Ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất đã từng 3 lần được Bác Hồ chọn ảnh hoa hồng làm thiếp chúc Tết, vào các năm 1967-1968-1969. Sau đó ông còn được Chủ tịch Tôn Đức Thắng chọn tiếp ảnh hoa đào và hoa hồng làm thiếp chúc Tết vào các năm 1972-1975-1976. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được cử vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác. Nhưng trong suốt mấy chục năm sinh sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông luôn luôn nhớ về Hà Nội.
Em yêu Hòa bình- Bức ảnh đầu tiên của nhà nhiếp ảnh Hữu Cấy
Mãi cho tới năm 1989, ông mới đưa được vợ con vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi ấy vợ ông đã bị tai biến nặng. Từ đó ông một thân một mình chăm sóc vợ trong suốt 10 năm trời. Nhưng cũng từ đó ông đã bắt đầu âm thầm chuẩn bị cho Ngôi nhà ảnh Hà Nội của mình tại nơi ở hiện nay, số 31 Nguyễn Chí Thanh, quận 5, cùng với nhiều dự án xuất bản ảnh về Bác Hồ và Thủ đô.
Thật may sao, cuối tháng 7 mới đây, tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng ảnh Hà Nội của ông, với nhiều cảm xúc dạt dào như chính mình mới đi xa trở về mái nhà xưa. Nghệ sĩ Hữu Cấy đưa tôi xem chiếc máy ảnh đầu tiên ông chụp ở Hà Nội vào thập niên 1950. Và bức ảnh thành công từ chiếc máy cổ lỗ sĩ ấy, chính là tác phẩm “Em bé và chim câu”. Bức ảnh đen trắng đó được phóng to treo giữa phòng như một kỷ niệm đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. Suốt cuộc đời cầm máy, ông đã lặn lội về các vùng quê xa xôi, lội bùn để chụp ảnh cấy lúa, ngâm mình dưới sông để chụp ảnh nông dân làm thủy lợi. Thậm chí còn treo mình trên cần cẩu để ghi lại những kết quả lao động của những người công nhân ngày đêm trên công trường. Rồi tiếp đó là những bức ảnh nói lên tinh thần anh dũng của quân và dân ta chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ, ở miền Bắc và Hà Nội.
Đang chuyện trò ông chợt nhớ, có lần ông đã xuống trận địa pháo cao xạ chụp ảnh và tình cờ ghi lại hình ảnh nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa lúc đó đang đọc thơ cho các chiến sĩ nghe sau trận đánh. Vừa kể, ông vừa lật cho tôi xem bức ảnh quý hiếm đó. Khi ấy nhà thơ vừa tròn 9 tuổi, vào năm 1967. Tôi tranh thủ giở lại từng trang ảnh Hà Nội một thời chiến địa và không khỏi bồi hồi khi gặp lại các tác phẩm của ông như “Văn Miếu” (1951), “Bán hàng Tết” (1952); “Cầu Long Biên” (1955); “Chợ Đồng Xuân” (1953); “Hồ Tây” (1951); “Tổ đan len ở Tràng Tiền” (1955), “Bộ đội tiến về Hà Nội” (1954); “Cầu phao qua sông” (1965)...
Bất chợt, tôi chăm chú nhìn tấm ảnh nghệ sĩ Hữu Cấy chụp với ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ; trên tay hai người có những bưu thiếp ảnh hoa hồng. Thấy tôi có vẻ quan tâm, nghệ sĩ Hữu Cấy kể luôn một mạch, chuyện cuối năm 1966, Bộ Văn hóa tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh Hoa để chọn một bộ ảnh phục vụ cho Tết 1967. Cuối cùng 14 ảnh hoa được ban tổ chức tuyển chọn, trong đó có hai bức ảnh hoa hồng của Hữu Cấy.
Chỉ ít lâu sau, nhà xuất bản được nhận yêu cầu chọn những ảnh hoa đẹp để Bác Hồ dùng làm bưu thiếp chúc tết các nguyên thủ quốc gia. Ngay lập tức 14 ảnh đã vào chung kết phát hành được trình lên Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định. Kết quả Văn phòng Trung ương Đảng chọn 2 bức hoa hồng của nghệ sĩ Hữu Cấy cùng bức ảnh hoa sen và hoa cúc vàng của hai tác giả khác. Ông Vũ Kỳ trình lên Bác Hồ cả 4 ảnh đã chọn để Bác Hồ duyệt lấy một bức làm bưu thiếp chúc Tết. Cuối cùng Bác chọn hai ảnh hoa hồng của Hữu Cấy…
Tất cả những ký ức ấy ông luôn coi đó là Hà Nội của ông. Mỗi lần trở ra Bắc để sáng tác, ông luôn quay về phố Phan Bội Châu, để tìm lại cảm xúc của thời thơ ấu và tích lũy năng lượng rồi lại lên đường. Tôi dạo quanh phòng ảnh với biết bao ký ức mà chính ông ngày đêm thao thức. Đây là Cầu Thê Húc, kia là Khuê Văn Các rồi Hồ Gươm cùng cây Lộc vừng thả cánh hồng bay trong gió... Vậy là trong ông lúc này chỉ muốn nói đến Hà Nội bởi ông đã trọn đời gắn bó với Hà Nội, luôn luôn nghĩ về Hà Nội. Qua bảo tàng riêng, ông mong bày tỏ những ký ức sâu sắc nhất, để thỏa ước nguyện hàng chục năm qua. Ông nghĩ đó là thời kỳ của một Hà Nội trẻ trung, sôi nổi và hào hùng nhất trong tâm hồn ông…
Tôi ngẩn ngơ vì những hình ảnh Hà Nội của một thời yêu dấu mà ông bày ở tận phương Nam xa xôi này...
Vương Tâm
Theo http://www.anninhthudo.vn
Thu Hiền (st)