Bộ đội Trường Sơn ra đời ngày 19-5-1959, đúng ngày sinh của Bác Hồ. Sinh thời, Bác đặc biệt quan tâm đến Bộ đội Trường Sơn. Cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong công tác, chiến đấu, lao động trên tuyến chi viện mang tên Bác kính yêu cũng luôn hướng về Bác với những tình cảm đặc biệt.

Bác Hồ dành tình cảm đặc biệt cho Bộ đội Trường Sơn

Tôi có 47 năm quân ngũ, hơn 10 năm sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn, 17 năm công tác tại Binh đoàn 12 (đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn), từng đảm nhiệm Trưởng phòng Tổ chức Cục Chính trị Đoàn 559, Chính ủy Binh trạm Đoàn 559, Chính ủy Sư đoàn 471, 472 Đoàn 559, rồi Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Trường Sơn, Bí thư Đảng ủy-Phó tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12. Trong những năm chiến đấu vô cùng gian khổ ở Trường Sơn, chúng tôi luôn tự hào vì đơn vị được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (Bộ đội Đường Hồ Chí Minh). Chúng tôi có điểm tựa vững vàng về tinh thần, đó là Đảng ta và Bác Hồ vĩ đại. Sinh thời, Bác đặc biệt quan tâm đến Bộ đội Trường Sơn. 

Thiếu tướng Võ Bẩm, Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559 kể: Năm 1962, đồng chí Võ Bẩm lên gặp Bác, báo cáo với Bác rằng cán bộ, chiến sĩ ta có tinh thần trách nhiệm cao, đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Còn đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn địa phận nước ta cũng như trên đất nước Lào, do ở những vùng quá xa xôi, hẻo lánh, lại bị địch thường xuyên càn quét, khủng bố nên thiếu lương thực, thiếu muối đến mờ cả mắt, rụng cả tóc, nhiều người phù thũng, hầu hết đều rách rưới, có người thiếu cả khố che thân. Nghe báo cáo, Bác vô cùng xúc động, ứa nước mắt thương cảm, căn dặn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chú ý chăm sóc đời sống và sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và phải tìm cách cứu giúp đồng bào. Dịp Quốc khánh 2-9-1962, chấp hành chỉ thị của Người, Đoàn 559 đã chuyển đến đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn 30 tấn muối, 10 tấn vải và nhiều lương thực.

Năm 1965, đồng chí Phan Trọng Tuệ, nguyên Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Tường Lân, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước khi vào Trường Sơn nhận chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559 và Phó tư lệnh Đoàn 559 đã đến gặp Bác và nghe Bác căn dặn nhiều điều quý giá. Bác Hồ biết ở Trường Sơn có hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) mà non nửa là con gái, đời sống hết sức khó khăn, thiếu thốn nên Người đã căn dặn các đồng chí lãnh đạo: Tiêu chuẩn các cháu TNXP phải lo đầy đủ như Quân đội. Phải chăm sóc và cải thiện sinh hoạt văn hóa, giải trí cho các cháu. Bác còn nói: Các cháu ở nhà có cha mẹ, anh chị chăm sóc, lên công trường, các chú cán bộ phải thay cha mẹ, anh chị họ mà chăm sóc cho chu đáo. Phải lo tỉ mỉ cho các cháu từ cái kim, sợi chỉ, cái kéo cắt tóc, chiếc lược bí chải đầu...

Khi nhận được những món quà mang đậm tình thương bao la của Bác, các chiến sĩ TNXP rất cảm động, càng ra sức vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dũng cảm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn gian lao mà anh dũng.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đoàn 559 đã vinh dự nhận được lẵng hoa của Bác Hồ.

Bộ đội Trường Sơn làm theo lời Bác

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, bộ đội, TNXP, công nhân hỏa tuyến trên tuyến chi viện mang tên Người đã liên tục “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Nước non ngàn dặm”: “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi, băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”.

Đã có khá nhiều câu chuyện xúc động, bài thơ hay, bài hát lay động lòng người về tình cảm của Bộ đội Trường Sơn với Bác Hồ kính yêu.

Tháng 9-1969, nghe tin Bác đi xa, cả chiến trường Trường Sơn bồi hồi xúc động. Chính từ sự xúc động dâng lên đến đỉnh điểm của sự tiếc thương vô hạn đối với Người, nên Phạm Thông-người chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn, người con của quê hương Quảng Nam trên tuyến đầu đánh Mỹ, đã thốt lên khi nghe tin Người đi vào cõi vĩnh hằng: “Giữa Trường Sơn nghe tin Bác mất/ Núi sông này quặn thắt nỗi đau” (trích trong bài thơ “Nghe tin Bác mất”). Phạm Thông cũng như tất cả những người chiến đấu, công tác trên tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nức nở, tiếc thương Người: “Tháng chín miền Trung mưa giăng lối/ Đường hành quân ra trận lệ nhòa”.  Và trong niềm tin yêu kính trọng, tiếc thương vô hạn đối với Bác Hồ đã được người chiến sĩ Trường Sơn nhắn gửi: “Dưới hầm sâu, giữa lòng địch hậu/ Nơi lao tù, trước lúc hiểm nguy/ Chúng con khẽ gọi thầm tên Bác/ Thắp niềm tin soi sáng lối đi”.

Bộ đội, TNXP trên đường Trường Sơn ngày ấy không có lễ vật gì để tổ chức tang lễ cho Bác. Họ chỉ có cái tâm, tình thương hướng về Bác với tấm lòng tôn kính: “...Tìm đâu ra dẫu một nén hương”, cho thấy cái khốc liệt cuộc chiến, sự mất mát quá lớn bởi chiến tranh. Và hình ảnh cảm động đó được nhà thơ Phạm Thông ghi lại: “Giữa đại ngàn nghe chim nức nở/ Hoa chuối rừng đỏ nỗi tiếc thương”. Khổ thơ kết của bài thơ “Nghe tin Bác mất” là lời khẳng định của tác giả, cũng là lời hứa quyết tâm của Bộ đội Trường Sơn trước anh linh của Bác: “Bác Hồ ơi! Xin Bác yên lòng/ Lý tưởng Người luôn mãi sáng trong/ Nhằm phía quân thù chúng con tiến bước”. 

bo doi truong son
 Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn là tuyến đường huyết mạch nối liền hậu phương với tiền tuyến. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu viết bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” trong một đêm rất khuya năm 1972 trên đường Trường Sơn. Khi Bác Hồ đã qua đời 3 năm, cả dân tộc Việt Nam đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng cam go và khốc liệt. Nằm trong căn hầm, nhìn ra không gian vằng vặc ánh trăng chiếu sáng khắp núi rừng tĩnh lặng, hình ảnh Bác Hồ, người Cha già kính yêu của LLVT nhân dân Việt Nam và bài thơ "Cảnh khuya" được Người viết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bất chợt hiện về, xao động tâm tư, Nguyễn Trung Thu lấy lòng bàn tay mình và ghi trên ấy những dòng thơ đầu tiên trào dâng tha thiết, để rồi sáng hôm sau thì thi phẩm hoàn thành một cách nhẹ nhàng ngỡ như phúc lộc trời cho. Nhạc sĩ Trần Chung đọc bài thơ trên Báo Nhân Dân, ngay lập tức những nốt nhạc đầu tiên ra đời, hân hoan và đậm chất tráng ca.

Bài thơ mở đầu thật khơi gợi qua không gian Trường Sơn vằng vặc ánh trăng vàng. Từ ánh trăng sáng giữa núi rừng đã khiến nhà thơ hoài niệm nhớ thương Bác. “Đêm Trường Sơn/ Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây/ Cảnh về khuya như vẽ.../ Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/ Bác như đã đến nơi này...”. Bài thơ, bài hát “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” đã nói hộ tâm trạng của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn chiến đấu, lao động, công tác trên tuyến đường này: “Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước/ Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước/ Con đường Bác mới đi qua”.

Giữa núi rừng Trường Sơn, nhìn những đoàn quân nối tiếp ra mặt trận, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối cảm xúc, phác thảo một bản hành khúc ngắn gọn. Ông đặt tựa đề là “Chiến sĩ Trường Sơn” và hát thử cho anh em trong đoàn nghe, được mọi người tán thưởng. Đó là vào cuối tháng 4-1966. Bài hát sau được đổi tên là “Bước chân trên dải Trường Sơn”, một hành khúc trầm hùng, nội dung tinh tế, sâu sắc, đậm chất trữ tình: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Đá mòn mà đôi gót không mòn.../...Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...”.

Thực hiện lời hứa trước anh linh của Bác Hồ kính yêu, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường ra hậu phương miền Bắc. Các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu hơn 2.500 trận, diệt 18.740 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng hơn 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch.

Có thể nói, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật vận tải chiến lược trong chiến tranh của Quân đội ta, đồng thời là biểu tượng sáng ngời tình đoàn kết của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.

Để lập nên những chiến công oanh liệt và huyền thoại Trường Sơn, gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP đã anh dũng hy sinh, hơn 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam...

 Với những chiến thắng vẻ vang và sự anh dũng, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. 85 tập thể và 52 cá nhân thuộc Bộ đội Trường Sơn được tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 202 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Quân công, 4.814 Huân chương Chiến công và 11.000 huân, huy chương các loại...

 

Thiếu tướng VÕ SỞ, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: