Trong những kỷ niệm của Bác Hồ với công nhân Việt Nam, bức ảnh “Bác để lại bức vẽ lịch sử” trên chiếc bình sứ Hải Dương, có vị trí đặc biệt. Trong ảnh, một nữ công nhân trẻ cầm chiếc bình để Bác vẽ, xung quanh là các cán bộ, công nhân Nhà máy Sứ Hải Dương háo hức dõi theo từng nét bút của Bác…
Thấm thoắt đã 51 năm trôi qua, người nữ công nhân trẻ năm xưa là Vũ Thị Thái, giờ đã là một bà lão phúc hậu với một đàn cháu đủ cả nội ngoại. Với sự giúp đỡ của một cán bộ Công an tỉnh Hải Dương, mới đây bà Vũ Thị Thái cùng một số cán bộ, công nhân có mặt trong bức ảnh lịch sử kể trên, đã đến thăm Báo Công an nhân dân và kể lại kỷ niệm sâu sắc được đón Bác về thăm nhà máy.
Cùng đi với bà Thái đến thăm Báo Công an nhân dân hôm ấy có ông Nguyễn Bá Chuẩn (SN 1938, chồng bà Thái), nguyên là công nhân Nhà máy sứ Hải Dương và ông Nguyễn Đức Hiên, nguyên Thư kí công đoàn Nhà máy Sứ Hải Dương. Họ đều có vinh dự hôm ấy (ngày 26/7/1962) được đón Bác Hồ về thăm nhà máy. Câu chuyện giữa bà Thái, ông Chuẩn, ông Hiên với chúng tôi đầy ắp hình ảnh và những lời căn dặn của Bác với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Sứ Hải Dương hơn nửa thế kỉ trước.
Bà Thái nhớ lại: Chiều 25/7/1962, chúng tôi được lãnh đạo nhà máy thông báo ngày mai sẽ có khách của Trung ương đến thăm. Chúng tôi hồi hộp đoán non đoán già sẽ có khách quan trọng nhưng lúc hai chiếc xe con vào hẳn cổng nhà máy, thì mới biết là được Bác đến thăm. Ai cũng xúc động, chỉ muốn được chạy lại gần để ngắm Bác, được Bác hỏi chuyện.
Chị Phạm Thị Vượng, Quản đốc phân xưởng nhắc chúng tôi: “Mọi người cứ làm việc bình thường, Bác sẽ đi thăm lần lượt các tổ sản xuất!”, nhưng chúng tôi chẳng ai tập trung được vào công việc và ai cũng mong Bác sẽ đến thăm phân xưởng, tổ sản xuất của mình. Chương trình Bác đến thăm bí mật đến phút chót, lãnh đạo nhà máy cũng chỉ biết Bác sẽ thăm một số tổ sản xuất và sau đó nói chuyện với toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà máy.
May mắn và vinh dự đặc biệt với tôi, Bác đi đến phân xưởng trang trí. Bác chăm chú xem một số sản phẩm đang được trang trí và đi lại gần phía chúng tôi. Ông Trần Mịch, Giám đốc Nhà máy Sứ Hải Dương mạnh dạn đề nghị Bác viết vài dòng lên một sản phẩm của nhà máy để lưu lại khoảng khắc đặc biệt này và được Bác đồng ý….Khi đó, ngẫu nhiên tôi được Giám đốc nhà máy chỉ đạo cầm chiếc bình sứ để Bác vẽ. Hơn nửa thế kỉ đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in giây phút đó. Tôi quá xúc động nên luống cuống mãi mới cầm được chiếc bình và cố trấn tĩnh không run tay để Bác vẽ…
Bác Hồ thăm Nhà máy Sứ Hải Dương và để lại bức vẽ lịch sử (người cầm chiếc bình để
Bác vẽ là bà Vũ Thị Thái). Ảnh: T.L
Giữa chừng câu chuyện, tôi nhìn lại bức ảnh năm xưa: Bà Thái lúc đó là một cô gái tuổi đôi mươi (bà sinh năm 1942) còn rất trẻ; mặc áo màu trắng, kết tóc đuôi sam, khuôn mặt nhỏ nhắn sáng bừng nụ cười. Xung quanh Bác, từ lãnh đạo đến công nhân nhà máy đều chăm chú dõi theo từng nét bút của Người; ngoài bà Thái cầm chiếc bình, có một người khác cầm nghiên mực tàu để Bác vẽ. “Người cầm nghiên mực là anh Trần Hữu Chất, họa sĩ; hiện anh ấy vẫn khỏe mạnh và đang sống ở Hà Nội”, ông Hiên và ông Chuẩn cho biết.
Đúng là “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”, chúng tôi cùng nhau đến nhà họa sĩ Trần Hữu Chất, cách trụ sở Báo Công an nhân dân không xa. Người họa sĩ già niềm nở đón chúng tôi, hoá ra ông còn là nhà thơ có bút danh Hồng Chinh Hiền, người vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Là họa sĩ được đào tạo bài bản ở Trung Quốc, ông Chất là một trong những người chịu trách nhiệm về tạo mẫu và vẽ trên sản phẩm sứ Hải Dương năm xưa. Nhớ lại kỷ niệm với Bác Hồ, ông kể: Hôm đó, sản phẩm đang làm là loại lọ hoa trung. Đang bày trên giá là những mộc sứ (chưa qua nung). Bác sẽ dùng bút lông viết hoặc vẽ lên đó bằng men Chu Minh. Loại men này rất rít bút. Men đặc quá bút sẽ không xuống mực, men lỏng quá mực sẽ tràn ra thành bút.
Tôi chọn cho Bác chiếc bút nhuyễn nhất của một công nhân đang vẽ. Những nét đầu tiên, Bác viết không xuống mực. Giám đốc Trần Mịch lo lắng nhìn tôi rồi động viên bình tĩnh pha lại mực… Người cầm chiếc bình sứ để Bác vẽ là cô Thái cũng rất cẩn trọng nên cuối cùng Bác đã viết được dòng chữ: “Fải cố gắng tiến bộ” (Bác có thói quen viết chữ PH là F). Khi Bác viết xong, mọi người vỗ tay hoan hô rất phấn khởi…
Họa sĩ Trần Hữu Chất, bà Thái, ông Hiên và ông Chuẩn
Tiếp đó, Bác nói chuyện với toàn thể cán bộ, công nhân viên nhà máy. Lời Bác giản dị, súc tích và cụ thể. Người nói: Bác đến chỗ nào cũng thấy các cô các chú làm việc hăng hái, các phân xưởng đều vệ sinh sạch sẽ; không biết ngày nào cũng sạch hay hôm nay biết Bác về thăm mới thế? Nên làm sao ngày nào cũng được như vậy thì tốt. Bác thấy nhà máy kẻ nhiều khẩu hiệu. Viết khẩu hiệu, hô khẩu hiệu thì chưa đủ mà quan trọng là phải thực hiện khẩu hiệu đó cho tốt…
Sau khi căn dặn một số công việc cụ thể, Bác hỏi về tình hình đời sống của cán bộ, công nhân viên. Bác nhắc lãnh đạo nhà máy phải chăm lo việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên; ngoài sản xuất chính cần trồng thêm rau màu, chăn nuôi gà, lợn…
Sau khi Bác ra về, chiếc bình hoa có bút tích của Bác được đưa ngay lên phòng kĩ thuật. Có ý kiến là lọ hoa phải được vẽ thêm hoa văn, đồ án, loại hoa văn tiêu biểu nhất của Việt Nam để giữ lại kỉ vật quốc bảo cho các thế hệ mai sau. Nhưng ai sẽ vẽ tiếp sản phẩm này? Các họa sĩ đều lo ngại nếu sơ suất sẽ làm hỏng hoặc vỡ chiếc bình lịch sử. Vì vậy, lãnh đạo nhà máy quyết định đưa chiếc bình đi tráng men và nung như bình thường.
Hiện nay, chiếc bình sứ lịch sử đó được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Huyền Trang (st)