Mới rồi, tôi gặp tại nhà người quen ở làng Lủ, ven sông Tô Lịch (Hà Nội) một người già dáng tầm thước, đôi mắt tinh anh qua cặp kính lão, đặc biệt là mái tóc còn khá dày, chưa bạc hẳn. Khó mà đoán đúng tuổi, ai dè khi hỏi mới biết người đó sắp bước sang tuổi “cửu thập”. Cụ là Nguyễn Đức Hùng, một trong số thợ hiếm hoi còn lại của 66 năm về trước, khi ra đời Nhà máy Cơ khí Hà Nội, hiện là Trưởng ban liên lạc hưu trí của Công ty Cơ khí Hà Nội. Một cụ già thông tuệ, tôi chợt nghĩ vậy khi nghe trọn câu chuyện mà cụ kể dưới đây...

Quê tôi soi bóng xuống dòng sông Hồng, thuộc Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Bác ruột tôi là Nguyễn Văn Sáp, còn gọi là Đội Sáp, bạn chiến đấu với lãnh tụ Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học đầu thế kỷ trước. Tháng 6-1930, Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp bắt đưa lên máy chém, còn Đội Sáp bị đày ra Côn Đảo, thành bạn tù với những người cộng sản, rồi địch đưa cụ về “căng” Bá Vân (Thái Nguyên), ở tù cùng những người sau này là tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta như Vương Thừa Vũ, Hà Kế Tấn... Năm 1943, Đội Sáp mất trong ngục. Truyền thống yêu nước của dòng họ còn được tiếp nối bởi thế hệ cha, chú tôi, thời chống Mỹ, cứu nước có người nhập ngũ, đã hy sinh anh dũng ở chiến trường.

khac ghi 1
Cụ Nguyễn Đức Hùng tại nhà riêng. Ảnh: QUANG ĐẨU .

Tháng 4-1958, trên mảnh đất rộng vài héc-ta ở Ngã Tư Sở lúc đó còn là ngoại thành, đã đưa vào hoạt động một khu công nghiệp cỡ “trung quy mô” do Liên Xô viện trợ, đó là Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Nhà máy quy tụ được nhiều thợ vốn là công nhân quân giới từ chiến khu về, một số thợ như tôi thì học ở Trường Kỹ nghệ Hà Nội, sau 3 năm ra trường, đúng dịp giải phóng Thủ đô, được nhận vào làm việc. Ngay từ buổi đầu, chúng tôi may mắn được học thầy giỏi, đó là công trình sư Tăng Văn Bằng. Ông sinh năm 1923, quê ở Nghệ An, năm 1951 được Đảng, Bác Hồ lựa chọn đưa ra nước ngoài đào tạo để trở thành nòng cốt xây dựng đất nước. Năm 1955, sau khi tốt nghiệp kỹ sư chế tạo máy ở Liên Xô, ông Tăng Văn Bằng về nước, trong Ban giám đốc nhà máy, ông trực tiếp chỉ đạo và duyệt các đồ án thiết kế kỹ thuật của chúng tôi (tiếc là gần chục năm sau, ông mất vì bệnh hiểm nghèo, lúc tài năng đang độ chín).

Nhà máy Cơ khí Hà Nội ngày ấy là “anh cả đỏ” của ngành công nghiệp nặng, có một vinh dự đặc biệt không ở đâu có là được Bác Hồ 9 lần về thăm. Bác anh minh, giản dị, thân tình... ai cũng cảm nhận vậy và những lần được gặp trực tiếp, tôi càng thấm thía hơn lời dạy bảo của Người. Đầu năm 1960, Bác đến thăm nhà máy, đi cùng là vợ chồng luật sư Loseby và con gái. Người vui vẻ giới thiệu với toàn thể anh chị em trong nhà máy, luật sư là ân nhân, từng bào chữa cho Bác được trắng án tại Hồng Công. Sau đó, Người có buổi nói chuyện, điểm lại tình hình, những bước chuyển biến đáng kể của nhà máy so với lần đến thăm trước. Không chỉ khen, Người còn nhắc nhở: Trong năm qua, nhà máy ta có một số khuyết điểm về các mặt như sử dụng vật liệu, dụng cụ không đúng tiêu chuẩn, thường vượt quá mức đã định, một số bộ phận máy móc làm ra chất lượng còn kém. Tỷ lệ người gián tiếp sản xuất cao. Như vậy là lãng phí. Đây là nhà máy to nhất về chế tạo cơ khí, nhưng Bác thấy sản phẩm ta làm ra vẫn nghèo nàn quá... Cuối năm ấy, Bác dự buổi khai giảng bổ túc văn hóa năm học 1960-1961 và gửi lại 10 huy hiệu để tặng những người có thành tích công tác, học tập tốt nhất.

Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy nghiêm chỉnh tiếp thu, có hướng sửa chữa những khuyết điểm mà Bác đã chỉ ra, hết sức chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm. Bộ phận thiết kế sản phẩm mới của chúng tôi ra đời từ buổi đó, lúc đầu gọi là Tổ thiết kế. Anh Nguyễn Tiến, người Quảng Ngãi, bạn học cùng trường kỹ nghệ với tôi làm Tổ trưởng (đến năm 1960, trong tổ có thêm 3 kỹ sư trẻ tốt nghiệp khóa đầu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Theo lời Bác, chúng tôi tự giác học văn hóa, học thêm tiếng Nga để tiếp xúc được với chuyên gia, đọc tài liệu và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật (viết tắt là GOST) của bạn. Ban ngày đến nhà máy, ban đêm chúng tôi chăm chỉ đến lớp tiếng Nga ở chùa Quán Sứ, do hai thầy Nguyễn Mạnh Cầm (sau này là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và Dương Văn Thành dạy. Về sau, tôi còn theo học lớp tại chức của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở tại nhà máy và có bằng kỹ sư chế tạo máy.

khac ghi 2
Ngày 02-02-1960, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Trước tiên, chúng tôi thử sức mình bằng việc thiết kế chế tạo máy tiện, thứ máy công cụ không thể thiếu ở bất kỳ xưởng cơ khí nào dù lớn hay nhỏ. Cỗ máy tiện “made in Việt Nam” đầu tiên đã được hoàn thành theo mẫu T630 của Liên Xô, chế mới tất cả, trừ vòng bi là nhập ngoại. Tiếp theo, Ban giám đốc quyết định chọn một mặt hàng phức tạp hơn là máy phay vạn năng, theo mẫu 6H82, mang mã hiệu mới P82. Máy nặng 2,8 tấn, có hàng nghìn chi tiết khác nhau. Tôi được phân công tính toán, lên bản vẽ cụm máy phức tạp nhất là hộp số công-xôn tốc độ tiến. Sau hơn nửa năm, Tổ thiết kế chúng tôi đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Cuối năm 1960, vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập nước, cỗ máy đã được mang đến triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật tại Vân Hồ, Hà Nội. Sau khi hoàn chỉnh công nghệ, máy P82 được sản xuất hàng loạt, có sức tiêu thụ tốt trên thị trường, đúng như mong muốn của Bác Hồ. Rồi Tổ thiết kế có “đất” phát, trở thành Phòng thiết kế. Các kỹ sư trưởng phòng như: Nguyễn Ngọc Lê, Phan Thanh Liêm, Trần Lum từ “bệ phóng” này, sau đều phát triển tốt, trở thành bộ trưởng hay lãnh đạo TP Hà Nội. Bản thân tôi cũng trưởng thành, từ một thiết kế viên, là bí thư chi bộ phòng rồi quản đốc phân xưởng chính; trưởng phòng kế hoạch-thị trường...

Thời đổi mới, mở cửa, Nhà máy Cơ khí Hà Nội đổi tên thành Công ty Cơ khí Hà Nội. Hướng đa dạng hóa sản phẩm mà Bác đã chỉ ra từ buổi đầu, về sau càng có điều kiện phát triển. Sản phẩm truyền thống từ điều khiển bằng tay, được lắp bộ vi xử lý điều khiển tự động, máy công cụ chế tạo trong nước dần tiến kịp trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Thời đỉnh cao, sản lượng hằng năm của công ty đạt tới 1.000 máy tiện, phay, bào, khoan... xuất khẩu 150 sản phẩm/năm. Không chỉ có vậy, công ty còn nhận được nhiều đơn hàng của các nhà máy đường, giấy, thủy điện, xi măng... Hàng chế tạo trong nước nhờ vậy đều có giá thành hạ, chất lượng không thua kém so với nhập khẩu. Thủy điện Sông Mực (Thanh Hóa) góp vốn cùng Nhật Bản, công suất 2.000KW, thiết bị đồng bộ do chúng tôi chế tạo, sau hơn 40 năm hiện vẫn chạy tốt.

Khi Thủ đô mở rộng, công ty chuyển hẳn vào khu công nghiệp Thuận Thành (Bắc Ninh), cách trung tâm Hà Nội hơn 30km. Ngày ấy, tôi cũng như nhiều cán bộ, công nhân viên lứa đầu tiên đã lớn tuổi, được về nghỉ chế độ. Còn sức khỏe và tận dụng khả năng tay nghề, trên mảnh đất ven sông Tô Lịch hiện nay, tôi cùng các con dựng lên một nhà xưởng, có lắp đặt cả chiếc máy phay vạn năng P82 thuở ban đầu. Doanh nghiệp tư nhân của gia đình tôi đã trụ vững nhiều năm trong cơ chế thị trường.

Đến hôm nay, tôi đã 60 năm tuổi Đảng, 70 năm tuổi nghề, lời Bác Hồ dạy lúc nào cũng văng vẳng bên tai. Một thời tuổi trẻ sôi nổi cống hiến, lớp thợ chúng tôi đã luôn cố gắng hết mình để xứng đáng với danh hiệu cao quý, là “hạt giống đỏ” của giai cấp công nhân Việt Nam./.

 PHẠM QUANG ĐẨU (ghi)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: