Trong hồi ký (viết cuối năm 1995) và trả lời một số phỏng vấn, cha tôi thường nhắc lại ý: "Bác Hồ bảo gì, tôi làm nấy, chẳng từ nan. Từ hàn đê, chống lũ lụt, dự báo thời tiết, dạy học, nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ thuật... cho đến cứu tế xã hội, mặt trận, quốc hội, đối ngoại...".
Có người quen tuy thiện cảm với tính cách và đóng góp vào sự nghiệp chung của cha tôi, nhưng có ý: "Nếu cụ không nói vế đầu (Bác Hồ bảo gì, tôi làm nấy) thì thể hiện được tính độc lập, tự chủ của người trí thức hơn!". Tôi nói lại với cha mình và được cụ trả lời ngay: "Cụ bảo đúng thì phải nghe và làm theo chứ!". Thế rồi, ông nhắc lại những kỷ niệm đầu tiên được gặp Bác Hồ và nhận nhiệm vụ của Bác giao làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ, sau kiêm Giám đốc Nha Khí tượng Việt Nam từ 1945 với một trong những nhiệm vụ đột xuất là chỉ đạo, tổ chức hàn đê, chống lụt lớn năm Ất Dậu trên 13 tỉnh ở miền Bắc để dân kịp sản xuất, chống đói trong điều kiện cách mạng vừa thành công, thù trong giặc ngoài, ngân khố kiệt quệ.
Theo nhật ký, Bác đã nói chuyện với ông theo tinh thần "Quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách. Nhân dân bị lũ lụt, đói khổ, lẽ nào kẻ sĩ chỉ khoanh tay ngồi nhìn". Và thế là, với tấm lòng chân thành, nghe theo lời Bác, được sự ủng hộ của nhân dân, giúp đỡ của tập thể, ông đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, nhận tấm Bằng khen đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do cụ Huỳnh Thúc Kháng ký.
Theo ông, Bác Hồ đâu chỉ có "bảo" dân, mà Bác còn rất trọng, nghe dân, trong đó có ông, nên Bác thường đưa ra những quyết sách sáng suốt, đặc biệt trong các tình huống hiểm nghèo. Cuộc Tổng tuyển cử lịch sử ngày 6-1-1946 trong tình thế cách mạng còn rất non yếu là một ví dụ. Theo đề nghị của cụ giáo Thỉnh (thầy dạy cũ) qua ông đề đạt lên, Bác đã cử Đoàn đại biểu Chính phủ do cụ Huỳnh dẫn đầu (trong đó có cha tôi và bác sĩ Trần Duy Hưng) vào bái yết Quốc Tử Giám ngay sau ngày Lễ độc lập đầu tiên của chính quyền cách mạng, cũng như đi dự Lễ Giỗ tổ Hùng Vương cùng năm đó ở Phú Thọ, nơi đang có phe Quốc dân đảng hoạt động khá mạnh. Một Đoàn khác của Mặt trận Việt Minh do ông Trần Đăng Ninh cũng lên đây lúc này đã bị bắt, suýt bị thủ tiêu, nhưng sau đã thoát được. Những việc làm trên không chỉ có tác động rộng rãi, sâu xa đến lòng dân mà cả tới tầng lớp sĩ phu mới như ông, giúp họ phân rõ thêm chính hay tà, yêu nước hay phản động trong hoàn cảnh cách mạng còn trứng nước, nhiều rối ren, phe phái bấy giờ.
Riêng với ông, nói riêng là công tác với trí thức, xây dựng ngành khí tượng thuỷ văn, vật lý địa cầu, làm lịch nước ta, phổ biến khoa học..., ông đã được Bác quan tâm, lắng nghe ý kiến đề đạt, tạo điều kiện giúp đỡ, động viên để thực hiện thành công. Chính vì vậy mà ông nhiều lần nhắc lại với tấm lòng biết ơn chân thành: "Tất cả những gì mà tôi làm được cho dân, cho nước đều là nhờ ở Bác Hồ".
Tôi chỉ nhớ vào khoảng vài năm sau khi Bác Hồ mất, một lần đi chơi ở nhà người bạn cũng là nhân sĩ trí thức về, mẹ tôi vừa gặp cha tôi ở sân nhà đã nói ngay: "Ông thế nào mà để người ta làm thơ phê phán ông cái gì cũng lắc, cũng phủ nhận những thành tích của ta?". Sau này tìm đọc, tôi mới biết bài thơ đó dài khoảng mười câu đăng trên một tờ báo của đoàn thể, có tên đại ý là "Ông lắc", phê phán một người hay phủ nhận những cố gắng, thành tích của chế độ ta lúc đó. Không biết bài báo ấy có nhằm vào ông hay không? Nhưng nhân dịp đó, ông cũng "bật lên" chính kiến của mình. Ông cười, rồi nghiêm sắc mặt nói: "Choa đâu phải cái gì cũng lắc". (Ông vốn có tật hơi bị lắc, khi nào không đồng ý thì lắc mạnh hơn. Trong trường hợp bức xúc, thỉnh thoảng ông vẫn buột ra tiếng gốc Nghệ quê nhà). Ông nói tiếp: "Không nói được thì ít nhất cũng phải lắc. Làm đại biểu của dân mà không phân biệt đúng sai, cái gì cũng gật, cũng hoan hô thì chỉ là nghị gật, dân chẳng cần mà có khi sau này còn bị hỏi tội".
Quả thật, từ năm 1945 đi theo Bác Hồ và đặc biệt từ năm 1969 khi Bác mất cho đến khi ông đi theo Bác sang thế giới bên kia (1997), tôi chưa bao giờ thấy ông nói ngược với Bác. Chỉ sau khi Bác mất vài năm, thỉnh thoảng sau khi nghe đài, đọc báo nước ngoài, tôi nghe thấy ông nói như chỉ với mình: "Bác Hồ không phải thế! Cụ Hồ thì không bao giờ làm thế!". Lần đầu tiên nghe đọc Di chúc của Bác trên đài, tôi thấy ông rất chăm chú, xúc động nhưng rồi cũng trầm ngâm nói: "Sao không thấy Cụ dặn về công tác khoa học kỹ thuật?". Như một phản xạ tự nhiên, tôi chỉ dám nói chen vào: "Chắc ở đây Bác dùng từ "văn hoá" theo nghĩa rộng, có nghĩa bao gồm cả khoa học kỹ thuật trong đó". Giờ đây, những kỷ niệm về lòng kính tin Bác Hồ của ông vẫn còn giữ mãi trong lòng chúng tôi.
Gần 4 năm sau ngày ông đi xa, anh Lê Tâm - con rể ông - đã nói lại lời tâm sự của GS Lê Văn Thiêm với anh: "Mình chỉ dạy toán thôi cũng đã mệt, vậy mà ông Xiển nhà cậu vừa là lãnh đạo một Đảng Xã hội Việt Nam, thủ trưởng Nha Khí tượng Thuỷ văn, Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội trưởng Hội Phổ biến Khoa học kỹ thuật Việt Nam, chủ nhiệm 2 tờ báo: Khoa học Thường thức và Tổ quốc, Chủ tịch Uỷ ban Đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai khủng bố trí thức miền Nam Việt Nam... mà luôn hoàn thành nhiệm vụ thì thật là giỏi, thật là anh hùng".
Với lòng tự hào chính đáng của lớp sĩ phu hiện đại cuối cùng một thời, với biết bao thử thách và oanh liệt của đất nước, ông cũng mãi ghi nhớ "Hội nghị Diên Hồng" của trí thức Việt Nam chống Mỹ cứu nước 1966 tại Hà Nội. Tại đó, ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch của hội nghị lịch sử này.