Sau chiến tranh, Tổ quốc và nền báo chí cách mạng tôn vinh, ghi công 260 nhà báo liệt sĩ Thông tấn xã Việt Nam, trong đó riêng Thông tấn xã giải phóng Khu 8 có tới 21 nhà báo liệt sĩ. Ở Mỹ Tho, có bà má kiên gan cầm súng đánh Pháp, đuổi Mỹ, lặng thầm dìu dắt con trở thành nhà báo từ những năm 1960. Rồi cũng chính người má ấy thắt ruột, thắt gan lần lượt chứng kiến, chôn cất hai con khi họ ngã xuống giữa chiến trường khốc liệt.
Người má ấy là cô Tám Nghiệp (Đoàn Thị Nghiệp), Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ngày 6-11-1978, má Đoàn Thị Nghiệp được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và năm 1995 được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Thị Nghiệp.
Dìu dắt hai con làm báo
Má Tám Nghiệp sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hội Cự, huyện Cái Bè giàu truyền thống yêu nước. Ông nội là nghĩa quân của thủ lĩnh Đoàn Trưng nổi dậy chống Tự Đức xây “Vạn niên thành”. Cuộc binh biến “Chày vôi” tại kinh đô Huế bị tàn sát đẫm máu, người ông mang dòng máu họ Đoàn phải chạy loạn, vào ẩn cư tận Đồng Tháp Mười. Người cha của má Tám Nghiệp cũng không cam chịu nô lệ đã theo Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Thủ Khoa Huân mài gươm chống Pháp. Ngày 23-9-1945, Nam Bộ kháng chiến, thừa hưởng khí tiết bất khuất của ông, cha, ngoài 20 tuổi, má Tám Nghiệp theo hai người anh Đoàn Văn Lệ, Đoàn Hữu Huynh đứng vào đội quân “Nóp với giáo, tầm vông vạt nhọn” đánh giặc. Ngày 18-12-1945, binh đoàn thuộc địa Lê Dương số 3 đánh chiếm huyện Cái Bè, má Tám Nghiệp lúc này làm Bí thư xã đoàn được phân công phối hợp với Chi đội 17 Mỹ Tho cản địch trên Quốc lộ 4. Trong trận chống càn ấy, má Tám Nghiệp được anh vệ quốc đoàn Bùi Văn Thô hướng dẫn gài mìn, ném lựu đạn và sử dụng khẩu súng “Mút-cơ-tông” dài ngoẵng. Má Tám Nghiệp đâu có ngờ về sau nên duyên vợ chồng với người lính quê ở miệt vườn Bình Phú, Cai Lậy. Cưới nhau “năm toàn quốc kháng chiến”, cuối năm 1947, vợ chồng má Tám Nghiệp có Bùi Văn Thưởng và năm 1950, Bùi Văn Tấn chào đời trong căn cứ Mỹ Phước, nơi đặt cơ quan của xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, rồi Bộ tư lệnh khu 8 sau này.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), tiễn chồng đi tập kết với niềm tin chỉ hai năm là gia đình sum họp, má Tám Nghiệp dắt díu hai con về Đồng Tháp Mười. Sắm cái bàn may kiếm sống, má nuôi hai con ăn học và hoạt động công khai, đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn chấp hành Hiệp nghị, tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Thế nhưng, bè lũ Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn đã xé bỏ Hiệp nghị, điên cuồng đánh phá thành quả cách mạng, tàn sát, bỏ tù những người kháng chiến cũ, thiết lập bộ máy ngụy quyền, ráo riết bắt lính xây dựng ngụy quân.
Hai anh em nhà báo, liệt sĩ Bùi Văn Thưởng (bên trái), Bùi Văn Tấn. Ảnh tư liệu
Bị vây ráp, kìm kẹp, tổn thất trong chiến dịch “Tố cộng”, “Diệt cộng”, “Ly khai cách mạng”, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo cơ sở rút vào hoạt động bí mật, xây dựng căn cứ, kháng chiến lâu dài trong bưng biền Đồng Tháp Mười. Vừa len lỏi vượt ấp chiến lược, khâu nối, xây dựng cơ sở cách mạng, má Tám Nghiệp vừa tìm cách lo cho hai con ăn học ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều tháng, má phải ăn củ chụp, củ bình báng, dành suất gạo ít ỏi cho hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đồng Khởi ở Bến Tre được ít lâu, ngày 20-12-1960, Thông tấn xã Giải phóng ra đời. Tỉnh ủy Mỹ Tho cử Tám Thạnh (Hồ Văn Thạnh) phụ trách tiểu ban báo chí tuyên truyền. Mặt trận dân tộc giải phóng Mỹ Tho có tờ báo “Tranh đấu” xuất bản năm 1960, đến tháng 12-1961 thì đổi thành “Giải phóng”. Sau chiến thắng Ấp Bắc, đánh bại chiến thuật “Thiết xa vận”, “Trực thăng vận” của Mỹ, ngụy, để cổ vũ phong trào thi đua với Ấp Bắc giết giặc lập công, tờ “Giải phóng” được mang tên “Ấp Bắc”.
Từng đọc, tuyên truyền cho báo “Liên Việt”, cơ quan của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho-Gò Công từ năm 1951, má Tám Nghiệp mong muốn Bùi Văn Thưởng đánh giặc, giải phóng quê hương bằng cây bút, trang giấy. Năm 1960, Bùi Văn Thưởng vừa học xong chương trình Đệ tứ (tương đương lớp 9 phổ thông ngày nay), má Tám Nghiệp đã xin ông Tám Thạnh cho con mình vào cơ quan Thông tấn xã Mỹ Tho. Thế là ở tuổi 13, cậu bé Bùi Văn Thưởng háo hức làm “chú nhà báo Giải phóng” chuyên quay máy Ra-gô-nô, phát điện truyền tin tức, bài vở về Tổng xã Giải phóng Miền. Cậu còn có nhiệm vụ chép tin đọc chậm từ Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Giải phóng chuyển cho lãnh đạo và các cơ quan Tỉnh ủy, Mặt trận dân tộc Giải phóng Mỹ Tho. Bùi Văn Thưởng còn học nghề ở các chú, các anh nhà báo cấp miền, cấp khu rồi viết tin, bài cho báo “Tranh đấu”, “Tin tức Mỹ Tho”, “Giải phóng”, “Ấp Bắc”. Thế rồi 3 năm sau, 1963, theo lời khuyên của má Tám Nghiệp, chú em Bùi Văn Tấn cũng vào công tác ở Phân xã Mỹ Tho. Và có một điều trùng lặp đến lạ lùng là Bùi Văn Tấn bước vào nghề báo cũng vừa lúc 13 tuổi và cũng vừa học xong chương trình Đệ tứ.
Tên tuổi hóa thân vào châu thổ Cửu Long
Địa bàn hoạt động của Phân xã Mỹ Tho chỉ cách cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn 70km.
Thời Mỹ, ngụy, Sài Gòn, Mỹ Tho gần như nằm kẹp giữa căn cứ quân sự Vùng 3 và Vùng 4 chiến thuật, trực tiếp đối đầu với những trận càn quét liên miên của các sắc lính: Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến Mỹ, Sư đoàn bộ binh số 9 và số 7 ngụy, chưa kể bọn giang thuyền hải quân, cảnh sát dã chiến, dân vệ…
Ông Tám Thạnh chỉ đạo Phân xã phải “ém quân” an toàn, cơ động “nhảy cóc” linh hoạt để phát tin trong mọi tình huống bị vây ráp. Bùi Văn Thưởng nhỏ con mà gan lì số một. Quanh thắt lưng lúc nào cũng lèn chặt lựu đạn, đụng địch là chủ động đánh mở đường cho phân xã rút an toàn. Túi mìn Cờ-lây-mo của Thưởng bao giờ cũng có tấm vải nhựa. Gặp trận càn đột ngột, Thưởng dùng tấm vải nhựa bọc kín máy phát sóng, máy Ra-gô-nô giấu dưới nước. Phân xã thiếu thiết bị, phụ kiện thay thế phương tiện phát điện, phát sóng, Thưởng nài nỉ chú Tám Thạnh cho theo các đơn vị Giải phóng tập kích căn cứ Mỹ quanh lộ 4, vừa lượm được nhiều tin chiến thắng vừa thu lắm “chiến lợi phẩm ngon”. Có trận, Thưởng mang về máy phát tin 15W, bình ắc quy điện, rồi nào máy ảnh, phim chụp ảnh của Mỹ. Trong trận chống càn tại Ấp Bắc (xã Tân Phú Trung, Cai Lậy, Mỹ Tho) ngày 2-1-1963, Bùi Văn Thưởng bám theo ông Hai Hoàng (Nguyền Văn Điều), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261. Ông Hai Hoàng được Bộ Tư lệnh khu 8 giao chỉ huy Tiểu đoàn 261, Tiểu đoàn 515, bộ đội địa phương Châu Thành, Cai Lậy, du kích xã Tân Phú Trung đánh phủ đầu chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” của Mỹ, ngụy. Bùi Văn Thưởng có bài tường thuật nóng hổi: “Ấp Bắc, trận đầu đánh thắng chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận”. Bài báo được phân xã Mỹ Tho phát nhanh sau trận thắng càn. Các Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Cứu quốc, Thống nhất, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam đăng và phát vào ngày 3-1-1963 làm nức lòng quân, dân cả nước. Không bao lâu Bộ Tư lệnh quân Giải phóng miền, Trung ương cục phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”. Hậu phương miền Bắc xây nhiều công trình, tăng sản phẩm, cánh đồng 5 tấn, xưởng máy năng suất cao, đoàn xe, đoàn tàu an toàn mang tên “Ấp Bắc”.
Để anh trai rảnh rang chân tay làm phóng viên chiến trường, năm 1963, Bùi Văn Tấn thay thế vị trí báo vụ đài CFM truyền tin tức từ Phân xã Mỹ Tho về Tổng xã Giải phóng Miền. Chú bé lấy tin tức toàn miền qua chiếc thu thanh bán dẫn hằng ngày, chép tin đọc chậm Đài Tiếng nói Việt Nam cung cấp tình hình chiến sự cho Tỉnh ủy.
Ngoài phiên trực báo vụ phát tin, Bùi Văn Tấn vui vẻ làm cả phần việc công vụ cho cơ quan Tuyên huấn Mỹ Tho. Chú như con sóc mang tài liệu, công văn băng qua vành đai pháo chụp, pháo bầy, trực thăng quần thảo đến cơ quan Tỉnh đội của má Tám Nghiệp, Tỉnh hội phụ nữ, ban Binh vận, nhiều đợt chèo ghe vượt kênh Cái Xáng vào căn cứ Khu ủy Khu 8.
Tháng 3-1967 trên đường công tác về Tân Phú, Cai Lậy, gặp trực thăng vây bắt, Bùi Văn Tấn tách đoàn công tác, phóng mình ra giữa trảng cát kéo tụi giặc bám theo. Cả đoàn cán bộ an toàn nhưng Bùi Văn Tấn bị trọng thương. Bởi thiếu thuốc, phương tiện cứu chữa, mất máu nhiều quá nên Tấn trút hơi thở cuối cùng ở trạm xá Hưng Thạnh (nay là huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Hai năm sau, tháng 6-1969, người anh Bùi Văn Thưởng cũng hy sinh khi anh mở đường máu cứu đồng đội trong trận càn ở Mỹ Đức Tây, Cái Bè của địch.
Ngày 6-4-1972, trong trận phá vây tại kênh Bùi Tường, Phú Nhuận, Cai Lậy, má Tám Nghiệp cùng đội công tác Tỉnh đội Mỹ Tho chiến đấu với một trung đoàn thuộc Sư đoàn 7 ngụy. Má Tám Nghiệp cùng đồng đội đánh trả quyết liệt, bắn tới viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh.
Miền Nam giải phóng, đất nước liền một dải. Trong căn nhà của Trung tá Bùi Văn Thô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cai Lậy, mỗi khi có khách tới thăm, người cha hai nhà báo liệt sĩ, người chồng nữ liệt sĩ Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp lại bùi ngùi lật giở tờ báo “Ấp Bắc” đăng bài Bùi Văn Thưởng và cuốn sổ phóng viên đã ngả màu. Kỷ vật của ba người thân yêu chỉ có vậy. Ông day dứt bởi đánh giặc miết không có mấy thời gian gần gũi vợ con, chở che cho cái tổ ấm của mình. Rồi ông chậm rãi nói như với riêng mình: Má mày cùng hai con chắc giờ đã hóa đất đai châu thổ Cửu Long rồi.
Văn Hiền
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến (st)