Mặc dù nghệ thuật xiếc bây giờ không còn mê hoặc khán giả nhưng những nghệ sỹ lớp đầu đã hiến dâng một tình yêu lớn cho xiếc vẫn được nhiều người nhắc tới.
Trong số đó, phải kể đến cô gái xinh đẹp trong tiết mục xiếc có tên “Cô hàng giải khát”, đó là NSND Tâm Chính. Không chỉ làm "cháy" vé mỗi suất diễn mà tiết mục này còn vinh dự được Bác Hồ chọn biểu diễn nhiều lần để tiếp khách quốc tế. Đó là một vinh dự lớn của người nghệ sỹ cháy hết mình với đam mê...
Giấc mơ gặp Bác Hồ và tình yêu lớn
Là con gái thứ 3 trong một gia đình thuần nông ở làng Xuân Thiên (Thọ Xuân, Thanh Hóa), cô bé Tâm Chính được học cấy hái, nuôi lợn, chăn bò trước khi học chữ. Sinh ra trên mảnh đất nghèo, thương cha mẹ lam lũ, cô tự nguyện đến lớp buổi tối học bổ túc để ban ngày còn giúp cha mẹ việc đồng áng, việc nhà.
Một ngày, tin Đoàn Xiếc Trung ương (thuở ban đầu gọi là Đoàn Xiếc Tạ Duy Hiển) về thị xã Thanh Hóa biểu diễn bay về tận xóm Đầm, làng Xuân Thiên, cô gái Tâm Chính đã cùng các bạn dành dụm tiền trốn gia đình đạp xe 60 cây số từ nhà ra thị xã xem. Duyên trời định thế nào, Đoàn Xiếc lúc ấy đang chiêu sinh và Tâm Chính trúng tuyển, trở thành học viên khóa 1.
Lúc đầu, mẹ Tâm Chính không cho con gái đi học xiếc bởi bà ngỡ rằng con gái sẽ đi theo những gánh xiếc rong mãi võ, bán thuốc dạo. Và hơn nữa học xiếc vậy rồi chuyện chồng con sao được... Nhưng được sự ủng hộ và thuyết phục của cha, cô bé đã khăn gói về Thủ đô với ước mơ được gặp Bác Hồ.
15 tuổi, Tâm Chính mới đến với nghệ thuật xiếc là hơi muộn, hơn thế đôi chân, đôi tay vốn xưa nay chỉ quen với những công việc cấy hái, gánh gồng... nay phải vào khuôn khổ để thực hiện những động tác mềm dẻo, xoạc chân, thăng bằng, tung hứng... nên việc tập luyện của Tâm Chính vô cùng gian nan. Riêng với động tác xoạc chân, đã không biết bao lần Tâm Chính phải chịu đau đến rơi nước mắt trên sàn tập, rơi nước mắt vì cảm giác thất bại. Vậy là hết giờ tập trên lớp, cô bé lại tìm ra bể nước chọn chỗ có rêu trơn trượt để tập động tác này cho kỳ được mới thôi.
Cũng trong những ngày tập luyện gian khổ ấy, tình yêu đầu đời giữa Tâm Chính với người bạn học Việt kiều Lê Thể chớm nở. Nhưng vì tính kỷ luật của nghề xiếc vốn nổi tiếng với 3 khoan “Khoan yêu, khoan lấy và khoan có con”, hơn nữa lại đang còn là học sinh, tình yêu của họ phải ẩn trong màn bí mật. Nhưng rồi cuối cùng mọi sự cũng... lộ và đôi bạn đã không ít lần phải chịu kiểm điểm lên xuống.
Hồi đó, NSƯT Lê Thể là một chàng trai Việt kiều Thái Lan nên chuyện tình cảm của cặp trai tài, gái sắc càng bị để ý. Bạn bè, đồng nghiệp can ngăn rằng chàng đẹp trai lại từng được giải thưởng hình thể ở Thái Lan thì thiếu gì cô theo, và liệu chàng có thật lòng hay không... Tình yêu đẫm nước mắt của họ ngày đó với không biết bao nhiêu bản kiểm điểm mỗi bận... cầm tay nhau. Và tất cả đã được hai người thầm chứng minh bằng sự khổ luyện thành tài, để khẳng định tình yêu không ảnh hưởng gì tới sự nghiệp.
Vợ chồng nghệ sỹ Tâm Chính.
Tiết mục biểu diễn thành công đầu tiên của Tâm Chính có tên là “Bấp bênh” có sự giúp đỡ rất đắc lực của Lê Thể. Lê Thể cũng là một nghệ sỹ xiếc tài năng với các tiết mục như "Ống trượt", "Xà đơn trên đùi", "Đu vòng" và tiết mục "Trụ bấp bênh". Nhiều tiết mục đôi bạn Lê Thể - Tâm Chính được tập luyện và biểu diễn cùng nhau. Với họ, tình yêu lứa đôi và tình yêu nghề đã hòa cùng làm một.
Sau những năm tháng khổ luyện vất vả, năm 1965, nghệ sĩ Tâm Chính tốt nghiệp xuất sắc với tiết mục "Chồng người trên con lăn", bắt đầu con đường lao động sáng tạo đầy gian nan, thử thách với bao mồ hôi nước mắt nhưng cũng thật nhiều hoa hồng. Với các tiết mục để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả như "Thang đưa", "Hình tượng bốn nữ", "Thăng bằng trên con lăn"... và đặc biệt là "Cô hàng giải khát" đã khiến Tâm Chính trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
NSND Tâm Chính kể rằng, ý tưởng tiết mục "Cô hàng giải khát" ra đời cũng thực tình cờ và trở thành tiết mục đi theo tên tuổi chị suốt đời. Trong một lần vừa khát, vừa mệt lại vừa buồn sau một buổi kiểm điểm do lỗi của... tình yêu, Tâm Chính chợp mắt và mơ thấy hình ảnh những cô gái thoăn thoắt bưng các khay nước phục vụ trên trận địa đem tới cho chị, cho bộ đội và dân quân. Những khay nước được các cô phục vụ bưng đi như chạy trên mặt đất mấp mô, đầy những hố bom mà không hề bị sánh, đổ. Tỉnh dậy, Tâm Chính nghĩ ngay đến một tiết mục xiếc lấy ý tưởng từ những khay, cốc nước chồng lên nhau.
Khi xây dựng tiết mục này, chị có kế thừa, phát triển từ tiết mục "Thăng bằng trên con lăn" của nghệ sĩ Hoa Vinh, cũng là cô giáo của chị. Tâm Chính bắt đầu bằng kỹ thuật đi thăng bằng trên con lăn rồi tiếp tục chồng thêm những hàng ly thuỷ tinh lên. Khi hàng ly thuỷ tinh cao đến 8 tầng thì số lần Tâm Chính ngã vì tiết mục này phải được tính bằng cấp số nhân. Đến nay, Tâm Chính vẫn còn nhớ rõ cú ngã đau từ trên 5 tầng cốc chồng lên nhau. Mặt chị va vào đám cốc vỡ, má bên trái bị mảnh thủy tinh đâm rách, máu chảy dài. Vết sẹo ấy đến nay vẫn còn.
Đến khi tiết mục được đem ra công diễn đã gây tiếng vang lớn bởi sự điêu luyện của nghệ sỹ, lại rất lạ mắt và mang tính thời sự. Tiết mục được lưu diễn ở khắp nơi và còn là tiết mục chủ đạo khi đoàn đi biểu diễn ở Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên..., rồi cả ở Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bungari, Rumani, Cộng hòa dân chủ Đức...
“Thầy ơi, mẹ ơi! Thế là con đã được gặp Bác rồi”
"Cô hàng giải khát" là tiết mục Tâm Chính nhiều lần biểu diễn cho Bác Hồ xem mỗi khi Bác tiếp khách quốc tế. Lần đầu tiên được biểu diễn cho Bác xem, Tâm Chính mừng khôn xiết. Đêm hôm ấy, chị về phòng và viết ngay một bức thư về quê. Trong thư, chị viết: "Thầy ơi, mẹ ơi! Thế là con đã được gặp Bác rồi. Con đã được gặp Người bằng xương, bằng thịt...".
Nhiều lần trực tiếp xem Tâm Chính biểu diễn, Bác từng ôm hôn cô bé và cho Tâm Chính rất nhiều kẹo, bánh. Mỗi lần nhận được quà của Bác, Tâm Chính thường giữ lại rất lâu không ăn. Có lần, Tâm Chính vô tình gặp lại Bác, vừa nhìn thấy Tâm Chính, Bác đã cười: "A, cô hàng giải khát đây rồi! Cho Bác xin một cốc nước với nào". Sau những lần như thế, Tâm Chính càng thêm yêu kính Người cha già hồn hậu, gần gũi và giản dị.
Tâm Chính vẫn nhớ mãi lời Bác dặn: "Cháu biểu diễn hay lắm nhưng cháu phải cố gắng truyền đạt tiết mục của mình cho nhiều người khác cùng diễn với nhé! Phải nâng tiết mục cao lên nữa nhé!". Lúc đó chị mới xếp được 4 chồng cốc. Nói rồi Bác đưa một nắm kẹo cho Tâm Chính. Chị bọc nắm kẹo cẩn thận trong chiếc khăn, có dịp mang về nhà để bố mẹ được tự hào về cô con gái thôn quê dám dấn thân vào nghiệp xiếc.
Năm 1969, đôi bạn Lê Thể - Tâm Chính chuẩn bị làm đám cưới thì được tin Bác Hồ mất. Trước tang chung của cả dân tộc, họ tạm gác đám cưới đến mùa thu năm sau - sau 8 năm tình yêu bền bỉ. Trước khi cưới, hai người đã có một tiết mục kỷ niệm trên con lăn với hình ảnh chàng đứng gảy đàn và nàng kê ghế ngồi trên đầu chàng thổi sáo vừa khó vừa bay bổng, lãng mạn.
Lớn lên nơi thôn dã nhưng dường như Tâm Chính sinh ra là để đắm mình cho xiếc. Ngay cả khi bắt đầu mang bầu, Tâm Chính vẫn không rời xa sân khấu cho tới tận tháng thứ 5. Hậu quả của nhiệt huyết ấy và kỹ thuật "trồng cây chuối" đã khiến em bé của Tâm Chính nằm ngược. Mẹ con Tâm Chính đã phải đối mặt với tử thần trong lúc lâm bồn. Nghĩ lại những khoảnh khắc ấy, chị vẫn không quên được cảm giác sợ hãi. Do bị ngạt nên con trai đầu lòng của chị tím tái toàn thân và không khóc được. Các bác sỹ phải làm mọi biện pháp cấp cứu thì cậu quý tử của chị mới hồi tỉnh. Sinh con trai đầu lòng được 6 tháng, chị quay trở lại với sàn diễn, sàn tập và bắt đầu những chuyến đi công tác dài ngày đến những nơi xa xôi, biên giới, hải đảo. Ngặt một nỗi, hai vợ chồng khi đó lại ở hai đoàn khác nhau, lịch đi lưu diễn khác nhau, nên con trai phải để chồng chăm sóc vì lịch diễn dày đặc và chị hay phải đi xa hơn chồng. Sau này, chị sinh thêm một con gái và cả hai đều tham gia hoạt động trong ngành xiếc.
Đến nay, khi đã trở thành nữ NSND duy nhất của ngành xiếc và đã ở tuổi 66 nhưng Tâm Chính vẫn tiếp tục cống hiến tâm sức cho nghệ thuật xiếc. Bên cạnh chức Chủ tịch Liên chi Hội xiếc Việt Nam, chị và chồng còn tham gia giảng dạy và đào tạo cho các thế hệ kế cận tại Trường Xiếc. NSND Tâm Chính và NSƯT Lê Thể cùng đau đáu nỗi niềm với nghiệp xiếc hôm nay đã không được nhìn nhận đúng, để người nghệ sỹ được sống hết mình, đắm say với xiếc...
Theo Uyên Na
Huyền Trang (st)