Được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện; được nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, lập nên nhiều chiến công hiển hách, hoàn thành trọng trách của đội quân cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
Lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, những chiến công vĩ đại của QĐND Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với nước nhà mà còn được nhân loại tiến bộ trên thế giới ngợi ca. Một trong những nguồn gốc tạo nên sức mạnh vô địch của Quân đội chính là tư tưởng Hồ Chí Minh “người trước súng sau”, đặt chính trị lên trước quân sự, trọng con người hơn vũ khí.
Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn
Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa I), Đảng ta quyết định sẽ giành chính quyền bằng con đường khởi nghĩa vũ trang. Khi ấy, một số cán bộ băn khoăn, lo lắng không biết sẽ lấy ở đâu vũ khí để khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho rằng: “Không sợ thiếu vũ khí. Chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí. Việc khẩn cấp bây giờ là phải xây dựng lực lượng vũ trang, đào luyện con người, mở rộng căn cứ địa”. Trong Chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”-tiền thân của QĐND Việt Nam (ngày 22-12-1944), lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự”.
Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn, trong xây dựng Quân đội phải “người trước súng sau”. Người phân tích: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Đồng thời, trên cơ sở tư duy biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không phủ nhận vai trò của vũ khí, trang bị hiện đại đối với sức mạnh của Quân đội bởi lịch sử các cuộc chiến tranh chứng tỏ chỉ khi ý chí chiến đấu kết hợp với sức mạnh của vũ khí mới giành được thắng lợi. Mặt khác, nếu không có vũ khí, trang bị thì ý chí chiến đấu dù mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ suy giảm và tiêu tan. Với quan điểm “người trước súng sau”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải đào tạo, huấn luyện thế hệ cầm súng có lý tưởng cách mạng, dám “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Người yêu cầu người chiến sĩ phải luôn chấp hành kỷ luật nghiêm minh; tinh thần vững chắc; ý chí quyết chiến quyết thắng; trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung; dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, biết sử dụng thành thạo, linh hoạt các loại vũ khí có trong tay; chăm chỉ học tập và rèn luyện kỹ năng tác chiến.
Những chỉ thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ đầu bản chất chính trị và bản chất cách mạng của Quân đội ta. Bản chất đó được thể chế hóa bằng nguyên tắc lãnh đạo và tổ chức của QĐND Việt Nam, thể hiện trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là minh chứng hùng hồn về sức mạnh vô địch của tư tưởng Hồ Chí Minh “người trước súng sau”. Sau khi Việt Nam giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám và tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945, thực dân Pháp được Mỹ hậu thuẫn và chi viện, đã quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Với niềm tin vô bờ bến vào sức mạnh vô song của chiến tranh nhân dân, trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước". "Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp đã dẫn đến cuộc đối đầu lịch sử tại Điện Biên Phủ được coi là “điểm hẹn lịch sử” với nhiều hàm ý, trong đó có hàm ý cuộc đối đầu giữa tư duy vũ khí luận của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cậy thế vào sức mạnh vũ khí với tư duy dựa vào sức mạnh và ý chí của con người, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong chuyến thăm các vùng đất của ta tạm thời bị thực dân Pháp chiếm đóng, một nghị sĩ Pháp đưa ra nhận định rằng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giống như “cuộc chiến giữa muỗi với voi”. Bình luận về nhận định này của nghị sĩ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm của mình bằng câu ca “Nay tuy châu chấu đấu voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Rút cuộc, thực dân Pháp và ở mức độ nào đó là cả lực lượng can thiệp Mỹ, đã đại bại ở Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Sau chiến thắng của ta ở Điện Biên Phủ, cụm từ “Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của ý chí đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do.
Với nhãn quan chiến lược “xuyên thế kỷ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định, chiến thắng lịch sử của ta ở Điện Biên Phủ tuy “chấn động địa cầu” nhưng chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Tiếp theo, Việt Nam còn phải đương đầu với kẻ thù xâm lược hung bạo gấp nhiều lần là đế quốc Mỹ. Sau khi phá hoại Hiệp định Geneva năm 1954 chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp, chế độ thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương, đế quốc Mỹ phát động "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam. Bị thất bại trong "chiến tranh đặc biệt", Mỹ quyết định phát động "chiến tranh cục bộ" trên cả hai miền Nam-Bắc Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Khi phát động "chiến tranh cục bộ", các tướng tá Mỹ tuyên bố thách thức đầy ngạo mạn rằng liệu những người lính chân đất của Hồ Chí Minh có thể đối chọi được tên lửa hạt nhân xuyên lục địa của Mỹ? Thậm chí, chúng còn đe đọa, bằng các đòn tấn công hủy diệt của vũ khí siêu hiện đại, Mỹ sẽ đưa Việt Nam về “thời kỳ đồ đá”!
Dưới sự lãnh đạo, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, ý chí chiến đấu ngoan cường của lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là QĐND Việt Nam, chúng ta đã khai thác, sử dụng hiệu quả tất cả vũ khí trang bị để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Có thể thấy, trong cuộc chiến tranh này, đế quốc Mỹ đã sử dụng tất cả vũ khí hiện đại nhất và các loại hình chiến tranh khốc liệt nhất. Tuy nhiên, rốt cuộc Mỹ đã thất bại thảm hại mà đỉnh cao là trong chiến dịch ném bom chiến lược “Linebacker” tháng 12-2972, được ví như “Điện Biên Phủ trên không”. Trong chiến dịch này, hàng chục “pháo đài bay” B-52 của Mỹ đã bị “những người lính chân đất” bắn hạ. Thất bại của "chiến tranh cục bộ" buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.
Có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định rằng thất bại của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam là thất bại của tư duy vũ khí luận của đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới tư bản trước tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh dựa vào sức mạnh và ý chí của con người sẵn sàng chiến đấu vì độc lâp, tự do của Tổ quốc, không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ sức mạnh xâm lược tàn bạo nào, của đường lối chiến tranh nhân dân, của nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì thế, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực phản động và thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu “phi chính trị hóa Quân đội”, nghĩa là xóa bỏ sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội; làm thay đổi bản chất cách mạng của Quân đội; làm cho Quân đội từng bước xa rời phương hướng chính trị của Đảng, xa rời mục tiêu chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, không còn là lực lượng chính trị tin cậy và là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đề cao cảnh giác, chủ động nhận diện và đấu tranh với các thủ đoạn mới của các thế lực thù địch bằng hệ thống giải pháp đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự hiệu quả./.
Đại tá LÊ THẾ MẪU, Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng
Theo Báo Quân đội nhân dân
Bảo Ngọc (st)