li lich tu phap

Ngày 09/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Luật Lý lịch tư pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xin trân trọng giới thiệu một số quy định về lý lịch tư pháp, cấp phiếu lý lịch tư pháp theo Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 và hướng dẫn đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID; hướng dẫn khai thông tin và nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến toàn trình qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội.

1. Lý lịch tư pháp

Khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định:  Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

2. Phiếu lý lịch tư pháp

a) Khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

b) Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây: (1) Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình. (2) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

3. Đối tượng và mục đích quản lý lý lịch tư pháp

a) Đối tượng quản lý lý lịch tư pháp: Căn cứ Điều 5 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định đối tượng quản lý lý lịch tư pháp gồm: (1) Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam, Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. (2) Người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. (3) Công dân Việt Nam, người nước ngoài bị Toà án Việt Nam cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong quyết định tuyên bố phá sản đã có hiệu lực pháp luật.

b) Mục đích quản lý lý lịch tư pháp: Căn cứ Điều 3 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định việc quản lý lý lịch tư pháp nhằm các mục đích sau đây: (1) Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. (2) Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng. (3) Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự. (4) Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

4. Quy định lập lý lịch tư pháp

a) Điều 26 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định Sở Tư pháp nơi người bị kết án thường trú lập Lý lịch tư pháp của người đó; trường hợp không xác định được nơi thường trú thì Sở Tư pháp nơi người bị kết án tạm trú lập Lý lịch tư pháp. Lý lịch tư pháp được lập thành hai bản, một bản do Sở Tư pháp quản lý, một bản được chuyển đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

b) Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia lập và lưu giữ Lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây: (1) Không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người bị kết án; (2) Người bị kết án được dẫn độ để thi hành án hoặc được chuyển giao để chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam; (3) Nhận được bản sao trích lục bản án hoặc trích lục án tích của công dân Việt Nam do Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp theo quy định tại Điều 17 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009

5. Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp được quy định cụ thể tại Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 như sau:

a) Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

- Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

- Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

b) Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

- Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;

- Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

- Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

(3) Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

6. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp (theo Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009)

- Không quá 10 ngày, kể từ ngày nhân được yêu cầu hợp lệ.

- Không quá 15 ngày trong trường hợp: (1) Phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích; (2) Công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài; (3) Người nước ngoài.

7. Hồ sơ gồm: (1) Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu); (2) Bản sao chứng minh nhân dân/Thẻ Căn cước công dân/Hộ chiếu của người xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp; (3) Văn bản uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền cho người khác xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Nếu là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản uỷ quyền; (4) Văn bản uỷ quyền hợp pháp của người nước ngoài đã rời Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt.

8. Các trường hợp từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp (theo Điều 49 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009)

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có quyền từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây: (1) Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp không thuộc thẩm quyền; (2) Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người khác mà không đủ điều kiện quy định. (3) Giấy tờ kèm theo Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp không đầy đủ hoặc giả mạo.

9. Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: (được cấp 02 Phiếu/lần)

- 200.000 đồng/lần/người; từ Phiếu thứ 3 trở lên: 5.000 đồng/Phiếu;

- Sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ: 100.000 đồng/lần/người;

- Miễn phí đối với: Người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo hoặc người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.

10. Công văn số 1318/STP-PBGDPL ngày 22/4/2024 của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội về việc tuyên truyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID

Việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công dân có thêm lựa chọn phương thức yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp phù hợp bên cạnh phương thức yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội (https://dichvucong.hanoi.gov.vn).

Công dân có thể yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, thanh toán trực tuyến không cần đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền.

Công dân yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID theo dõi được trạng thái xử lý hồ sơ; Tải được kết quả Phiếu lý lịch tư pháp về thiết bị điện tử. Kết quả Phiếu Lý lịch tư pháp (bản điện tử) mặc định được trả về tài khoản của công dân trên VNeID, trên Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn/), Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội (https://dichvucong.hanoi.gov.vn. Trường hợp công dân có nhu cầu nhận kết quả Phiếu Lý lịch tư pháp (bản giấy) thì được trả kết quả tại nhà qua dịch vụ Bưu chính công ích hoặc tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội). Phiếu Lý lịch tư pháp được cấp bản điện tử (được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của Sở Tư pháp Hà Nội) có giá trị pháp lý như bản gốc Phiếu lý lịch tư pháp bản giấy. Người dân có thể sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp (bản điện tử) để thực hiện các thủ tục hành chính khác.

Đối tượng thực hiện là công dân Việt Nam thường trú tại thành phố Hà Nội, có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và không thuộc trường hợp là đối tượng miễn, giảm phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định.

(Kèm theo: (1) Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID); (2) Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID); (3) Hướng dẫn khai thông tin và nộp hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến toàn trình qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội).

Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID)

Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID)

Hướng dẫn khai thông tin và nộp hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến toàn trình qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Hà Nội)

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: