Được sống trong lòng nước Pháp những ngày tháng lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, bằng những tài liệu thu thập được lúc bấy giờ và cả những nghiên cứu, tài liệu sưu tầm, trực tiếp phỏng vấn người tham gia chiến dịch sau này, nhà báo Nguyễn Hạc Đạm Thư nhận thấy: Chiến thắng Điện Biên Phủ làm thức tỉnh lương tri, khát vọng yêu chuộng hòa bình.
Từ sự giận dữ trong lòng nước Pháp...
“Nước Pháp đã giận dữ”-bà Đạm Thư nói với chúng tôi như vậy và tiếp tục câu chuyện. Một mạch sóng ngầm đã sôi sục trong lòng nước Pháp. Tin Điện Biên Phủ thất thủ đến Paris lúc 13 giờ 42 phút ngày 8-5-1954, qua một bức điện ngắn ngủi với chỉ 3 dòng lan nhanh như một vệt khói súng.
Tin thua trận đã khiến Chính phủ Pháp lo sợ. Tờ Paris Match, số ra ngày 8-5-1954 viết: “Mặc quần áo tang đen, nét mặt co rúm vì xúc động, ông Laniel nặng nề bước lên các bậc của diễn đàn... Laniel bắt đầu bằng cái giọng đứt quãng: “Chính phủ... vừa được tin... tập đoàn Điện Biên Phủ... đã thất thủ...”. Laniel nói chầm chậm trong không khí hội trường rộng rãi, âm vang. Người ta nghe tiếng nói của Laniel như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó”. Ngay trong ngày hôm đó, Thủ tướng Pháp ra lệnh cho các công sở trên toàn nước Pháp treo cờ rủ.
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ được áp giải về hậu phương. Ảnh: TTXVN
Đến ngày 9-5-1954, vì quá hốt hoảng trước thất bại ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp lại vội vã ra lệnh thiết quân luật ở thủ đô Paris. Hành động đó bị dư luận phê phán kịch liệt. Người dân yêu cầu chính phủ phải nhận trách nhiệm và chấm dứt ngay những mong muốn thực hiện chính sách hiếu chiến.
Tờ Libération, ngày 11-5-1954 phân tích: “Thật quá rõ ràng, chính phủ muốn thừa dịp thất bại quân sự ở Điện Biên Phủ mà mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn để tạo ra cho đất nước một bầu không khí hoảng hốt có lợi cho những hành động xấu... Chiều hôm qua thì tung ra cái tin là sẽ giải tán quốc hội nếu như chính phủ bị lật đổ. Chính phủ đừng hòng trông mong gì sự thay đổi của dư luận để cho phép tiếp tục và làm nghiêm trọng thêm cái chính sách mình thực hiện ở Điện Biên Phủ”.
Do tác động của Điện Biên Phủ, ngày 11-5-1954, Hội đồng Chính phủ Pháp đã họp một phiên bi thảm nhất của nước Pháp (kể từ khi Pháp đầu hàng phát xít Đức).
Tờ Paris Match từ ngày 22 đến 29-5-1954 liên tục đưa về sự kiện Hội đồng Chính phủ Pháp đã họp, trong đó viết: “Trên thực tế, các bộ trưởng đã đem đối chất những quan điểm của mình trong một cuộc họp bi thảm nhất của nước Pháp kể từ tháng 5-1940. Điều làm cho việc đối chất có tính bi thảm là, đầu tiên, toàn thể các bộ trưởng họp để nghiên cứu tường tận về vấn đề chiến tranh ở Đông Dương. Một trong những nét kỳ lạ nhất là những năm qua không một chính phủ nào trong số những chính phủ kế tiếp thay nhau dám đặt vấn đề ra trước toàn thể các bộ trưởng”.
Vậy là, trong suốt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Đông Dương của thực dân Pháp đã bị bưng bít trước nhân dân yêu chuộng hòa bình tại chính nước này. Giới chính trị và những nhà cầm quyền đã không công khai các điều tồi tệ đó trước hội đồng chính phủ mà những cuộc họp bàn về chiến tranh Việt Nam ở Pháp chỉ diễn ra một cách dấm dúi, hòng bưng bít dư luận, che mắt nhân dân Pháp.
Không chỉ dừng lại ở đó, tờ Le Combat ngày 11-5-1954 còn thẳng thắn nói ra những điều cần nói: “Tám năm sai lầm kết thúc sau sai lầm đầu tiên năm 1947 đã dẫn chúng ta đến Điện Biên Phủ và thất bại về quân sự... Nếu Chính phủ Laniel tuyên bố chọn khả năng hòa bình thì phải rút lui. Vì không thể tưởng tượng được rằng lãnh tụ của Đảng Cộng hòa bình dân, một đảng chịu trách nhiệm nặng nề về chính sách của chúng ta ở Đông Dương lại có thể có năng lực thanh toán cái chính sách đó và đàm phán hòa bình, điều mà thâm tâm ông ta không muốn... Dù sao, Chính phủ Laniel cũng không còn đủ tư cách lãnh đạo nước Pháp nữa...”.
Tâm trạng tức giận của người dân đã được các nghị sĩ chuyển thành những lời chất vấn chính phủ gay gắt. Lời một nghị sĩ chất vấn chính phủ trong Quốc hội Pháp đăng trên một số báo: “Thưa ông Thủ tướng, sau này, xin ông hãy coi chừng. Ông đừng nên để bị lợi dụng bởi những lời tuyên bố mà người ta bắt ông phải nói. Trong thâm tâm ông cảm thấy đủ sức đương đầu với những cái đang chờ đợi chúng ta không?... Còn ông bộ trưởng quốc phòng, ông đã thua trận và cũng chẳng có khả năng đem lại hòa bình. Lợi ích của dân tộc đòi hỏi ông phải rút lui đi”. Vậy là người dân yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt những dối trá, có cái nhìn đúng đắn về thất bại ở Điện Biên Phủ.
Báo France Observateur ngày 13-5-1954 thì viết với nội dung đại ý, đài phát thanh rồi những bản thông báo chính thức và những vấn đề trên các báo chí đã in đầy những giải thích dối trá, những trái ngược và những tình cảm đáng ghê tởm về số phận của những người lính liên hiệp Pháp. Người Pháp có nhiệm vụ phải biết rõ sự thật, hiểu các sự kiện và làm cho tiếng nói của mình phải được chú ý. Chỉ cần đọc lướt các bản thông cáo, trong đó sự thất thủ ở Điện Biên Phủ của Pháp vừa được coi là thất bại, vừa được coi là thắng lợi, vừa được coi là quốc tang, vừa được coi là thành công trên toàn thế giới, cũng đủ thấy rằng, cố ý che đậy sự thật bằng cách tạo nên tình hình hỗn loạn, khuấy động những thiện kiến, trong đó ẩn náu những lạnh lùng... chỉ có một mục đích, chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới và chiến tranh đó chỉ có thể dẫn tới những thất bại mới. Tuy nhiên, các sự kiện sờ sờ ra đó, nếu người ta không tự dối mình và dối người khác thì những sự kiện đó đã nói lên một cách rõ ràng... Đó là một chiến thắng quyết định và hoàn toàn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một sự thất bại hoàn toàn đối với Navarre...
... đến khát vọng hòa bình
Ngay sau khi quân Pháp phải đầu hàng, ngày 8-5-1954, Báo L’Humanité đã vạch ra đúng bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, mạnh mẽ vạch mặt và đề ra hướng đấu tranh khẩn thiết trước mắt cho nhân dân Pháp: “Toàn thể nước Pháp, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tất cả dân tộc đòi hỏi một cách quyết liệt sự chấm dứt ngay tức khắc cơn ác mộng của cuộc chiến tranh khốc liệt, điêu tàn và tai họa ở Đông Dương. Nước Pháp không muốn cho một giọt máu nào nữa vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, hoàn toàn đi ngược lại lợi ích sống còn của nước Pháp... Dòng máu của hàng vạn, hàng vạn con người trên những chiến trường đã phục vụ cho ai và cho cái gì? Những nguồn tài lực không sao tính nổi bị ném vào cái vực thẳm của cuộc tàn sát địa ngục đó đã phục vụ cho ai và cho cái gì? Chắc chắn không phải vì nước Pháp. Chỉ có bọn trùm tài chính hung bạo, bọn sản xuất vũ khí tham tàn, bọn bán thịt người vô liêm sỉ là có lợi do tích lũy được những tài sản khổng lồ. Nước Pháp cầu khẩn, van xin, đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, mở cuộc đàm phán hòa bình, nhưng bè lũ và các chính phủ của họ cố tình giả điếc trước những tiếng nói của lương tri và lẽ phải... Thất bại ở Điện Biên Phủ đã thực sự làm dấy lên khát vọng yêu chuộng hòa bình trong lòng nước Pháp”.
Ngay sau sự kiện Chính phủ Pháp phải họp bàn ngay trong ngày 8-5, Báo L’Humanité đã đưa: "Tại Geneva, bây giờ đã có một phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng, Bidault-Bộ trưởng Ngoại giao Pháp “đề ra kế hoạch” ngừng bắn, tập kết quân đội hai bên, giải giáp vũ khí quân chính quy, thành lập Ủy ban Kiểm tra quốc tế...”. Sau đó hơn hai tháng, ngày 22-7-1954, tờ này đã đăng ảnh các bên tại Hội nghị Geneva đã ký kết “Hiệp định hòa bình về Đông Dương”, chạy tít lớn: “Với lệnh ngừng bắn ở Đông Dương, cả nước Pháp reo mừng”. Trong trang cổ động nhân dân: “Chiều nay, 20 giờ 30 phút, tại Trường đua Mùa Đông, mít tinh lớn, với sự có mặt của Francois Billoux, Đảng Cộng sản Pháp, Nghị sĩ Marseille, Jacques Duclos, Nghị sĩ quận Sen...”. Trong bài xã luận, thay mặt nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình, báo giới tiến bộ Pháp, tờ L’Humanité có đoạn viết: “Đây là những ngày chiến thắng, những ngày hội cho nhân dân cả hai nước chúng ta”.
Như vậy có thể thấy, nhân dân Pháp thời điểm đó đã nhận rõ bộ mặt thật của bè lũ thực dân và giới cầm quyền hiếu chiến. Báo giới Pháp tập trung đi sâu vạch trần bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa ở Việt Nam. Họ đã cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp đồng loạt lên tiếng vì sự thức tỉnh của lương tri và khát vọng hòa bình!
Nhóm phóng viên
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)