Hằng năm, vào cữ cuối mùa biển lặng, đều đặn có những chuyến tàu vô cùng đặc biệt cưỡi sóng tiến ra Trường Sa. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân Ủy Trung ương và Quân chủng Hải quân, những chuyến tàu này mang nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh nhân văn cao cả: Đưa thân nhân trong đất liền ra thăm các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam... Đối với những người lính đảo, đây là những chuyến tàu được họ trông đợi nhất, được mệnh danh là “quan trọng hơn cả văn công”.
1. 2 giờ chiều. Hội trường Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phía Nam đã chật kín không còn một ghế trống. Gần 300 thân nhân của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, từ khắp mọi miền đất nước, quây quần để làm nốt những thủ tục cuối cùng cho chuyến hải hành vào sáng sớm ngày mai. Tiếng loa đanh gọn điểm danh từng thân nhân vang lên khiến bầu không khí đã mang hơi hướm kỷ luật quân đội. Những người cha, người vợ lính đứng lên đáp lại lời điểm danh bằng những tiếng "có" đanh gọn. Những tháng ngày dài sống cùng những người lính đã "nhiễm" cho họ một tác phong nghiêm túc!
Tác phong mang tính quân kỷ ấy liên tục được duy trì, cho đến cả những phút giây nghẹt thở nhất: Công bố những thân nhân phải ngừng chuyến đi vì không đảm bảo điều kiện sức khỏe. Bốn người đàn ông mặt mũi căng thẳng ngồi lặng một góc, vẻ thất vọng tràn ngập gương mặt. Không thất vọng sao được khi những người cha này đã lặn lội hàng trăm, hàng ngàn cây số vào tận thành phố Hồ Chí Minh, ăn ở mấy ngày trời… để rồi bị loại khỏi danh sách xuống tàu ở phút cuối. Công sức và thời gian bỏ ra thì đã nhiều rồi, nhưng có lẽ gánh nặng lớn nhất là bao sự kỳ vọng, bao sự gửi gắm từ những người thân ở quê nhà đặt lên vai họ. Nhưng biết sao, kỷ luật quân đội không cho phép tồn tại những ngoại lệ…
Trung úy quân y Lê Quang Vinh khẽ cau mày lườm khi thấy tôi lăng xăng ngó vào bản danh sách 4 thân nhân có dấu khoanh đỏ. Lần kiểm tra huyết áp cuối cùng này, bản thân anh cũng phải chịu một áp lực không nhỏ. Đích thân Trưởng đoàn công tác, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, Đại tá Ngô Mậu Bình, đứng sát bên cạnh động viên tâm lý các thân nhân. Nhưng có lẽ áp lực lớn hơn đến từ những ánh mắt vẫn còn le lói hy vọng. Kết quả lần kiểm tra cuối vẫn không có gì khả quan. Trung úy Vinh, rồi đích thân Đại tá Bình kiên nhẫn giải thích cho các thân nhân, nhấn mạnh đây là quy định chung của cả Đoàn công tác.
"Tôi xin hứa rằng những món quà và lời thăm hỏi của các bác sẽ được các đồng đội gửi ra đến tận tay con em mình ngoài đảo. Các bác cứ yên tâm nghỉ ngơi tại nhà khách nốt hôm nay, sáng mai ra về rồi động viên mọi người ở nhà rõ", Đại tá Ngô Mậu Bình động viên các thân nhân.
Và cho đến thời điểm kết thúc chuyến đi, mới thấy được cái sự kiên quyết của Đại tá Bình và Trung úy Vinh là sáng suốt, là cần thiết. 13 ngày lênh đênh trên biển chỉ êm ả được 2 ngày đầu. 11 ngày còn lại là chiếc tàu vận tải đa năng hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam HQ-571 liên tục lắc lư nhồi lên nhồi xuống trong những cơn sóng cấp 4, cấp 6.
Có những nữ thân nhân bỏ cơm mất 3 ngày phải gọi quân y xuống khám. Có những con "sói biển" đã phải nằm thu lu trên giường vì say sóng. Có những người đã ra Trường Sa tới lần thứ 4 mà cũng phải than trời vì bị sóng nhồi…
Trung úy Vinh vỗ vai tôi cười nói rằng, anh thử tính xem, giữa biển khơi sóng gió như thế này, chỉ cần 1 trong 4 thân nhân nằm trong danh sách bị cao huyết áp kia xảy ra chuyện gì thì toàn bộ gần 150 thân nhân trên tàu cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, đó là chưa kể đến những hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi xin chuyển câu nói này của vị bác sĩ quân y đến với những thân nhân kia, để mong có được sự thông cảm, tất cả vì đại cục mà thể tất.
Đích thân Đại tá Ngô Mậu Bình, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, xuống làm công tác
tư tưởng, động viên các thân nhân không đủ sức khỏe ra Trường Sa.
2. Ít ai biết rằng, để những chuyến đưa thân nhân đi thăm cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa hằng năm được vận hành trơn tru, công tác chuẩn bị đã diễn ra trước đó hàng tháng trời. Danh sách những thân nhân thuộc diện đủ tiêu chuẩn được tổng hợp, lựa chọn, sau đó thông báo về địa phương.
Nhận được phản hồi từ gia đình có tham gia Đoàn thăm thân, danh sách mới được chốt và gửi tới các bộ phận chuẩn bị. Vì thân nhân trong Đoàn công tác sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở, cả trên đất liền và trên tàu, những công việc liên quan đến hậu cần, giấy tờ sổ sách… phải được thực hiện tỉ mỉ và chính xác, đảm bảo đúng ngày giờ chốt danh sách Đoàn, toàn bộ các thành viên phải có mặt 100%...
Để đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho Đoàn công tác, toàn bộ thực đơn đã được lên sẵn từ đất liền và có thực phẩm dự phòng. Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Công ty Hải Thành tổ chức 2 Đoàn công tác do đích thân 2 Phó Giám đốc công ty làm Trưởng đoàn, mỗi Đoàn quán xuyến toàn bộ việc đưa đón thân nhân, thanh toán chế độ tiền tàu xe và phụ trách những bữa ăn cho các thành viên trong Đoàn trên 2 tàu HQ-996 và HQ-571.
HQ-571, tàu vận tải hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, đang thả trôi để đưa thân nhân vào thăm chiến sĩ tại đảo An Bang.
Ông Lê Đức Hòa, ra thăm con trai là Lê Đức Hải trên đảo Trường Sa Lớn, cho biết, ông khá ngạc nhiên khi biết mình được hưởng chế độ tương đương tiêu chuẩn cấp đại úy. Với tiêu chuẩn này, mỗi thân nhân sẽ được đảm bảo 4 bữa ăn trên tàu, bao gồm 3 bữa ăn chính và 1 bữa ăn khuya.
Thượng tá Nguyễn Đức Anh, Phó Giám đốc Công ty Hải Thành, cho biết những bữa ăn trên tàu sẽ được thay đổi linh hoạt tùy thuộc theo điều kiện thời tiết, không những phải đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng mà còn phải ngon miệng. "Chúng tôi xác định phục vụ thân nhân của các cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa cũng chính là phục vụ thân nhân của mình. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt. 38 cán bộ chiến sĩ của Công ty Hải Thành đã phải hành quân từ Hải Phòng vào thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện nhiệm vụ này. Với kinh nghiệm đã từng phục vụ nhiều đoàn công tác cấp cao của Đảng và Nhà nước, tôi tin là sức khỏe của Đoàn thân nhân chiến sĩ sẽ được đảm bảo", Thượng tá Anh khẳng định.
3. Phương tiện chuyên chở Đoàn thân nhân ra thăm cán bộ chiến sĩ ngoài quần đảo Trường Sa là 2 chiếc tàu vận tải hiện đại nhất của Vùng 4 Hải quân: HQ-996 và HQ-571.
HQ-996 thì đã quá nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông, bởi từ lúc hạ thủy vào năm 1994 đến nay, chiếc tàu vận tải lớp AK này đã đảm nhận việc chuyên chở hàng trăm đoàn lãnh đạo, thanh niên xung kích, nhà báo… ra Trường Sa. Thậm chí, HQ-996 còn xuất hiện trong cả bài hát, trong đó có những câu nay đã trở thành khẩu hiệu cho những người lính hải quân Vùng 4: "996 ơi vươn tới biển khơi, đưa bao con người vươn ra hải đảo, dựng xây Trường Sa cùng đất nước. Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Có chúng tôi đến với Trường Sa".
Với trọng tải 2.059 tấn, HQ-996 có 3 tầng, sức chứa 196 giường cho hành khách và 9 phòng VIP, đảm bảo nước và thực phẩm sinh hoạt cho hải trình 10-15 ngày. Trong chuyến công tác năm 2013 này, HQ-996 đảm nhận nhiệm vụ đưa gần 150 thân nhân tới thăm các cán bộ chiến sĩ tại các cụm đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa (Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn).
Nhưng vào tháng 3/2012, danh hiệu "Hoa hậu Vùng 4" và đủ các danh hiệu hoành tráng khác của HQ-996 kéo dài gần 20 năm đã bị HQ-571 "tước" bằng hết. Hiện nay, chiếc tàu vận tải lớp K122 này là chiếc tàu vận tải hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân. HQ-571 có lượng choán nước đầy tải 2.050 tấn, vận tốc lớn nhất 16 hải lý/giờ, tầm hoạt động 25.000 hải lý với thời gian hoạt động liên tục trên biển là 40 ngày đêm cho kíp tàu và 20 ngày đêm cho 180 khách.
Trong chuyến công tác lần này, HQ-571 có nhiệm vụ đưa gần 150 thân nhân ra thăm cán bộ chiến sĩ tại các đảo thuộc cụm đảo phía nam quần đảo Trường Sa, bao gồm: Trường Sa Lớn, Đá Lát, Thuyền Chài, An Bang, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa Đông và Đá Tây.
Thôi thì những thông số kỹ thuật này nọ, những lớp những module của Ba Lan hay Hà Lan đối với dân ngoại đạo như chúng tôi thì mù tịt, nhưng ấn tượng nhất khi đặt chân lên HQ-571 thì chỉ có một câu: "Như khách sạn". Toàn bộ trang thiết bị nội thất và tiện nghi của các phòng ngủ, phòng tắm… đều có xuất xứ từ Hàn Quốc. Trên mỗi giường đều có một bộ chăn ga gối cũng của Hàn Quốc. Máy điều hòa trong phòng mát đến nỗi đêm phải đắp chăn. Hệ thống nhà vệ sinh sạch bong, đầy đủ xí bệt và máy hút mùi. Hệ thống nhà tắm có nước nóng 24/24 giờ. Trên tàu có hệ thống phòng giặt đồ cho cả khách và thuyền viên, ai muốn giặt thì tự mang đồ xuống giặt…
Buồng lái hiện đại của HQ-571 được trang bị hệ thống rađa hàng hải của châu Âu,
sang trọng và rộng như một sảnh khách sạn.
Và nét mặt rạng rỡ truyền cảm hứng cho chúng tôi nhất là những hạ sĩ quan của Lữ đoàn 146 Vùng 4 khi biết mình đi trên HQ-571. Câu nói "Ăn rau xanh từ đầu đến cuối rồi" được thả ra một cách lấp lửng khiến chúng tôi càng tò mò chạy loạn đi hỏi cho bằng được. Hóa ra, hệ thống kho lạnh dự trữ thực phẩm của HQ-571 lớn và hiện đại đến mức, đủ đảm bảo cho từ đầu đến cuối hành trình, Đoàn công tác đều có rau xanh ăn. Một sĩ quan Vùng 4 kể cho chúng tôi nếu như đi HQ-996, thường là đến giữa hành trình là "đứt bóng" rau xanh, rau trong bữa ăn chủ yếu là củ quả. Nguyên nhân là do được đóng từ lâu, HQ-996 không có hầm lạnh chuyên dụng để dự trữ thực phẩm.
Người cảm thấy "sốc" nhất khi đặt chân xuống tàu HQ-571 hóa ra lại là phóng viên ảnh Hoàng Chí Hùng, người ra Trường Sa lần này là lần thứ 4. 3 lần trước, ông đều đi trên tàu HQ-996, đến nỗi thói quen mặc định trên tàu của ông đã hằn sâu vào trong đầu. Vừa đặt chân vào phòng, ông đã lôi ra chiếc quạt con cóc chạy bằng điện, hỉ hả kêu để dự phòng khi nóng không ngủ được. Và kết quả là chiếc quạt ấy nằm yên suốt 13 ngày trên HQ-571, từ lúc đi cho đến lúc về.
"HQ-996 đóng từ lâu rồi, nhiều thứ cũng đã xuống cấp rồi nên nóng lắm, nóng đến mức anh cứ phải ngồi lỳ trên boong tàu. Hôm nào mưa còn vào phòng chợp mắt được, chứ trời nắng không chiếm được cái giường sát cửa phun hơi mát thì coi như mất ngủ cả đêm. Còn cứ tiện nghi mát mẻ như HQ-571 này thì có đi cả tháng, đi cả năm ở Trường Sa cũng chẳng vấn đề gì", người nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng về Trường Sa, thậm chí được đặt cho biệt danh là "Người của Hải quân" cười ha hả sung sướng, chòm râu rậm rung lên bần bật…
(Còn nữa)
Việt Đông
Theo Báo Công an nhân dân
Thanh Huyền (st)