Tôi được ở gần Bác từ năm 1947 đến năm 1950. Tôi làm việc ở bên Kinh tế Tài chính Trung ương là chính, nhưng công tác chủ yếu ở chỗ anh Cả(1). Anh Cả được Trung ương phân công chịu trách nhiệm chăm lo cho Bác. Thỉnh thoảng, tôi được các anh bảo vệ Bác đến đón sang chỗ Bác để chăm lo thêm việc ăn uống, sinh hoạt của Bác. Hồi đầu, kháng chiến theo Bác lên chiến khu có một tiểu đội vừa bảo vệ vừa giúp việc. Bác đặt tên cho tiểu đội là: ''Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi''. Ngoài ra, còn có chị Thanh lo việc tiếp tế đôi khi nấu ăn cho Bác, sau này ở Văn phòng Trung ương. Hồi đó, đi kháng chiến thật gian khổ, Bác cũng sinh hoạt như anh em. Châu Tự do, Bác cháu trồng được một vườn sắn. Bác ăn chung với anh em. Anh em ăn như thế nào, Bác ăn như thế ấy... Bát của Bác ăn cũng như của anh em, đều làm bằng ống tre cưa. Cuối năm 1947, Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Nấu ăn cho Bác lúc này là anh Lộc, được Bác đặt tên là Đồng, bác sĩ Chánh chăm lo sức khỏe cho Bác, được Bác đặt tên là Tâm, sau là Viện phó Bệnh viện Việt-Xô.

Ở An toàn khu, nhà Bác ở là kiểu nhà sàn, rộng khoảng 6m2, Bác ở riêng, anh em bảo vệ ở xung quanh. Năm 1948, tôi ở rừng về tìm cách để Bác ăn riêng. Tôi thưa với Bác: Bác già rồi, ăn chậm hơn chúng cháu, chúng cháu ăn riêng tự nhiên hơn. Bác đồng ý nhưng chỉ có thức ăn là bày riêng còn cơm vẫn nấu chung. Tuy vậy, Bác vẫn ngồi ăn chung với chúng tôi. Bác nói là ăn chung cho vui.

Lúc đó cũng chẳng có gì bồi dưỡng cho Bác, chủ yếu là chim chóc do các anh săn bắn được. Anh Lộc nấu ăn cho Bác, thức ăn lúc ấy cũng chỉ có ít thịt kho với muối. Sau đó tôi xin được mấy cái bát và đến nhà máy kiến thiết xin gỗ, làm được chiếc khay để dọn cơm riêng cho Bác. Lúc đầu Bác không đồng ý, Bác bảo: ''Tách thế này như quan ấy''.

Đối với chị em phụ nữ và các cháu gái Bác chiều hơn con trai. Lúc đầu còn nấu nồi cơm to, sau tìm gạo ngon nấu nồi nhỏ cho Bác. Bác thích ăn thanh đạm, vừa phải, không để thừa... Bác không chê chúng tôi nấu ăn dở bao giờ, mà Bác thường khen món này ngon, món kia ngon. Thỉnh thoảng tôi tìm gà nấu để Bác ăn, Bác không bao giờ ăn hết, Bác bảo: ''Lộc bất tận hưởng'', thường thì Bác để dành thức ăn cho anh em. Sau này biết ý, tôi ninh nhừ gà lấy nước để Bác uống. Làm con gà to, bác phê bình là lãng phí. Bác thích các món ăn đậm đà, dân dã như thịt kho, cá kho. Bác ăn uống rất điều độ, mỗi bữa hai bát cơm.

Trời rét Bác không chịu nằm đệm, chỉ đắp chiếc chăn cũ nhuộm nâu, quần áo của Bác đều nhuộm nâu. Bác tự đánh máy, tuy chỉ mổ cò. Văn phòng Trung ương cử một đồng chí sang giúp Bác đánh máy, Bác bảo lãng phí. Đặc biệt Bác rất sợ làm phiền người khác. Bác phê bình thẳng thắn những người gây lãng phí hay làm lộ bí mật. Bác rất coi trọng nguyên tắc.

Hồi đầu, nhà của Bác không có cửa sổ, chỉ vây vách cao xung quanh. Ban đêm, các đồng chí cử người luân phiên nằm ở bên ngoài để trông nom Bác. Sách vở, tài liệu của Bác không có gì, chỉ có một cuốn sổ nhỏ để Bác ghi chép. Chỗ làm việc của Bác là một chiếc chõng tre con, trên để chiếc máy chữ, còn Bác ngồi xệp xuống sàn nhà đánh máy. Nhà sàn của Bác trên là ở, dưới để họp. Bác ở rất ngăn nắp và trật tự. Mỗi loại bút đều có ống tre cắm, Bác ngủ dậy bao giờ chăn màn cũng được gấp vuông vắn. Bác tự mình lau máy chữ. Theo ý Bác, nơi Bác ở bao giờ các đồng chí cũng tìm được chỗ gần suối để Bác tắm cho tiện. Trời rét, Bác vẫn tắm đều vào buổi trưa. Bác đi rất nhanh. Anh Chiến đi cũng không theo kịp Bác. Anh em bảo vệ muốn giữ sức khỏe cho Bác nên khi đi qua đèo De, có chỗ nghỉ sạch sẽ, mát mẻ, đề nghị Bác nghỉ, nhưng Bác không chịu, Bác nói đi chậm là nghỉ rồi. Sau đó anh em bày kế bảo là chúng cháu mệt, Bác mới chịu nghỉ. Chỗ nghỉ cạnh suối, Bác đặt tên là: ''Suối đọc báo''. Khi nghỉ trưa Bác chỉ ngả lưng một chút. Mùa rét, Bác dùng chiếc áo ngoài để đắp, Bác bảo: ''Như vậy dậy sẽ dễ dàng hơn''.

Bác là người rất bình tĩnh. Hồi còn ở chân đèo De, Bác nuôi một con chó bécgiê, con chó của Sáctông(2), nó rất khôn, cứ quấn quýt bên Bác. Con chó này ta bắt được ở Chiến dịch Biên giới. Nó thường ngủ dưới gầm giường của Bác. Một đêm nó xuống bếp nằm và bị hổ vồ. Tôi nghe tiếng nó kêu rất rùng rợn, khi đó mọi người đều thức, có người nói với Bác: ''Hình như có hổ về bắt chó'', Bác bảo: ''Không có gì''. Bác nói như vậy cốt để giữ bình tĩnh cho anh em. Sau đó một lúc, Bác mới bảo đồng chí bảo vệ đi gọi anh Chiến để tìm xem con chó ở đâu. Vào bếp tìm không thấy chó nữa, hổ đã tha đi mất.

Năm 1950, đồng chí Lêôphighe(3) tới thăm và ở với Bác hai ngày. Đồng chí góp ý: ''Phải chú ý bảo vệ Bác, ở gần rừng, thú dữ nhiều phải cẩn thận''. Chúng tôi báo cáo với Bác điều đó và xin tăng cường bảo vệ, Bác không đồng ý. Anh em bàn nhau cứ phải cử người canh gác, nhưng không cho Bác biết. Một hôm có một đồng chí tới phiên gác, không may bị ho, thế là lộ. Bác dậy, xách ghế ra và bảo: ''Chú ngồi xuống đây, đừng đứng mỏi chân''. Nghe đồng chí đó kể lại, chúng tôi cảm động rơi nước mắt.

Bác làm việc và sinh hoạt rất đúng giờ. Các đồng chí Trung ương về họp, trừ việc nấu cơm chúng tôi phải làm, còn việc lấy nước cho các đồng chí dùng Bác cũng miễn cho chúng tôi. Bác đề nghị các đồng chí Trung ương xuống suối rửa mặt. Bác cũng xuống rửa mặt như các đồng chí, Bác bảo: ''Tự túc, tự túc''. Trời rét Bác không chịu rửa mặt bằng nước nóng. Bác hay hút thuốc lá, năm 1949, đường tắc nên không có thuốc cho Bác hút, tôi phải tìm cách chế biến thuốc cho Bác. Bác bảo làm cho Bác cái điếu cày để Bác tập hút thuốc lào. Nhưng thuốc lào nặng quá Bác không hút được, thế là Bác có ý định bỏ thuốc.

Chúng tôi thưa với Bác là may áo lụa để Bác mặc. Bác không đồng ý, chỉ mặc áo vải thô nâu. Đồng bào trong nước và các bạn nước ngoài tặng Bác nhiều vải lụa tốt, nhưng Bác vẫn không cho may mà dùng để làm tặng phẩm cho đồng bào và chiến sĩ có thành tích trong kháng chiến.

Bác ít dùng thuốc để chữa bệnh. Bác rất ghét uống thuốc và dùng thuốc chữa bệnh. Có lần anh Phạm Ngọc Thạch đến khám sức khỏe cho Bác, Bác nói luôn: ''Các chú muốn gì?''. Thế là anh Thạch phải lảng đi và bảo là chỉ đến hỏi thăm sức khỏe của Bác thôi.

Có lần đang đi công tác, Bác bị đau cột sống đến nỗi không đi được anh em phải cáng về, nhưng khi về đến nhà, Bác bảo với tôi: ''Đừng cho ai biết''. Rồi Bác bảo tôi đun ngải cứu với nước tiểu, chườm cho Bác, thế là khỏi.

(1) Đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

(2) Chỉ huy lính Pháp ở biên giới năm 1950.

(3) Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Thư ký Đoàn Thanh niên cộng hòa Pháp, Phó Chủ tịch Đoàn Thanh niên Dân chủ quốc tế.

Theo Theo lời kể của bà Trần Việt Hoa. Trích từ sách: Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, NXB T

Theo baotanghochiminh.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: