1. Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Căn cứ Nghị định số 39/2024/NĐ-CP, “Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể” được định nghĩa là hoạt động thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, gìn giữ, phát huy, thực hành, truyền dạy, giáo dục trong hoặc ngoài nhà trường cũng như việc phục hồi các khía cạnh khác nhau của di sản.
Theo Nghị định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: (1) Bảo đảm quyền và nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng chủ thể; (2) Bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; (3) Bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường; (4) Bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền; (5) Uu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội; (6) Ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được quy định cụ thể trong Nghị định như sau:
- Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện: 06 (sáu) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;
- Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp: 04 (bốn) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;
- Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia: 03 (ba) năm một lần tính từ thời điểm được ghi danh.
2. Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Trong đó, Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định 65/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 (được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1, Điều 2 Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 và điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định số 70/2022/NĐ-CP ngày 27/9/2022) về thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô. Theo đó, Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe bao gồm:
(1) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định này;
(2) Bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính);
(3) Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao được chứng thực điện tử từ bản chính);
(4) 01 ảnh màu cỡ 3 cm x 4 cm nền màu xanh, kiểu thẻ căn cước, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.
Trường hợp giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c khoản này đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
3. Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, có hiệu lực từ ngày 06/6/2024.
Căn cứ Nghị định, Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được xét tặng và công bố thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Thi đua, khen thưởng.
Theo đó, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và đạt các tiêu chuẩn sau:
(1) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
(2) Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên.
(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước.
(4) Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, được quy định cụ thể tại Điều 6 của Nghị định.
Tại Nghị định số 43/2024/NĐ-CP, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định này đạt các tiêu chuẩn sau:
(1) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
(2) Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.
(3) Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương.
(4) Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, được quy định cụ thể tại Điều 7 của Nghị định.
4. Nghị định số 44/2024/NĐ-CP ngày 24/4/2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 10/6/2024.
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 44/2024/NĐ-CP, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và vùng đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (nếu có), gồm: (1) Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường; (2) Cầu đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ; (3) Hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ; (4) Bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; cầu phao và công trình phụ trợ gắn liền với cầu phao; (5) Trạm kiểm tra tải trọng xe; (6) Trạm thu phí đường bộ; (7) Bến xe; (8) Bãi đỗ xe; (9) Nhà hạt quản lý đường bộ; (10) Trạm dừng nghỉ; (11) Kho bảo quản vật tư dự phòng; (12) Trung tâm quản lý và giám sát giao thông (Trung tâm ITS)/Trung tâm quản lý, điều hành giao thông; (13) Phần đất hành lang an toàn đường bộ đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng; (14) Trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ; (15) Hệ thống công nghệ thông tin, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý tài sản, điều hành giao thông đường bộ; (16) Các công trình, thiết bị khác của đường bộ theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ.
Trong đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền
5. Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực từ ngày 10/6/2024.
Về nguyên tắc cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ), Điều 15 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định: (1) Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này; (2) Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ; (3) Đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.
Ngoài 3 nguyên tắc trên, Nghị định 45/2024/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc: Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.
7. Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT ngày 31/03/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái, có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Cụ thể, các trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe theo Thông tư bao gồm:
(1) Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;
(2) Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;
(3) Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình;
(4) Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;
(5) Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;
(6) Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
8. Thông tư số 07/2024/TT-BCT ngày 12/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Trong đó, Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 07/2024/NĐ-CP quy định giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở:
(1) Các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án;
(2) Tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.
Theo Thông tư, việc xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện được dựa trên các nguyên tắc như sau:
(1) Bên bán và Bên mua có quyền áp dụng giá cố định bình quân đã thỏa thuận cho các năm trong thời hạn hợp đồng. Trường hợp Bên bán và Bên mua thống nhất quy đổi giá cố định bình quân đã thỏa thuận thành giá cố định từng năm thì việc xác định các mức giá cố định này phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại (2).
(2) Trên cơ sở các điều kiện vay vốn thực tế và khả năng tài chính của dự án, Bên bán và Bên mua thỏa thuận giá cố định bình quân của nhà máy điện thành giá cố định từng năm (FCj Giá cố định năm j) với điều kiện đảm bảo giá cố định bình quân không thay đổi so với mức giá đã được Bên bán và Bên mua thỏa thuận và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Tỷ suất chiết khấu tài chính khi tính toán giá cố định từng năm do Bên bán và Bên mua thỏa thuận bằng tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) của nhà máy điện;
- Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ hoàn trả các khoản vay cho đầu tư xây dựng nhà máy điện theo thời hạn hoàn trả vốn vay.
9. Thông tư số 05/2024/TT-BGDĐT ngày 29/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm do ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Cụ thể, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT như sau:
(1) Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.
(2) Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02.
(3) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
(4) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT.
10. Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Theo Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN, “Truy xuất nguồn gốc” được định nghĩa là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh. Theo đó, người tiêu dùng có thể tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia các thông tin sau đây:
Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa; Tên đơn vị và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; Thời gian sản xuất, kinh doanh; Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký tự và số seri sản phẩm (nếu có); Thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa (nếu có).
11. Thông tư số 11/2024/TT-BGTVT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 15/6/2024.
Tại Điều 4 Thông tư quy định mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu là 46.000 đồng/xe; mức giá dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới là 23.000 đồng/lần/xe.
Giá dịch vụ đã bao gồm chi phí tổ chức thu Lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra cũng tại Điều 4 Thông tư, đơn vị đăng kiểm có nghĩa vụ công khai thông tin và niêm yết giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá, thực hiện chính sách thuế, nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế, quản lý thuế hiện hành; tổ chức, cá nhân được đơn vị đăng kiểm cung cấp dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới có trách nhiệm thanh toán giá dịch vụ cho đơn vị đăng kiểm theo mức giá quy định tại Thông tư này.
12. Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu, có hiệu lực từ ngày 15/6/2024.
Cụ thể, tại Thông tư này, mẫu hồ sơ báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu gồm có:
(1) Mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng đối với quy trình chỉ định thầu thông thường:
- Mẫu số 1A: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp;
- Mẫu số 1B: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa;
- Mẫu số 1C: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn;
- Mẫu số 1D: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ tư vấn.
Trong đó, với gói thầu hỗn hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, gói thầu áp dụng chỉ định thầu quốc tế hoặc mua sắm trực tiếp thì việc lập hồ sơ yêu cầu được vận dụng các mẫu trên đảm bảo không trái luật.
(2) Mẫu kiểm tra hoạt động đấu thầu gồm các mẫu sau:
- Mẫu số 4.1A: Lập Kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động đấu thầu; Mẫu số 4.1B: Lập Kế hoạch kiểm tra chi tiết;
- Mẫu số 4.2: Lập Đề cương báo cáo tình hình thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Mẫu số 4.3: Lập Báo cáo kiểm tra lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Mẫu số 4.4: Lập Kết luận kiểm tra lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Mẫu số 4.5: Lập Báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện Kết luận kiểm tra…
Bảo Ngọc (tổng hợp).