Năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Việt Bắc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhân dân vùng Việt Bắc chưa biết ông Cụ là ai nhưng cảm nhận là một con người vô cùng giản dị, gần gũi. Họ nghĩ về Cụ với một tình cảm thiêng liêng, trìu mến vô hạn.

Mấy năm sau lại xuất hiện một đội quân hoàn toàn mới, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (năm 1944) với lời thề sắt son vì mục tiêu cao cả giải phóng Tổ quốc, giành độc lập, tự do và chiến đấu quên mình vì nhân dân. Bà con ở chiến khu tự đặt câu hỏi, đó là bộ đội của ai? Do ai thành lập? Nghĩ đến ông Cụ, ông Ké, mọi người đều cho rằng, đó là “Bộ đội ông Cụ”, “Bộ đội ông Ké”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ký của mình kể lại: “Tôi nhớ rằng từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang của ta là “Bộ đội ông Ké”, “Bộ đội ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Có lẽ về sau khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội ông Ké” là Bộ đội Cụ Hồ và cũng từ Chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Từ đó đến nay, hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Ít có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân nghĩ ra và lấy tên lãnh tụ tối cao của dân tộc mình đặt cho Quân đội. Mặt khác, đây vừa là tình cảm đặc biệt, vừa là niềm tin sắt đá của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi là hình mẫu của con người thời đại mới để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên các thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta.

Nhân dân ta gọi bộ đội là Bộ đội Cụ Hồ có lý do sâu xa chỉ ở Việt Nam, từ khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (22-12-1944) đến nay, nhân nhân ta đã cảm nhận sâu sắc quan hệ tình cảm đặc biệt hiếm có giữa Bác Hồ với Quân đội, Bác và những người chiến sĩ, và giữa bộ đội-từ chiến sĩ đến các tướng lĩnh với Bác Hồ.

Bác Hồ là người khai sinh ra Quân đội, là người Cha thân yêu của các LLVT nhân dân Việt Nam. Bác chăm lo từng bước đi lên của Quân đội, giáo dục chiến sĩ, khuyên bảo cán bộ... Nét đặc sắc trong đạo đức, tình cảm của Bác Hồ là vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội như con em ruột thịt của Người; tin tưởng tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội; hiểu thấu, thông cảm những gian khổ, khó khăn khốc liệt, những hy sinh cao cả vì Tổ quốc, vì nhân dân của những người chiến sĩ.

Bác đã “tư chiến sĩ” trong nhiều đêm không ngủ và trước lúc đi xa, Người còn để lại “muôn vàn tình thương yêu” cho toàn thể bộ đội và căn dặn cần chọn những chiến sĩ trẻ tuổi, ưu tú trong Quân đội và thanh niên xung phong để đào tạo thành những cán bộ, công nhân giỏi, coi đó là đội quân chủ lực trong công cuộc tái thiết và phục hưng đất nước sau này.

anh sang bo doi
Bác Hồ với các chiến sĩ hải quân, ngày 31-3-1959. Ảnh tư liệu (nguồn Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Các thế hệ cán bộ và chiến sĩ của chúng ta luôn tự hào và cảm động khi nhìn thấy Bác mặc quân phục trong nhiều đợt đi công tác và ngồi trên đỉnh núi cao quan sát, chỉ đạo Chiến dịch Biên giới. Hình ảnh đặc biệt đó như nói rằng, Bác Hồ không chỉ là người lãnh tụ tối cao của dân tộc mà còn là người đồng đội thực sự và vĩ đại của tất cả cán bộ, chiến sĩ Quân đội, từ binh nhì, binh nhất đến các tướng lĩnh qua các thế hệ suốt 80 năm qua.

Nhân dân gọi bộ đội ta là Bộ đội Cụ Hồ còn có một ý nghĩ sâu xa, đó là niềm tin, là mong muốn, là đòi hỏi và là khẳng định, mỗi người chiến sĩ và toàn quân phải không ngừng luyện rèn, vươn lên đạt tới những phẩm chất cao quý của Bác Hồ.

Trải qua 80 năm chiến đấu và trưởng thành, cán bộ và chiến sĩ Quân đội luôn luôn xứng đáng với niềm tin đó của nhân dân và của Bác Hồ. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trở thành một mẫu hình về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện trọn vẹn xuất sắc chỉ thị, những lời căn dặn và niềm tin sâu sắc của nhân dân và của Bác Hồ. Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của Quân đội đều gắn liền với sự giáo dục, rèn luyện và mong đợi của Bác Hồ-kể từ những năm Người còn sống và khi Người đã đi xa. Vâng, đúng như thơ của Tố Hữu: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.

Ánh sáng Hồ Chí Minh luôn tỏa sáng trong đời sống Quân đội ta. Đó không phải là một luận đề hoa mỹ mà đó là một thực tế lịch sử suốt 80 năm qua. Người lính nào được rèn luyện và trưởng thành trong Quân đội đều có một niềm tự hào từ trong chiều sâu tinh thần, tình cảm của mình là Bộ đội Cụ Hồ. Hàng vạn cựu chiến binh về với đời thường, dù khó khăn đến mấy vẫn luôn giữ vững và tự hào với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Biết bao chiến sĩ ngã xuống trên chiến trường vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc đều xứng đáng là "dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ", biểu tượng hy sinh cao cả của Bộ đội Cụ Hồ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, sau ngày Bác Hồ qua đời, để tưởng nhớ công lao trời biển của Người, nhân dân ta đã lập đền thờ Bác Hồ ở nhiều nơi. Tôi đã được đến thăm đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh và được nghe kể về những cuộc chiến đấu giằng co liên tục giữa nhân dân và quân giải phóng với bọn tay sai Mỹ-Thiệu để bảo vệ bằng được sự nguyên vẹn và linh thiêng của đền thờ Bác Hồ. Đó là biểu tượng tuyệt vời của sự thủy chung và gắn bó giữa Bác Hồ và bộ đội, nhân dân miền Nam.

Khi được phân công về làm Đoàn trưởng Đoàn Ca múa nhạc Quân đội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), tôi băn khoăn trước một nhiệm vụ mới và khó. Nhưng vào Phòng truyền thống của Đoàn, đọc thư của Bác Hồ gửi cán bộ, nhân viên của Đoàn với những tình cảm ấm áp của người Cha và được biết Bác đã nhiều lần thăm Đoàn, một số nghệ sĩ đã đến biểu diễn nơi Bác làm việc, được Bác quan tâm, dặn dò ân cần, tôi không thể nào khác, tự nguyện vượt khó khăn về nhận nhiệm vụ Đoàn trưởng. Tôi nhớ vào năm 1958, khi đang học lớp 7, tôi được trực tiếp gặp Bác trên Quảng trường Ba Đình. Tôi cứ ngẩn người nhìn Bác. Bác vui vẻ nói với tôi: “Cháu nhanh vào chụp ảnh đi”. Kỷ niệm đó ăn sâu trong trí nhớ của tôi, và chắc chắn rằng đó là động lực lớn nhất giúp tôi trụ vững và phát triển trong mấy chục năm quân ngũ sau này.

Khi được thủ trưởng Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ theo dõi, tham mưu về lĩnh vực văn hóa-văn nghệ Quân đội, cùng với đồng đội mình, chúng tôi bàn nhiều lần làm sao để Bác Hồ vẫn như đang sống với bộ đội, mặc dầu Bác đã đi xa, về cõi vĩnh hằng. Phòng Hồ Chí Minh ở cấp đại đội trong toàn quân ra đời từ đó. Những hình ảnh tiêu biểu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ và những tình cảm đặc biệt của Bác dành cho bộ đội được thể hiện sinh động, cô đọng, trung thực trong Phòng Hồ Chí Minh. Ở đó còn nổi bật những tấm gương sáng của cán bộ, chiến sĩ, những thành tích trong chiến đấu, công tác, lao động được biểu dương.

Phòng Hồ Chí Minh, từ nhiều năm, trở thành nơi sinh hoạt ấm cúng, trang trọng, nơi kết nạp Đảng, nơi hội tụ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ở đó là nơi bồi đắp tâm hồn, giúp cán bộ, chiến sĩ ở cấp cơ sở tự soi mình, vượt lên chính mình để cố gắng xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Những năm trong quân ngũ, cùng với các đồng đội ở Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, chúng tôi luôn tìm cách mới để cô đọng hơn, hấp dẫn hơn, cụ thể hơn nội hàm của Phòng Hồ Chí Minh với một mong ước cháy bỏng rằng, mỗi cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mãi mãi về sau vẫn cảm nhận sâu sắc “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, dù Bác đã vĩnh viễn đi xa.

Trong nhiều năm lãnh đạo cuộc cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Bác Hồ đã hàng nghìn lần đi tới với nhân dân. Bác đã đến chỉ đạo, ân cần dặn dò, hướng dẫn, chăm sóc hầu hết đơn vị Quân đội ta, từ cấp đại đội đến cấp sư đoàn, quân, binh chủng và toàn quân. Biết bao lời nói, hình ảnh của Bác đã thấm sâu trong trái tim, khối óc cán bộ, chiến sĩ, trở thành những giá trị văn hóa cao đẹp, bền vững mà cô đọng, giản dị.

Cùng với đồng đội, đồng nghiệp của mình, chúng tôi đã ghi tạc những điều đó trong hơn 20 bảo tàng và hàng trăm nhà truyền thống trong toàn quân. Tất cả đơn vị trong Quân đội đều ghi lòng tạc dạ những dặn dò và hình ảnh thân thương của Bác khi Người đến thăm. Trong hàng nghìn lời căn dặn, chỉ bảo của Bác đối với bộ đội, đã có rất nhiều câu trở thành danh ngôn như những chân lý sáng ngời, thuyết phục. Chỉ xin lấy ngẫu nhiên vài câu ngắn gọn, cô đúc: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được”, hoặc “Người trước súng sau”...

Hệ thống các nhà bảo tàng, nhà truyền thống, Phòng Hồ Chí Minh trong toàn quân đã lưu giữ và khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh và bộ đội chúng ta, một đặc trưng văn hóa chỉ có riêng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, trong đời sống Quân đội ta. Chính vì vậy nên trong những năm gần đây, mọi cuộc vận động thi đua trong Quân đội đều có hai trụ vững: Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho Quân đội. Ánh sáng Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng trong đời sống Quân đội ta, hôm nay và mai sau.

 

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bảo Ngọc (st)

Bài viết khác: