Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, không những đánh dấu sự thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn báo trước sự sụp đổ của chế độ thuộc địa và vị thế cường quốc quân sự của Pháp. Trong suốt chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao trên chiến trường Điện Biên Phủ và các chiến trường phối hợp trong cả nước, làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

dien bien phu 1954
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953)

Hồ Chí Minh - Chỉ huy tối cao chiến dịch Điện Biên Phủ, là nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình Điện Biên Phủ, Người nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được” [1]. Bằng quyết định lịch sử này, Hồ Chí Minh đã chủ động chỉ đạo chuyển phương thức tác chiến từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh vào chỗ mạnh nhất của địch và buộc quân Pháp phải giao chiến với ta sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của chúng. Đây là một quyết định táo bạo, sáng suốt vì có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm - bước cố gắng cao nhất của Pháp thì mới có thể kết thúc chiến tranh. Việc chuyển từ “vận động chiến” sang “trận địa chiến”, “đánh vỗ mặt” đối phương là bước phát triển tất yếu của Quân đội ta trong chiến tranh giải phóng.

Với sự thận trọng nhưng nhạy bén, sắc sảo của nhà quân sự nắm chắc thực lực đất nước, Hồ Chí Minh nhất quán trong việc thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc thắng”. Từ đầu năm 1953, Người đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, bại thì hết vốn” [2]. Tháng 01/1954, khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận, Người lại nhấn mạnh: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” [3]. Phương châm “đánh chắc thắng” của Người không chỉ thể hiện sự cẩn trọng của nhà cầm quân “biết mình, biết người” mà còn là trách nhiệm, là “lòng nhân” của vị chỉ huy tối cao đối với vận mệnh dân tộc và sinh mệnh người lính trên chiến trường. Phương châm “đánh chắc, thắng chắc” của Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo cao nhất, bảo đảm chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Người còn tỏ rõ tài năng trong việc lựa chọn cán bộ chỉ huy cao nhất của chiến dịch. Đường lối tác chiến đúng chỉ có thể phát huy giá trị khi được thực hiện bởi những nhà chỉ huy lỗi lạc. Ngày 06/12/1953, Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cùng với việc thông qua quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đã quyết định cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Người đã quyết định “xuất tướng” cùng với lời tiễn đầy tin tưởng, khích lệ: “Trao cho chú toàn quyền quyết định” [4]. Trong sử dụng cán bộ, Người luôn thực hiện phương châm: Đã giao việc là giao quyền, đã giao quyền thì phải có lòng tin. Lòng tin cao độ và sự tôn trọng cấp dưới của Hồ Chí Minh đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đủ căn cứ và thẩm quyền để đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình: Chuyển phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” khi cả mặt trận đã dàn quân, đạn đã lên nòng. Thực hiện phương châm tác chiến mới, ta sẽ chủ động về mục tiêu tấn công, thời gian tấn công và có thể tập trung binh, hỏa lực vào việc tiêu diệt gọn từng cụm cứ điểm, giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng đợt tấn công để tiến tới thắng lợi cuối cùng. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hoàn toàn đúng đắn. Tài năng, bản lĩnh chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lịch sử và thế giới tôn vinh nhưng sâu xa ở đó là khả năng dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên các binh sĩ tham chiến tại Điện Biên Phủ để họ vượt qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Sức chiến đấu của quân đội nằm ở ý chí, nhiệt huyết của những người trực tiếp cầm súng trên chiến trường. Người từng đúc kết, nếu tinh thần chiến đấu của người lính thấp thì trong tay họ, “đại bác chỉ là một cục sắt”. Với đội quân cách mạng non trẻ, có sự thiếu hụt rất lớn về vũ khí, trình độ và kinh nghiệm chiến đấu thì yếu tố tinh thần càng quan trọng. Người nhấn mạnh: “Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sĩ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên” [5]. Hồ Chí Minh đã truyền đến tất cả binh sĩ trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ tinh thần quyết chiến, quyết thắng bằng nhiều cách khác nhau.

Trong “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ” (12/1953), Người yêu cầu: “Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm tranh nhiều thắng lợi” [6]. Tết Giáp Ngọ (1954), Người viết thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ với lời nhắn: “Bác mong các chú nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi” [7]. Tháng 3/1954, trước thời khắc mở màn chiến dịch, Người viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới” [8]. Ngày 15/3/1954, sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam 2 ngày, Người đã gửi bức điện khen ngợi các chiến sĩ Điện Biên Phủ và căn dặn quân ta “phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này” [9]. Lời dặn đó vô cùng cần thiết vì càng đánh vào sâu, trận chiến càng ác liệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng: Đến tháng 4/1954, “vòng vây càng khép chặt, cuộc chiến đấu càng trở nên căng thẳng. Bộ đội ta ăn, ngủ tại công sự trên trận địa, trong tầm hỏa lực dữ dội của quân địch. Cuộc chiến đấu càng kéo dài, sức khỏe của bộ đội càng suy giảm. Một số hiện tượng không bình thường bắt đầu xuất hiện trong việc chấp hành nhiệm vụ chiến đấu” [10]. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kịp thời chỉ thị cho các cấp ủy, đảng viên và toàn thể cán bộ phải ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.

Chiều 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch thì ngày 08/5/1954, Người đã có “Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ” và quyết định tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho tất cả cán bộ tham gia chiến dịch này. Người đã theo sát tình hình Điện Biên Phủ từng ngày, từng giờ và những lá thư của Người là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao đối với các chiến sĩ Điện Biên. Họ đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, đem hết sức mình góp phần vào thắng lợi cuối cùng để mừng sinh nhật Người.

Hồ Chí Minh đã thành công trong việc huy động sức mạnh của toàn dân để chi viện cho Điện Biên Phủ. Với tầm nhìn xa trông rộng, Người đã rất quan tâm đến công tác hậu cần, chi viện. Từ tháng 7/1953, Người đã chỉ đạo và quyết định thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Uỷ viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch. Bởi vì, chi viện cho Điện Biên Phủ là vấn đề đặc biệt khó khăn, Điện Biên Phủ cách xa các căn cứ của ta vài trăm cây số, trong khi đó ta chỉ có sức người và phương tiện thô sơ. Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn (12/1953), Người đã viết thư “Gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công” để động viên họ ra sức thi đua, chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, giúp sức bộ đội, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao. Khi ta lựa chọn phương án “đánh chắc, tiến chắc”, không có mốc thời gian cụ thể kết thúc chiến dịch thì sự chi viện càng phải tăng lên. Hậu cần trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định thắng - bại vì lẽ đơn giản: Bộ đội không có ăn thì không thể đánh giặc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Trên vách liếp bàn làm việc của tôi, bên cạnh tấm bản đồ chiến trường toàn quốc, bản đồ Điện Biên Phủ, còn một biểu đồ chỉ đỏ lên xuống: Đó là biểu đồ hậu cần” [11] để theo dõi lượng gạo có trong kho hàng ngày. Để khắc phục khó khăn, bảo đảm sự cung cấp cho tiền tuyến, ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Người đã ra nghị quyết: “Toàn dân, toàn Đảng, và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này” [12]. Thực hiện chỉ đạo của Người, chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã huy động được một khối lượng rất lớn sức người, sức của từ các vùng tự do để chi viện cho Điện Biên Phủ. Hồ Chí Minh còn chỉ đạo huy động nguồn hậu cần tại Tây Bắc vì phương án này vừa không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ca ngợi: “Đồng bào Tây Bắc… san sẻ nốt những hạt gạo cuối cùng cho bộ đội ăn để đánh giặc” [13]. Bên cạnh đó, để ngăn chặn sức chi viện của đối phương, pháo binh của ta được lệnh khống chế các sân bay của chúng. Các chiến trường khác trong cả nước cũng tăng cường hoạt động để ngăn cản Pháp chuyển quân lên Điện Biên Phủ. Cả một bộ máy chiến tranh được điều khiển nhịp nhàng dưới bàn tay và khối óc của Người. Kết quả là hàng nghìn xe thồ, đôi chân trần của dân công hỏa tuyến đã chiến thắng máy bay trực thăng hiện đại của người Pháp. H.Nava đã thua trước khả năng huy động sức mạnh toàn dân và cách thức giải quyết vấn đề hậu cần rất linh hoạt, sáng tạo của Hồ Chí Minh.

Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch và tầm nhìn, nghệ thuật quân sự, trí tuệ thiên tài của Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hồ Chí Minh đã dự báo chính xác về chiến thắng Điện Biên Phủ và sớm có dự cảm về Điện Biên Phủ mới sẽ diễn ra ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh là nhà dự báo chiến lược thiên tài. Không phải một lần “xuất thần” mà năng lực dự báo của Người đã thể hiện trong suốt cuộc đời. Người đã có dự cảm rất sớm về thắng lợi của ta trong trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1949 - thời điểm cuộc kháng chiến còn ở giai đoạn cầm cự, chúng ta phải “chiến đấu trong vòng vây”, trong tác phẩm “Giấc ngủ mười năm” (bút danh Trần Lực), Người đã phác họa cảnh tượng trận đánh cuối cùng như sau: “Kết quả trận ấy khủng khiếp thật, nhưng khủng khiếp cho giặc chứ không phải khủng khiếp cho ta… Quân địch bị ta vây kín. Chúng không thể cứu viện được nhau, bị ta tiêu diệt gần hết”. Điện Biên Phủ năm 1954 đã diễn ra đúng như thế. Tháng 4/1954, khi ở chiến trường đang có sự giằng co ác liệt giữa ta và địch, trong cuộc trò chuyện với nhà báo người Úc W.Bớcset, Người đã mô tả thế trận ở Điện Biên Phủ một cách độc đáo: “Người lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Rồi người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được” [14]. Sự điềm tĩnh và khả năng “đọc thế trận” của Người thể hiện một niềm tin khoa học vào chân lý mà Người đã đúc kết “chính nghĩa sẽ thắng”. Cuối tháng 4/1954, lúc tiễn Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên đường dự Hội nghị Giơnevơ - hội nghị quốc tế đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự, Người cho biết sẽ có một món quà quý tặng đoàn đại biểu của ta. Món quà vô giá ấy chính là sự kiện quân ta phất cờ trên hầm Đờ Cáxtơri chiều ngày 07/5/1954. Trong phiên khai mạc về vấn đề Đông Dương sáng 08/5/1954, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng bước vào phòng họp với tư thế của người chiến thắng và có “thế” để đàm phán, ký kết Hiệp định Giơnevơ với điều khoản quan trọng: Các nước tham dự hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương. Việc dự đoán chính xác, khoa học chiều hướng phát triển của sự vật, các tình huống lớn sẽ xảy ra trong tương lai là yêu cầu, phẩm chất không thể thiếu của lãnh tụ cách mạng. Hồ Chí Minh là mẫu lãnh tụ điển hình cho năng lực đó.

Người đã nhiều lần chỉ ra ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ và nhấn mạnh: “Ba chữ Điện Biên Phủ đã làm cho tiếng tăm dân tộc Việt Nam ta lừng lẫy khắp năm châu” [15]. Dù vậy, Người vẫn căn dặn cán bộ tuyên truyền tuyệt đối không được sỉ nhục đối phương, không được kích động ở người Pháp lòng tự ái dân tộc. Đó là đức khoan dung và cũng là tầm nhìn của chính trị gia thiên tài.

Được tôi luyện trong bao thăng trầm của cách mạng Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh luôn “Thắng không kiêu, bại không nản”; ung dung tự tại, điềm tĩnh là phong cách của Người. Người luôn cẩn trọng và không bao giờ để lộ một niềm vui bồng bột hay một sự lo âu quá mức. Vì thế, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc ngày 08/5/1954, Người đã căn dặn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”. Con đường đi đến độc lập, tự do của một dân tộc nhỏ không phải là con đường thẳng tắp. Người khẳng định: “Để tranh lấy thắng lợi mới, chúng ta phải ra sức vượt khó khăn mới; quân, dân và cán bộ ta, mỗi người phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ, tuyệt đối chớ khinh địch, chớ chủ quan. Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta” [16]. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa II (7/1954), Người nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ thì đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ” [17]. Thời gian này, đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên; ít ai nghĩ rằng Mỹ lại tiến hành ngay chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song, lịch sử đã diễn ra như Người dự báo. Sau này, “sa lầy” ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ và leo thang chiến tranh. Tháng 11/1964, Hồ Chí Minh cảnh báo: Nếu muốn tránh thất bại nhục nhã như ở Điện Biên Phủ thì Mỹ chỉ có một cách duy nhất là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, rút quân đội về nước; nếu không, “Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu” [18]. Trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari với điều khoản tương tự như Hiệp định Giơnevơ, rằng Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại cho quân - dân Việt Nam niềm tin và sự chủ động để đi đến ngày toàn thắng.

Sau năm 1954, cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng chiến thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy trực tiếp mặt trận Điện Biên Phủ đúc kết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” [19]. Tròn 7 thập kỷ trôi qua, nhưng tinh thần Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, luôn là tiềm năng quý giá, đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 Chú thích:

[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 323.

[2] Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - vị tướng của hoà bình, Nxb Văn hoá Sài gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, tr. 638.

[3] Võ Nguyên Giáp, “Mùa xuân Điện Biên Phủ”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1/1994, tr. 5.

[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Tập 5, Sđd, tr. 335.

[5] Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2014, tr. 107.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.378.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.401.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.433.

[9] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập 5, Sđd. tr. 351.

[10] Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - vị tướng của hoà bình, Sđd, tr. 308.

[11] Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - vị tướng của hoà bình, Sđd, tr. 306.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 88.

[13] Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - vị tướng của hoà bình, Sđd, tr. 311.

[14] Hồi ký Bớcsét, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990, tr. 254-255.

[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr.397.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.501.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.551.

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 415.

[19] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 294.

ThS Đặng Công Thành - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Theo Hochiminh.vn

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: