Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động, phong phú, nhiều hy sinh, gian khổ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành toàn bộ tâm trí, sức lực và cả cuộc đời cao đẹp hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Người chỉ có 2 lần về thăm quê hương. Song, dẫu có đi đâu, ở đâu, làm gì, ở cương vị nào, trong hoàn cảnh nào, quê hương xứ Nghệ, quê hương Nam Đàn luôn tha thiết, canh cánh và đau đáu trong tim Bác. Người khẳng định: “Quê hương nghĩa nặng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Người thăm lại ngôi nhà quê nội ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
tháng 12/1961, (Ảnh tư liệu).
Có thể thấy rằng cuộc đời Bác Hồ đã để lại vô vàn bài học, tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân noi theo. Trong đó, phải kể đến là thuở ấu thơ đã trải qua nhiều sóng gió, biến cố lớn như mẹ mất, em mất, cuộc sống khổ cực,.. song Người luôn xem đó là động lực lớn để vượt lên tất cả để trở thành một chính khách bình dị, giản dị với tâm hồn, đạo đức vô cùng trong sáng và đẹp đẽ; khi ra nước ngoài mặc dù xa quê hương, không người thân song Bác rất chịu khó, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng, đặc biệt là Bác tự học ngoại ngữ để tiếp cận tri thức mới của thế giới, và đó là cơ sở rất quan trọng, là bệ đỡ để sau này Người là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Trên cương vị Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc để lãnh đạo nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn dành những tình cảm, sự quan tâm và chỉ đạo của mình cho phong trào cách mạng, cho sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội của xứ Nghệ. Đó là những tình cảm đặc biệt của một người con ưu tú luôn xa nhà vì việc nước dành cho quê hương.
Tình cảm sâu sắc của Bác đối với quê hương được thể hiện qua những bài viết, bài nói chuyện, những bức điện, thư Người gửi cho các tập thể và cá nhân. Sự quan tâm và chỉ đạo cụ thể, thiết thực, những tình cảm thân thiết còn được nói nhiều đến qua hai lần Bác về thăm quê hay khi Người tiếp đón các đoàn đại biểu của quê nhà.
Nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng của Bác chúng ta thấy, cũng hơn 50 năm (1906 – 1957) - khoảng thời gian quá lớn trong cuộc đời mỗi con người, Người mới về thăm quê lần thứ nhất. Bôn ba khắp năm châu, bốn bể để tìm ra chân lý cách mạng, bộn bề với “nỗi nước nhà” đã khiến Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh phải chôn chặt nỗi nhớ nhà, nhớ quê vào sâu thẳm trái tim mình. Để rồi, hơn nửa thế kỷ trôi qua, Người mới lại trở về đất mẹ mến thương với tình cảm xúc động nghẹn ngào...
Đi khắp chân trời góc bể, sống giữa chốn hào hoa tráng lệ của trời Âu, nước Mỹ giàu có, nhưng trong lòng Người vẫn đau đáu hướng về quê hương Việt Nam, hướng về nơi “chôn rau cắt rốn” của mình - Kim Liên (Nam Đàn). Có lẽ không vùng quê nào trên đất Việt Nam này đặc biệt như xứ Nghệ quê Bác. Một vùng quê khắc khổ, quanh năm phải tất bật với gió Lào và lụt bão, với dã tâm độc ác của kẻ thù. Mảnh đất bất lợi đó đã tạo ra những con người cần cù, gan góc, trung kiên, những con người làm nên lịch sử.
Sinh ra trong một gia đình nề nếp, Nguyễn Tất Thành được thừa hưởng đức hy sinh, nhân hậu của mẹ; lòng yêu nước thương dân và sự thông minh sắc sảo của cha; được nuôi dưỡng trên mảnh đất quê hương có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hoá. Tuổi thơ của Nguyễn Tất Thành đã sớm phải chứng kiến những cảnh tượng trái ngang, những nỗi đau nhục nhã của phận dân mất nước. Ngoại cảnh tối tăm ấy đã tạo nên những trắc ẩn về thời cuộc trong cậu bé Làng Sen. Chính quê hương xứ Nghệ, gia đình và truyền thống dân tộc đã trang bị cho Người những tố chất đặc biệt, để từ mảnh đất đó rực sáng chủ nghĩa yêu nước, Người đã ra đi “tìm hình của nước”.
Rời Bến Nhà Rồng đi cứu nước, cứu dân hành trang Nguyễn Tất Thành mang theo là tri thức; sự quyết tâm cao độ vì một ngày mai tươi sáng của dân tộc; một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, cháy bỏng. Thường trực trong con tim và khối óc của Người là hình ảnh quê hương với bao kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu. Càng yêu quê thì Người càng day dứt, đớn đau trước thân phận nô lệ, trước cảnh “nước mất nhà tan”. Sóng gió, truân chuyên không cản bước được trái tim nóng bỏng của người con xứ Nghệ muốn làm xoay chuyển số phận của dân tộc Việt Nam. Và Người đã đến với chủ nghĩa Lênin, với chủ nghĩa cộng sản, con thuyền cách mạng Việt Nam rẽ sang bước ngoặt mới kể từ đó.
Từ Âu châu, Bác vẫn luôn dõi mắt về quê hương. Trong tình cảm thiêng liêng, rộng lớn ấy, Người còn có một quê hương thân thiết, từng là cội nguồn của nhận thức, tình cảm – xứ Nghệ mến thương. Khi phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh nổ ra, Người vẫn theo dõi sát phong trào, kết hợp với trung ương Đảng chỉ đạo cuộc đấu tranh. Người đã cổ vũ, động viên, khích lệ phong trào: “Nhân dân Nghệ Tĩnh có tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ chinh phục của Pháp và trong phong trào cách mạng quốc gia (1905 – 1925), Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình. Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ” [1]. Khi phong trào gặp khó khăn, Người đã đề nghị các lực lượng cách mạng trong và ngoài nước “chia lửa” với Nghệ Tĩnh, đồng thời đưa ra những chỉ thị kịp thời để hướng cuộc đấu tranh đi đúng mục tiêu. Trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” gửi bộ Phương Đông, Quốc tế Cộng sản (19/2/1931), Người đã viết về quê mình với nỗi xót xa vô hạn: Nhiều rừng núi đất đai cằn cỗi, nông giang chẳng có. Ở đây thường xuyên xảy ra lụt bão. Do đó, Nhân dân đói khát và nơi ăn chốn ở rất khổ sở, sưu thuế nặng nề và nạn áp bức chính trị làm cho cảnh ngộ của họ càng cùng cực hơn.
Tình yêu quê hương của Người không chỉ thể hiện ở chí lớn cứu nước, cứu nhà mà còn thể hiện một cách trực tiếp qua cuộc sống thường nhật. Nhiều dấu nét của con người xứ Nghệ được Người trân trọng giữ gìn. Ít ai có thể tin được rằng: một người đã từng sống tuổi thanh xuân giữa thành phố văn minh, phát triển, hoa lệ nhất hành tinh này, mà ngày ngày vẫn ung dung trong “áo nâu, túi vải”, với đôi dép cao su mòn vẹt theo năm tháng. Trong ăn uống, Hồ Chí Minh không đòi hỏi cao lương, mỹ vị, mà chỉ thích ăn những món ăn có phong vị quê nhà (tương Nam Đàn, cà pháo Nghi Lộc). Bác vẫn giữ nguyên nếp nhà thân thuộc: trồng rau, nuôi cá; vẫn giọng xứ Nghệ quê nhà tưởng như Người chưa từng rời xa làng xóm. Tính gản dị, khiêm nhường của Người đã trở thành truyền thuyết. Nhà báo, nhà văn Mỹ - David Hamberstam trong cuốn sách “Hồ” đã viết: “... Địa vị càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch. Hình như ông luôn giữ được những giá trị vĩnh cửu của người Việt Nam: kính già, yêu trẻ, ghét tiền của. Ông Hồ không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và mối quan hệ của ông với Nhân dân, với lịch sử...” [2]. Cuối cùng tác giả David Hamberstam đã rút ra một kết luận, một chân lý: “tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh”. Không ai khác, chính Người đã sống đầy đủ nhất bản sắc văn hóa dân tộc, cảm thụ được những mạch nguồn sâu nhất của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Dù hiểu biết sâu sắc các nền văn hóa lớn của thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ sâu đậm cốt cách của người Việt Nam, và gần hơn hết là của quê hương xứ Nghệ. Lối sống giản dị, thanh bạch ấy chính là một cách giúp Người luôn cảm thấy đang được sống trong lòng quê hương, đồng thời nó cũng thể hiện sâu sắc nhân sinh quan cách mạng. Tất cả những điều đó đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh “có bước đi vững chắc mà lại ung dung, thoải mái giữa những trận đồ bát quái của cuộc đời cách mạng” [3].
Vận mệnh của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân là mối quan tâm lớn nhất trong cả cuộc đời của Người. Mối quan tâm đó đã buộc Người phải quên đi tình riêng, nén chặt nỗi nhớ nhà, nhớ quê dưới những bộn bề của công việc. Không có điều kiện về thăm quê, thăm gia đình được nhiều nhưng Người luôn theo dõi sát tình hình quê hương, nhiều lần gửi thư và điện cho Đảng bộ, Nhân dân, quân đội, các ngành, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trong lao động sản xuất. Mỗi bức thư đều chứa đựng những lời động viên, thăm hỏi, chỉ bảo ân cần. Điều đó làm cho người dân xứ Nghệ luôn có cảm nhận Bác đang ở bên mình, đang tiếp thêm sức mạnh cho Nhân dân ngoan cường. Điều đáng nói là tình yêu quê hương, lòng thương dân của Người không phải là thứ tình thương ban ơn từ trên xuống, mà là thứ tình cảm chân thành xuất phát từ đáy lòng. Tình cảm ấy có những lúc bùng lên dữ dội, tự nhiên như quy luật vậy. Năm 1968, tại Hà Nội, khi gặp đại biểu ngành nông nghiệp Nghệ An đi học kinh nghiệm ở Thái Bình về, Bác hỏi: “Kim Liên có ai ở đây không?”. Không thấy ai trả lời, Bác cười: “Kim Liên có Bác đây rồi”. Hẳn rằng xa quê đã lâu, Người thèm lắm được nghe âm sắc thổ ngữ quê nhà. Thế mới biết tình cảm của Người đối với quê hương sâu nặng biết bao, càng hiểu rõ sự hy sinh của Người cho tương lai đất Việt lớn đến nhường nào.
Ngày 21/7/1969, tức là hơn một tháng trước khi Người đi xa, Người đã gửi thư cho quê hương – lá thư cuối cùng và cũng được coi như là di chúc gửi riêng quê hương. Bức thư ấy chứa đựng ước vọng thiết tha của một người con luôn hướng về đất mẹ mến thương: “Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” [4]. Mong ước cuối cùng của Người vẫn là làm sao cho quê mình ngày càng trù phú, cuộc sống của người dân mình vơi đi vất vả, lo toan. Trong cái tình thương bao la Người dành cho đồng bào Việt Nam, vẫn có một miền thương, miền nhớ từ sâu thẳm con tim Người dành cho quê hương. Những lời dặn dò, những tư tưởng, tình cảm của Người, tất thảy những gì Người dành cho quê hương, để lại cho quê hương đều là tài sản vô giá. Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã vinh dự sinh ra vĩ nhân Hồ Chí Minh. Trong niềm vinh dự đó, sông núi xứ Nghệ tự hào là nơi “chôn rau cắt rốn”, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tuổi thơ Người.
Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất, con người huyền thoại của thế kỷ XX, niềm tự hào của xứ Nghệ, niềm kiêu hãnh của nước Việt; con người đặc biệt có sức lay động hàng trăm triệu con tim, có sức thu hút lương tri, tình cảm của hàng trăm triệu người trên trái đất. Xin được khép lại bài viết bằng lời nhận xét của David Hamberstam: “... Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này – hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị...” [5]. Ông là người xứ Nghệ.
Đã hơn nửa thập kỷ, Người về với thế giới người hiền, theo chân các bậc cách mạng đàn anh khác. Song Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta di sản lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để chúng ta ra sức đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện, làm theo. Với mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng, những bài nói, bài viết, bài phát biểu, bức điện, bức thư, … của Người luôn là những lời di huấn xúc động, thiêng liêng, dài lâu, luôn mang tính thời sự để chung sức, đồng tâm góp phần xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc như Bác hằng mong muốn./.
Chú thích:
[1] Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ Tĩnh, Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, tr.66.
[2] Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương, Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 123.
[3] Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ Tĩnh, Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Sđd, tr.99.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 597.
[5] Ban Tư tưởng - văn hóa trung ương, Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 122.
Thượng tá, TS Đặng Công Thành, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo Hochiminh.vn
Thanh Huyền (st)