Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Vấn đề này luôn được thảo luận, là mối trăn trở của các nhà hoạch định chính sách. Điều đáng bàn là bên cạnh sự lãng phí tài chính, ngân sách, lo ngại hơn là căn bệnh trầm kha - lãng phí nguồn lực quốc gia.
Mỗi năm, việc cắt giảm chi thường xuyên ngay từ khâu dự toán đã tiết kiệm được cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Trước hết và rõ hơn cả là việc tiết kiệm ngân sách, vốn nhà nước. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2020-2023, mỗi năm, việc cắt giảm chi thường xuyên ngay từ khâu dự toán đã tiết kiệm được cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Nhìn chung, theo nhận định của các chuyên gia, công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực, tập trung chi cho đầu tư phát triển. Bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải; bảo đảm các khoản chi an sinh xã hội và các lĩnh vực quan trọng. Cụ thể, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2022 và 2023, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10% chi thường xuyên ngoài các khoản chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản chi cho nhân sự và một số nhiệm vụ không thể cắt giảm. Với các nguyên tắc nêu trên, lũy kế đến hết năm 2020 đã cắt giảm ngay từ khâu dự toán khoảng 930 tỷ đồng; năm 2021, 2022, giảm thêm khoảng 180 tỷ đồng/năm và năm 2023 tiếp tục giảm khoảng 90 tỷ đồng so năm 2022.
Đề cập giải pháp, Bộ Tài chính yêu cầu các cấp thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên từ ngân sách, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa có chủ trương ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Vừa qua, sau khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, thực hiện tiết kiệm chi quản lý hành chính gắn với tinh giản biên chế. Tại nhiều cuộc họp gần đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ cấp Trung ương đến địa phương, thường xuyên đề nghị các cấp, các ngành phải đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết, tổ chức tổng kết năm ngắn gọn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí...
Đương nhiên việc tiết kiệm là quan trọng. Song, vấn đề đâu phải chỉ là câu chuyện tiết kiệm tài chính, ngân sách nhà nước. Chừng nào, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp những công trình, đất đai hoang phí, những hành động, hành vi, như lãng phí điện nước nơi công sở; lãng phí thời gian di chuyển trên đường bởi ùn tắc giao thông; lãng phí công sức, nhân lực của biết bao người khi phải giải quyết không ít sự cố mà sẽ khó có thể xảy ra nếu mỗi chúng ta cẩn thận, trách nhiệm hơn; lãng phí tài nguyên, chất xám, nhân tài,... thì chừng đó dồn lại sẽ gây hao tổn nguồn lực quốc gia, làm chậm, thậm chí làm dừng lại, quá trình phát triển của từng cá nhân và cả cộng đồng.
Phí phạm sẽ gây tiếc, nhưng nếu chỉ biết tiếc nuối thôi thì không giải quyết được vấn đề mà phải hành động. Trước tình trạng chống lãng phí và việc thực hành tiết kiệm chưa đạt hiệu quả như mong muốn, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chính sách, pháp luật về vấn đề này. Mới đây nhất, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, Bộ Chính trị nhận định: Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng. Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản nhà nước chưa hoàn thiện, còn bất cập,...
Thực tế cũng cho thấy, việc thực hành tiết kiệm đã được triển khai nghiêm ở nhiều cấp, nhiều ngành, song đâu đó, việc thực hiện còn chậm, nặng về hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm; tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình tiên tiến còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế-kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, chậm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát.
Từ đó, Trung ương yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt việc quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng; xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội,...
Giải pháp đã rõ ràng, song nếu chỉ nói mà không làm hoặc hành động không đến nơi đến chốn, thì việc lãng phí sẽ ngày thêm trầm trọng, gây bào mòn, sa sút nguồn lực, tiềm lực quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người./.
Khúc Hồng Thiện
Theo Báo Nhân Dân
Bảo Ngọc (st)