Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề nhân phẩm, nhân quyền từ bản tính nhân bản của chính con người gắn với các giá trị văn hóa tiến bộ và cả những giá trị nhân văn có tính “vượt trước” của dân tộc và nhân loại. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

nhan quyen

Khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền

Về nhân phẩm

Trong lịch sử nhân loại và tư tưởng của các nhà triết học có nhiều quan điểm về nhân phẩm(1), nhưng tiếp cận nhân phẩm từ bản tính nhân văn của chính con người là nét đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng, vấn đề thiện ác, nhân phẩm ở con người truyền thống cơ bản thể hiện ở nhân nghĩa. Người đổi mới cách giải thích: “Nhân là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào... sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ... không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền”(2). “Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy... không có lợi ích riêng phải lo toan...”(3). Nhân phẩm con người cơ bản thể hiện ở đạo đức. Đạo đức là nền tảng, là cái gốc của nhân phẩm, của nhân quyền (hay quyền con người). Đạo đức, nhân phẩm, nhân quyền là những cách thể hiện khác nhau của bản tính nhân bản mỗi khi con người hiện diện trong cộng đồng và trong xã hội nói chung dưới những góc độ và vai trò khác nhau. Trong bài Lênin và các dân tộc phương Đông (năm 1924), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”(4).

Nhân phẩm gắn liền với các giá trị văn hóa tiến bộ và cả những giá trị nhân văn có tính “vượt trước” của dân tộc và nhân loại. Vấn đề thiện ác, nhân nghĩa hay vấn đề đạo đức, nhân phẩm truyền thống được Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải sâu sắc hơn qua các nội hàm: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính trong hoàn cảnh mới. Người nhấn mạnh: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng thi đua ái quốc”(5). Cần là siêng năng, chăm chỉ, tận tâm với công việc, với sự nghiệp chung, đối lập với thói lười biếng, ỷ lại. Kiệm là lối sống giản dị, nền nếp, biết sử dụng thời giờ, chi tiêu một cách hợp lý. Kiệm đối lập với thói xa hoa, lãng phí, tùy tiện. Liêm là trong sạch, không tham tiền của, lợi lộc, địa vị và đối lập với bệnh tham nhũng, hối lộ, háo danh. Chính là ngay thẳng, thật thà, biết người - biết mình, xử lý công việc chung thấu tình, đạt lý. Sự rèn luyện để có các phẩm chất trên là quá trình tích lũy về lượng, còn chí công vô tư là sự biến đổi về chất, là sự kết tinh của cần, kiệm, liêm, chính. Chí công vô tư là vì nghĩa lớn mà cống hiến tận tâm, tận lực, khi thành đạt thì không nghĩ đến hưởng thụ, không thiên vị, tư lợi và đối lập với chủ nghĩa cá nhân, thói vị kỷ. Con người sẽ vững vàng trước mọi thử thách, cám dỗ nếu hội đủ những phẩm chất nhân văn nêu trên trong nhân phẩm của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo nhiều giá trị nhân văn truyền thống tiến bộ của dân tộc và nhân loại về nhân phẩm. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị đó được Người nâng lên tầm cao mới, như: từ “con người tư duy” duy lý của phương Tây và “cái tâm” hay tấm lòng của con người phương Đông được tích hợp thành “sống sao có tình có nghĩa”, “học gắn với hành”, “nói đi đôi với làm” sao cho hài hòa giữa tài và đức; từ lòng nhân ái yêu thương con người của nhân loại được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, mang bản sắc Việt Nam; từ lòng yêu nước truyền thống được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa; từ truyền thống đoàn kết, tình nghĩa của dân tộc được nâng lên thành truyền thống đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế… Nhà báo Liên Xô Ôxip Manddenxtam (năm 1923) đánh giá: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”(6).

Về nhân quyền

Nhân quyền là sự thống nhất biện chứng của quyền cá nhân, cộng đồng và dân tộc - quốc gia. Lời mở đầu của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 thừa nhận phẩm giá (nhân phẩm) và các quyền bình đẳng, không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Nhân quyền là sự biểu hiện của nhân phẩm bằng pháp luật trong xã hội. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân trong các bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (năm 1776), bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp (năm 1789) và tư tưởng về quyền dân tộc tự quyết của V.I.Lênin thành quyền cá nhân con người gắn với quyền độc lập - tự do - hạnh phúc của tất cả các dân tộc. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền con người gồm cả quyền dân tộc tự quyết, từ đó Người tạo cơ sở về dân chủ, dân quyền cho việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ qua lại giữa việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền bình đẳng, tương trợ, đoàn kết giữa mọi người và giữa các cộng đồng với việc bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia Việt Nam và ngược lại.

Trong thực tế cả đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân, bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cũng chỉ theo đuổi một mục đích làm cho ích quốc lợi dân. Người không quên quyền lợi của bất kỳ một cộng đồng xã hội nào, từ nhi đồng, thiếu niên, đến thanh niên, phụ nữ, phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, người khuyết tật... Người xác định dân là chủ thì mới làm chủ và có khả năng gắn bó quyền lợi của bản thân với quyền lợi của cộng đồng và quyền lợi của đất nước (hay ngược lại); bảo đảm quyền lợi của Nhân dân Việt Nam thì đồng thời phải tôn trọng quyền lợi của các dân tộc khác. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là “công bộc”, là tấm gương phục vụ quyền lợi của Nhân dân. Dựa trên luận điểm “sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”(7) và nguyên tắc “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(8) của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được xây dựng, vận hành theo chế độ dân chủ; trong đó việc bảo đảm quyền con người là trách nhiệm trước tiên của Đảng, Nhà nước.

Nhân quyền mang bản chất tổng hòa các quan hệ xã hội - pháp lý của nhân phẩm và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tính thiện, ác hay đạo đức, nhân phẩm đều không phải là “đặc quyền tự nhiên”, mà được mặc nhiên thừa nhận từ bản tính cố hữu của mỗi người. Cũng như “thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu. Phần nhiều do giáo dục mà nên”(9). Từ đó, Người coi nhân quyền luôn là sản phẩm hiện thực giành được của con người trong cuộc đấu tranh với thế giới tự nhiên, xã hội và với bản thân, đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột và gắn với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa trong mỗi thời kỳ lịch sử của dân tộc và nhân loại. Vì vậy, nhân quyền luôn mang bản sắc dân tộc và giai cấp. Nhân quyền không thể thoát ly, mà phụ thuộc vào mỗi chế độ chính trị - xã hội và mỗi nền văn hóa dân tộc.

Do vậy, nhân quyền không được giới hạn chỉ ở khía cạnh thực thể tự nhiên - xã hội, mà mang bản chất “tổng hòa các quan hệ xã hội”(10), trước hết là quan hệ pháp lý, của nhân phẩm và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(11). Do đó, phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân... Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Ðồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Ðối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng(12).

Nhân quyền được ghi nhận ở cả quyền công dân và quyền con người thông qua pháp luật cùng các thể chế văn hóa tự quản trong xã hội. Trước đây C.Mác đặt vấn đề: “Tại sao thành viên của xã hội công dân lại được gọi là “con người”, chỉ được gọi đơn giản là “con người”, còn tại sao quyền của nó lại được gọi là nhân quyền. Điều đó là do đâu”(13). Từ đó C.Mác lý giải: “Chỉ là do quan hệ giữa nhà nước chính trị và xã hội công dân, do bản chất của giải phóng chính trị”(14). Theo C.Mác, quyền con người cơ bản thể hiện ở quyền công dân, nhưng không đồng nhất với quyền công dân. Hai quyền đó luôn nằm trong một chỉnh thể thống nhất biện chứng. Kế thừa tư tưởng này của C.Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cả hai thuật ngữ nhân quyền và dân quyền (quyền công dân). Người luôn coi trọng mối quan hệ thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân nhằm thực hiện quyền độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc - quốc gia trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người Việt Nam.

Mặc dù, tính thống nhất của các quyền con người và quyền công dân thể hiện ở chỗ đều ghi nhận các quyền cá nhân của con người, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đồng nhất hai khái niệm đó trên cả hai phương diện chủ thể và nội dung của quyền. Về chủ thể của quyền, ngoài công dân Việt Nam, Người rất chú ý đến những người không phải là công dân như tù binh, hàng binh nước ngoài, người nước ngoài, Việt kiều, những người bị pháp luật tước quyền công dân. Về nội dung của quyền, Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 13/8/1945), có phân biệt nội dung dân quyền, gồm: a) Nhân quyền; b) Tài quyền (quyền sở hữu); c) Dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền(15). Nhìn chung, thông qua các bản Hiến pháp của Nhà nước ta, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phân chia nội dung các quyền con người gồm: các quyền tự do dân chủ về chính trị, các quyền dân sự hay các quyền tự do cá nhân và các quyền về kinh tế - xã hội.

So với các khái niệm khác liên quan đến đời sống xã hội của con người, như nhu cầu, lợi ích, đạo đức, nhân phẩm... việc pháp điển hóa quyền con người là dấu hiệu đặc trưng của nhân quyền. Các quyền cơ bản của con người được thể chế hóa trong những bản hiến chương, hiến pháp, văn bản luật... Việc thể chế hóa và thực thi nhân quyền căn bản phải dựa trên những giá trị nền tảng của nhân phẩm con người. Pháp luật không có lý do gì để làm méo mó giá trị, quyền lợi chính đáng đó của con người và pháp luật chỉ cụ thể hóa và bảo vệ những quyền đó bằng những định chế phù hợp với lý trí, nguyện vọng và yêu cầu của toàn xã hội. Bởi thông qua đó, các giá trị nền tảng của nhân phẩm con người mới trở thành quyền năng, trách nhiệm được xác định và được bảo đảm về pháp lý trong thể chế chính trị - xã hội mang thuộc tính pháp quyền, nhằm hiện thực hóa trong xã hội; hợp pháp hóa việc nhân dân được tham gia vào các công việc nhà nước bằng phương thức dân chủ.

Với nhận định này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng là chưa đủ. Bởi vì, quyền con người nói chung, quyền công dân nói riêng, đều xuất phát từ giá trị nền tảng của nhân phẩm con người, vừa cụ thể với những nội dung hiện thực theo yêu cầu của cuộc sống thực tế, nhất là của pháp luật, vừa là xu hướng với những hoài bão, lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc của mỗi người và mỗi cộng đồng cụ thể. Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi trọng việc kế thừa, phát huy vai trò điều chỉnh của hương ước, luật tục có tính tự quản của làng, bản, buôn, ấp. Mặc dù không nêu thành nguyên tắc “pháp trị”, “đức trị”, “nhân trị”, nhưng thực tế Người đã kết hợp chặt chẽ giữa luật pháp của Nhà nước, hương ước, luật tục… với tuyên truyền, giáo dục đạo đức, cũng như nêu gương điển hình, mà bản thân Người tự mình nêu gương trước. Người căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(16). Thông qua đó, Người giữ chữ Tín với mọi người và nâng tầm con người để thực hiện được các giá trị hiện thực của bản thân mỗi người, đồng thời hướng con người đến những giá trị tốt đẹp hơn cùng với phần xấu bị mất dần đi trong quan hệ người - người.

Tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền để xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay

Một là, vận dụng tư tưởng về mối quan hệ giữa nhân phẩm, nhân quyền.

Tư tưởng nhân quyền gắn bó mật thiết với nhân phẩm nhưng chúng không phải là “đặc quyền tự nhiên” được mặc nhiên thừa nhận từ bản tính nhân bản cố hữu của mỗi người mà luôn bị quy định bởi điều kiện xã hội. Do đó, cần vận dụng nhân quyền vừa mang tính phổ quát các giá trị nền tảng của nhân phẩm, vừa mang tính đặc thù của điều kiện xã hội tạo nên các giá trị này. Nhân quyền không giới hạn chỉ ở khía cạnh thực thể tự nhiên - xã hội, mà mang bản chất “tổng hòa các quan hệ xã hội”, trước tiên là quan hệ pháp lý, của nhân phẩm và được biểu hiện ở nhân cách văn hóa.

Hai là, vận dụng tư tưởng về mối quan hệ qua lại giữa bảo đảm quyền dân tộc - quốc gia  và tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền lợi của các cá nhân và các các cộng đồng trong nước.

Đây là một nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, vững vàng chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 1980 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ giữa những năm 1990. Đến nay, Việt Nam đã giải quyết khá tốt việc bảo đảm quyền phát triển của đất nước cùng với việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền của các dân tộc thiếu số, tôn giáo và các cộng đồng khác trong nước, nhưng lại chưa phát huy được giá trị của mối quan hệ biện chứng này. Vì vậy, cần nhận thức rõ hơn việc thực hành, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng này trong thực tế đổi mới đất nước; trong đó việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền lợi của người dân và các cộng đồng lớn nhỏ chính là cơ sở bảo đảm quyền độc lập - tự do - hạnh phúc của đất nước.

Ba là, vận dụng tư tưởng về “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” nhằm cải biến xã hội để thực thi nhân quyền.

Cần tiếp tục thể chế hóa trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở cả ba phương diện: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của văn bản quản lý hành chính nhà nước. Đồng thời, coi trọng thực thi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, nhằm thúc đẩy bảo đảm quyền con người, quyền công dân và nâng cao năng lực phản biện, giám sát xã hội của các tổ chức xã hội, báo chí truyền thông. Đồng thời, cần thể chế hóa các quyền hiến định của công dân trong Hiến pháp năm 2013 trên cả hai tư cách quyền con người và quyền công dân, để các quyền này thực sự được bảo đảm trong thực tế cuộc sống.

Bốn là, khắc phục những hạn chế trong quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân phẩm, nhân quyền.

Trong thực tế, không ít trường hợp vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân quyền chưa phân biệt, có khi nhầm lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh về phê phán nhân quyền dưới chế độ tư sản, thực dân phong kiến với quyền là chủ, làm chủ dưới chế độ xã hội mới; tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc và quyền con người trong giai đoạn đi lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, chưa coi trọng đúng mức việc bảo đảm “tài quyền” gắn với nhân quyền và dân quyền như Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 16-17/8/1945) đã xác định(17). Mặc dù hiện nay Việt Nam đã thực hiện khá tốt việc xóa đói giảm nghèo, quyền làm giàu, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp… nhưng vẫn chưa quan tâm đúng mức việc giải quyết hiệu lực, hiệu quả các vấn đề quyền sở hữu đất đai gắn với quyền sử dụng, quản lý đất đai, nhà ở và bất động sản khác với vai trò là nền tảng của quyền kinh tế. Hệ quả là nhiều vấn đề kinh tế, đặc biệt đất đai, nhà ở và bất động sản khác, thường gây ra nhưng hệ lụy cho nhiều quyền công dân, quyền con người và gây tổn thất không chỉ về kinh tế cho Nhà nước, người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, chưa chú ý làm rõ, vận dụng và phát triển sáng tạo mối quan hệ giữa bảo đảm quyền cá nhân và quyền tập thể; giữa vấn đề đạo đức, văn hóa và pháp lý cũng như mối quan hệ giữa xây dựng đạo đức mới, văn hóa mới với bảo đảm quyền con người; chưa coi trọng đúng mức việc tôn trọng, bảo vệ, thực hiện thể chế về bảo đảm quyền của từng giai tầng xã hội: công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân... phù hợp với tình hình phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động đang xuyên tạc, vu khống về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, do đó các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời./.

---------------------------------------

Ghi chú:

(1) Nguyễn Học Tập, Phẩm giá con người trong thể chế nhân bản (www.vietnamvanhien.net). Tác phẩm này nêu rõ trong lịch sử tư tưởng phương Tây có bốn quan điểm khác nhau về nhân phẩm: Aristotle (384-322 TCN) quan niệm vũ trụ làm trung tâm nên coi phẩm giá con người dựa trên cơ sở tự nhiên; Thomas D’Aquin (1225-1274) xem phẩm giá con người dưới nhãn quan của sáng tạo, nhập thể và cứu rỗi của Chúa Giêsu; Immanuel Kant (1683-1746) quan niệm cho phẩm giá con người do khả năng lý trí quyết định; Mary Wollstonecraft (1759-1797) coi nhân phẩm là tư tưởng được thừa nhận chính thức trong thể chế chính trị - xã hội.

(2),(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.291-292, tr.292.

(4),(8),(12),(16) Sđd, tập 1, tr.317, tr.438, tr.26, tr.284.

(5) Sđd, tập 6, tr.117.

(6) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.191.

(7) Sđd, tập 2, tr.491.

(9) Sđd, tập 3, tr.413.

(10) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.11.

(11) Phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, báo Cứu quốc, số 416, ngày 25/11/1946.

(13),(14) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.1995, tr.549, tr.549.

(15),(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2000, tr.560, tr.559.

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS.TS Nguyễn Thị Báo - nguyên Chánh Thanh tra, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước

Hà An (st)

Bài viết khác: