Chẳng biết có phải là một sự may mắn hay đó là một cơ duyên mà lần nào chúng tôi đến, bà Lê Thị Tâm, một trong những lão thành cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa cũng như đang chờ. Câu chuyện, ký ức về thời kỳ hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa luôn là “món quà” quý. Trong đó, câu chuyện về lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang bay giữa dòng sông Đà cuộn sóng trong sự bất lực của binh lính Nhật và bè lũ tay sai trước khởi nghĩa năm 1945 là câu chuyện về tài trí của những chiến sỹ cộng sản trong sự kìm kẹp, theo dõi sát sao của địch.

Co vang
Cây bàng cổ thụ đầu đường Nguyễn Du (đối diện UBND thành phố Hòa Bình) đã từng là nơi “Tổ công chức cứu quốc” treo, rải truyền đơn vận động nhân dân tham gia mặt trận Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945.

          Là một thắng lợi quan trọng của Mặt trận Việt Minh ở khu vực thị xã Hòa Bình trong những ngày sục sôi khí thế trước khi khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân, tháng 8/1945. Bà Lê Thị Tâm kể: Trước năm 1945, thị xã Hòa Bình chỉ là một phố thị vùng cao đìu hiu. Thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945, nhân dân thị xã Hòa Bình phải sống cơ cực dưới 2 tầng áp bức bóc lột của nhà lang và ách đô hộ của thực dân Pháp và sau là phát xít Nhật. Dưới 2 tầng áp bức, đời sống người dân thị xã Hòa Bình vô cùng cực khổ. Thực dân Pháp và tay sai sử dụng mọi thủ đoạn để đàn áp, bóc lột. Cả tỉnh chúng chỉ mở 1 trường tiểu học để thu nạp con em lang đạo và quan lại. Bệnh viện, hệ thống điện, nước chỉ để phục vụ cho bộ máy cai trị. Dù là thị xã nhỏ bé nhưng thực dân Pháp đã cho mở đến 8 đại lý buôn bán thuốc phiện, 8 trạm gái điếm và 50 điểm hút sách. Thêm vào đó là sưu cao, thuế nặng, phu dịch liên miên đã khiến cho người dân thị xã phải chịu đời sống hết sức cơ cực, lầm than.

          Trong áp bức, các phong trào cách mạng như một ngọn đuốc sáng nhen nhóm tinh thần đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Vào khoảng thời gian đầu tháng 4/1945, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh đã cùng với chi bộ Đảng thị xã Hòa Bình bí mật mở cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Thơ nhận định, Pháp đã thất thế, Nhật mới đến chưa nắm được tình hình. Do vậy, cần tranh thủ thời cơ mở một đợt tuyên truyền mạnh mẽ trong quần chúng để củng cố lòng tin của nhân dân đối với mặt trận Việt Minh và phát triển đội ngũ cứu quốc sâu rộng, vững chắc trong quần chúng. Đồng thời vạch trần âm mưu, luận điệu lừa bịp của Nhật và bù nhìn tay sai.

          Thực hiện chủ trương trên, chi bộ Đảng đã quyết định tổ chức một cuộc treo cờ, rải truyền đơn, kẻ khẩu hiệu ở thị xã Hòa Bình. Nhiệm vụ này được giao cho Tổ thanh niên cứu quốc, Tổ thương nhân cứu quốc, Tổ công chức cứu quốc và Tổ phụ nữ cứu quốc. Thời gian được ấn định vào trung tuần tháng 4 (ngày 12/4/1945) nhằm đúng phiên chợ chính, tạo tiếng vang và ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh lan rộng trong các tầng lớp nhân dân.

           Bà Lê Thị Tâm bồi hồi nhớ lại: Trong khí thế sục sôi cách mạng, mặc dù đói khát, điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi vẫn hăng hái tham gia thực hiện rải truyền đơn, dán áp phích, kẻ khẩu hiệu phản đối địch và phân công nhau khâu cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm. Đặc biệt, riêng lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt Minh được những chiến sỹ cộng sản cần mẫn trong từng đường kim, mũi chỉ. Chỉ trong một thời gian ngắn, lá cờ đỏ sao vàng to bằng cái chiếu được làm xong. Có cờ, các đội viên Tổ thương nhân cứu quốc do đồng chí Trần Nghìn làm phụ trách đã tích cực đi nghiên cứu thực địa tìm điểm treo cờ ở nơi mà địch có gỡ ra được cũng phải tốn nhiều thời gian và công sức. Điểm treo cờ được lựa chọn là đường dây điện của địch bắc ngang sông Đà từ đỉnh đồi Ba Vành sang đỉnh đồi Ông Tượng. Với sự mưu trí, sáng tạo, những chiến sỹ cộng sản đã treo và đẩy lá cờ đỏ sao vàng được thêu bằng kim tuyến ra giữa sông trong mùa lũ, nước chảy xiết. Lá cờ được treo hiên ngang bay trong gió đã làm cho binh lính Nhật và bè lũ tay sai loay hoay, bất lực trong việc tháo gỡ. Sau nhiều lần tìm cách gỡ lá cờ xuống bất thành, cuối cùng, binh lính Nhật và bè lũ tay sai đã dùng súng trung liên bắn liên hồi mới hạ được lá cờ đỏ sao vàng ở giữa sông. Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng lá cờ đỏ sao vàng đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng vốn đang âm ỉ cháy trong các tầng lớp nhân dân.

          Để rồi vào ngày 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, ngay từ tờ mờ sáng, đông đảo nhân dân có vũ trang từ Tu Lý về đã phối hợp cùng lực lượng từ chiến khu Mường Khói, Cao Phong - Thạch Yên và thị xã Hòa Bình cùng đông đảo nhân dân lao động đã tiến về chiếm Phủ bộ đường. Ngay trong buổi sáng, quân khởi nghĩa tỏa đi chiếm trại bảo an binh, sở cẩm, dinh lũy của tri phủ và các công sở khác tại thị xã Hòa Bình, buộc chúng phải đầu hàng chính quyền cách mạng. Từ đây, phong trào cách mạng trên toàn tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Chưa đầy 10 ngày sau, các châu trong tỉnh lần lượt giành được chính quyền về tay nhân dân. Chiến thắng ấy đã góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc trong mùa thu lịch sử năm 1945 và lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong gió trên sông Đà mãi vẫn là chiến công ngời sáng của những chiến sỹ cộng sản gan dạ, kiên trung trong những ngày bị kìm kẹp, áp bức.

Mạnh Hùng

Theo http://daitruyenhinh.hoabinh.gov.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: