Nhà báo, nhà thơ, dịch giả văn học Franz Faber, người đã gắn bó với Việt Nam trong suốt sáu thập kỷ qua, không còn nữa! Ông đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 96, để lại biết bao thương tiếc trong lòng người thân, đồng nghiệp, bạn bè trên hai đất nước Đức và Việt Nam.

Điện chia buồn!

Kính gửi: Bà Claudia Borchers

Hội hữu nghị Đức - Việt

Hội Đức - Việt Nam

Chúng tôi, các nhà văn Việt Nam vô cùng thương tiếc biết tin người bạn lão thành thân thiết của nhân dân Việt Nam, của các nhà văn Việt Nam, nhà báo, nhà văn lão thành Đức Franz Faber vừa qua đời. Xin cho phép chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành tới bà Claudia Borchers, thân nhân người đã khuất, tới Hội Hữu nghị Đức - Việt, Hội Đức - Việt Nam.

 Chúng tôi sẽ còn ghi nhớ mãi một người bạn Đức đã gắn bó gần hết cả tuổi trẻ và cuộc đời của mình với những năm tháng đấu tranh gian khó của dân tộc Việt Nam trong cuộc giải phóng đất nước, một nhà báo Đức đã luôn có tiếng nói bảo vệ sự thật, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, một cây bút Đức đã dành tâm huyết dịch thành công kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du của dân tộc chúng tôi.

 Hy vọng rằng sự ra đi của Franz Faber, một người HIỀN, một Con Người được viết bằng chữ hoa, sẽ làm chúng ta thêm xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau trong tương lai.

Thay mặt văn nghệ sĩ Việt Nam

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

 

5. a1. Franz Faber 
Nhà báo, nhà thơ, dịch giả văn học Franz Faber

Franz Faber sinh năm 1917, từng trải qua quãng đời binh lính trong chiến tranh thế giới thứ II, rồi trở thành nhà báo. Năm 1954, ở tuổi 37, ông sang Việt Nam với tư cách Trưởng đoàn Đoàn nhà báo và điện ảnh của Cộng hòa Dân chủ Đức. Bấy giờ, ông là Ủy viên Ban Biên tập Báo Nước Đức mới (Neues Deutschland), cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức. Có thể nói, ông là vị sứ giả đầu tiên của giới báo chí Đức tại Việt Nam. Kết thúc đợt công tác này, ông mang về nước tập phóng sự đầy chất văn học mang tên Sông Cái rực hồng dày ngót 200 trang cỡ lớn, được xuất bản lần đầu trên 20 nghìn bản, cùng các bản thuyết minh cho những bộ phim tài liệu giá trị: “Việt Nam”, “Nơi xưa kia vua chúa trị vì”, “Những người dân chài Vĩnh Mốc” mà hai nhà điện ảnh F.Hadaschik và P.Ulrich đã thực hiện trong đợt công tác này. Franz Faber cũng mang về nước một tác phẩm văn học vĩ đại của Việt Nam, đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du, do chính Bác Hồ giới thiệu và khích lệ ông dịch ra tiếng Đức. Bản dịch này đã được ông và vợ là Irene thực hiện trong bảy năm liền, xuất bản vào năm 1964, đúng thời điểm cả hai ông bà được cử sang Việt Nam đảm trách một nhiệm kỳ công tác mới: Phóng viên thường trú của báo Nước Đức mới và Thông tấn xã ADN. Trong 5 năm này, ông bà đã viết hàng ngàn bản tin, phóng sự, bản dịch - trong đó có thơ Hồ Chí Minh và Tố Hữu - đồng thời tích lũy những tư liệu quí về văn học Việt Nam để sau này ông bà tiếp tục dịch, biên soạn và giới thiệu ở Đức. Chính ông đã dịch tác phẩm Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi, tập truyện cổ tích Cây tre trăm đốt, và giới thiệu các tác phẩm ưu tú của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương... với nhân dân Đức.

5. a2. Franz Faber
Nhà báo, nhà thơ, dịch giả văn học Franz Faber và Bác Hồ năm 1954 (ảnh tư liệu)

 Nhắc lại những ấn tượng về lần đầu tới Việt Nam, ông xúc động nói tới tinh thần quả cảm của quân và dân ta trong việc khắc phục hậu quả của chiến tranh, bắt tay vào xây dựng cuộc đời mới. Ông nói, ngày ông đến Việt Nam, những tên lính Pháp cuối cùng đang cúi đầu rút khỏi Hà Nội. Ông cũng xúc động kể lại những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông vinh dự được tiếp xúc nhiều lần. Ông thổ lộ:

 - Ngày ấy ở Hà Nội, có lẽ vì hiếm nhà báo nước ngoài, nên chúng tôi được Bác Hồ “cưng” lắm. Tôi, nhà báo Australia Wilfred Burchett, nữ nhà báo Pháp Madelene Riffaud... mấy lần được Người mời đến nhà riêng trong Phủ Chủ tịch và nói chuyện thân mật. Riêng tôi, có một lần được Bác cho phép cùng đi công tác với Người nhân tổng kết một đợt cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Chính trong chuyến đi này, tôi được ăn cơm với Người và các bạn cùng đi, trên một ngọn đồi trung du, dưới bóng một cây thông. Người nói những kỷ niệm trong thời gian hoạt động bí mật ở Đức. Rồi, rất vui vẻ, Người hỏi tôi:

 - Chú có biết nhiều về văn học Việt Nam không ?

 - Thưa Bác, ở Đức, dường như văn học Việt Nam chưa được giới thiệu gì cả.

 Và Người nói:

 - Muốn hiểu văn học Việt Nam, trước hết nên đọc Truyện Kiều. Đó là tác phẩm của Nguyễn Du, nhà thơ lớn nhất của dân tộc Việt Nam.

 Rồi Người khuyên tôi: Hãy gắng đọc Truyện Kiều, và nếu thấy hay, thấy làm được, thì hãy dịch và giới thiệu với bạn Đức!

 Được Người khích lệ, tôi đã quyết tâm làm việc đó. Mang sẵn trong lòng mình những ấn tượng sâu sắc, đầy xúc động về con người và đất nước Việt Nam, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc Truyện Kiều qua bản tiếng Pháp.

 Dịch Truyện Kiều, là tự nguyện đón nhận một công việc cực kỳ khó. Song, càng đi sâu vào công việc, tôi như càng bị cuốn hút về thân phận nàng Kiều, người con gái tài hoa mà lắm nỗi truân chuyên.

 Chính vợ ông, bà Irene, cũng hết sức xúc động khi đọc Truyện Kiều. Ông bà cho rằng: Đó chẳng những là câu chuyện của một mối tình trong sáng, thủy chung, mà còn là tấm gương của lòng dũng cảm, của niềm hy vọng, và của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

 Cho đến năm 1963 thì ông bà Faber hoàn thành bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Đức. Ông nói rằng, ý định của ông lúc đầu là sẽ dịch từ bản tiếng Pháp, nhưng bà Irene gạt đi: “Không nên làm thế. Cần phải hiểu tác phẩm từ nguyên bản, không nên từ ngôn ngữ thứ ba”. Và thế là bà đã học tiếng Việt. Ông kể: “Tôi rất phục bà ấy về khả năng học ngoại ngữ. Quả thật, không biết tiếng Việt thì không thể dịch Kiều. Nhà tôi học ngày học đêm và lần lượt chuyển nghĩa từng câu, từng câu một, chỗ nào không hiểu, nhất là những chỗ liên quan đến các tích cổ, bà ấy lại tìm người Việt để hỏi, kể cả gọi điện cho các giáo sư người Việt đang ở bên Pháp. Trên cơ sở bản dịch nghĩa của vợ tôi, tôi dịch thành thơ...”.

 Như đã nói, bản dịch của ông bà được ấn hành lần đầu năm 1964, cho đến nay đã tái bản đến lần thứ 5. Ông bà đã gửi biếu bản dịch đến một số nhân vật quan trọng mà ông được gắn bó qua chuyến công tác đầu tiên ở Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, các học giả Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh...

 Tháng 3 năm 1965, Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức tại Hà Nội chính thức tổ chức lễ trao tặng bản dịch Truyện Kiều cho phía Việt Nam. Giáo sư Đặng Thai Mai, lúc đó là Viện trưởng Viện Văn học, đánh giá cao những nỗ lực của ông bà Faber, và coi đó là “một đóng góp mới, rất đáng quí vào công cuộc trao đổi văn hóa và thắt chặt thêm nữa tình hữu nghị giữa hai nước”. Một điều rất đáng trân trọng là ở đầu sách Truyện Kiều bản tiếng Đức, có lời đề tặng (in trên thiếp rời) của Giáo sư Tiến sĩ Johann Dieckmann, khi đó là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

 Tại một cuộc chiêu đãi lớn, ông bà Faber vinh hạnh được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã hàng tháng trời trôi qua rồi, Bác vẫn nhớ việc ông bà biếu Người bản dịch Truyện Kiều. Người thân ái cảm ơn hai dịch giả và hỏi:

 - Cô, chú dịch Truyện Kiều trong bao lâu ?

 - Thưa Bác, bảy năm ạ!

 - Như vậy là trong suốt bảy năm đó, cô chú chỉ nghĩ tới Việt Nam!

 Nghe Bác nói vậy, ông bà rất tự hào, sung sướng, coi đó là một phần thưởng cao quý, không gì sánh được.

 Với bản dịch “Truyện Kiều” đã được ấn hành hàng vạn bản, trong ngót nửa thế kỷ qua, nhân dân Đức được chiêm ngưỡng một công trình thi ca đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời, với tập phóng sự “Sông Cái rực hồng” và các bản tin, bản dịch về mọi mặt đời sống xã hội của nhân dân ta, ông bà Faber đã góp phần tạo nên hình ảnh phong phú, năng động và quả cảm của một dân tộc ở Đông Nam á. Từ sâu thẳm trái tim mình, ông bà Faber coi Việt Nam là quê hương thứ hai, là một trong những điểm tựa tinh thần trong hoạt động sáng tạo. Trở về nước đã lâu, bên cạnh những trọng trách được giao phó như Giám đốc Học viện báo chí Trung ương, Trưởng ban đối ngoại của Hội nhà báo, Franz Faber vẫn không ngừng làm việc vì Việt Nam. Đến tận tuổi 90, ông luôn có mặt ở các cuộc tọa đàm “đoàn kết với Việt Nam”, say sưa nói chuyện về đất nước, con người và văn hóa của một dân tộc mà ông trân trọng, mến yêu. Đánh giá cao những cống hiến không ngừng nghỉ của ông - kể cả lúc tuổi già, khi đã khuất bóng người vợ thân yêu - Nhà nước ta đã trao tặng ông Huân chương Hữu nghị cùng những phần thưởng cao quý, những tặng phẩm nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Ông dành hẳn một căn phòng rộng lớn ở khu phố Pankow (Berlin) để trưng bày tất cả những gì gợi nhớ đến Việt Nam, đến Bác Hồ mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

 Rất nhiều người Việt Nam đã có mặt trong “thế giới Việt Nam” đó của ông. Và, cái chính là trái tim ông luôn luôn đập cho Việt Nam. Ở tuổi gần 100, ông hoàn thành một Tuyển tập thơ (trong đó có khá nhiều bài sáng tác từ những năm ông công tác ở Việt Nam) và tập truyện với nhan đề “Trước khi mặt trời mọc” kể lại cuộc đời chiến đấu oanh liệt của một nữ chiến sĩ du kích ở miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Trao cho tôi bản thảo tác phẩm ấy, Franz Faber xúc động nói: “Việt Nam mãi mãi trong trái tim tôi!”

 Vâng, kể cả khi ông đi về cõi vĩnh hằng, trái tim ông vẫn không ngừng đập cho Việt Nam.

 Ở phương trời xa, chúng ta, những người bạn thuộc các thế hệ khác nhau, kính cẩn nghiêng mình trước ảnh hình ông, trước những cống hiến của ông cho Việt Nam, với lòng tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc.

Trần Đương
Theo Báo Văn nghệ số 24/2013
Kim Yến (st)

Bài viết khác: