1. Thông tư số 09/2013/TT-BTP của Bộ Tư pháp ban hành ngày 15 tháng 6 năm 2013, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành thông tư tạo cơ sở pháp lý để công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản được triển khai thực hiện bài bản, thống nhất. Từ đó cũng đưa ra định kỳ hàng năm (từ ngày 01/01 đến hết 31/12) cần phải công bố danh mục văn bản hết hiệu lực hoặc hết hiệu lực một phần chậm nhất là vào ngày 30 tháng 1 hàng năm . Văn bản được đưa vào danh mục để công bố phải nêu rõ lý do hết hiệu lực và thời điểm hết hiệu lực, văn bản hết hiệu lực một phần phải nêu rõ tên điều, khoản, điểm hoặc nội dung quy định hết hiệu lực.

 

2. Thông tư số 74/2013/TT-BTC của Bộ Tư pháp ban hành ngày 04 tháng 6 năm 2013, thay thế Thông tư số 40/2002/TT-BTC ngày 2/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn các khoản chi phí, cấp phát và quyết toán ngân sách phục vụ Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao.  Có một số điểm mới như định mức chi từ ngân sách nhà nước cho Lễ Quốc tang tối đa là 800 triệu đồng (tăng 300 triệu so với trước); trong đó, chi phí mua quan tài là 50 triệu, làm bàn thờ 50 triệu, chi xây vỏ mộ 80 triệu.

 

Ngoài ra mức chi từ ngân sách cho Lễ tang cấp Nhà nước tối đa là 250 triệu đồng, trước đây là 130 triệu đồng; và tối đa cho Lễ tang cấp cao là 60 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng.

 

3. Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH  ngày 11 tháng 6 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01/8/2013. Thông tư quy định danh mục các công việc nhẹ được sử dụng người lao động dưới 15 tuổi làm việc. Cụ thể, được sử dụng người dưới 13 tuổi làm công việc như diễn viên và vận động viên năng khiếu; người từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi được làm các công việc như lao động dưới 13 tuổi; các ngành nghề truyền thống; thủ công mỹ nghệ; đan lát, làm các đồ gia dụng từ nguyên liệu tự nhiên; nuôi tằm; gói kẹo dừa… Người sử dụng lao động trong trường hợp này phải thông báo bằng văn bản về Sở Lao động cấp tỉnh trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng lần đầu.

 

4. Thông tư số 10/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động và Thương binh xã hội ban hành ngày 10/6/2013, có hiệu lực từ 01/08/2013. Thông tư quy định danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên. 91 công việc cấm sử dụng người lao động chưa thành niên là những công việc có mức độ nặng nhọc, nguy hiểm, ô nhiễm cao… ảnh hưởng đến phát triển thể chất cũng như tâm lý của người chưa thành niên.

 

5. Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 - Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Trong đó quy định cụ thể 2 hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc là đối thoại tại nơi làm việc và hội nghị người lao động.

 

Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng một lần để trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động cũng như yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.

 

Khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày. Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức hội nghị người lao động thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.

 

Mỗi bên tham gia đối thoại quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại. Số lượng thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất là 3 người.

 

Nghị định có hiệu lực từ 15/8/2013.

 

6. Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 15 tháng 7 năm 2013, sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Điểm mới của Thông tư quy định người đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.

 

Về thủ tục công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ, nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ.

 

Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, trên cơ sở quy định về tuyển sinh, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng của nước cấp văn bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét xử lý hồ sơ để công nhận văn bằng phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam.

 

Trường hợp văn bằng đề nghị công nhận không phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng, cung cấp thêm thông tin và công nhận giá trị thực tế của văn bằng trong hệ thống giáo dục của nước cấp bằng.

 

Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện để được công nhận, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng nêu rõ lý do không công nhận.

 

7. Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2013 về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước có hiệu lực từ 15/8/2013. Có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt là:

 

1- Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định.

 

2- Có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.

 

3- Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

 

4- Báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

 

8. Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/8/2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập trước ngày 1/7/2006, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 170, có quyền thực hiện theo một trong hai cách.

 

Thứ nhất, đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

 

Thứ hai, không đăng ký lại; trong trường hợp này, doanh nghiệp tổ chức quản lý, hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không quy định tại Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

 

9. Quyết định số 1196/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1, Điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, mức cho vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV. So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV.

 

Quyết định 1196/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2013, áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

 

10. Thông tư số 87/2013/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8, dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến là dịch vụ do các công ty chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư để mở tài khoản, đặt lệnh, đưa ra yêu cầu đối với các giao dịch chứng khoán, hoặc nhận kết quả giao dịch thông qua mạng Internet hoặc điện thoại.

 

Công ty chứng khoán phải trực tiếp cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cho nhà đầu tư, không được ủy thác hoặc thuê các tổ chức không được phép khác thông qua hình thức thanh toán phí dịch vụ.

 

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán phải ban hành quy trình thực hiện dịch vụ giao dịch trực tuyến phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và phải ký một hợp đồng bằng văn bản với khách hàng quy định rõ trách nhiệm pháp lý của cả hai bên, bao gồm trách nhiệm bồi thường khi xảy ra rủi ro. Công ty chứng khoán cũng phải nêu rõ rủi ro liên quan đối với nhà đầu tư dưới hình thức một “Bản công bố rủi ro” đính kèm hợp đồng.

 

Công ty chứng khoán phải công bố những rủi ro có liên quan trên “Bản công bố rủi ro” trên trang thông tin điện tử chính thức của công ty và trên phần mềm ứng dụng của khách hàng. Những rủi ro được công bố bao gồm các rủi ro sau: Trong khi truyền tải qua mạng Internet, lệnh giao dịch có thể bị treo, bị ngừng, bị trì hoãn hoặc có lỗi dữ liệu; việc nhận dạng các tổ chức hoặc nhà đầu tư có thể không chính xác, lỗi về bảo mật có thể xảy ra; giá cả thị trường và các thông tin chứng khoán khác có thể có lỗi hoặc sai lệch...

 

11. Thông tư số 13/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTLNH) vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, từ 1/8/2013, thời điểm thực hiện kiểm tra kỹ thuật và khởi tạo dữ liệu đầu ngày của Hệ thống TTLNH là 8 giờ của ngày làm việc (hiện nay là 7 giờ 30 phút); thời điểm các đơn vị ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị thấp là 16 giờ và ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị cao là 17 giờ của ngày làm việc (quy định hiện nay lần lượt là 15 và 16 giờ).

 

Thông tư cũng quy định: Từ 16 giờ 10 phút trở đi, thực hiện quyết toán bù trừ các khoản giá trị thấp theo quy định; từ 17 giờ 15 phút trở đi, thực hiện các công việc cuối ngày, đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia.

 

Các quy định mới được thực hiện kể từ ngày 30/8/2013.

 

12. Thông tư số 11/2013/TT-BCT ban hành kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia về thiết kế cửa hàng xăng dầu. Có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2013. Thông tư quy định cụ thể, vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kiến trúc cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với yêu cầu kiến trúc đô thị. Bên cạnh đó, đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải đảm bảo: Chiều rộng 1 làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5 m; đường 2 làn xe đi không nhỏ hơn 6,5 m; bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường.

 

Kim Yến (Tổng hợp)

 

Bài viết khác: