Đầu năm 1945, thời kì tiền khởi nghĩa, nhiều tờ báo cách mạng giới thiệu lai lịch, ý nghĩa biểu trưng của “Cờ đỏ sao vàng”, lá cờ yêu quý thiêng liêng của Tổ quốc.
Người vẽ lá cờ là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, quê ở Lũng Xuyên (Hà Nam).
Trên tờ báo Cứu quốc, số ra ngày 25-6-1945 có bài Cờ đỏ sao vàng của tác giả CQ. Bài báo mở đầu thật sảng khoái: “Cùng với phong trào kháng Nhật cứu nước mỗi ngày một nâng cao, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh gần đây hiện ra trước mắt nhiều người. Nó được giương cao treo một cách oai hùng trên mấy tỉnh thượng du và trung du Bắc kỳ, thuộc khu vực kiểm soát của dân quân du kích”.
Tác giả bài báo cho biết, nhiều người “viết thư về toà soạn hỏi ý nghĩa của lá cờ”. Tác giả trả lời: “Màu đỏ là màu chiến đấu, màu cách mạng. Màu vàng là màu dân tộc. Sao vàng năm cánh là ý nghĩa chỉ đạo” và tiên đoán “một ngày gần tới lá cờ ấy sẽ bay phấp phới từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”.
Đầy đủ hơn cả là bài báo “Lịch sử một cây cờ” đăng trên tờ Giải phóng, cơ quan tuyên truyền của Nam bộ - Việt Nam Độc lập đồng minh (Việt Minh) số ra ngày 25-8-1945. Bài báo phân tích cặn kẽ: Nếu giang sơn nước Việt chỉ là hương hoả cha truyền con nối của một họ vua thì “cây cờ chỉ do vua mướn ông thợ vẽ ngồi trong phòng giấy chế ra, chẳng ai được cãi, cờ ấy không phải của dân”.
Cột cờ Hà Nội
Tác giả đã lược thuật lai lịch cây cờ của Việt Minh: Tại hội nghị Long Sơn do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp ngày 21-5-1941 nhất trí chọn cờ đỏ sao vàng là lá cờ chính thức của Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, quốc dân đồng bào đã chiến đấu rất hăng hái và dẻo dai, quyết tâm đánh đuổi quân thù. Nhiều chiến sĩ hy sinh, cây cờ càng thêm đỏ thắm.
Trên tờ Việt Nam độc lập số ra ngày 1-10-1941 có in bài thơ “Cờ đỏ ngôi sao” trong mục Vườn văn, phía trên bài thơ in hình lá cờ đỏ sao vàng đang bay lượn trong gió: “Lúc Tổ quốc đang gặp cơn gió bụi/ Vẻ vang thay lá cờ đỏ sao vàng!/ Đó là màu nhiệt huyết của đồng bào/ Dồn dập lại nên phong trào giải phóng/ Nó tràn khắp cả ba kỳ rất chóng/ Nó cuốn theo cả toàn quốc nhân dân/ Nó không chia quý, tiện và phúc, bần/ Nó không chia gái, trai và lão, ấu/ Thề người Việt là phải ra tranh đấu/ Để cứu mình và cứu nước nhà./ Đó là gương anh dũng của dân ta/ Nó là lá cờ của Việt Nam độc lập/ Sao năm cánh đã tưng bừng rọi khắp/ Không chỗ nào không chiếu tới nơi/ Nó oai nghiêm đóng chính giữa lòng người/ Nó sáng suốt soi đường cho dân Việt/ Năm cánh lại là hình dung đoàn kết/ Cả sĩ, nông cho đến công, thương, binh/ Toàn dân ta đều nhất trí đồng tình/ Đoàn kết chặt như ngôi sao năm cánh/ Đoàn kết chặt thì sức mình sẽ mạnh/ Chắc đánh tan lũ đế quốc Nhật, Tây/ Chắc làm cho non nước Việt Nam này/ Sớm phấp phới cờ Việt Nam độc lập”.
Đọc văn phong của bài thơ, chúng ta dễ nhận ra phong cách ngòi bút Bác Hồ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Ý tưởng của Người đã được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoá I, năm 1946 thông qua.
Theo http://nguoicaotuoi.org.vn
Thu Hiền (st)