43. Trả lời các nhà báo về lời tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Tơruman

Cứ xét 12 điểm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ này, thì đều có ý nghĩa công minh chính trực cả, nhưng riêng nǎm điểm có quan hệ mật thiết với các dân tộc nhược tiểu trên thế giới.

Điểm thứ nhất: “Hoa Kỳ không nghĩ tới một sự mở mang bờ cõi nào vì những mục đích ích kỷ”. Về điều này, từ trước đến nay, dân tộc Việt Nam đã hiểu rõ cái chính sách quang minh của Mỹ, nhất là từ ngày Mỹ thừa nhận Phi Luật Tân độc lập thì dân Việt Nam càng tin tưởng cái chính sách rộng rãi của Mỹ.

Điểm thứ hai: “Hoa Kỳ tin tưởng vào sự trở lại chủ quyền của hết thảy các dân tộc đã mất chủ quyền ấy bởi cường lực”. Nước Việt Nam là một trong những nước đã bị mất chủ quyền bởi cường lực của Pháp. Và dân Việt Nam đã giành lại cái chủ quyền ấy không những ở tay Pháp mà cả ở tay Nhật nữa. Cái sự tin tưởng của Mỹ đã thành một sự thực ở Việt Nam, cái sự tin tưởng của Mỹ càng giúp cho cái sự thực ấy thêm vững vàng.

Điểm thứ ba: “Hoa Kỳ không ưng thuận một sự thay đổi lãnh thổ nào mà không được chính các dân tộc đương sự thoả thuận”. Về điều này, dân Việt Nam đã đoàn kết nhất trí không bằng lòng bọn thực dân Pháp trở lại. Trong Nam Bộ đã bắt đầu kháng chiến và toàn quốc sẽ cương quyết kháng chiến đến cùng, không để bọn thực dân Pháp trở lại. Dân chúng Ai Lao và Cao Miên cũng vậy. Toàn thể các dân tộc Đông Dương đều kịch liệt phản đối thực dân Pháp.

Điểm thứ tư: “Tất cả các dân tộc đương chuẩn bị tự trị được tự chọn lấy chính thể của họ”. Dân tộc Việt Nam chẳng những chuẩn bị mà đã thực hành tự trị, đã có Chính phủ theo chế độ dân chủ cộng hoà và đang sửa soạn triệu tập toàn quốc đại hội để thông qua hiến pháp dân chủ cộng hoà.

Điểm thứ nǎm: “Không một Chính phủ nào thành lập bằng sự áp bức, bằng vũ lực trên một dân tộc khác, lại sẽ được Hoa Kỳ thừa nhận cả”. Hiện giờ, bọn thực dân Pháp đương áp bức dân tộc Việt Nam bằng võ lực để mưu lập lại cái chế độ nô lệ của họ trên đất Việt Nam. Bọn thực dân Pháp lại cho vấn đề này là vấn đề nội bộ của họ, kỳ thực nó là một vấn đề quốc tế, vì từ nǎm 1940, Pháp đã thành tay sai của Nhật và đến tháng 3 nǎm 1945, Pháp đã trao hoàn toàn chủ quyền cho Nhật. Chẳng những thế, bọn thực dân Pháp đã giúp cho Nhật tấn công vào Trân Châu Cảng (Pearl Habour) 18. Vì chính ngày hôm ấy, bọn thực dân Pháp ở Việt Nam đã ký Điều ước bí mật để cho Nhật đủ điều kiện gây chiến với Mỹ làm cho Mỹ tổn thiệt rất nhiều.

Vì những lẽ đó, nhân dân Việt Nam đối với lời tuyên bố của Tổng thống Tơruman rất hoan nghênh và chắc rằng nước Mỹ sẽ làm cho những lời tuyên bố ấy thực hiện ngay. Nó đặt nền móng cho hoà bình và hạnh phúc của nhân loại và trước hết là cho các dân tộc nhỏ yếu.

Báo Cứu quốc, số 81, ngày 2-11-1945

44. Trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo về vấn đề đoàn kết

Hỏi: Thưa Cụ, 14 điều trong báo “Việt Nam” đǎng có đúng không?

Trả lời: Đúng, nhưng phải thêm một điều nữa là đôi bên đã đồng ý với nhau chưa nên công bố, không hiểu sao báo Việt Nam lại đǎng hết. Có lẽ báo ấy quên chǎng ?

Hỏi: Thưa Cụ, báo “Liên hiệp” đǎng Chính phủ Việt Minh từ chức là nghĩa gì ?

Trả lời: Làm gì có Chính phủ Việt Minh, mà đã không có thì từ chức làm sao ?

Hỏi: Sao chưa cho các báo khác đǎng 14 điều ấy ?

Trả lời: Chưa đến lúc phát biểu. Về chính trị thời gian cũng quan trọng.

Hỏi: Cụ cho biết điều thứ 13 mà báo Việt Nam không đǎng. (Chủ tịch Hồ Chí Minh cười có ý bảo không nên nói đến con số 13).

Hỏi: Chính phủ cũ lấy thêm những vị nào để thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ?

Trả lời: Có cụ Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, một ông Bộ trưởng Vệ sinh (Y tế) và một ông Bộ trưởng Kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hà (người không đảng phái) đã tự nhường xuống làm Thứ trưởng để tỏ lòng thành thực đoàn kết của Chính phủ hiện thời.

Hỏi: Chính phủ liên hiệp lâm thời sẽ thành lập từ bao giờ và tồn tại đến bao giờ ?

Trả lời: Từ mồng 1 tháng Giêng đến mồng 6 tháng Giêng (dương lịch)

Hỏi: Sao hai Bộ Quốc phòng và Nội vụ lại để cho người không đảng phái ?

Trả lời: Trước bàn: Nếu một bên giữ Bộ Quốc phòng thì một bên Nội vụ và trong hai Bộ ấy một bên làm Bộ trưởng thì một bên làm Thứ trưởng. Sau thấy lôi thôi quá nên đôi bên đi đến thái độ “siêu nhân” nên để cho người ngoài Việt Minh và ngoài Việt Nam Quốc dân đảng giữ.

Hỏi: Sao bây giờ lại chỉ có 10 bộ?

Trả lời: Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ.

Hỏi: Tại sao có 70 ghế đặc cách trong Quốc hội?

Trả lời: Vì anh em Quốc dân đảng không ra ứng cử.

Hỏi: Sao lại trái nguyên tắc dân chủ vậy?

Trả lời: Muốn đi tới dân chủ nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ, muốn đi tới hoà bình có khi phải chiến tranh.

Hỏi: Cần làm trái dân chủ? Thế sao Cụ không tự chỉ định Cụ ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?

Trả lời: Vì tôi không muốn làm như vua Lu-i Thập tứ 2

Hỏi: Quốc hội không nhận 70 ghế đặc cách ấy thì sao?

Trả lời: Chính phủ sẽ hết sức đề nghị với Quốc hội.

Hỏi: Thưa Chủ tịch, cái khối “Trung lập” ra sao?

Trả lời: Tôi có gặp các ông ấy vài ba lần. Các ông ấy tỏ ra hǎng hái muốn hoà giải lắm.

Hỏi: Có phải đoàn kết là công của khối ấy không?

Trả lời: Sự đã thành, tôi cũng không biết công của ai, chỉ biết giờ đã đi đến kết quả.

Hỏi: Cụ cho biết về vấn đề ngoại giao?

Trả lời: Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn.

Hỏi: Sao các nước chưa công nhận mình.

Trả lời: Nhìn qua lịch sử thế giới thì rõ. Muốn được các nước công nhận phải qua một thời gian khá lâu.

Hỏi: Một vài nơi Việt Nam Quốc dân đảng chiếm đóng thì thế nào?

Trả lời: Sẽ giải quyết dần.

Trả lời ngày 26-12-1945.

Báo Cứu quốc, số 128, ngày 28-12-1945.

45. Trả lời các nhà báo nước ngoài

Nhân dịp các bạn tân vǎn ký giả ngoại quốc hỏi đến, tôi xin đem câu trả lời của tôi công bố ra cho đồng bào trong nước và nhân sĩ các nước ngoài đều biết:

1) Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ǎn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chǎn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.

2) Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay, tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài.

Rất mong nhân sĩ nước ngoài và đồng bào trong nước rõ cho.

Hồ Chí Minh

Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946.

46. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo

Hỏi: Xin Hồ Chủ tịch cho biết ý kiến về bản Hiệp ước Hoa - Pháp?

Trả lời: Về bản Hiệp ước đó, một là Trung Quốc chưa tuyên bố, hai là do Hãng thông tin Roitơ tuyên bố, nên chưa có thể phê bình thế nào được.

Hỏi: Có phải nước ta không cho nước Trung Hoa đủ những quyền lợi về kinh tế như Pháp đã cho Trung Hoa nên mới có bản hiệp ước Hoa - Pháp?

Trả lời: Vấn đề đó không thành câu hỏi. Có một điều ta nên nhắc đến là Trung Hoa với ta cùng là người Á Châu, cùng là giống da vàng, lại có liên quan với nhau về địa dư, lịch sử, thì những quan hệ sâu xa ấy, ta không thể quên được. Lại nữa, nước Trung Hoa bây giờ cũng như Tôn Trung Sơn ngày trước, chủ trương Tam dân chủ nghĩa là dân tộc, dân quyền và dân sinh. Trung Quốc phấn đấu, kháng chiến trong 8, 9 nǎm cũng vì ba chủ nghĩa ấy. Ta phấn đấu, cũng trước hết là vì dân tộc. Dù thế nào chǎng nữa, Trung Quốc cũng phải bênh vực ta và người Việt Nam cũng phải thân thiện với Trung Quốc.

Hỏi: Hồ Chủ tịch đã có cuộc trực tiếp đàm phán nào giữa đại biểu Pháp với Chính phủ như Đài Sài Gòn tuyên bố chưa?

Trả lời: Người Pháp ở đây, tôi tiếp đã nhiều. Và như tôi đã nói là người thành thật muốn tiếp thì tôi tiếp, nhưng thành thật hay không, lại là một chuyện khác. Còn như nói về công khai đàm phán thì một bên có điều kiện gì để so sánh, mặc cả với bên kia, mới là đàm phán, chứ chỉ nói chuyện bông lông không thôi, gọi là đàm phán thế nào được. Cũng như người Pháp trong quân đội, người Pháp nhà báo, hay người Pháp thường, tôi gặp đã nhiều, trong câu chuyện họ hỏi tôi, tôi trả lời, không thể bảo đó là những cuộc đàm phán được.

Họ hỏi tôi, bao giờ tôi cũng bảo họ: Dân Việt Nam có một ý muốn rất bình thường là muốn độc lập. Thấy tôi nói thế, có người họ cũng tán thành nền độc lập của ta. Là vì sau những câu hỏi của họ, tôi đã hỏi lại họ: “Ông là người Pháp, có muốn được độc lập, có muốn được tự do không?”.

Tôi lại nói cho họ biết thêm rằng chúng tôi tranh đấu từ trước tới bây giờ là cũng tranh đấu theo như người Pháp đó thôi. Ba tiếng Tự do, Bình đẳng, Bác ái đã làm cho Pháp thành một dân tộc tiền tiến, thì chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ muốn tranh đấu để được như thế.

Nếu bao giờ có cuộc đàm phán, Chính phủ cũng không giấu dân vì nước mình chưa phải là một nước ngoại giao bí mật.

Trả lời ngày 23-2-1946.

Báo Cứu quốc, số 172,ngày 24-2-1946.

47. Trả lời các nhà báo

Hỏi: Thưa Chủ tịch, chúng tôi nghe nói Chủ tịch tuyên bố rằng Chủ tịch có xu hướng cộng sản, nhưng có phải Chủ tịch cho rằng nước Việt Nam chưa có thể cộng sản hoá được trước một thời hạn là 50 nǎm không?

Trả lời: Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác. Cách đây 2000 nǎm, Đức Chúa Giêsu đã nói là ta phải yêu mến các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.

Còn khi nào thì chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được. Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả nǎng của mình. nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa có đủ.

Hỏi: Nếu Nam Kỳ từ chối không sát nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?

Trả lời: Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam? Người Baxcơ (Basques), người Brơtôn (Breton) không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?

Các nhà báo hỏi về vấn đề đại sứ Việt Nam ở ngoại quốc, Chủ tịch tuyên bố: “Tôi cho rằng, vấn đề này không những chỉ quan hệ đến quyền lợi của chúng tôi mà lại còn mật thiết đến cả quyền lợi của nước Pháp nữa. Thí dụ, ở Liên Hợp quốc, nước Pháp có một phiếu, nhưng thêm vào phiếu của nước Việt Nam, nước Pháp sẽ 2 phiếu nói ví chắc rằng hai nước Việt và Pháp sẽ cùng nhau song song tiến bước”.

Hỏi: Chủ tịch có định quốc hữu hoá doanh nghiệp nào của người Pháp không?

Trả lời: Chúng tôi không quốc hữu hoá không điều kiện; chúng tôi không tịch thu không của người nào cả.

Hỏi: Nếu Chủ tịch cần phải quốc hữu hoá thì sẽ quốc hữu hoá những doanh nghiệp nào?

Trả lời: Những doanh nghiệp nào dùng vào việc chế tạo bom nguyên tử.

Hỏi: Nước Việt Nam độc lập có thể đi đôi được với khối Liên hiệp Pháp không? Nếu như có một sự xích mích xảy ra thì sẽ xử trí như thế nào?

Trả lời: Chúng ta sẽ thảo luận và chúng ta sẽ đi tới chỗ thoả thuận.

Về vấn đề trưng cầu dân ý có thể nhưng chưa nhất định là sẽ tổ chức ở Nam Bộ, Chủ tịch tuyên bố: “Muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, bao giờ cũng tốn rất nhiều tiền. Giá thoả thuận được với nhau và bỏ trưng cầu dân ý đi thì vẫn hơn. Nếu không đi đến chỗ đó được, thì sẽ tổ chức một cách thành thực và thẳng thắn”.

Trả lời ngày 12-7-1946.

Báo Cứu quốc, số 292, ngày 15-7-1946.

48. Trả lời phóng viên Hãng thông tấn A.F.P

Chúng tôi muốn được độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, và chúng tôi lại muốn rằng sự hợp tác đó phải chặt chẽ thân thiện và do ý muốn của chúng tôi. Vì lẽ đó mà chúng tôi không chịu nhận bị coi chỉ là một hội viên thường, bị hạn chế trong khối Liên hiệp Pháp. Sự cản trở chính trong cuộc đàm phán Việt – Pháp hiện nay là ở vấn đề trưng cầu dân ý ở Nam Bộ. Chúng tôi muốn rằng ngày giờ và phương thức của cuộc trưng cầu dân ý đó phải được định đoạt một cách nhanh chóng và phải có đủ các đảm bảo để dân chúng Nam Bộ được tự do phát biểu ý kiến của họ. Tôi rất lạc quan và rất hy vọng đi tới kết quả.

Tôi tin tưởng ở nước Pháp mới. Hai nước Việt và Pháp có thể đi đến sự thoả thuận vì cả hai nước đều cần phải tương trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung của hai nước, cần phải đi đến một sự hiểu biết lẫn nhau càng nhanh chóng càng hay, để cùng có thể sẵn sàng bắt tay vào một công việc thiết thực.

Tôi muốn có thể sớm trở về nước Việt Nam được, để mang lại cho dân chúng Việt Nam bằng chứng mối cảm tình của nước Pháp đối với họ.

Trả lời ngày 2-9-1946.

Báo Cứu quốc, số 336, ngày 5-9-1946.

49. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, Pháp và Trung Hoa

Hỏi: Cảm tưởng của Chủ tịch khi ở Pháp?

Trả lời: Cảm tưởng rất tốt. Chúng tôi đi đến đâu, bất kỳ người giới nào, từ chính trị, vǎn hoá cho đến bình dân, đàn ông, đàn bà, thanh niên và nhi đồng đều tỏ ra có một cảm tình nồng hậu. Một cảm tưởng chung nữa của tôi là thấy: May mắn cho dân Pháp và cả thế giới nữa, thành phố Ba Lê, cái kho tàng vǎn hoá của nhân loại ấy, bị tàn phá rất ít. Trong hồi chiến tranh, nước Pháp cũng bị thiệt hại nhiều về người và vật liệu, nhưng bây giờ đã bắt đầu kiến thiết và dân chúng Pháp rất nỗ lực, tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ được như cũ. Về tinh thần, phần đông dân chúng Pháp có thể nói là đến 90% đều tỏ ra muốn hoà bình và dân chủ, còn 10% kia tôi không gặp nên không được biết. Đối với nước Việt Nam, đa số dân Pháp cũng tỏ ra có một cảm tình, rất nghiêng về nền độc lập của ta. Lý lẽ của họ rất đơn giản nhưng cũng rất sâu xa: Nước Pháp muốn dân chủ, không có lý gì lại muốn cho nước khác và nước Việt Nam không dân chủ, nước Pháp muốn độc lập và suốt bốn nǎm trời đã phấn đấu và hy sinh nhiều để cố giữ lấy độc lập, không có lý gì lại muốn nước Việt Nam không được độc lập. Trong những lời người Pháp nói với chúng tôi, đều thấy nói như vậy. Nhất là trong khi nói chuyện, chúng tôi bảo rằng: Dân Việt Nam đòi độc lập không phải là muốn đoạn tuyệt với Pháp mà trái lại muốn độc lập ở trong khuôn khổ khối Liên hiệp Pháp, thì bà con càng tán thành hơn nữa.

Hỏi: Vì cớ gì mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp đã ký bản Tạm ước?

Trả lời: Rất dễ hiểu. Một là cả hai bên đều muốn cho người Pháp và người Việt được làm ǎn dễ dàng. Hai là người Pháp và người Việt đều nghĩ rằng hai dân tộc đã khó chịu với nhau khá lâu rồi, giờ là lúc nên đi đến chỗ bắt tay nhau. Ba là Hội nghị Phôngtennơblô chưa kết thúc, còn cần phải tiếp tục, bản Tạm ước ấy chính là để làm công việc hội nghị sau đây được dễ dàng.

Hỏi: Chủ tịch ở Pháp, tình hình tiếp xúc với người ngoại quốc thế nào?

Trả lời: Ở Pháp, ở Ba Lê, thường có nhiều người ngoại quốc. Nhất là lúc này, Hội nghị hoà bình đương họp ở Luýchxǎmbua, nên số người ngoại quốc càng đông. Vì vậy, tôi được gặp nhiều. Người về giới nào cũng có, phần nhiều trong giới vǎn hoá, chính trị và ngôn luận. Họ đều hỏi thǎm tin tức về dân Việt Nam. Tôi cũng hỏi lại tin tức dân các nước họ. Nói tóm lại, các người tôi gặp đều tỏ tình thân thiện với tôi và cố nhiên, tôi cũng tỏ tình thân thiện với họ.

Hỏi: Cảm tưởng của Chủ tịch khi về đến nước nhà?

Trả lời: Tốt. Một là vì mùa màng được, dân sự khỏi lo đói. Hai là trông thấy dân ai cũng chǎm làm, chǎm học. Ba là thấy cảm tình giữa dân Việt Nam với người Pháp và các người ngoại quốc ở đây càng ngày càng tiến bộ. Bốn là thấy không khí ở đây cũng như ở Pháp sẵn sàng có thể đưa đến một sự cộng tác bình đẳng và thành thật.

Hỏi: Ngoại giao và quốc sách Việt Nam từ đây về sau có gì biến đổi không?

Trả lời: Có thể trả lời là không biến đổi gì hết. Về nội chính, Chính phủ từ trước tới giờ vẫn chủ trương đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam mới. Về ngoại giao, Chính phủ quyết đòi độc lập, quyết đòi thống nhất, nhưng quyết định ở trong khối Liên hiệp Pháp; đối với các hữu bang, từ trước đến giờ, vẫn theo một con đường thân thiện. Trước thế thì nay vẫn thế, không thay đổi.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về vấn đề có quan hệ trực tiếp với báo giới hiện thời:

Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Từ trước đến giờ, báo chí Việt - Pháp đều chỉ dùng giấy để viết những “tối hậu thư” nhiều hơn. Bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy ấy để viết những bức thư thân ái.

Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều. Báo chí Việt - Pháp bây giờ có thể giúp nhiều về chỗ làm dễ dàng mối quan hệ giữa hai dân tộc. Bởi vậy nên trong bản Tạm ước, hai Chính phủ rất trọng thị địa vị của nhà báo, đã có một khoản riêng về các nhà báo. Cố nhiên, chúng ta tôn trọng tự do của báo chí, nhất là hai nước tôn trọng dân chủ như nước Pháp và nước Việt Nam. Vì vậy, hai Chính phủ có hứa với nhau rằng từ đây về sau, các báo hoặc của Chính phủ, hoặc của dân chúng, sẽ thôi chửi nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Không phải chúng tôi có cái không tưởng rằng: Báo chí hai bên sẽ luôn luôn gửi thư yêu đương cho nhau. Nhưng bao giờ một bên nào có sự khuyết điểm, bên kia phải phê bình, thì cũng sẽ phải đứng trên lập trường hữu nghị mà phê bình cho bên kia sửa lại khuyết điểm. Làm như vậy, có ích cho cả hai bên cùng tiến bộ. Nếu không, cùng việc ấy, mà lại thêu dệt thêm lên, dùng những lời vô phép, thô bỉ, thì bên kia thấy vậy chưa biết phải trái ra sao hãy bất bình đã và không ngần ngại gì mà không đối phó lại cùng một cách.

Kết luận, hai Chính phủ hai bên cùng hy vọng rằng: Báo chí và truyền thanh hai bên sẽ giúp cho hai dân tộc càng ngày càng tiến tới chỗ hiểu biết nhau, đến một cảm tình tốt đẹp, nghĩa là, tóm lại, các báo chí Việt cũng như Pháp sẽ đừng dùng những lời lẽ quá đáng, những tin tức không đúng nữa.

Sau cùng, chúng tôi cảm ơn tất cả các anh em báo giới và hy vọng thêm rằng không những các báo chí giúp cho sự gây nên một cảm tình giữa các dân tộc mà còn ngay trong báo giới nữa cũng gây lấy một cảm tình hữu nghị.

Trả lời ngày 22-10-1946.

Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23-10-1946.

Còn nữa

Theo cpv.org.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: