Đứng bên kia sườn dốc cuộc đời, người anh hùng Sơn Ton một thời tóc đã ngả bạc, gói ghém những tháng ngày oanh liệt trong trí nhớ minh mẫn hiếm có ở tuổi 80. Sống lặng lẽ những ngày hưu trí, chất anh hùng của ông vẫn nằm lại trong những trang sách sử.
Ít ai biết ông lão Khơ Me chân chất kính yêu Bác Hồ một cách thuần khiết từng nổi danh với biệt hiệu "Vua lựu đạn gài", và được chính tay Bác Hồ ký phong danh hiệu Anh hùng. Ông cũng nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với vị lãnh tụ vĩ đại và sống chung một phòng với Anh hùng Núp.
Tuổi thơ dữ dội
Giã từ đời lính, ông Sơn Ton (Sinh năm 1933, ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) trở về đời thường trong vai của một người cha, người ông thương con yêu cháu. Tuy gánh nặng tuổi già, những vết thương từ hai cuộc chiến như chực chờ quật ngã người anh hùng một thuở nhưng ông vẫn giữ nếp của một anh lính Cụ Hồ, vẫn thể dục, đạp xe đến họp Hội Cựu chiến binh,... Ông cho biết, đó là vì ông yêu và nhớ đời lính. Chính tình yêu đó đã xoay chuyển cuộc đời của một thằng nhóc Khơ Me đen nhẻm, đói nghèo thành một Anh hùng cứu nước.
Hình ảnh Anh hùng LLVTND Sơn Ton thời trai trẻ
(Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp).
Ông Sơn Ton vốn sinh ra ở xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) trong một gia đình dân tộc Khơ Me rất nghèo. Sớm chịu cơn đói, khổ của thời cuộc, Sơn Ton lăn lóc vào đời trong vai của thằng ở đợ. Lớn hơn một chút, ông lại đi làm thuê. Ông kể: "Nhà không có ruộng nên tôi đi ở đợ cho người ta kiếm cơm nuôi thân. Kiếp ở đợ không nói ai cũng biết trăm phần khổ chỉ một phần sướng. Lớn hơn một tí, tôi theo cha mẹ đi làm thuê. Ai kêu gì, sai gì làm nấy, rong ruổi khắp ấp này đến bưng khác. Mãi đến năm lên 9 tuổi, cuộc sống càng khó hơn, không mấy ai thuê, cả nhà tôi phải bỏ xứ đi nơi khác kiếm sống".
Long đong mãi theo con đường thuê mướn, cuối cùng, gia đình ông trụ lại miệt Cù Lao Dung (huyện Long Phú, nay là huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Đất khách, bát cơm manh áo vẫn ghì chặt gia đình tha hương, mười hai tuổi, Sơn Ton lại phải quay về con đường ở đợ cho các phú nông. Ông kể: "Nhỏ tuổi, nhỏ con, tôi được chủ cho đi chăn vịt”. Tưởng dễ mà khó. Thời buổi đói khổ, vịt đẻ trắng đồng nhưng không dám ăn một quả trứng. Mỗi chiều, chủ lại cho người xuống đếm, lạc một con vịt, mất một quả trứng là ăn đòn nhừ xương, nhịn đói một ngày. Nếu không có sự kiện cướp chính quyền, chưa biết chừng, đời tôi vẫn gắn với danh thằng ở đợ, làm thuê". Nhưng năm 1945, đã mãi mãi thay đổi số phận Sơn Ton và đưa cuộc đời ông sang một trang mới.
Cách mạng nổi dậy, khi ấy mới 15 tuổi, dù chưa sõi tiếng Kinh, Sơn Ton vùng dậy quyết đi du kích. Bắt đầu từ đây, những kỷ niệm khác người trong đời lính Sơn Ton hình thành. Ông nhớ lại: "Một trong những kỷ niệm khó quên nhất khi tôi vào lính là không phân biệt được bên phải bên trái. Thế nên mỗi khi tập đội hình đội ngũ, tôi quay tứ tung. Sau này, cứ nhìn theo những người đứng trước làm theo. Nhưng khi đứng đầu hàng, hay đứng một mình lại bí. Cơ bản là tôi không hiểu khẩu lệnh của người chỉ huy, khi ấy tôi chưa rành tiếng Kinh nên chỉ huy hô tôi không hiểu. Về sau, tôi được những người đi trước dạy lại tiếng Kinh nên mới biết".
Ít ai ngờ, chính cậu bé Khơ Me không thuộc bên phải bên trái, học bắn súng cả tuần mà vẫn chưa dám bóp cò ấy lại trở thành ông vua lựu đạn gài. Người biết về ông khẳng định: "Có thể nói, ông không chỉ biết sử dụng thành thạo lựu đạn gài mà còn dùng chúng một cách uyển chuyển, linh hoạt đến khó tin". Lựu đạn trong tay ông có thể là thứ vũ khí diệt địch trực tiếp, có thể là chướng ngại chặn bước tiến hành quân của định, có thể là phương tiện chia cắt, xé nhỏ đội hình của địch hay đơn giản hơn là tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Chỉ trong năm 1953, đơn vị của ông đã tiêu diệt 67 tên địch và bắt sống 100 tên, thu 43 súng. Những chiến công đó dần đưa ông đến vinh dự được sống gần người Bác kính yêu khi năm 1955, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những kỷ niệm khó quên và 7 lần được gặp Bác Hồ
19 tuổi, Sơn Ton tập kết ra Bắc, nơi mãi mãi khắc ghi trong ông những kỷ niệm bất tử. Những ngày đầu tại Thủ đô, chưa kịp quen đất khách, ông được điều về Sơn Tây học đội hình duyệt binh để chuẩn bị đón Trung ương Đảng về Thủ đô Hà Nội. Tại đây, những huyền thoại khác lần lượt ra đời. Một trong những kỷ niệm ông tự hào gọi tên bất tử là được sống chung phòng cùng Anh hùng Núp. Với ông Sơn Ton, ông Núp là một người Anh hùng gieo rắc nỗi khiếp đảm cho thực dân Pháp. Thế nhưng, ông Núp lại tỏ vẻ... nhút nhát trước đồng đội.
Ông Sơn Ton mê say kể về những kỷ niệm với Bác Hồ (Ảnh: Hà Nguyễn).
Ông kể: “Ông Núp vô tư lắm, lúc nào tinh thần cũng vui tươi và đặc biệt yêu văn nghệ, chỉ có cái là nhút nhát, hay xấu hổ trước đồng đội, đồng chí. Có một lần, ông được tặng một cây Acmonica, ông thổi rất hay. Nhưng không khi nào ông thổi lúc sinh hoạt văn nghệ, lúc giải lao mà thường đợi đến tối khuya, người ta ngủ ông mới lén lấy ra thổi. Một lần tôi mạnh dạn hỏi: "Sao chú Núp không thổi lúc sinh hoạt văn nghệ, hay sau bữa tối, bữa trưa cho anh em nghe mà đến khuya mới thổi?". Ông Núp cười mếu bảo: "Khi sáng thổi mắc cỡ cái miệng mà!"”.
Giờ đây, những kỷ niệm như trên vẫn như thước phim tư liệu, chạy chầm chậm qua ký ức của ông lão 80. Trong phút suy tư, thả mình theo tiếng kèn của Anh hùng Núp từ miền ký ức, bất thần ông dừng lại và nói: "Cũng tự hào và vinh dự lắm nhé, tôi cũng được 7 lần gặp Bác Hồ, những người gặp Bác Hồ giờ còn không nhiều nữa...". Được biết, ông cũng chính là người Nam Bộ đầu tiên được chính tay Hồ Chủ tịch ký phong danh hiệu Anh hùng. Ông cho biết: "Lần đầu tiên tôi được gặp Bác vào năm 1955 khi được tham gia Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Lần ấy, tôi chưa được vinh dự trò chuyện với người tôi kính trọng bằng cả tấm lòng".
Tuy nhiên, niềm ao ước tưởng như không tưởng ấy lại bất ngờ thành hiện thực. Vài tháng sau, ông được tin Bác Hồ ghé thăm Tổ Anh hùng gồm 12 người. Ông nói: "Tôi bất ngờ về thông tin trên và cũng thật vô cùng tự hào. Trong lần gặp này, Bác thân thiện và gần gũi vô cùng. Bác lên thăm hỏi từng người. Đầu tiên, Bác để ý đến Anh hùng Núp. Bác nói: "Chú Núp, chú là bộ đội, không được đóng khố khi học tập trong doanh trại, mà phải mặc quân phục như đồng đội". Sau lần nhắc nhở thân tình ấy, tôi không thấy ông Núp đóng khố nữa. Về phần tôi, cũng vinh dự được nghe Bác quan tâm bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình”.
Ông nhớ lại: "Bác hỏi: "Chú nào là người dân tộc Khơ Me, vừa mới được phong Anh hùng lực lượng vũ trang?". Tôi bật dậy thưa: "Dạ thưa Bác, cháu ạ, thiếu uý Sơn Ton". Bác ân cần hỏi tiếp: "Cháu có biết chữ Pali (chữ viết của người Khơ Me) không?". Tôi thú thật với Bác là do nhà nghèo, không được vào chùa học chữ Pali. Bác khuyên tôi nên học cho giỏi chữ Pali, giỏi tiếng Khơ Me để về miền Nam vận động bà con dân tộc cùng chống Mỹ cứu nước. Bất ngờ hơn, Bác nói với tôi bằng tiếng Khơ Me rất chuẩn: "Prochia-cheon Vietnam - Campuchia - Lao sammaky veay com-chat anany cum Ba-răng - cháu hiểu hết không?". Tôi lắc đầu. Bác dịch: "Nghĩa là nhân dân Việt Nam - Campuchia - Lào đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp". Khi ấy chữ nghĩa còn ít, không hiểu hết được, về sau mới thấm ý nghĩa từng câu, từng chữ của Bác".
Bật khóc trước mái tóc bạc phơ của Bác Hồ
Sau những lần ấy, ông còn 5 lần khác được gặp Bác. Cho đến nay, ngoài ấn tượng về sự giản dị, quan tâm sâu sắc đến mọi người của Bác, ông Sơn Ton khẳng định rất nhiều đồng đội đồng chí mến mái tóc bạc phơ của Người. Ông kể: "Lần đầu tôi gặp Bác, khi Người bỏ chiếc nón cối ra, để lộ mái tóc trắng như cước, tôi gần như muốn khóc. Không hiểu sao tôi lại xúc động và yêu mái tóc ấy đến vậy. Sau này, các đồng đội khác cũng yêu mái tóc ấy. Có lần khi Bác đến thăm đơn vị, khi đang xếp đội hình chào Bác, chúng tôi mạnh dạn đề nghị Bác bỏ mũ chỉ để được nhìn mái tóc bạc của Người. Và không bao giờ Bác từ chối, Người bỏ mũ và cầm nó vẫy chào chúng tôi đang trong cơn xúc động vỡ òa...".
Hà Nguyễn - Suối Mai
Theo nguoiduatin.com.vn
Kim Yến (st)