Tôi có nhiều năm gần gũi, làm việc với luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông là người được sang Pháp học từ năm 13 tuổi và đã học Luật ở Đại học Aix-en-Provence, một thành phố êm đềm gần cảng Marseille. Ông ở Pháp hàng chục năm của thập niên thứ hai, thứ ba của thế kỷ trước nhưng là người luôn giữ tính dân tộc, không lấy vợ Pháp và không vào quốc tịch Pháp. Khi biết tôi nghiên cứu để viết về Bác Hồ, luật sư Nguyễn Hữu Thọ giới thiệu với tôi một người bạn trẻ của ông, đó là chị Công Thị Nghĩa đang ở Pháp. Khi qua Pháp du học chị lấy tên Thu Trang, chị từng là hoa hậu Sài Gòn, hoạt động điệp báo trong lòng địch, đã bị chúng bắt bỏ tù được luật sư Nguyễn Hữu Thọ cãi trắng án trước tòa, nay là tiến sĩ sử học ở Pháp, chị cũng nghiên cứu về Bác Hồ.
Tôi gặp chị Thu Trang - Công Thị Nghĩa năm ấy khi chị đã ở tuổi 75 nhưng vẫn còn nét trẻ đẹp, vui tươi, thùy mị của người phụ nữ Việt Nam khiến tôi lầm tưởng chị chỉ chừng 60 tuổi. Chị tặng tôi những tác phẩm chị viết về Bác Hồ ở Paris. Những gợi ý, tư liệu của chị và những sưu tập tôi có được, đã giúp tôi thêm phong phú cho cuộc hành trình theo dấu chân Bác ở Paris.
Năm 1911 là thủy thủ với tên Văn Ba, Bác đến cảng Marseille, đây là nơi đầu tiên của nước Pháp Bác đặt chân. Con tàu Amiral La Touche Tréville lại tiếp tục đưa Bác về miền Bắc nước Pháp, cảng Le Havre. Bác đã làm công, học tiếng Pháp ở đây. Rồi Bác lại lên tàu lênh đênh khắp thế giới, Bác qua Châu Phi, qua Mỹ, qua Anh. Những năm ở Anh, Bác liên lạc được với luật sư Phan Văn Trường, với cụ Phan Chu Trinh, những người sáng lập ra Hội đồng bào thân ái và Bác quyết định đến Paris để hoạt động cho đồng bào mình, cho dân tộc mình.
Năm 1917 Bác đến Paris và ở nhờ nhà luật sư Phan Văn Trường, số 6 Villa des Gobelins, Quận 13. Đây là một ngôi nhà nhỏ, yên tĩnh. Cụ Phan Chu Trinh đang ở đây, mở tiệm ảnh để sinh sống, hoạt động. Bác ở trên căn gác xép hẹp, lúc đầu Bác học và làm nghề sửa ảnh với cụ Phan để sinh sống. Tuy nhiên đây là nơi Bác thấy lòng mình rộng mở. Bởi vì sau 6 năm bôn ba góc biển chân trời, nay đã đến ngay tại Thủ đô của một nước đang xâm lược Việt Nam, là nước trên lý thuyết vốn văn minh - bình đẳng - bác ái. Đặc biệt ở cùng với nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, được sinh hoạt trong Hội đồng bào thân ái, Bác như được trở về giữa lòng đồng bào Việt Nam ấm áp tình người. Nhiều hoạt động đầu tiên cho Tổ quốc của Bác bắt đầu từ căn nhà số 6 villa des Gobelins này của Quận 13. Chính từ căn gác nhỏ ở ngõ Villa des Gobelins Bác đã cùng cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường viết nên yêu sách 8 điểm đòi tự do độc lập cho Đông Dương. Ngày đó tiếng Pháp Bác chưa rành lắm, ý tưởng chính là của Bác được cụ Phan đóng góp và luật sư Trường chấp bút, sau đó cụ Phan dịch lại tiếng Việt. 8 điểm này được ký dưới tên Nguyễn Ái Quốc (người yêu nước). Có lẽ Bác bắt đầu lấy tên Nguyễn Ái Quốc là từ khi ký bản yêu sách nổi tiếng này.
Một tài liệu lưu giữ ở Pháp ghi lại trả lời của Bác với một phóng viên Mỹ đầu tháng 9/1919:
Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì?
Đáp: Để đòi quyền tự do cho dân An Nam.
Hỏi: Bằng cách nào?
Đáp: Làm việc hết mình và luôn hăng hái tiến lên.
Hỏi: Từ lúc đến Paris, anh đã làm đuợc gì?
Đáp: Tôi đã gặp những Nghị sĩ, những người bạn chịu giúp chúng tôi. Các Nghị sĩ, những người xã hội nghĩ rằng Chính phủ Pháp không chấp nhận yêu cầu của tôi, nhưng họ nói sẵn sàng giúp đỡ. Thay đổi nhận thức là quan trọng. Ở đây tôi hoạt động trong những tầng lớp khác nữa.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu tham dự Quốc tế Cộng sản - Ảnh: St
Đúng như vậy, những hoạt động trong 2 năm đầu đến Pháp của Bác đã gây nên tiếng vang lớn không chỉ ở Pháp mà ở cả Việt Nam và thế giới. Vượt trên hiểm nguy và phong tỏa, Bác hoạt động rất hăng hái như lời Bác nói. Mật thám Pháp đã theo Bác từng ngày. Đọc lại các hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp, trong tôi hiện lên mồn một hình ảnh người thanh niên yêu nước giữa đất trời Paris. Arnoux Trưởng ban công tác Đông Dương của Sở mật thám Pháp năm 1918 đã nói về Bác: “Các ngài hãy tin rằng chính anh thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của Pháp ở Đông Dương”. Arnoux đã nhận định đúng. Tôi trích dưới đây một số đoạn nhật ký theo dõi của mật thám Pháp tháng 12/1919 để thấy rõ thêm dấu chân cách mạng của Bác ở Paris.
Ngày 14 tháng 12 năm 1919
Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của tòa soạn báo L’Humanité.
Hồi 10 giờ 30, Quốc đến nhà thợ may Charon ở 8 Bis phố Gobelins, hai người đi uống ở quán rượu số 1 phố Gobelins. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đi tàu điện ngầm đến trụ sở báo La Dépêche coloniale.
Trở về nhà lúc 12 giờ 45. Hồi 13 giờ 15, Nguyễn Ái Quốc lại ra khỏi nhà và mất hút phía Quảng trường Italia.
Gần 17 giờ 30, mới thấy về nhà và 15 phút sau lại đến nhà Sarông.
Hồi 20 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc đi bỏ thư tại phòng bưu điện phố Gobelins.
Ngày 15 tháng 12 năm 1919
Nguyễn Ái Quốc nhận được một thư dán tem từ ga Paris du Nord.
Lúc 10 giờ 50, Quốc ra khỏi nhà, mua một tờ L’Humanité. Sau đó đến thư viện Sainte Geneviève, ở đó đến 11 giờ 55, rồi đi dạo ở vườn hoa Luxembourg.
13 giờ, Nguyễn Ái Quốc trở lại thư viện, ở đó đến 16 giờ, rồi lại đi dạo 20 phút ở vườn hoa trước khi về nhà.
19 giờ, Nguyễn Ái Quốc đến nhà số 16 phố Fosse Saint Bernard. Lát sau, cùng với Verdegene đến quán rượu ở cùng phố.
20 giờ 10, Nguyễn Ái Quốc về nhà.
Ngày 16 tháng 12 năm 1919
Lúc 14 giờ 35, Nguyễn Ái Quốc và Ai Cam (một thợ ảnh đã đến nhà Nguyễn Ái Quốc ở mấy ngày), rời nhà, đến phòng bưu điện ở phố Claude Bernard tra bộ Niên giám Paris, rồi đến hiệu sách Tơranh mua một quyển sách. Sau đó đến một nhà chuyên đánh máy chữ ở số 27 phố Claude Bernard thuê sao lại bài viết nhan đề Chính trị Đông Dương.
Nguyễn Ái Quốc và Ai Cam còn đến các địa chỉ sau đây:
- Nhà ông Louis Blanchard, bán tranh ảnh, ở 40 phố Écoles- Hiệu giầy L’ Incompara.
- Quán ăn Franco Chinois ở 11 bis phố Carmes.
- Trụ sở báo La Dépêche coloniale.
- Nhà số 22 phố Châteaudun.
Lúc 17 giờ 10, Nguyễn Ái Quốc và Ai Cam rời nhà số 22 phố Chatodon xuống ga tàu điện ngầm Le Peletier.
Ngày 17 tháng 12 năm 1919
Nguyễn Ái Quốc rời khỏi nhà lúc 9 giờ 45, đi đến thư viện Sainte Geneviève.
14 giờ 15, ra khỏi thư viện, đến Trụ sở Hạ Nghị viện ghi giấy xin gặp Marcel Cachin.
15 giờ 45, rời lâu đài Bourbon mua một tờ Journal Officiel rồi về nhà.
Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc còn đến văn phòng của hai tờ báo L’ Humanité và Le Populaire hỏi việc làm nhiếp ảnh cho Phan Chu Trinh.
Ngày 18 tháng 12 năm 1919
Buổi sáng, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi nhà lúc 10 giờ, đến thư viện Sainte Geneviève.
11 giờ 50, rời thư viện đến hiệu ảnh Panthéon rồi đến hiệu sách Lachon et Renouf mua một quyển sách, sau đó trở lại thư viện.
14 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc đến Hạ nghị viện xin gặp Marcel Cachin; 25 phút sau, rời địa chỉ trên và đi dạo. 16 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc mất hút trong đám đông ở gần cung điện Louvre.
17 giờ 35, Nguyễn Ái Quốc về đến nhà.
Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc tranh luận với các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Khánh Ký tại nhà số 6 phố Villa des Gobelins.
Ngày 20 tháng 12 năm 1919
Nguyễn Ái Quốc đến thư viện Sainte Geneviève hồi 10 giờ 20 đến 11 giờ 45. Mua một tờ L’ Humanité.
17 giờ 30, đến Academie Saint Louis chơi bi-a với Phan Chu Trinh.
18 giờ 30, rời Louis về số 6 phố Villa des Gobelins.
20 giờ 10, Nguyễn Ái Quốc cùng với một người Việt Nam xuống tàu điện ngầm đến Bastille rồi mất hút.
Ngày 23 tháng 12 năm 1919
Nguyễn Ái Quốc cùng với Phan Chu Trinh rời số 6 Vlila des Gobelins vào lúc 14 giờ 10, cùng đến phố Claude Bernard có hiệu nhuộm Berthon đưa đồ giặt, đến bác sĩ Trinh không có nhà, gặp một sinh viên, trước ở đường Montparnasse. Ba người Việt Nam đến gặp họ.
17 giờ 30, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc đi bỏ thư, Nguyễn Ái Quốc về nhà trước.
18 giờ 25, Khương đến gặp Nguyễn Ái Quốc tại 6 Villa des Gobelins.
Và ngay cả khi Bác bệnh vào viện cũng được mật thám Pháp ghi lại tường tận.
Ngày 14 tháng 1 năm 1921
Nguyễn Ái Quốc vào nằm tại bệnh viện Cochin để mổ áp xe ở vai.
Ca mổ được tiến hành ngày 19-1.
Ngày 20-1, đã có nhiều người vào thăm, trong đó có cả ông Vigné d’ Octon.
Ngày 25-1, Nguyễn Ái Quốc nhờ một y tá mang một thư đi trao tận tay cho Võ Văn Toàn.
Ngày 31-1, Phan Chu Trinh, Trần Tiến Nam, Võ Văn Toàn và Ba Sóc đã vào thăm Nguyễn Ái Quốc.
Ngày 21 tháng 2 được tin Phan Châu Dật - con trai Phan Chu Trinh qua đời, Nguyễn Ái Quốc từ bệnh viện Coclin nhờ một y tá cầm thư chia buồn gởi đến Phan Chu Trinh.
Đến Paris, theo dấu chân Bác chúng tôi không thể không tìm đến ngõ Công-Poăng. Năm 1920, một đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp đã giúp Bác thuê căn hộ ở nhà số 9 ngõ Compoint. Bác ở đây trước hết là gần tiệm ảnh nơi Bác làm công kiếm sống, sau nữa là nơi yên tĩnh ít người chú ý. Tôi may mắn được đến thăm phòng số 9 và được gặp bà chủ nhà. Năm 1983, Đảng Cộng sản Pháp đã gắn tấm bảng đồng ghi rõ: Nơi ở của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh…
Trong thời gian ở tại nhà số 9 này, Bác đã tham dự Đại hội thành lập Đảng cộng sản Pháp năm 1920 và hoạt động tích cực trong Hội liên hiệp các nước thuộc địa, Hội người An Nam yêu nước và làm báo, làm thợ sửa ảnh…
Căn buồng ở tầng 3 trông hơi vuông vức, mỗi bề 3m, chiếc giường nhỏ kê sát tường, đầu giường có 1 chiếc tủ gỗ để đựng quần áo, 1 chiếc bàn gỗ cũ, 1 đèn bàn xưa và 1 cái ghế mộc. Bác đã ngồi ở đây, bên chiếc bàn này để sửa ảnh, đọc và viết. Một khung cửa sổ nhỏ nhìn ra là tường gạch nhà bên, có gió nhưng không thấy trời xanh. Mùa đông ở đây lạnh, có ngày tuyết rơi Bác phải dùng 1 cục gạch gởi trong lò sưởi chủ nhà cho nóng rồi bọc giấy báo bỏ trong chăn để sưởi ấm qua những ngày đông giá rét. Và tại đây, căn phòng nhỏ này Bác đã đọc được luận cương của Lênin về giải phóng thuộc địa. Anh Xuân Thủy khi là Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Paris đã đến thăm căn phòng này và đã làm bài thơ “Thăm ngõ Công Poanh”. Xin được trích như sau:
“Tôi đến thăm Công Poanh một chiều tháng chín
Nắng đầu thu thấp thoáng quãng đường con
Hai bên nhà cũ kỹ bạc màu sơn
Cây thưa thớt, gió rì rào kể chuyện.
…Nơi rửa mặt một góc tường lạnh lẽo
Vẫn sáng ngời hình ảnh tấm gương trong.
Tôi nghe xưa tuyết giá mùa đông
Một viên gạch Bác nung thành sức ấm
Trên trái đất biết bao là vực thẳm
Khói bụi mù khi ấy Việt Nam ơi!
Bác ngồi đây suy nghĩ bốn phương trời
Mở cửa sổ gió ngoài lồng lộng
Chính nơi đây Bác tìm ra lẽ sống”.
Ngôi nhà này hiện không còn nữa, ngõ Công-Poăng đã đập phá để xây lại, phòng Bác ở được Đảng Cộng sản Pháp đưa về phục dựng nguyên trạng tại bảo tàng lịch sử ở thị xã Montreuil ngoại ô Paris. Thị xã này trong nhiều thập niên do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo. Ở đây có công viên Montreau to rộng như vườn bách thảo. Ngay cửa vào là Bảo tàng Lịch sử Sống. Tại đây các bạn Pháp đã dựng tượng Bác Hồ, một pho tượng đồng bán thân đặt bên tán cây đào bông tím và dưới chân là những thảm hoa tulip rực rỡ. Một dòng chữ khắc trên bệ tượng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969. Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam theo quyết định của UNESCO 1987”. (Président HoChiMinh 1890-1969. Héros de la Libération Nationale et Eminent homme de Culture du Vietnam).
Ở Paris có một lâu đài in đậm dấu ấn của Bác, đó là lâu đài Versailles. Đây là cung điện nguy nga với vườn thượng uyển rộng 815ha, là một lâu đài lớn và đẹp nhất Châu Âu, là di sản văn hóa thế giới xây từ năm 1623. Ngoài cung điện lộng lẫy đồ sộ, Versailles nổi tiếng bởi hệ thống 65 hồ nước mênh mông làm nổi bật những hoa cảnh của cung tình yêu và vườn vua chúa. Tôi đứng giữa tượng đồng vua Louis 16 cưỡi ngựa với pho tượng nữ thần tình yêu của công viên tráng lệ này để mường tượng xem người thanh niên 29 tuổi Nguyễn Ái Quốc năm ấy đi vào lối nào, chờ ở đâu khi đến hội nghị quốc tế đang họp ở đây để gởi yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho Việt Nam, Campuchia và Lào.
Trở lại Paris lần này, tôi đã tìm thăm thư viện Sainte Geneviève nằm bên cạnh điện Panthéon nơi ngày xưa Bác Hồ đã ngày ngày đến đây đọc, nghiên cứu và viết. Bác Hồ từng nói: “Thư viện là kho di sản nhân loại”. Thư viện Sainte Geneviève là nơi Bác thường lui tới, Bác đã đọc, học và viết giữa kho di sản nhân loại vô giá này.
Tài liệu mật thám Pháp chứng minh Bác đã đến đây nhiều lần. Ngày13/12/1919 mật thám Pháp ghi: “Từ 8g55 đến 12g13 và từ 13h10 đến 13g50 Nguyễn Ái Quốc ở thư viện Sainte-Geneviève. Sau đó dời thư viện đến vườn hoa Luxembourg để dạo chừng nửa giờ như đang chờ đợi ai.” Nhiều lần lặp lại như vậy. Một trích dẫn khác khẳng định rằng:
“Thường thường, ông Nguyễn chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến, ông đi dự mít tinh ở Paris”.
“Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Shakespeare và Dickens bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Victor Hugo, Zola bằng tiếng Pháp, Anatole France và Léon Tolstoi có thể là những người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn”(1).
Chúng tôi đã lần theo dấu chân Bác, từ nhà số 10, cửa thư viện Sainte Geneviève đối diện thánh điện theo con đường Sougglot để đến công viên Luxembourg nằm bên bờ sông Seine.
Công viên đầy hoa thắm, cỏ mịn dưới những tán cổ thụ sum suê, như một vườn thượng uyển rộng đến 15ha được xây dựng từ năm 1612. Công viên nổi tiếng bởi sự to rộng và sự phức hợp các loài cây, đặc biệt có vườn táo với 200 loại táo lê khác nhau, nhiều cây cổ thụ trên 100 tuổi và nó là công viên của nhiều loài chim cư trú. Công viên còn có vườn tượng các hoàng hậu và hồ nước nhân tạo xây từ 100 năm trước. Đặc biệt lâu đài của hoàng hậu Médicis trong vườn ngày nay là trụ sở của Thượng viện (Sénat) Pháp rất nguy nga lộng lẫy. Chúng tôi lững thững dưới tán rừng để cố tưởng tượng ra lối mòn Bác đã đi. Người đã hít thở không khí trong lành, suy ngẫm thế sự trên những con đường đầy hoa thơm cỏ lạ. Chính mật thám Pháp theo Bác đã nghĩ rằng Bác đi dạo như chờ đợi ai, và từ tài liệu của mật thám chúng ta thấy thư viện và công viên là hai nơi Bác lui tới thường xuyên, phải chăng đây là nơi gặp gỡ những người cùng chí hướng, có lẽ đúng hơn là Bác đến đây tìm gặp những tư tưởng lớn. Phải chăng linh hồn của các vĩ nhân ở điện Panthéon cũng lảng thảng ở vườn thượng uyển này và đã nâng tâm hồn trí tuệ Bác lên?
Công viên này, thư viện này, điện Panthéon là nơi cho Bác những tư duy, những thông tin, kiến thức về con đường cứu nước. Bác đã đón các tư tưởng lớn, gặp hồn các vĩ nhân thế giới. Thư viện và công viên này là trường Đại học lớn của Bác. Sống bên cụ Phan Chu Trinh một Phó bảng yêu nước từng nhận án tử hình của thực dân Pháp và luật sư Phan Văn Trường rất tên tuổi, được nhà nhiếp ảnh Khánh Ký giúp đỡ, Bác đã miệt mài học, hoạt động, cộng hưởng và trưởng thành rất nhanh. Sáu năm ở Pháp là quãng thời gian quyết định cho cuộc đời hoạt động của Bác, là bước khởi đầu một cuộc cách mạng, một cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Chính ở thư viện này, Bác đã đọc được tin cách mạng tháng 10 ở Nga đã thành công, mở ra một chân trời cách mạng trong Bác…
Tiến sĩ Thu Trang nhắc chúng tôi phải đến nhà 16 đường Sainte-Geneviève, đây là trụ sở báo Người cùng khổ (Le Paria) của Hội liên hiệp các nước thuộc địa do Bác sáng lập. Chúng tôi đã đến nhà 16, hiện tại là một cửa hàng ăn uống lớn, đẹp, đông đúc. Tôi ngồi uống 1 cốc cappuccino ở đây và nghĩ đến những ngày Bác từng tới lui làm việc. Thật là dũng cảm khi ngay giữa thủ đô nước Pháp, trong những ngày đen tối nhất, những người như Bác dám ra một tờ báo bằng tiếng Pháp để nêu thực trạng ở Việt Nam, đòi độc lập dân tộc cho tổ quốc. Phải chăng đây là nơi Bác đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, làm lay động lòng người, là những quả bom nổ ngay giữa thủ đô nước Pháp thời ấy?
Trong một lần trở lại thăm Paris đầu năm 2010 với chị Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, một nhà ngoại giao mà tên tuổi đã gắn với Paris, với lịch sử, chúng tôi gặp lại những người bạn Pháp đã từng hết lòng ủng hộ Việt Nam. Trong những người đó có cụ Raymond Aubrac, năm ấy ông đã 96 tuổi, vui vẻ, tươi cười chống gậy đến gặp gỡ các bạn Việt Nam. Ông nhắc lại với tôi những kỷ niệm đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi trở thành Chủ tịch nước, năm 1946 Bác đã thăm chính thức nước Pháp, và trong thời gian ở Paris, Bác đã quyết định rời bỏ lâu đài chính phủ Pháp bố trí để về ở nhà ông Aubrac. Nhà ông Aubrac có vườn rộng, Bác vẫn ngày ngày đi dạo, đọc báo và tiếp khách trong vườn. Đồng chí Phạm Văn Đồng từ hội nghị Fontainebleau đến gặp Bác cũng trong khu vườn này. Trong những ngày đó, có một sự kiện riêng rất cảm động mà ông không bao giờ quên. Ngày 15 tháng 8 khi vợ ông sinh con gái đầu lòng, Bác đã mang hoa đến bệnh viện thăm và nhận làm cha đỡ đầu cho con gái của ông. Ông Aubrac nói: “Từ đó, năm nào đến ngày sinh của cháu, Chủ tịch đều gởi quà hoặc thư mừng, dù đó là những năm chiến tranh. Đây là vinh dự lớn lao, là tình nghĩa thủy chung của Bác Hồ”.
Một trăm năm trước dấu chân cách mạng của Bác đã in trên mọi nẻo đường Paris và Paris đã cho Bác những ý tưởng, mở ra con đường giải phóng dân tộc. Chúng tôi suy nghĩ về những ngày gian nan, kiên cường tìm đường cứu nước của Bác trên đất Paris và hôm nay giữa lòng Paris, trong bảo tàng lịch sử sống, Bác là hiện thân của chiến thắng và của lòng nhân ái và tình hữu nghị.
Trình Quang Phú
--------
(1): Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.36-39.
Theo http://vannghequandoi.com.vn
Thu Hiền (st)