Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thống nhất đất nước, mãi lưu trang vàng lịch sử dân tộc như mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam; để lại bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ chiến lược của Đảng, có giá trị lý luận, thực tiễn và tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.

bai hoc ve 30 4
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU

Thứ nhất, nắm chắc diễn biến tình hình, dự báo, nhận định đúng thời cơ chiến lược, kịp thời đề ra chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo.

Sau Hiệp định Paris, tình hình chiến trường và tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ; ta ở thế tiến công chiến lược, làm chủ chiến trường, địch rơi vào thế bị động, phòng thủ, tinh thần chiến đấu xuống thấp khi không còn sự bảo trợ trực tiếp của quân đội Mỹ. Đặc biệt, thắng lợi vang dội của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 -06/01/19775) giúp ta củng cố cơ sở, phân tích, dự báo về khả năng Mỹ không trở lại chiến trường miền Nam, bởi sức ép của dư luận trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị nhận định “chúng ta thấy chính xác hơn thời cơ lịch sử và khả năng thực tế để quyết chiến những trận cuối cùng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn… phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976”(1). Thực tiễn chiến trường thay đổi rất nhanh, nhất là sau khi địch bất lực tái chiếm Buôn Ma Thuật và buộc phải triệt thoái khỏi Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng; cách mạng đang ở thế tiến công chiến lược, phát triển triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”.

Ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị chỉ đạo: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”(2), với phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiếp đó, ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn chỉ thị cho toàn bộ đảng viên, chiến sĩ phải: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Những nhận định và chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có vai trò quan trọng, quyết định thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

bai hoc ve 30 4 2
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thứ hai, kịp thời tổ chức lực lượng mạnh, thực hiện các chiến dịch then chốt, tạo bước ngoặt để giành thắng lợi.

Nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy thời cơ chín muồi, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo mở các đòn tiến công chiến lược vào những địa bàn, mục tiêu chiến lược, nhằm đè bẹp khả năng phản kháng và khuất phục tinh thần chiến đấu của địch. Mở đầu là Chiến dịch Tây Nguyên, ta tập trung lực lượng mạnh, tương đương quân đoàn, gồm: 5 sư đoàn và 4 trung đoàn bộ binh, 2 trung đoàn pháo binh, 2 trung đoàn công binh, 3 trung đoàn phòng không, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn tăng thiết giáp, 1 trung đoàn vận tải, 1 trung đoàn thông tin, cùng lực lượng vũ trang địa phương ba tỉnh Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai(3).

Phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến là Mạnh bạo, chắc thắng, chủ động, cơ động linh hoạt, bí mật, bất ngờ và chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 3 - 24/3/1975, ta đã giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, tạo ra thời cơ có tính bước ngoặt lịch sử cho cách mạng.

Trên đà thắng lợi, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (21 - 29/3/1975) với ý chí quyết tâm hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, nhằm đập tan ý định tập trung, co cụm của địch từ Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung kéo về. Sự độc đáo của Chiến dịch là được hình thành khi thời cơ chiến lược xuất hiện trong quá trình phát triển của cuộc Tổng tiến công; lực lượng tham gia, gồm: Quân đoàn 2, Quân khu 5 và Quân khu Trị - Thiên do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy.

Thắng lợi liên tiếp của hai Chiến dịch trên đã gây tổn thất nặng nề về quân số, cơ sở vật chất kỹ thuật, làm cho tinh thần chiến đấu của quân địch hoang mang nghiêm trọng, ngụy quân, ngụy quyền đứng bên bờ vực sụp đổ toàn diện, Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, vì dù có tăng viện trợ cũng không cứu vãn được.

Bộ Chính trị nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi”(4) để tiến hành trận quyết chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toan miền Nam. Đồng thời, với chủ trương mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn và đồng ý lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (26 - 30/4/1975), chúng ta đã tập trung cả 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn); hầu hết các quân, binh chủng thuộc lực lượng dự bị chiến lược, lực lượng không quân; lực lượng quân sự, chính trị thuộc Quân khu 7 và thành phố Sài Gòn - Gia Định với tổng quân số 270.000 người(5), đồng loạt tiến về trung tâm đầu não Sài Gòn. Đúng 11giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập - Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.

Ba là, kịp thời củng cố tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước, quần chúng để giữ vững thành quả cách mạng và đập tan sự chống phá của tàn quân, phản động.

Trong ngày 19/4/1975, Ban Bí thư ban hành đồng thời Chỉ thị số 219-CT/TW và Điện số 17 chỉ đạo thực chính sách đối với ngụy quân, ngụy quyền, công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; tổ chức bộ máy đảng, nhà nước, quần chúng ở vùng mới giải phóng để mau chóng thiết lập và ổn định trật tự an ninh, đập tan âm mưu, hoạt động của bọn phản động, tàn quân địch núp danh nghĩa tôn giáo hoặc hòa giải dân tộc để phá hoại thành quả cách mạng. Kiện toàn về cơ cấu cấp ủy phải bảo đảm “bên cạnh những đồng chí có năng lực lãnh đạo chính trị, quân sự, cần có những đồng chí đủ năng lực về lãnh đạo và quản lý chính quyền, kinh tế, văn hóa”(6). Nhanh chóng xây dựng, kiện toàn bộ máy chính quyền, tổ chức quần chúng các cấp; trong đó, Ủy ban nhân dân cách mạng phải thực sự là tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, trước mắt là “ổn định nhân dân vùng mới giải phóng, tiếp quản tốt các thành phố, thị xã, giữ gìn trật tự an ninh, khôi phục, xây dựng văn hóa, săn sóc đời sống nhân dân”(7); kết nạp đại đa số quần chúng vào các tổ chức cách mạng, kết hợp với kiên quyết giải tán các đảng phái và tổ chức quần chúng do địch lập ra. Đồng thời, kiên quyết quét sạch bọn cầm đầu bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái phản động, tước hết vũ khí, phương tiện hoạt động, không để chúng cấu kết với nhau; phát động phong trào đấu tranh của quần chúng để nhận diện, bắt giữ những tên ngoan cố lẩn trốn không chịu trình diện chính quyền cách mạng và “kiên quyết bắt giữ và đưa ra tòa án quân sự xét xử một cách nghiêm khắc”(8) đối với những phần tử ngoan cố tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng, gây rối trật tự an ninh.

bai hoc ve 30 4 3
Nhân dân Sài Gòn đón chào Quân Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu).

GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN SÂU SẮC

Thứ nhất, nghiên cứu, nắm vững, dự báo xu hướng vận động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước để nhận diện, xác định thời cơ, vận hội xây dựng, phát triển đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, cần chủ động, nghiên cứu, phân tích, nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước, nhất là xu hướng điều chỉnh chiến lược của các nước lớn trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cao độ và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Làm rõ vị trí, vai trò địa chiến lược về kinh tế, chính trị của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực.

Nắm rõ, nhận định và dự báo sát đúng sự ảnh hưởng, tác động của các nhân tố: An ninh phi truyền thống, tranh chấp chủ quyền, biển, đảo, xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới… đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, “dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ…. đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ”(9) để xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, nắm bắt, khai thác các thời cơ từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đến khả năng cho phép chúng ta có thể bỏ qua những bước, những giai đoạn quá độ tiến thẳng, nắm bắt và làm chủ công nghệ hiện đại, như: công nghệ nguồn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, v.v..

Mặt khác, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; tốc độ kinh tế phát triển nhanh, quốc phòng, an ninh, môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, đối ngoại không ngừng được mở rộng, v.v.. Lợi thế về cơ cấu dân số vàng, tài nguyên thiên nhiên, chế độ chính trị ổn định và vị trí địa kinh tế, chính trị cho phép chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, gần 7% mỗi năm, quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, đạt khoảng 430 tỉ USD, với GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD vào năm 2023; thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện (5 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với ta); có quan hệ kinh tế - thương mại với 230(10) quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia ký kết 13 hiệp định thương mại tư do (FTA), là một trong những quốc gia hàng đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là từ các tập đoàn công nghệ hành đầu thế giới, v.v.. Điều đó khẳng định vai trò là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước, mở ra thời cơ, vận hội xây dựng, phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình xây dựng, phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước.

Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời quá trình triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết, chiến lược về xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 do Đại hội XIII của Đảng đã xác định; các mục tiêu, chương trình quốc gia trọng điểm giai đoạn 2021-2025, như: Xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, v.v.. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo hệ sinh thái xanh, an toàn cho xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, trước những tác động của thiên tai, dịch bệnh COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ucraina, Israel - Hamas… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, như: Đẩy mạnh đầu tư công; sắp xếp, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực, tập đoàn, doanh nghiệp; miễn, giãn, giảm thuế và lãi suất… nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân và các chủ thể kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển.

Chú trọng đầu tư phát triển các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn và trình độ, năng lực đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm bảo đảm sự “thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển… mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”(11) và khẳng định giá trị, tính ưu việt của mô hình kinh tế mà chúng ta đang xây dựng.

bai hoc ve 30 4 5
Tiếp tục vận dụng, phát huy giá trị to lớn và những bài học quý báu từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp đổi mới dưới lá cờ vinh quang của Đảng.

Thứ ba, phát huy vai trò tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, quản lý thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực, thù địch, phản động.

Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là “tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế”(12).

Chú trọng đối thoại, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế vận hành để khơi thông các nguồn lực, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia, gắn với tiếp tục “hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”(13). Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển đất nước, hòng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế.

Gần 50 năm trôi qua, độ lùi thời gian và những chứng tích lịch sử đã kiểm chứng tính đúng đắn, sáng tạo về nhận định, vận dụng thời cơ chiến lược của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tiếp tục vận dụng và phát huy giá trị to lớn của bài học đó trong sự nghiệp đổi mới dưới lá cờ vinh quang của Đảng là góp phần hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước Việt Nam mạnh, tự cường, phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng./.

Trung tá THÁI DOÃN HÙNG

Thượng tá TÔ LAN HƯƠNG

Trường Sĩ quan Pháo binh

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Bùi Hảo (st)

_____________________

(1) (2) (4) (6) (7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.36, tr.6, 95-96, 95, 152-153, 154, 145.

(3) (5) Dẫn theo: Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2014, tr.515, 603.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.23.

(10) (11) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

(12) (13) Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Bài viết khác: