Trên những đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa, những nét văn hóa các miền quê ngày càng phong phú, đặc sắc. Sự đồng cam cộng khổ, đoàn kết thương yêu, chia ngọt sẻ bùi của quân dân huyện đảo đã trở thành điểm tựa cho quân dân Trường Sa luôn ngời sáng niềm tin, quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương...

Đến hẹn lại lên, vào tháng 4, tháng 5 lại tấp nập những chuyến tàu vượt biển đưa các đoàn công tác từ đất liền ra thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Thành phố mang tên Bác là một trong những địa phương tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo. Mỗi năm thành phố tổ chức hai đoàn ra thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa, với số tiền ủng hộ, quà tặng trị giá hàng chục tỷ đồng... Đặc biệt, trong chuyến đi vừa qua, các thành viên được phát áo đồng phục, mũ tai bèo và khăn rằn Nam Bộ do những má, những chị ở “Đất thép Củ Chi" làm ra. Những trang phục giản dị ấy mang nặng tình cảm đất liền, như mong muốn mang tinh thần "Đất thép Củ Chi" đến với đảo tiền tiêu.

Những nét quê bình dị

Ra Trường Sa là hành trình đầy cảm xúc về tình yêu biển, đảo. Háo hức, đợi chờ trên boong tàu, nên khi đặt chân lên đảo nổi, cũng như đảo chìm, mọi người đều vỡ òa cảm xúc trước những hình ảnh quê nhà thân thương, bình dị giữa trùng khơi. Dịp này, các đơn vị đứng chân trên đảo, các hộ gia đình tranh thủ sửa sang, trang trí nhà cửa đón khách. Đến xã đảo Song Tử Tây, chúng tôi gặp ngay một không gian cây trái xanh mát, những tháp gió, dàn năng lượng mặt trời, khu nhà dân khang trang… Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Huỳnh Viền và chị Trần Thị Nga. Họ có cuộc sống bình dị, hạnh phúc tràn đầy như bao gia đình khác trên đảo. Hằng ngày, anh Viền cùng các ngư dân trên đảo ra khơi đánh cá. Chị Nga tham gia nấu nướng trong bếp ăn ở đơn vị hải quân trên đảo. Anh Viền tâm sự:

- Song Tử Tây là quê hương thứ hai của mình. Ra đảo, mình mới cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương, Tổ quốc thiêng liêng đến nhường nào.

Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mỗi con người lưu giữ những ký ức sâu đậm về tuổi thơ. Những em bé sinh ra ở Trường Sa giờ đã lớn. Cả gia đình anh Hồ Dương mừng vui, vồn vã đón chúng tôi ở cổng. Con anh Hồ Dương là bé gái Hồ Song Tất Minh, vừa tròn 4 tuổi. Giọng anh Hồ Dương bồi hồi:

- Lúc vợ tôi mang thai, có Đoàn cán bộ từ đất liền ra thăm gợi ý đặt tên cho cháu là Hồ Song Tất Minh. Chữ Hồ là họ cha, chữ Song là từ đứng đầu của Song Tử Tây, còn các từ tiếp theo là lấy theo tên của các đồng chí cán bộ trong Đoàn như Phó GS.TS. bác sĩ Tất Cường, Bệnh viện 103, Minh là lấy theo tên của Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân. Trong một chuyến thăm Song Tử Tây sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh nhận bảo trợ cho con tôi ăn học đến năm 18 tuổi. Tình cảm từ đất liền dành cho gia đình tôi lớn hơn biển cả, không thể nào quên.

than-thuong-a
Học sinh ở  xã đảo Song Tử Tây đạp xe đến lớp học.

Ở Song Tử Tây, nhìn những đàn bò thư thả gặm cỏ, đàn lợn ủn ỉn chạy quanh doanh trại, những khóm cây tươi tốt, xanh mướt, gợi không gian thân thương, bình dị như ở đất liền. Trong câu chuyện với tôi, anh Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây bộc bạch:

- Mấy năm gần đây, cuộc sống của quân, dân trên Đảo Song Tử Tây ngày càng vui hơn. Buổi chiều, người dân thả bộ dạo chơi, thể dục. Những em nhỏ đạp xe đi học, tiếng gọi nhau í ới, vui đùa vang lên khắp đảo.

Đến đảo Nam Yết, tôi ấn tượng mãi với sắc xanh cây trái. Kia giàn mướp trổ hoa vàng, đây hàng dừa nghiêng mình che bóng, vườn đu đủ sai quả vàng xuộm… Cây dừa vươn những tán lá lên ngăn ngắt trời xanh. Nhiều người ví Nam Yết là “đảo dừa”, “xứ dừa” ở Trường Sa. Cây dừa có ở đảo từ bao đời nay. Những thế hệ cán bộ, chiến sĩ ra Nam Yết nhận nhiệm vụ đã thấy những cây dừa rợp bóng khắp đảo, sừng sững bên chân sóng...

Dẫn chúng tôi đi theo những tuyến đường bê tông tham quan đảo dưới bóng dừa xanh mát, Trung tá Trần Minh Thuần, Đảo trưởng đảo Nam Yết giới thiệu:

- Nam Yết hiện có hơn 300 cây dừa, phần lớn là giống dừa Bến Tre. Chỉ huy đảo ban hành một quy chế riêng bảo vệ, chăm sóc, ươm giống, thu hoạch cây dừa. Các phân đội, cụm chiến đấu được phân công quản lý, chăm sóc dừa theo từng khu vực. Khi thu hoạch phải theo phương châm “Thu hoạch tập trung, sử dụng tập trung”.

Tưởng rằng, dừa chỉ cho bóng mát, cho trái ngọt, thân dừa, gốc dừa giúp giữ đất, giữ đảo, tạo cảnh quan môi trường… Nhưng Thượng úy Nguyễn Công Trứ, Trợ lý Hậu cần đảo Nam Yết kể với tôi về nhiều công dụng của cây dừa:

- Dừa còn được dùng để chữa bệnh, chế tác các dụng cụ như cọng dừa bó làm chổi, mụn dừa ủ làm phân bón cho vườn rau, lá dừa kết thành mái che, cơm dừa để kho thịt, cá… Ngoài ra, trái dừa còn dùng để ươm giống trồng trên đảo và “xuất khẩu” sang các đảo khác ở Trường Sa đấy anh ạ!

Những “cột mốc tâm linh”

Ở các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, ai ra thăm đều vấn vương mãi tiếng chuông chùa ngân trong chiều buông, vang trên sóng biển. Những ngôi chùa được trùng tu, thiết kế theo phong cách truyền thống. Ở xã đảo Song Tử Tây, tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh ngôi chùa uy nghi, trầm mặc bên chân sóng. Đại đức Thích Thánh Thành, Trụ trì chùa Song Tử Tây ra trước cổng chùa đón Đoàn, dẫn đi tham quan. Đại đức gióng những hồi chuông báo với đất trời Trường Sa chào đón những người con từ đất liền. Tiếng chuông ngân lên, tan lẫn vào biển trời mênh mông, làm cho lòng người nhẹ tênh, cảm giác yên bình.

Trong khuôn viên cổ kính, trầm mặc, nghi ngút khói hương chùa Song Tử Tây, Đại đức Thích Thánh Thành nói rằng:

- Hằng ngày tiếng chuông chùa ngân lên hai lần, vào sáng sớm báo hiệu ngày mới bắt đầu; lúc chiều tà, báo hiệu một ngày khép lại, xua đi nỗi lo toan thường nhật. Chuông chùa còn ngân lên vào các dịp lễ, Tết cổ truyền, lễ đạo Phật, khi có Đoàn từ đất liền ra thăm đảo… Nghe tiếng chuông ngân, quân dân trên đảo cảm nhận được Tổ quốc ở bên mình.

Theo Đại đức Thích Thánh Thành, từ xa xưa, vị trí chùa Song Tử Tây ngày nay có một ngôi miếu thờ thần, phật. Chuyện xưa được truyền qua nhiều thế hệ ở đảo kể rằng, ngôi miếu ấy được một nhóm ngư dân dựng lên. Họ là những người may mắn thoát nạn khi gặp bão lớn. Khi tàu cá bị bão đánh chìm, mọi người khấn trời phật phù hộ. Như có phép màu, họ trôi dạt vào đảo Song Tử Tây. Ngôi miếu thờ được lập nên để tạ ơn trời phật từ ấy trở thành địa chỉ tín ngưỡng, tâm linh giữa muôn trùng sóng gió, đầy rủi ro của biển cả, là điểm tựa tâm linh cho những ngư dân. Từ nguồn kinh phí của phật tử trong cả nước, chùa Song Tử Tây được trùng tu, xây dựng nơi thờ tự khang trang, đón các nhà sư đến trụ trì, tu tập.

than-thuong-b
Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết dạo chơi dưới bóng dừa xanh mát.

Tín ngưỡng tâm linh là những nét văn hóa biểu trưng của mỗi cộng đồng, dân tộc, gắn với đặc thù về môi trường sống vùng đất đó, có sức ảnh hưởng lớn đến tâm thế, niềm tin cộng đồng. Chùa ở Trường Sa gần gụi trong sinh hoạt, đời sống của người dân trên đảo. Anh Đặng Thanh Chương, người dân ở thị trấn Trường Sa chia sẻ:

- Giống như ở đất liền, chúng tôi vẫn giữ thói quen đi lễ chùa vào ngày 1 và 15 âm lịch hằng tháng, vào dịp lễ, Tết. Ngoài ra, những ngày mưa bão, sóng to gió lớn, chúng tôi lại đến chùa thắp hương cầu khấn bão tan, biển lặng; quân dân trên đảo luôn bình yên, đất nước thái bình, phát triển.

Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, Trụ trì chùa Trường Sa nói:

- Ở Việt Nam, văn hóa tín ngưỡng tâm linh thể hiện chủ đạo là văn hóa đình chùa, ở đâu có người dân thì ở đó có chùa chiền, miếu mạo. Chùa là nơi để tịnh tâm, để sống gửi thác về, để thấy mênh mông hồn dân tộc giữa cuồn cuộn sóng Trường Sa.

Bằng chất giọng trầm ấm, chậm rãi,  Đại đức Thích Thánh Thành tâm sự:

- Văn hóa dân tộc và văn hóa phật giáo đã hòa làm một từ bao đời nay. Tôi cho rằng, đạo phải gắn liền với vận mệnh đất nước, dân tộc. Ở Trường Sa, mỗi ngôi chùa không chỉ thể hiện chiều sâu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, đó còn là những “cột mốc tâm linh” khẳng định chủ quyền vững chắc của Tổ quốc Việt Nam.

Ghi chép của Đặng Trung Kiên

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: