Nhằm xuyên tạc chủ trương và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tung ra nhiều luận điệu xảo trá, thâm độc. Trong đó, luận điệu phủ nhận phương châm: “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng là một trọng điểm, cần kiên quyết vạch trần, đấu tranh bác bỏ.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - thứ “giặc nội xâm”, được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt được nhiều kết quả tích cực, tương đối toàn diện, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sớm nêu ra yêu cầu về sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh cam go này. Từ thực tiễn đấu tranh và thông qua tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” yêu cầu này đã được đồng chí Tổng Bí thư tổng kết thành phương châm: “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Theo đó, “Trên dưới đồng lòng” là sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; là sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến cơ sở cũng như sự vào cuộc của toàn Đảng, từng tổ chức đến mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân thực hiện kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Còn “dọc ngang thông suốt” là sự nhất quán về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ các cấp, ngành và sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân trong quyết tâm, kiên quyết, kiên trì diệt tận gốc “giặc nội xâm”. Tuy nhiên, ngay sau Tác phẩm được xuất bản, phát hành, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng các trang mạng xã hội để tung ra luận điệu rêu rao, xuyên tạc rằng: phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” chỉ là khẩu hiệu hô hào một cách sáo rỗng, phi thực tế, mị dân, v.v.
Cần khẳng định rõ, đây là luận điệu hết sức xảo trá, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, hòng tác động vào tư tưởng, nhận thức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối và các biện pháp đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện mưu đồ thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Song, thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng đã bác bỏ mọi xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ngày 30/6/2022. Nguồn: tuyengiao.vn
Trước hết, cần khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên. Nhận rõ nguy cơ tham nhũng đối với sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo chống tham ô, lãng phí, quan liêu và chủ nghĩa cá nhân. Người yêu cầu việc chống “giặc nội xâm” vừa phải chủ động phòng ngừa, vừa phải kiên quyết tiến công; phải có sự chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức thực hiện và có lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tiến hành thường xuyên, liên tục, không đánh trống, bỏ dùi; phải có sự quyết tâm cao của người đứng đầu, sự nỗ lực cố gắng quyết tâm của đội ngũ cán bộ các cấp; phải thông qua các cuộc vận động nhằm tổ chức và động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh; phải dựa vào dân, lắng nghe dân. Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, những năm qua, nhất là từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Đặc biệt, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban đã tạo bước đột phá trong tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Nhờ có chủ trương đúng, quyết tâm cao, sự nhất trí, đồng lòng vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân,... nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, phanh phui và xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thể hiện rõ quan điểm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Theo số liệu điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, có 93% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Điều đó khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng được nhân dân đồng tình, ủng hộ, theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có sự vào cuộc quyết liệt các cấp, ngành, cơ quan chức năng. Có thể khẳng định, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tích cực, ngày càng được đẩy mạnh, nhất là sau khi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Điều đó, không chỉ là sự hiện thực hóa phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, mà còn khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Việc thành lập các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể được xem như là “cánh tay nối dài của Trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong dư luận ở địa phương. Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.
Thứ ba, thực tiễn, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm qua là minh chứng rõ nhất cho phương châm: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Với quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, bài bản, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng. Trong 10 năm (2012 - 2022), “các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý”1. “Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”2. Những con số này cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu; có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt; đã kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm của từng cá nhân, cho dù người đó là ai, bảo đảm công khai, minh bạch.
Sự thực trên không chỉ chứng minh tính đúng đắn của phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, mà còn tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ và mong muốn, đòi hỏi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục không ngừng, không nghỉ, kiên quyết, kiên trì chống “giặc nội xâm” đến cùng. Đây là bằng chứng xác đáng nhất khẳng định nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà đã trở thành hành động thực tế. Đồng thời, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” chỉ là khẩu hiệu hô hào một cách sáo rỗng, phi thực tế, mị dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Như vậy, phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” không chỉ có giá trị định hướng, chỉ đạo, mà còn như một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, không chỉ làm trong sạch đội ngũ của Đảng, thu hồi tài sản quốc gia, mà quan trọng hơn là đem lại niềm tin tưởng cho nhân dân, góp phần bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội, tạo động lực để đất nước phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, đảm bảo cho Đảng ta có sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, cầm quyền trước yêu cầu, nhiệm vụ mới. Cùng với đó, phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” còn có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là sự tổng kết thực tiễn phong phú, rút ra những vấn đề có tính lý luận và bài học kinh nghiệm quý để củng cố thêm bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin; định hướng giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, cung cấp nhiều luận cứ xác đáng, thuyết phục để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay./.
PHIẾM ĐÌNH
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Bảo Ngọc (st)
_____________
1 - Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30/6/2022.
2 - Nguyễn Phú Trọng – Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh, Nxb CTQGST, H. 2023, tr. 567 - 568.