vì sự có mặt của họ lúc đó ở Việt Nam hoàn toàn được giữ kín. Các chuyên gia cố vấn quân sự nước ngoài cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm vì phải hướng dẫn các chiến s trên các trang bị, khí tài ngay ở trận địa, nơi không quân Mỹ oanh tạc thường xuyên. Ngoài ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là vào những khi trời nắng nóng như rang, tưởng như rất khó thích nghi với những người tới từ xứ lạnh. Nhưng họ đã vượt qua tất cả để tận tình hướng dẫn, chỉ bảo từng chi tiết kỹ thuật nhỏ nhất nhằm bảo đảm các chiến s Việt Nam làm chủ được khí tài, tấn công chính xác các mục tiêu của địch.

Kể về những kỷ niệm đáng nhớ, ông I-xa Bi-xê-nốp không thể quên những lần cùng với các chiến sỹ Việt Nam ăn mừng, hò reo vui sướng mỗi khi bắn rơi máy bay Mỹ. Hay những lần cùng các chiến sỹ Việt Nam miệt mài trên vị trí huấn luyện, tìm tòi từng chi tiết kỹ thuật để cải tiến, nâng cao khả năng tác chiến của vũ khí, khí tài. Ông cho biết, hồi đó, các chiến s Việt Nam đã khiến các chuyên gia cố vấn quân sự Liên Xô rất ngạc nhiên bởi khả năng học hỏi nhanh và tinh thần sáng tạo trong chiến đấu dù tuổi đời còn rất trẻ.

Thời gian công tác tại Việt Nam không lâu, chỉ khoảng 14 tháng, quãng từ năm 1966 đến 1967, nhưng với cựu chuyên gia tên lửa I-xa Bi-xê-nốp đây là quãng thời gian đáng nhớ và nhiều ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Trở lại Việt Nam lần này, chuyến thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân Việt Nam đã để lại cho ông nhiều cảm xúc. Nhìn những hiện vật, xem các thước phim quay cảnh chiến đấu của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam, ông thực sự xúc động vì chính ông, nhiều chục năm trước cũng là một phần của cuộc kháng chiến ấy, từng trực tiếp tham gia và chứng kiến những thời khắc ác liệt của chiến tranh.

Cựu binh I-xa Bi-xê-nốp chia sẻ, ông luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Thật dễ hiểu, bởi những kỷ niệm đẹp cùng quãng thời gian đầy nghĩa tình như vậy, bất kỳ ai cũng khó có thể nào quên.

Ông I-xa Bi-xê-nốp vẫn gìn giữ cẩn thận tấm Huy chương Hữu nghị do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng vào năm 1966 để tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ tận tình của ông đối với Việt Nam. Chiếc huy chương đã ngả màu theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên vẹn được ông đeo trang trọng ở một bên ngực áo. Cả bản Quyết định trao tặng bằng giấy có chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được ông gìn giữ tới tận bây giờ, sau gần 50 năm. Ông cho biết, gần đây, sứ quán Việt Nam tại Ca-dắc-xtan đã tới thăm ông, bày tỏ lòng biết ơn của Nhà nước và nhân dân Việt Nam vì sự giúp đỡ trước đây của ông trong thời kỳ chiến tranh, đồng thời chuyển lời mời ông tới thăm Việt Nam.

Ông nói, mình vô cùng tự hào vì là người Ca-dắc-xtan duy nhất tham gia cuộc chiến ở Việt Nam và cũng là chuyên gia quân sự Ca-dắc-xtan duy nhất tới giúp đỡ Việt Nam thời bấy giờ.

Tới Việt Nam những ngày này theo lời mời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông cùng gia đình rất vui vì được đi thăm thú Hà Nội, nơi ông vẫn tiếc vì chưa có điều kiện đi nhiều trong quãng thời gian một tháng nằm điều trị sau khi bị thương ở chiến trường trước đây. Ông cũng được tới thăm Vịnh Hạ Long, một danh thắng của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thiên thiên thế giới. Người cựu binh đã bày tỏ niềm vinh dự và xúc động được đích thân Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tiếp và nói chuyện thân mật, khẳng định sự biết ơn và mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ của ông cũng như bạn bè quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Mỹ Hạnh

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: