Trên chuyến tàu HQ-571 đưa thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ ở cụm đảo phía Nam, hiện diện một nhân vật đặc biệt: Một phóng viên ảnh ra Trường Sa tới lần thứ 4. Người đàn ông 53 tuổi này được những người lính Hải quân Vùng 4 coi như người nhà, bởi những đóng góp cần mẫn và cả sự hy sinh thầm lặng của ông đối với Trường Sa. Ông đang thực hiện nốt những cú bấm máy cuối cùng, để một bộ sách ảnh chưa từng có, chi tiết và chân thực nhất về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc… sớm được ra mắt.
1. Phòng C1 trên tàu HQ-571 được dành cho cánh phóng viên nam, tiện cho việc tác nghiệp vì nằm ngay ở phần mũi, chỉ cần ra khỏi phòng, ngoặt 2 cái, lên cầu thang là có mặt ở boong tàu. Ngoài 3 chiếc giường tầng, căn phòng còn được ưu ái bố trí 2 chiếc bàn làm việc rộng rãi. Không gian trống trong phòng cũng đủ để cánh phóng viên ngồi bệt xuống sàn thoải mái làm việc. Đây được coi như một không gian ưu tiên vì ở những phòng khác, những dãy giường tầng sẽ được bố trí san sát, trung bình đủ cho 8-10 người. Giường gần cửa phòng đã có người để đồ. 2 chiếc máy ảnh hiệu Nikon được đặt bên cạnh một chiếc balô to, trên quai balô có cuốn một chiếc khăn rằn.
…Cái tên quen quen Hoàng Chí Hùng, đi kèm với chú thích khá mông lung là phóng viên ảnh TP HCM, gợi lại cho tôi một sự kiện mới xảy ra hồi tháng 4 vừa qua. Tập sách ảnh "Tổ quốc nơi đầu sóng" dành cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành có đăng 5 tấm ảnh về Trường Sa của tác giả Hoàng Chí Hùng nhưng không xin phép, không đề tên tác giả, tự ý cắt cúp và thay đổi chú thích đã khiến vị phóng viên ảnh này nóng mặt kiên quyết đòi khởi kiện. Nhiều ý kiến bảo ông này làm lớn chuyện không đâu, vì ảnh của phóng viên Việt Nam thường xuyên bị lấy vô tội vạ mà có ai xin phép đâu, lâu riết rồi thành lẽ thường. Những ý kiến khác thì khen ông Hùng là dũng cảm, là trực tính, xóa đi một tiền lệ xấu trong làng xuất bản Việt và nói hộ nỗi lòng của anh em.
Ngày đầu tiên tiếp xúc trên tàu HQ-571, ấn tượng ban đầu của lớp trẻ chúng tôi về người đàn ông 53 tuổi này là tuy có bề ngoài râu ria dữ tợn nhưng lại khá thân thiện và gần gũi. Ông Hùng lúc nào cũng vui vẻ niềm nở, không có cái vẻ cao đạo của những bậc cha chú, và đặc biệt, lúc nào cũng cắm cúi làm việc. Khá khó khăn cho đội trẻ chúng tôi đôi khi muốn kéo ông vào một cuộc vui nào đó, bởi không dính chặt với cái máy ảnh trên boong tàu thì ông lại vùi đầu vào máy tính.
Lần thứ 3 ông được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyển, biển đảo của Tổ quốc. Vị doanh nhân bỏ nghề rẽ ngang đi làm phóng viên ảnh này hứa sẽ còn trở lại
Trường Sa đến khi nào sức khỏe còn cho phép.
2. Gần 200 người trên HQ-751 đã quen thuộc với hình ảnh của một người đàn ông tự đày mình, suốt ngày ngồi thu lu trên boong tàu ôm máy ảnh ngó đăm đăm xuống mặt nước. Trời nắng, ông quấn khăn rằn, đội mũ ngồi từ sáng đến tối. Trời mát, ông cũng đội mũ ngồi từ sáng đến tối. Trời mưa, ông cứ canh me lúc nào tạnh là chạy lên boong ngồi thiền. Mưa kéo dài quá, ông trèo lên tầng 2 ngồi ôm máy ngó xuống mặt biển. Các thành viên trong Đoàn công tác đi cụm đảo phía Nam đặt cho ông đủ loại biệt danh, nào là "ông cá chuồn", "ông cá heo", "ông cá voi"… Chẳng phải ai xa lạ, đó là nhà nhiếp ảnh Hoàng Chí Hùng.
Thử nguyên một ngày từ sáng sớm đến tối mịt theo ông Hùng ôm máy ngồi trên boong tàu săn hình cá, tối về phòng đầu óc tôi đã ngơ ngơ. Nhịp sinh hoạt của một ngày săn hình ảnh trên biển sẽ theo thời gian biểu như sau: Đúng 5 giờ sáng, khi tiếng chuông reo và thông báo "Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!" vang lên, ông hối tôi làm vệ sinh cá nhân nhanh hết mức có thể, rồi ôm máy ảnh kèm chiếc ống tele nặng trình trịch lên mũi tàu ngồi nhìn chăm chắm xuống mặt nước biển.
Theo kinh nghiệm của ông Hùng, tầm sáng sớm là cá heo có khả năng xuất hiện rất cao. Đúng 6 giờ, chúng tôi lao xuống nhà bếp ăn sáng. 15 phút sau lại ngồi trên mặt boong đến tận giờ cơm trưa là 11 giờ. Buổi sáng là quan trọng nhất, vì cá chuồn xuất hiện nhiều, theo đó có cơ may chộp được ảnh cá heo đuổi theo đoàn cá chuồn và bơi lội xung quanh tàu.
Hình ảnh quen thuộc của “phu ảnh” Hoàng Chí Hùng trên boong tàu HQ-571: Ngày đêm săn ảnh cá...
Sau giờ cơm trưa, lịch trình buồn tẻ ấy lại được tiếp tục cho đến bữa cơm chiều. Nắng thiêu đốt trên da là điều tất yếu. Nắng hắt xuống mặt boong tàu bằng thép phả lên hầm hập cũng là điều tất yếu. Nước muối phủ một lớp xào xạo trên da cũng là điều tất nhiên. Nhưng mệt mỏi nhất vẫn là việc mắt phải chăm chắm soi xuống mặt biển, tay cầm máy phải kịp lùa theo những cú bay lượn bất chợt chẳng theo quy luật nào của đám cá chuồn… Rồi bất cứ khi nào trên mặt biển thoáng xuất hiện những vệt màu lạ, tất cả những giác quan sẽ phải căng lên để phân định đâu là lưng cá heo mõm nhọn, đâu là lưng cá heo mõm bằng, và đâu là những… thanh củi hay đám rêu trôi lềnh bềnh trên biển, nhìn từ xa xam xám giống hệt lưng của những chú cá heo biển Đông.
Và kết quả của 2 ngày phơi nắng trên boong tàu cùng "phu ảnh" Hoàng Chí Hùng đã đem lại cho tôi những kết quả không ngờ. Đó là những bức ảnh đặc tả mọi tư thế "cất cánh" và "hạ cánh" kỳ lạ của cá chuồn trên mặt biển. Chỉ đến khi đưa ảnh vào máy tính, những động tác đẹp mắt của đám cá chuồn thịt ăn chẳng mấy ngon ấy mới hiện lên rực rỡ, đẹp đến ngỡ ngàng. Chúng thực sự đã biến thành những vũ công trên biển, biến thành những chiếc "thủy phi cơ" bằng xương bằng thịt, cất cánh và hạ cánh đẹp đến sững sờ.
Kết quả còn là một video clip chộp được cả một đàn cá heo mõm nhọn nghịch ngợm đang đua tốc độ cùng con tàu HQ-571. Video ấy còn thu rõ ràng cả âm thanh chúng gọi nhau và trả lời tiếng reo hò cổ vũ và tiếng thùng thùng đập vào mạn tàu của mọi người đón chào. Kết quả còn là hình ảnh một đôi cá heo mõm bằng điềm tĩnh và đủng đỉnh bơi cùng tàu HQ-571… Những bức ảnh ấy, một phóng viên viết như tôi, cả đời cũng không thể hình dung nổi sẽ có cơ may chụp được rõ ràng.
...và may mắn không kém khi được nhìn thấy cá heo mõm bằng Trường Sa.
3. Và chính sự cần mẫn không nề hà, không ngại gian khổ ấy đã khiến "phu ảnh" Hoàng Chí Hùng nổi tiếng khắp cả nước với những khuôn hình độc đáo có một không hai về Trường Sa. Tôi đành phải dùng lại từ "phu ảnh" đã từng dùng để miêu tả hai tay máy sừng sững một Bắc một Nam, Nguyễn Đình Toán và Giản Thanh Sơn, bởi có lẽ không có từ nào có thể đắt hơn được nữa. Họ đều giống nhau ở chỗ thầm lặng đốt tiền, đốt thời gian, đốt công sức, và đốt cả sức khỏe… để chộp lấy những khoảnh khắc vàng. Họ không có những tuyên ngôn đao to búa lớn, họ cũng không có những bức ảnh xuất thần để đời, họ cũng không có những thiết bị ảnh chuyên dụng đắt tiền có một không hai. Cái mà họ có giá trị hơn rất nhiều, đó là sự cần mẫn miệt mài có một không hai, để rồi trái ngọt là những di sản ảnh có một không hai.
Đó là Nguyễn Đình Toán với kho ảnh về chân dung sừng sững như một tượng đài. Đó là Giản Thanh Sơn với kho ảnh Việt Nam từ trên không trung và các yếu nhân trong những chuyến công du nước ngoài. Và nay lại có thêm Hoàng Chí Hùng với hàng trăm bức ảnh độc đáo tạo dựng nên một kho tư liệu sống về Trường Sa trong suốt 4 chuyến đi biển. Đó là chưa kể đến những chuyến độc hành xuyên Việt bằng xe máy tới mọi tỉnh, thành trong suốt 3 năm để Hoàng Chí Hùng tích lũy được kho ảnh về tất cả các danh lam, thắng cảnh, di tích của 54 dân tộc anh em trên cả nước…
Cựu quân nhân chiến trường Campuchia luôn được cả tàu yêu mến. Các chiến sĩ Hải quân
vùng 4 coi ông như người nhà, một vinh dự không phải phóng viên ảnh nào cũng có được.
Và những trái ngọt "phu ảnh" Hoàng Chí Hùng nhận được không chỉ là 4 cuộc triển lãm ảnh hoành tráng. Cái lớn hơn ông nhận được chính là sự yêu quý, cảm mến và tôn trọng tự đáy lòng của những người lính Trường Sa dành cho ông, và dành cho sự nhiệt tình, nhẫn nại và yêu quý của ông đối với Trường Sa.
Đó là hình ảnh người lính hậu cần của Công ty Hải Thành rưng rưng kể lại chuyện ông đã chụp cho vợ chồng mình bộ ảnh cưới độc nhất vô nhị trên đảo An Bang như thế nào, tấm hình cưới hiện nay vẫn được triển lãm khắp nơi. Đó là hình ảnh vợ chồng Thiếu tá Ngô Chí Thực sẵn sàng đứng dưới những cơn sóng trùm đầu trong mưa rét trên đảo Tốc Tan chỉ để "nhất định anh Hùng phải chụp cho vợ chồng em một tấm ảnh".
Đó cũng là thoáng bồn chồn cảm động của Đại tá Ngô Mậu Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị hải quân Vùng 4, khi biết được tin chỉ trong vòng 3 ngày, "phu ảnh" Hoàng Chí Hùng đã "đốt" nguyên 2 chiếc máy ảnh trong những cơn mưa và sóng trùm thuyền… trong đợt công tác lần thứ 4 này.
Và đỉnh cao của hạnh phúc đối với Hoàng Chí Hùng chính là thời điểm ông Ngô Mậu Bình nắm chặt tay ông tuyên bố "Anh Hùng là người của Hải quân", một câu nói ghi nhận toàn bộ sự lao tâm khổ tứ, sự đóng góp thầm lặng của Hoàng Chí Hùng đối với Trường Sa, như một người lính thực thụ. Những triển lãm ảnh của ông về Trường Sa chính là những trận đánh binh chủng hợp thành về truyền thông, để nhân dân cả nước biết rõ hơn về một Trường Sa đang hiện đại hơn, chính quy hơn, được quan tâm sẻ chia nhiều hơn… đã, đang và luôn vững vàng hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió
Còn nữa
Việt Đông
Theo Báo Công an nhân dân
Thành Huyền (st)