Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Đã gần 180 năm kể từ khi còn là “bóng ma ám ảnh châu Âu” và trong suốt quá trình phát triển của mình, Chủ nghĩa Mác luôn vấp phải sự chống phá quyết liệt của những quan điểm phi mác-xít nói chung, của chủ nghĩa cơ hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói riêng.

Do vậy, Karl Marx và những người đồng chí của mình đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại các chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc. Cuộc đấu tranh đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, đồng thời đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng ta trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa hiện nay.

Cuộc "đấu tranh sống mái"

Chủ nghĩa cơ hội ra đời đã gây ra những tác hại rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Chính những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cơ hội nên Karl Marx và những người đồng chí của mình đã phải tiến hành cuộc “đấu tranh sống mái”(1) chống lại chủ nghĩa cơ hội dưới nhiều màu sắc khác nhau như: Chủ nghĩa Proudhon, Lassalle, Bakunin... để phong trào công nhân quốc tế mau chóng hồi phục và phát triển.

Thứ nhất, đấu tranh chống Chủ nghĩa Proudhon. Chủ nghĩa Proudhon là chủ nghĩa cải lương và trào lưu vô chính phủ lưu hành trong phong trào công nhân Pháp từ những năm 40 đến những năm 90 của thế kỷ 19, đại biểu là P.J.Proudhon. Đứng trên lập trường của tầng lớp tiểu tư sản, Proudhon kịch liệt phản đối các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại chế độ tư bản. Ông đã ảo tưởng cải tạo xã hội một cách hòa bình và đưa ra tư tưởng cải cách dần dần từ bên trên. Với những quan điểm của mình, Chủ nghĩa Proudhon đã gây trở ngại nghiêm trọng cho sự truyền bá chủ nghĩa xã hội khoa học trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế lúc bấy giờ. Trước tình hình đó, Karl Marx đã viết nhiều tác phẩm: "Bản thảo kinh tế-triết học" (1844), "Hệ tư tưởng Đức" (1846), "Sự khốn cùng của triết học" (1847), "Bàn về Proudhon" (1865)... phê phán nghiêm khắc lý luận vô sách lược của Chủ nghĩa Proudhon. Karl Marx  trình bày những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, phê phán lý luận “cách mạng xã hội” của Chủ nghĩa Proudhon. Karl Marx  đã chỉ ra sự ảo tưởng trong việc cải tạo xã hội một cách hòa bình và chứa đầy mâu thuẫn về mặt lý luận của Proudhon. Trong khi phê phán Proudhon, Karl Marx đã lập luận học thuyết đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, đó là sự thống nhất giữa đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt vật chất tiến tới giải phóng bản thân, lật đổ nền thống trị của giai cấp tư sản. Cuộc đấu tranh của những người sáng lập Chủ nghĩa Mác chống chủ nghĩa vô chính phủ của Proudhon kéo dài suốt mấy chục năm, tới khi Công xã Paris thất bại mới triệt để xóa bỏ được nó. Và từ đây, chủ nghĩa cơ hội Proudhon đã không còn ảnh hưởng gì trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Karl Marx
Khách tham quan ngôi nhà nơi Karl Marx sinh ra tại Trier, Đức. Nguồn: THX/TTXVN

Thứ hai, đấu tranh chống Chủ nghĩa Lassalle. Chủ nghĩa Lassalle hình thành ở nước Đức vào những năm 60 của thế kỷ 19, là trào lưu cơ hội chủ nghĩa mà đứng đầu là F.Lassalle (1825-1864). Đây là một trào lưu cơ hội chủ nghĩa có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phong trào công nhân Đức và phong trào công nhân quốc tế. Bên cạnh việc tuyên truyền cái gọi là “quy luật sắt về tiền công”, Lassalle cổ vũ cho quan điểm duy tâm chủ nghĩa về nhà nước, kêu gọi thực hiện chủ nghĩa xã hội thông qua quyền phổ thông đầu phiếu, biến nhà nước chuyên chế Phổ thành “nhà nước tự do”, sau đó, nhà nước ấy sẽ đem tiền của dùng vào chiến tranh để xây dựng các hợp tác xã, làm cho công nhân thoát khỏi nghèo khổ. Tư tưởng của F.Lassalle thực tế là thỏa hiệp và theo đuôi giai cấp tư sản. Karl Marx đã viết tác phẩm "Phê phán Cương lĩnh Gotha"(1875), phê phán những sai lầm thỏa hiệp, hữu khuynh vô nguyên tắc của những người lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Đức, vạch trần bản chất cơ hội, cải lương của phái Lassalle. Karl Marx đã vạch trần tính chất sai lầm và phản động của F.Lassalle trên nhiều vấn đề; trong đó, ông phê phán luận điểm nhảm nhí về “nhà nước tự do” dựa theo quan điểm siêu giai cấp của Lassalle. Cũng thông qua cuộc đấu tranh này, Karl Marx đã phát triển lý luận về hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa, làm nổi bật tính tất yếu, vai trò lịch sử của chuyên chính vô sản và phát triển thêm một bước học thuyết về nhà nước.

Thứ ba, đấu tranh chống chủ nghĩa vô chính phủ Bakunin. Chủ nghĩa Bakunin là một trào lưu tư tưởng chính trị tiểu tư sản và chủ nghĩa vô chính phủ có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào những năm 70 của thế kỷ 19. Bakunin đòi xóa bỏ mọi hình thức chính quyền, kể cả chuyên chính vô sản bằng các cuộc bạo động có tính chất âm mưu; khước từ mọi hoạt động chính trị của giai cấp công nhân... Cuộc đấu tranh của Karl Marx chống lại tư tưởng cơ hội tiểu tư sản và vô chính phủ của Bakunin được đưa lên hàng đầu trong Quốc tế I. Karl Marx đã chỉ ra tư tưởng của Bakunin là “sai lầm về mặt lý luận và phản động về mặt thực tiễn”, dẫn giai cấp công nhân đi theo chủ nghĩa cải lương. Ông chỉ ra rằng không thể thủ tiêu chủ nghĩa tư bản bằng việc xóa bỏ quyền thừa kế mà phải sử dụng chuyên chính vô sản. Thông qua sự đấu tranh quyết liệt của mình, Karl Marx đã đánh bại Chủ nghĩa Bakunin và năm 1872 khai trừ Bakunin ra khỏi Quốc tế I, đồng thời đưa Chủ nghĩa Mác phát triển lên một tầm cao mới trong lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản.

Có thể nói, Karl Marx đã tiến hành cuộc đấu tranh triệt để chống lại chủ nghĩa cơ hội trong những năm 1844-1873 và đã bác bỏ gần như toàn bộ học thuyết cơ hội trong giai đoạn đầu của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đấu tranh này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần đưa phong trào công nhân quốc tế phát triển đúng hướng. Đồng thời còn tạo ra một bước phát triển vượt bậc của hệ tư tưởng vô sản, ngày càng khẳng định tính đúng đắn, khoa học của học thuyết này, tạo cơ sở vững chắc cho những thắng lợi của các cuộc cách mạng vô sản sau này.

Những vấn đề đặt ra đối với đấu tranh chống tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Trong Đảng ta hiện nay chưa có chủ nghĩa cơ hội như thời của Karl Marx, tức là chưa có những trào lưu tư tưởng, học thuyết hay một tổ chức công khai đối lập với Đảng, tuy nhiên, những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa xuất hiện dưới những mức độ, tính chất khác nhau. Biểu hiện cơ hội chủ nghĩa ở trong Đảng ta thể hiện dưới những dạng cơ hội chính trị và cơ hội thực dụng mà Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) chỉ ra đó là 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những t­ư t­ưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa đã và đang làm giảm sút năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ. Do vậy, kế thừa những bài học, kinh nghiệm từ cuộc đấu tranh của Karl Marx chống chủ nghĩa cơ hội, để có thể ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, cần phải tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Một là, cần giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa. Cho dù các phần tử cơ hội chủ nghĩa dưới nhiều màu sắc, song chúng đều có một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục để đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân phát hiện ra những phần tử cơ hội chủ nghĩa trong Đảng, thấy rõ tác hại của chúng, trên cơ sở đó, nâng cao trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống những phần tử cơ hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Hai là, phải có thái độ đấu tranh dứt khoát, kiên quyết, triệt để, không khoan nhượng với những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa. Các phần tử cơ hội chủ nghĩa như những “ung nhọt”, “vi trùng rất độc”, “khối u ác tính”; là một tai họa hiển nhiên, do vậy, toàn Đảng cần đấu tranh chống lại chúng ở mọi nơi, mọi lúc; trên tất cả lĩnh vực; không cho chúng cơ hội trở thành một chủ nghĩa, một trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp cách mạng. Cần phải có thái độ rõ ràng, đấu tranh một cách kịp thời, triệt để, dứt khoát, không cho chúng có “mảnh đất” để tồn tại. Kiên quyết xử lý, loại bỏ chúng dù ở bất cứ vị trí nào, cần “tẩy rửa chất mủ ấy đi càng nhanh và càng kỹ chừng nào càng tốt chừng nấy, dù cho việc mổ xẻ ấy có làm cho ta phải tạm thời chịu đau đớn kịch liệt đi nữa”(2).

Ba là, xác định nội dung, phư­ơng pháp, hình thức phù hợp để đấu tranh hiệu quả với các biểu hiện cơ hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh chống các phần tử cơ hội chủ nghĩa phải đư­ợc tiến hành trên mọi mặt trận, ở mọi nơi, từ đấu tranh lý luận đến đấu tranh thực tiễn. Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng lý luận, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (3). Kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên với thực hiện nghiêm túc các khâu, các bước trong công tác cán bộ, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình trong nội bộ với công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, sự giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng, của quần chúng nhân dân và công tác thanh tra, điều tra, xét xử của các cơ quan chức năng. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những phần tử cơ hội chủ nghĩa “luồn sâu, leo cao” vào trong bộ máy của Đảng.

Nói tóm lại, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của Karl Marx đã để lại những ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc, trong đó chỉ dẫn cho cuộc đấu tranh phòng, chống những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa trong Đảng ta hiện nay. Để đấu tranh chống các phần tử cơ hội chủ nghĩa đòi hỏi cần phải xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Có như vậy, Đảng mới tăng cường “sức đề kháng” và đủ sức loại bỏ được những phần tử cơ hội chủ nghĩa ra khỏi bộ máy.

------------------------------------

(1) K.Marx và F.Engels, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.58

(2) V.I.Lenin, Toàn tập, tập 27, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.154

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.183

 

Thiếu tá, Thạc sĩ PHẠM VĂN PHONG, Học viện Chính trị

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: