Những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân cống hiến trên chiến trường, cho quê hương, đất nước. Trở về với đời thường khi sức khỏe yếu, tuổi xuân không còn. Gần bước sang tuổi 60, nhưng vẫn phải lăn lộn với gánh nặng mưu sinh, lại thêm trên dưới 3 lần lên bàn mổ vì căn bệnh thận quái ác. Tất cả những nhọc nhằn, gian khổ ấy vẫn không làm mất đi nụ cười rạng rỡ trong đôi mắt bà, nữ thanh niên xung phong Trịnh Thị Chính.
Đã từng được nghe, được đọc nhiều về cảnh ngộ éo le của những nữ thanh niên xung phong thời hậu chiến. Nhưng đến khi gặp chị - cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trịnh Thị Chính (Đạo Tú - Tam Dương) trong căn nhà nhỏ bé với ít vật dụng khá tuềnh toàng, được nghe chị cùng các đồng đội ôn lại ký ức của những tháng năm bom đạn, chúng tôi lại thêm một lần ngậm ngùi, chua xót bởi câu chuyện của chị cũng như hàng nghìn cựu TNXP khác - đầy éo le và nước mắt.
Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, cùng với hàng triệu thanh niên của miền Bắc, cô thiếu nữ Trịnh Thị Chính (Phù Ninh - Phú Thọ) hăng hái viết đơn tình nguyện để được làm TNXP, từ giã thời tuổi trẻ sôi nổi, vác ba lô lên đường xây dựng quê hương. Với hành trang mang theo vào chiến trường là niềm hạnh phúc được cống hiến và niềm mong mỏi hoàn thành nhiệm vụ mà bố mẹ cô gửi gắm. Đóng quân tại mặt trận Sầm Nưa, Xiêng Khoảng trên đất bạn Lào, với công việc tiếp lương, tải đạn, vận chuyển thương binh, làm đường... vô cùng vất vả nhưng cô luôn động viên bản thân phải cố gắng. Trải qua những năm tháng TNXP khốc liệt và sống giữa sự đùm bọc yêu thương của đồng đội, cô mới thấu hiểu hết chân lý vì sao sống trên đời phải biết vì mọi người. Với khẩu hiệu “Không để đồng đội đã bị thương một lần, lại bị thêm lần nữa”, bất chấp những loạt mưa bom, bão đạn của kẻ thù, chị cùng các nữ đồng đội đã không ít lần lấy thân che đạn cho bộ đội bị thương… rồi sốt rét, bệnh tật cùng với bom đạn của kẻ thù ngày đêm bắn phá, không ít người đã ra đi, nằm lại chiến trường giữa đại ngàn hoang vắng, cô quạnh. Chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhưng đến giờ, mỗi khi nhắc lại những tháng năm gian khổ ấy, chị lại thêm một lần rưng rưng nước mắt: “Hôm nay, chúng tôi được trở về, sống trong hòa bình là hạnh phúc lắm rồi! Còn nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, nằm trong rừng núi, để lại khoảng trống đau thương vô bờ cho người thân của họ”.
Sau 3 năm “ăn bom, ngủ đạn” trên chiến trường, năm 1975, chị về quê hương và làm công nhân tại nhà máy dệt Vĩnh Phú. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười khi một năm sau chị xây dựng gia đình với anh Bạch Xuân Mai (Yên Lạc-Vĩnh Phúc) nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau vài năm xây dựng gia đình, những ảnh hưởng ngày nào của chiến tranh đã khiến chị lần đầu tiên lên bàn mổ với căn bệnh thận quái ác. Sau lần mổ ấy chị buộc phải xin nghỉ mất sức bởi đã bị cắt mất một quả thận. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, sức khỏe suy giảm, hai vợ chồng anh chị lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống đời thường. “Gian nhà 3 gian được mẹ chồng xây dựng cho từ năm 1977 đã xuống cấp nghiêm trọng, ruộng không có, sức khỏe chẳng còn nguyên vẹn, 2 vợ chồng cùng 4 người con phải đối mặt với những bữa đói, bữa no thất thường. Có những đợt cả nhà triền miên ăn cháo sắn hết ngày này sang ngày khác. Cơ cực, gian khổ ấy không thể nào kể xiết”. Chị Chính nghẹn ngào rưng rưng nước mắt.
Nói về những hi sinh, gian khổ của lực lượng TNXP nói chung, các nữ TNXP nói riêng, bác Nguyễn Văn Thú nguyên là cựu TNXP (Đạo Tú -Tam Dương) tâm sự: Vẫn biết rằng sự hi sinh thầm lặng của thế hệ TNXP là không gì có thể bù đắp được. Nhưng đối với các chị, các cô, “Đường thông xe, các cô mới đi nằm/ Các cô để lại tuổi thanh niên/ Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi /Cho đất nước, quê hương”, thì những hi sinh thầm lặng ấy lại to lớn hơn bao giờ hết. Thực tế chứng minh rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các nữ TNXP lại trở về với cuộc sống đời thường, bươn chải mưu sinh. Trong số họ, không ít người rơi vào cảnh nghèo khó, không may mắn”. Không ít các chị, các cô trở về với cuộc sống khi “tuổi xuân con gái còn đâu” hạnh phúc với họ giờ đây chỉ là những hồi ức, hoài niệm về một thời nhiệt huyết của tuổi trẻ, phá đá, mở đường, thông xe ra tiền tuyến. Được sống trong tình đồng đội thân thương dưới trời bom đạn, bên những cánh rừng già vắng lặng hoang vu. Mái ấm gia đình, với họ dù được hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng thì cũng là một ước mơ cháy bỏng nhưng quá xa tầm với. Tâm sự trong nghẹn ngào nước mắt, chị Chính bảo rằng: Khó khăn, gian khổ của chị sau những tháng năm cống hiến trở về tuy cơ cực, lầm than, nhưng xem ra vẫn còn hạnh phúc chán so với những: Chị Bình, chị Ý, chị Hoa, chị Hạnh… những đồng đội thân thương chưa từng được hưởng một lần sự thiêng liêng của hai từ: Làm mẹ.
Trong một lần về thăm ngã ba Đồng Lộc, nhà thơ Huy Cận thổn thức:Những ngã ba Việt Nam/ Dọc đường dài kẻ địch còn găm /Nhiều bom nổ chậm /Nhưng chẳng hề chi! /Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám /Nhiều Võ Thị Tần/ Đường sẽ thông xe đi về cách mạng. (La Thị Tám nữ TNXP được phong tặng anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là nguyên mẫu nữ nhân vật trong bài hát "Người con gái sông La" của nhạc sĩ Doãn Nho; Võ Thị Tần - tiểu đội trưởng của mười cô gái TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc _ PV). Tâm sự ấy của thi sỹ họ Cù cũng chính là nỗi niềm của thế hệ TNXP cả nước nói chung và những nữ TNXP nói riêng. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, họ sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân, sức trẻ, hạnh phúc cá nhân. Để rồi khi lý tưởng, mục đích hoàn thành, họ âm thầm trở về quê hương, tiếp tục xây dựng, cống hiến cho xã hội. Bất chấp những khó khăn của đời sống hàng ngày, họ không một lời, kêu ca, than oán.
Thiệu Vũ
Theo baovinhphuc.com.vn
Kim Yến (st)