Gần 23 năm qua, ông Hoàng Nghĩa Tạc, ngụ huyện Củ Chi, Thành phố (TP) Hồ Chí Minh lặng lẽ gửi tặng sách Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp cả nước mà ông biết. Ông nguyện dành cả phần đời còn lại để thực hiện một điều “mong” của Bác viết trong tác phẩm này là “Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành Đời sống mới. Như thế, nhất định chúng ta sẽ tiến bộ lớn”.

Mong làm điều nhỏ bé

Một ngày cuối tháng 6-2013, sau vài lần hỏi thăm, tôi gặp được ông Hoàng Nghĩa Tạc trong căn nhà nhỏ tại ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi 80, ông Tạc vẫn rất khỏe mạnh, sống lạc quan. Lúc tôi đến, ông đang đọc bức thư của cô Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói TP Hồ Chí Minh. Đây là nhân vật ông đã tặng sách Đời sống mới và bây giờ trở thành người bạn rất thân thiết với ông. Theo lời ông kể, trên số báo Thế giới mới, ngày 28-12-1998, ông đọc được bài viết về cô Hướng Dương, tốt nghiệp cử nhân tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đang là hướng dẫn viên du lịch thì không may bị tai nạn mất cả hai chân. Trong đau đớn tột cùng, Hướng Dương đã dũng cảm đứng lên, cộng tác cho chương trình thiếu nhi của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, rồi làm Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị. Ông Tạc đã tìm đến gặp Hướng Dương, thăm hỏi, động viên và tặng cô quyển Đời sống mới. Từ đó, ông và cô Hướng Dương thường xuyên trao đổi thư từ, hỏi thăm sức khỏe với nhau.

am-tham-a
Ông Hoàng Nghĩa Tạc bên tủ sách của mình.

Đó chỉ là một trong hàng trăm nhân vật ông Hoàng Nghĩa Tạc gửi tặng quyển sách Đời sống mới và đây cũng là cơ hội hiếm có để ông có thể gặp trực tiếp nhân vật. Bởi ông Tạc chủ yếu tặng sách Đời sống mới cho nhân vật bằng đường bưu điện thông qua địa chỉ trên báo, đài. Trong số những người tốt làm việc tốt được ông gửi tặng sách, có một nhân viên y tế huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đưa bố đi khám bệnh nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền, nhưng đã trả lại người đánh mất; có cụ giáo già Lê Sỹ Vọng dạy học cho trẻ em cơ nhỡ ở bãi rác Đông Thạnh; có bác nông dân Hoàng Văn Tòng không biết chữ, đã chở đò đưa các cháu học sinh qua sông nhiều năm mà không lấy tiền ở Cao Bằng; có những sinh viên tham gia mùa hè xanh, người đăng ký hiến xác cho y học, người tu hành làm việc thiện, người bán vé số giữ hộ vé cho người mua, số trúng hàng tỷ đồng nhưng vẫn trả lại... Đến nay, ông cũng không nhớ là mình đã tặng sách Đời sống mới cho bao nhiêu người. Bởi theo ông, ông làm công việc này bằng tấm lòng, tình cảm, làm đến cuối đời chứ không phải lấy thành tích, chạy theo số lượng...

Ông Hoàng Nghĩa Tạc bắt đầu công việc tìm kiếm gương người tốt, việc tốt và tặng sách Đời sống mới từ năm 1990, kể từ khi ông nghỉ hưu. Ông tâm sự: “Tôi chỉ mong mỗi ngày của mình là một ngày trọn niềm vui, được thấy gia đình mình hạnh phúc, xã hội tiến bộ, cái tốt được phát huy, cái xấu bị đẩy lùi”. Trong nhiều tác phẩm có giá trị giáo dục của Bác, ông Tạc chọn quyển sách Đời sống mới để tặng vì ông nghĩ: Tất cả mọi người, từ người nông dân, công nhân, doanh nhân đến cán bộ công chức Nhà nước đều có thể bỏ túi một quyển sách Đời sống mới làm hành trang trong cuộc sống. Và bất cứ lúc nào, họ cũng có thể mở sách Đời sống mới ra đọc. Ông Tạc luôn theo dõi các lần tái bản, phát hành sách Đời sống mới. Ông còn nhớ năm 1999, kỷ niệm 30 năm Bác Hồ viết Di chúc, khi thấy danh mục sách sẽ phát hành của Nhà xuất bản Trẻ không có tác phẩm Đời sống mới của Bác, ông liền đến gặp Giám đốc Nhà xuất bản đề nghị cần phải đưa đầu sách này vào. Đề nghị của ông được chấp thuận và sách Đời sống mới năm đó được in ra 2000 cuốn với bìa là ảnh Bác Hồ đến thăm Nhà máy Sứ Hải Dương...            

Điều làm chúng tôi rất bất ngờ là tất cả những tấm gương người tốt, việc tốt được ông Tạc tặng sách Đời sống mới không do ai chỉ dẫn mà tự ông tìm kiếm trên các tờ báo in, qua sóng phát thanh. Ai lần đầu đến gặp ông đều ngạc nhiên khi phòng khách và phòng ngủ của ông chứa đầy những sách, báo. Ông lúc nào cũng mua đều đặn 24 đầu báo như: Cựu chiến binh Việt Nam, Đại đoàn kết, Thời nay, Phụ nữ Việt Nam… Đặc biệt, ấn phẩm Sự kiện và Nhân chứng (nguyệt san của Báo Quân đội nhân dân) được ông mua mỗi lần vài quyển để tặng các hội viên người cao tuổi, cựu chiến binh trong ấp, xã. Thật đáng quý biết bao khi biết hằng quý ông đã bỏ ra gần hai triệu đồng trích từ số tiền lương hưu ít ỏi của mình để mua báo. Ngoài ra, ông Tạc còn sưu tầm, tìm mua nhiều loại sách quý hiếm để cho mọi người cùng đọc...

Học Bác ở điều thiết thực nhất

Luôn quan niệm sống là cho, năm 1996, ông Tạc đã đăng ký hiến xác cho y học. Một lần, ông đọc trên Báo Cựu chiến binh Việt Nam, phát hiện có cụ Nguyễn Hải ở phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cũng đăng ký hiến xác, ông liền viết thư bày tỏ tình cảm với người có cùng ý nguyện và tặng cụ Hải một quyển Đời sống mới. Cụ Nguyễn Hải nhận được thư rất xúc động và gửi thư cảm ơn ông Tạc. Ông Tạc cho biết, học Đời sống mới của Bác không chỉ bó hẹp trong từng câu chữ mà là trong tư duy vận dụng vào thực tế cuộc sống. Sống phải luôn có ích và tôi đã tìm được người bạn có cùng tâm niệm “chết cũng có ích”.

Là một hội viên người cao tuổi năng động, ông Tạc đã tình nguyện đóng góp cho ấp Bến Đò 1, nơi ông đang sinh sống, một tủ sách văn hóa. Trong đó, ông tặng 100 cuốn Đời sống mới và hằng tháng bổ sung thêm nhiều sách quý khác. Có sách, có tủ sách, ông cũng mong các địa phương cần duy trì tốt phong trào đọc sách ở cơ sở, vì đây mới là mấu chốt tạo thành công của việc học tập làm theo Đời sống mới của Bác.

Ai cũng cần có sách Đời sống mới

Ngày 11-6-2013, sau khi nghe chương trình giao lưu trực tiếp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam có sự tham gia của đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân về đẩy mạnh thi đua yêu nước theo lời kêu gọi của Bác; ông Tạc liền viết thư cho Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên và bà Trần Thị Hà và không quên gửi tặng mỗi vị một cuốn Đời sống mới do ông phô-tô cóp-py. Ông nghĩ, đây là nơi có thể giúp việc tuyên truyền và lan tỏa sách Đời sống mới của Bác sâu rộng. Trong thư ông viết: “Tôi tha thiết thỉnh nghị tới hai đồng chí với vị thế, chức trách và công việc đương nhiệm của mình, các đồng chí hãy tác động hiệu quả để đồng bào ta có cơ may, có diễm hạnh hưởng ứng điều “mong” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành Đời sống mới. Như thế, nhất định chúng ta sẽ tiến bộ lớn”.

Ông chia sẻ niềm vui là tháng 5-2012, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật in thêm 1000 cuốn Đời sống mới. Ông vô cùng phấn khởi nhưng cũng bày tỏ nỗi băn khoăn. Đó là mỗi lần xuất bản có 1000 đến 2000 cuốn mà mấy năm mới xuất bản một lần thì đến bao giờ mỗi người dân của nước ta mới có một cuốn sách Đời sống mới như Bác Hồ mong muốn? Theo ông, trên báo chí hiện nay, khối lượng giấy và kinh phí dành cho quảng cáo rất lớn. Nếu chỉ cần trích một khoảng nhỏ của quảng cáo thì sẽ có hàng triệu bản sách Đời sống mới đến tay người dân. Sách có thể in thành quyển, hoặc in từng phần trên các số báo để ai cũng đọc được. Ông cũng đề nghị với cơ quan các cấp là nếu in thêm sách Đời sống mới cần bổ sung thêm cụm từ Bác giải thích chữ viết tắt ĐSM (Đời sống mới) theo quyển Đời sống mới do Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 1977. Đó là Đ: Đời Đầy Đủ Đẹp Đẽ, S: Sống Sạch Sẽ Sung Sướng, M: Mới Mạnh Mẽ Mỹ Mãn. Trước việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, ông Tạc mong rằng mỗi người ở từng địa vị, cần tự học là chính, tự soi và tự sửa. Đó cũng là cách thiết thực học theo Đời sống mới của Bác. Cán bộ làm tốt thì người dân sẽ làm theo. Nhiều người dân tốt thì xã hội sẽ giàu mạnh.

am-tham-b
Hằng ngày, ông Hoàng Nghĩa Tạc luôn tìm hiểu thông tin người tốt, việc tốt trên sách, báo.

Tạm biệt ông, tôi ra về với quyển Đời sống mới ông tặng kèm lời dặn: “Cháu cần tìm kiếm nhiều hơn nữa những tấm gương tốt trong cuộc sống để tuyên truyền, họ là những bản Đời sống mới thiết thực nhất”. Tôi hiểu, sau buổi gặp gỡ này, đôi mắt, đôi tai ông lại dõi theo những thông tin trên khắp đất nước tìm kiếm những cá nhân tốt để gửi tặng sách Đời sống mới với ước nguyện thực hiện được điều “mong” của Bác kính yêu.

Lê Hùng Khoa

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: