Những nụ cười vô hồn, những tiếng gào thét như bị ai đánh đuổi của những thương bệnh binh tâm thần tại Trung tâm Thương bệnh binh Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, khiến bao người ghé thăm nghẹn ngào rơi lệ. Càng thấy cảm thương cho những người lính đã từng xông pha nơi chiến trường nay chưa về, cảm thương những người mắc căn bệnh tâm thần quái ác thì người ta lại càng cảm phục đội ngũ y, bác sỹ đang cố gắng hết sức mình để làm những người “ con thảo” ở nơi đây.
Sống trong quá khứ
Giữa cuộc sống xô bồ của thực tại, những thương bệnh binh ở Trung tâm thương binh Nho Quan vẫn lẳng lặng sống trong ký ức của chiến tranh với nỗi đau hằn dấu. Hàng ngàn con người với những mảnh đời khác nhau từng đến, đi và cả nằm lại nơi mảnh đất mà với nhiều người chưa một lần có trong ý niệm. Một mái nhà chung, không hẹn mà gặp gỡ, xa lạ nhưng cùng một nỗi đau của hội chứng chiến tranh. Quá khứ mãi dừng lại trong những thương binh này ở cái tuổi 20 đẹp nhất. Hình ảnh rừng sâu hay phố thị (nơi họ từng tham gia chiến đấu), cùng với những tiếng đạn pháo đùng đoàng ám ảnh họ ở từng cơn mơ trong giấc ngủ chưa bao giờ tròn giấc.
Những phút giây ca hát ngời sáng niềm tin
Không gian tĩnh mịch của màn đêm nơi rừng núi này đã biết bao lần bị phá vỡ bởi những tiếng hô xung phong và những tiếng kêu gào thảm thiết. Quằn quại thế, đau đớn thế nhưng khi tỉnh dậy họ không có trong trí nhớ của nỗi đau đêm qua, tất cả mọi sinh hoạt đều bình thường với những bước chân vô hồn. Chẳng ai biết ngoài kia cuộc sống như thế nào và nhiều người cũng chẳng biết luôn mình đang ở đâu, ngày ngày cứ vận động, chơi đùa như con trẻ.
Đôi đũa nhỏ với bao người chỉ là vật dụng dùng trong bữa cơm. Nhưng ở Trung tâm này, nhiều khi nó trở thành khẩu súng trong tưởng tượng để bắn vô định vào không gian. Cứ bắn, cứ xung phong rồi cùng những bệnh nhân khác nhìn vào đó cười sằng sặc... Những tiếng cười đó đã quá quen thuộc đối với bác Lê Chí Viễn – Người đã gắn bó với Trung tâm mấy chục năm nay. Bác may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác, vì sau 40 năm được các y, bác sỹ kiên trì điều trị thì bác đã cơ bản trở thành người bình thường. Bác chia sẻ: “ Tôi bị thương ở chiến trường Lào từ những năm 1973, và cũng kể từ đó bị chứng hoang tưởng, lúc nào trong đầu cũng là hình ảnh chiến đấu, cũng cầm súng chiến đấu và sợ nhất là khi đông người, bác chỉ nghe thấy những tiếng hô, tiếng trách không tròn tiếng mà cũng chẳng rõ mặt người. Những hình ảnh điên dại sau này bác sĩ kể tôi mới biết, giờ nhìn những bệnh nhân khác tôi mới nhận ra chính mình trong những ngày điên dại”.
Những nấm mồ chỉ đúng ngày tạ thế
Nghĩa trang nhỏ của Trung tâm Thương binh Nho Quan với tấm bia tưởng niệm “ Tổ Quốc Ghi Công” ngày qua ngày vẫn chật thêm những nấm mồ nhỏ - nấm mồ của những người lính chưa một lần trở về. Ra khỏi cuộc chiến còn đang dang dở, nhiều mảnh bom viên đạn đã găm sâu vào những người lính ấy, ngoài cướp đi của họ một phần thân thể, nó còn cướp đi của họ trí nhớ và biến họ thành những người dở điên, dở dại. Thời gian dài đẵng đẵng, nhưng với nhiều bệnh nhân ở Trung tâm thì không có sáng tối, ngày tháng. Họ sống và vận động theo khuôn khổ giờ giấc đã được Trung tâm xác lập và tuân theo sự hướng dẫn của đội ngũ y, bác sỹ ở đây.
Nhiều bệnh nhân ở Trung tâm có may mắn là được người nhà tìm đến, thăm nom và khi sức đã kiệt thì được gia đình đưa về nhà để một lần nhìn thấy quê hương và yên nghỉ cùng ông bà, tổ tiên. Có hàng trăm con người không có được may mắn ấy. Họ chiến đấu, bị thương, mắc chứng tâm thần, qua nhiều Trung tâm và cuối cùng trút hơi thở ở mảnh đất xa lạ này. Giữa trời chiều lộng gió, nghĩa trang riêng của Trung tâm vẫn nghi ngút khói hương do y, bác sỹ và bệnh nhân tại Trung tâm đến viếng thăm những người đã nằm xuống.
Mỗi lần ra nơi này, bác sỹ Bùi Minh Đức – Phó giám đốc Trung tâm lại một lần rơi lệ. Chỉ vào một tấm bia mộ ghi: “ Phạm Văn Rỵ - Quê miền Nam - Tạ thế ngày 19-11-1965”, anh nghẹn ngào: “ Ở nghĩa trang này có nhiều bia mộ như thế. Quê “ miền Nam” là do chúng tôi tự đặt vì khi còn sống nghe bệnh nhân nói giọng miền Nam. Cả tên tuổi nữa, khi hỏi tên cũng không giám chắc bệnh nhân đã nhớ tên mình, có khi bệnh nhân vào chúng tôi tự đặt tên, để bây giờ, người nắm dưới lớp cỏ chẳng có một lần được gọi đúng tên. Chỉ có ngày mất là đúng, vì chúng tôi theo dõi và nhớ để làm giỗ cho người đã khuất.”
“ Miền Nam”, chẳng có tên tỉnh nào như thế cả. Miền Nam, nghe đã nhiều nhưng chẳng ai có thể nghĩ ở mảnh đất này lại lấy đi bao nhiêu giọt lệ của những người ghé thăm. Chiến tranh đã qua đi, nhưng bi kịch dành cho những người lính góp máu xương dập tắt lửa chiến tranh vẫn còn đó. Và những cảnh đời éo le ấy vẫn đang sống, đang được chăm sóc bởi những “ người con hiếu thảo” của những người lính từng bước qua cuộc chiến một thời.
Ấm áp không khí một gia đình
Cho đến tận bây giờ bác sỹ Nguyễn Thị Thuỷ, Trưởng khoa II vẫn không thể quên hai lần chị bị bệnh nhân tại Trung tâm đánh vào các năm 1998 và 2002. Chị kể: “ Hai lần tôi bị đánh cùng chung một bối cảnh, bước vào buồng bệnh đúng lúc bệnh nhân lên cơn rối loạn thần kinh, cứ cầm những vật dụng có thể và nhằm vào bác sỹ mà đánh. Sức phụ nữ yếu ớt, tôi phải hô to để đồng nghiệp đến giải cứu. Kết quả, về nhà với khuôn mặt sưng tấy và cánh tay bầm tím, cùng sự hoảng loạn về tinh thần. Bị gia đình phản đối không cho đi làm tiếp nữa nhưng tôi đã kiên trì làm công tác tư tưởng để gia đình đồng thuận cho tôi tiếp tục công việc”. Với chị Thuỷ thì bất cứ ai đã bước chân vào Trung tâm này đều xác định những thương bệnh binh như người thân trong nhà, chẳng ai có thể ngừng lại công việc ấy.
Ngày ngày chị và đồng nghiệp vẫn hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục với những động tác đơn giản. Chẳng thể nói bài tập này có tác dụng nâng cao sức khoẻ, bởi những người thực hiện không làm được những động tác dứt khoát theo yêu cầu. Nhưng đó là một trong những biện pháp mà Trung tâm duy trì hàng ngày để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, giúp ích hơn cho việc điều trị.
Giờ ăn cơm của các thương bệnh binh ở Trung tâm
Rồi đó là những giây phút cùng bệnh nhân tham gia ca hát dưới tán cây. Những người lính năm nào vẫn cầm trên tay cây đàn guitar, vẫn hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” hay “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Những lời hát có thể không tròn tiếng nhưng cùng với nhịp vỗ tay của hàng trăm con người thì nó lại tạo nên một khí thế, một sức sống mới phảng phất niềm hạnh phúc dung dị.
Đến Trung tâm này, nếu ai quan tâm sẽ được nghe kể về mối tình giữa bệnh nhân Lê Chí Viễn và nhân viên cấp dưỡng Hoàng Thị Cúc. Tình yêu giữa một thương binh nặng với một nhân viên vẹn niềm vui khi được Trung tâm đứng ra tổ chức một đám cưới giản đơn. Một mối tình đẹp như chuyện cổ tích và những đứa trẻ lần lượt ra đời, lành lặn, khoẻ khoắn. Uớc mơ đã trở thành hiện thực đối với một người bệnh như bác Viễn và cũng là ước mơ của đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm thay cho hàng trăm bệnh nhân tâm thần đang ở nơi đây – ước mơ có một ngày kia mọi người khỏi bệnh, trở lại cuộc sống đời thường và được cuộc sống đang dang rộng vòng tay đón họ trở về như những người anh hùng.
Trần Ngọc
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)