Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

“Tư duy chiến lược Hồ Chí Minh” về đối ngoại và đoàn kết quốc tế là hệ thống các tư tưởng, quan điểm về thế giới và quan hệ quốc tế, các chiến lược, kế sách và biện pháp toàn cục, dài hạn trong đường lối cách mạng của Việt Nam, tương quan tổng thể với thế giới và quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là quan điểm cần được tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo trong cục diện thế giới phức tạp và khó dự báo hiện nay.

Sức mạnh dân tộc trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Sức mạnh dân tộc là sức mạnh tổng hợp của con người, các giai tầng và nhóm xã hội trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hóa, xã hội… Từ triết lý về nhân dân của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi “đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân” và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(1). Nhân dân là phạm trù trọng tâm trong tư duy chiến lược Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam; còn sức mạnh dân tộc trên hết và trước hết là sức mạnh của nhân dân, với nội hàm cụ thể là các nội dung khác nhau, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa sức mạnh của nhân dân với sức mạnh của đất nước trong cục diện thế giới. Người khẳng định: “Dân có giàu thì nước mới mạnh”(2), “Dân cường thì quốc thịnh”(3), “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”(4), “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(5) và “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ”. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(6).

Như vậy, trong tư duy chiến lược Hồ Chí Minh, sức mạnh của dân tộc thể hiện tập trung ở yếu tố “5 dân”: dân giàu, dân cường, dân khí, dân trí và dân chủ. Năm yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ và có nội hàm mang tính lịch sử cụ thể bởi “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập. Nghiên cứu học tập lý luận và kỹ thuật”(7).

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy phát triển kinh tế số (DE) và toàn cầu hóa số (DG) cùng sự xuất hiện của thời đại trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mới, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có thách thức đối với “bộ ba” - “thể chế, con người và công nghệ” trong quá trình kiến tạo mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo theo chiều sâu. “Cuộc cách mạng công nghệ có thể sớm đẩy hàng tỷ người ra khỏi thị trường lao động và tạo ra một “tầng lớp vô dụng” khổng lồ mới, dẫn đến những biến động xã hội và chính trị mà không một chủ thuyết hiện hữu nào biết cách giải quyết”(8). Cảnh báo này thiết nghĩ cần được xem xét thấu đáo.

tu duy 1
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đón Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia Jensen Huang - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới thăm và làm việc tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cơ sở Hòa Lạc, thành phố
Hà Nội_nguồn: dantri.com.vn

Năm 2023, Việt Nam có hơn 52 triệu người ở độ tuổi lao động, trong đó ước tính có 14,1 triệu người (chiếm khoảng 27%) đã qua đào tạo có bằng cấp và chứng chỉ (nhân lực có trình độ từ đại học trở lên mới chỉ có khoảng hơn 5 triệu người - chiếm hơn 10%). Năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% mức năng suất lao động của Nhật Bản, 24,7% của Hàn Quốc, 35,4% của Malaysia, 59% của Trung Quốc, 64,8% của Thái Lan và bằng khoảng 79% mức năng suất lao động của Indonesia(9). Hiện nay, do chuyển dịch chuỗi cung ứng trong khu vực và trên thế giới, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam đang có cơ hội lớn nhưng lại đang thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Cả nước hiện có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu(10). Qua những con số trên có thể thấy, lực lượng lao động Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số hiện nay vẫn còn những hạn chế về trình độ và kỹ năng. Tuy nhiên, để hóa giải thách thức về nguồn nhân lực, trước hết cần tháo gỡ các “nút thắt” trong thể chế, nâng tầm nhìn chiến lược cùng năng lực chỉ đạo thực tiễn của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Theo nhà kinh tế học Nhật Bản Masahiko Aoki, thể chế là một luật chơi trong xã hội, một thể chế tốt sẽ thúc đẩy các tác nhân hành động mang lại lợi ích cho xã hội... Điều quan trọng là không chỉ đánh giá được các quy tắc mà thể chế đó đưa ra, mà còn đánh giá được các động lực mà cá nhân thực thi các luật chơi đó(11). "Sức mạnh mềm" về thể chế là một cấu thành quan trọng của sức mạnh dân tộc, có vai trò “kép” là vừa thúc đẩy, vừa kìm hãm sự phát triển của "sức mạnh cứng" về nguồn lực con người và công nghệ. Hiện nay, các thể chế chính trị, pháp lý, kinh tế và xã hội ở Việt Nam đều đang tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, “một số tiêu chí về quản trị công còn đạt điểm số và thứ hạng thấp, hiệu lực thực thi các quy định của Nhà nước chưa được cải thiện nhiều; thể chế bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ chưa được thực thi hiệu quả; thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo vẫn còn dấu ấn của cơ chế xin - cho; thể chế bảo đảm sự minh bạch, thúc đẩy phối hợp vì sự phát triển chung của quốc gia trong bộ máy quản trị đất nước còn yếu”(12). Điều này nếu không sớm được khắc phục thì sẽ càng làm gia tăng nguy cơ đẩy người lao động vào “tầng lớp vô dụng trong kỷ nguyên AI” và kéo theo những hệ lụy chính trị - xã hội khó lường, làm suy yếu sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Bên cạnh đó, vấn nạn tham nhũng - một trong những “lỗ hổng” lớn tác động đến quá trình thực hiện dân chủ và làm gia tăng khoảng cách “giàu - nghèo” - cũng đang làm suy giảm “dân khí” quốc gia; vấn đề cơ cấu dân số của Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Việt Nam hiện trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, đồng thời cũng trong quá trình già hóa dân số. Những thách thức này tác động đan xen làm suy giảm cả “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm” và sức mạnh tổng hợp của dân tộc, đồng thời làm gia tăng rủi ro rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” trong tương lai. Để hóa giải những thách thức này, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp có tính khả thi cao, trong đó có “hội nhập quốc tế toàn diện” - một phương thức kết hợp tối ưu sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Hội nhập quốc tế toàn diện

Trong tư duy chiến lược Hồ Chí Minh, sức mạnh thời đại là những “trào lưu quốc tế”, “sự phát triển của khoa học - kỹ nghệ” và những “trung tâm công nghiệp” cùng “hệ thống đường giao thông”, “sự đoàn kết quốc tế” và “lực lượng đoàn kết của nhân dân” thế giới… Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lấy Quốc hiệu là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, bên dưới là tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Các khái niệm định tính trong Quốc hiệu, tiêu ngữ này đều là những giá trị tiến bộ chung của nhân loại, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, trong đó “hạnh phúc” là tiêu chí tổng hợp cuối cùng đánh giá tính ưu việt của chế độ chính trị - xã hội. Những tiêu chí này thể hiện xu thế phát triển tiến bộ trong đời sống quốc tế kể từ Cách mạng Mỹ (năm 1776), Cách mạng Pháp (năm 1789) và Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917). Vì lẽ đó, có thể thấy, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Công hòa ra đời, Việt Nam đã hội nhập chính trị cùng những giá trị chung tiến bộ trên thế giới để mở đường cho hội nhập kinh tế, an ninh, văn hóa và xã hội.

Như vậy, trong tư duy chiến lược Hồ Chí Minh, lợi ích quốc gia - dân tộc gắn liền với hệ giá trị tiến bộ chung của nhân loại. Trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ trương hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh, cả bình diện song phương và đa phương: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

1. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

2. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

3. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

4. Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”(13).

Tư duy chiến lược Hồ Chí Minh về đối ngoại và đoàn kết quốc tế đã được Đảng ta quán triệt trong các nghị quyết về hội nhập quốc tế và triển khai trên thực tiễn. Năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được mở rộng với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2016, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) năm 2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020. Đồng thời, Việt Nam cũng ký kết một số hiệp định thương mại song phương với các quốc gia trên thế giới, như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) năm 2009, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) năm 2011, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) năm 2015, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) năm 2016. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam, Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) năm 2020. Tính đến năm 2022, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA FTA) và FTA Việt Nam - Israel. Theo WTO, hiện Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có độ mở cao (200% GDP) và từng bước cải thiện cán cân thương mại, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2022, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp và với mức thặng dư đạt 12,4 tỷ USD cho dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục đạt 28 tỷ USD (gấp 2,3 lần năm 2022).

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hội nhập quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như đã đề ra từ năm 2000. Kinh nghiệm từ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, các nước này đã đạt được bốn tiêu chí “trên 70%”: 1- Trên 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là do các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao mang lại; 2- Trên 70% là kết quả của lao động trí óc trong cơ cấu giá trị gia tăng; 3- Trên 70% lực lượng lao động là lao động trí óc hoặc có thể gọi là công nhân tri thức; 4- Trên 70% nguồn vốn là nguồn vốn về con người. Với mức độ và phương thức khác nhau, các nước OECD đều tập trung vào xây dựng và củng cố thể chế “thượng tôn pháp luật”, đồng thời kiên trì phấn đấu kiến tạo xã hội “cạnh tranh minh bạch”, có “sức cuốn hút sáng tạo khoa học - công nghệ” và đạt “năng suất lao động xã hội cao”, còn người dân cảm thấy “hài lòng và hạnh phúc”. Đây cũng là định hướng để Việt Nam tham chiếu trong quá trình tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế trong thời gian tới.

Hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng chỉ là phương thức nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc của nhân dân như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đánh giá về “hạnh phúc”, cơ bản là dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội; cùng với đó là mức độ và không gian của cộng đồng, người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống. Các chỉ số trên được tổng hợp từ dữ liệu của hơn 150 quốc gia, do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc thực hiện. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới (WHR) thường niên do Liên hợp quốc tài trợ được công bố vào tháng 3-2024, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp trong danh sách 10 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.

Như vậy, “sức mạnh mềm” thể chế phải được hoàn thiện nhanh hơn để phù hợp với “trào lưu quốc tế” và “luật thiên hạ tiến hóa” thì mới có thể tối ưu hóa được sự kết hợp của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm nâng dần mức hạnh phúc của nhân dân theo tiêu chí quốc tế.

tu duy 2
Cán bộ, sĩ quan, quân nhân Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Lễ Báo công dâng Bác nhân dịp 10 năm Ngày Truyền thống Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (27-5-2014 - 27-5-2024)_Ảnh: TTXVN

Tạo dựng và phát huy vị thế quốc tế của Việt Nam

Địa - chính trị là một yếu tố quan trọng chi phối chính sách đối ngoại của quốc gia. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, do vị trí địa - chính trị quan trọng cùng truyền thống độc lập, tự chủ đã được khẳng định, giá trị chiến lược của Việt Nam trên “bàn cờ lớn” đang ngày càng gia tăng, nhưng bên cạnh đó cũng có những rủi ro do sức mạnh tổng hợp quốc gia là có giới hạn. Để hóa giải thách thức này, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện sáng tạo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thế lợi thắng lực” và “địa vị ưu thắng”. “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”(14), đồng thời “Trên trường quốc tế, làm thế nào cho nước mình không bị cô lập mà vẫn giữ được địa vị ưu thắng”(15). Như vậy mới có thể thúc đẩy xây dựng thành công thế trận lồng ghép đan xen, tương hỗ ba tầng chiến lược:

Một là, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế số, xanh, hạnh phúc, bảo đảm tự do, công bằng, ổn định, cùng có lợi, bền vững và lâu dài giữa các quốc gia, dân tộc.

Kế thừa và phát triển văn hóa chiến lược truyền thống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chú ý tới việc gây dựng hạnh phúc chung với các dân tộc trên thế giới. Ngay khi thực dân Pháp mới gây hấn ở Nam Bộ, Người đã khẳng định, nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp “có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc”(16). Ngày 5-12-1949, trong điện mừng gửi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nhân dịp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”(17). Người rất coi trọng việc xây đắp quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Theo định hướng đó, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã được thiết lập năm 2008 và tới cuối năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí cùng xây dựng: “Cộng đồng chia sẻ tương lai”.

Do đặc thù về địa - chính trị của bán đảo Đông Dương trên “bàn cờ lớn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về quan hệ với Lào và Campuchia: “Tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ mong muốn hợp tác bình đẳng tuyệt đối giữa hai nước có chủ quyền”(18) và “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”(19). Còn đối với khu vực Đông Nam Á, Người yêu cầu: “Phải nghiên cứu TẤT CẢ một cách chính xác, và phải tạo ra cái gì đó nếu chưa có gì”(20). Hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang ngày càng gia tăng đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ an ninh biên giới với phát triển kinh tế số, xanh và công bằng mới có thể bảo đảm tự do và hạnh phúc lâu dài của mỗi dân tộc.

Hai là, tạo dựng và giữ vững thế quân bình chiến lược (strategic equilibrium) với các nước lớn và các trung tâm quyền lực thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng quan hệ với các nước lớn vì đó là những quốc gia quyết định vấn đề hòa bình, chiến tranh cũng như xu hướng phát triển trên thế giới. Trong trò chơi cân bằng sức mạnh của các nước lớn, các nước vừa và nhỏ do thiếu hụt về thế và lực, nếu không có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và năng lực thiết lập cấu trúc quan hệ với các nước lớn phù hợp, thì dễ bị trở thành “con bài ủy nhiệm” .

Tính đến năm 2024, Việt Nam có quan hệ với 17 nước là đối tác chiến lược và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước, nhờ vậy mà lần đầu tiên đã định hình được thế quân bình chiến lược với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và 6/7 nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), góp phần quan trọng vào việc tạo dựng “thế lợi thắng lực” và “địa vị ưu thắng” của Việt Nam trên “bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, để giữ vững và phát huy được vị thế chiến lược này, Việt Nam cần tái cấu trúc và tăng cường toàn diện sức mạnh dân tộc trong cục diện thế giới mới. Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế và triển khai chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt các yêu cầu của thời đại có ý nghĩa quyết định.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ James Byres ngày 1-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn gửi một đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Hoa Kỳ để học tập, nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Trước năm 1954 và sau đó, đã có hàng nghìn cán bộ được gửi đi đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa. Tối ngày 28-6-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới sân bay Gia Lâm thăm và căn dặn đoàn 80 học viên khóa I đi học lái máy bay chiến đấu ở nước ngoài: “Lần này các chú đi học bằng ô tô, tàu hỏa, lúc về các chú phải lái máy bay phản lực chiến đấu MiG-15”(21). Ngay sau khi ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1-1973, ngày 20-2-1973, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 225-NQ/TW, về “Công tác cán bộ trong giai đoạn mới”, trong đó có yêu cầu mở các khoa và trường đại học về quản lý kinh tế, hành chính, luật pháp và xây dựng mỗi trường đại học là một cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Nghị quyết này đã góp phần vào việc đào tạo được nguồn lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước trong cục diện thế giới mới.

Do đó, bên cạnh việc cần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, còn cần phải “biết trước mọi việc” để chuẩn bị nguồn lực tăng cường sức mạnh tổng hợp dân tộc từ sớm và từ xa với nội hàm tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để đào tạo nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng các nhu cầu thực tế. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và khoa học cùng đội ngũ đông đảo cán bộ nghiên cứu khoa học nòng cốt của Việt Nam có đóng góp quan trọng trong kháng chiến và xây dựng đất nước từ sau 1975 tới nay đã được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Trong việc hoàn thiện thể chế, có một vấn đề cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn là “tìm người tài đức” phụng sự đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang có hàng chục nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại các quốc gia trên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên chiến lược quý báu cần được sử dụng đúng người, đúng việc, đúng cơ chế vận hành và đúng chế độ đãi ngộ. Nếu làm được điều này, sẽ tạo ra bước đột phá lớn về quản trị quốc gia, góp phần gia tăng năng suất lao động xã hội.

Ba là, gắn kết ưu tiên địa - chính trị với đoàn kết quốc tế.

Từ chân lý: “Tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(22), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”(23). Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước trên thế giới. Lực lượng đoàn kết nhân dân thế giới mạnh mẽ này cùng với những thành công trong hội nhập quốc tế và phát triển đất nước đã nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009 và nhiệm kỳ 2020 - 2021). Năm 2023, lần đầu tiên, Việt Nam được bầu là Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, thành viên Ủy ban Di sản thế giới.

Vị thế quốc tế song phương và đa phương quan trọng này là cơ sở để Việt Nam định hình được “thế lợi thắng lực” và “địa vị ưu thắng” trên cả hai khu vực trọng điểm là châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cạnh tranh chiến lược nước lớn căng thẳng và phức tạp ở những khu vực này đòi hỏi Việt Nam càng phải đẩy mạnh hơn nữa việc gắn kết các ưu tiên địa - chính trị khu vực với quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và hợp tác song phương đa chiều, đa phương diện, đa cấu trúc trên toàn thế giới. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu thấu đáo và vận dụng sáng tạo tư duy chiến lược Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cục diện thế giới và khu vực có nhiều biến đổi mới như hiện nay./.

-----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 280

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 316

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 241

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 297

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 145

(8) Yuval Noah Harari, 21 bài học cho thế kỷ XXI, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 37

(9) Mây Trinh: “Vì sao năng suất lao động của Việt Nam mãi thua kém các nước trong khu vực”, Báo Người Lao động điện tử, ngày 3-11-2023, https://nld.com.vn/cong-doan/vi-sao-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-mai-thua-kem-cac-nuoc-trong-khu-vuc-20231103082338561.htm

(10) Cao Tân: “Thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 10-12-2023, https://nhandan.vn/thieu-hut-nghiem-trong-nguon-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-post786722.html

(11) Bùi Văn Huyền & Đinh Thị Nga: “Một số vấn đề về hoàn thiện thể chế ở Việt Nam- góc nhìn từ tính đồng bộ trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp, địa phương”, Trang điện tử Diễn đàn kinh tế quốc hội, ngày 13-9-2023, https://diendankinhte.quochoi.vn/tham-luan2/mot-so-van-de-ve-hoan-thien-the-che-o-viet-nam-goc-nhin-tu-tinh-dong-bo-trong-quan-tri-quoc-gia-doanh-nghiep-dia-phuong.html

(12) Vũ Thị Thu Hương: “Nhân tố thúc đẩy sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, Hồ sơ Sự kiện, số 503, ngày 25-9-2023, tr. 36

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 523

(14)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 567

(15)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 343

(16)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 511

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 254

(18)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 523

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 105

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 273

(21) 65 năm Không quân Nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020, tr. 88

(22)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 14

(23)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 39

 

TS NGUYỄN ĐÌNH LUÂN

Học viện Ngoại giao

Theo Tạp chí Cộng sản

Bảo Ngọc (st)

Bài viết khác: