Bác Hồ dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, “bài báo là tờ hịch cách mạng”. Hiểu sâu văn hóa truyền thống, là bậc thầy của nghề báo, Bác dùng từ rất chuẩn mực, tinh tế. “Hịch” vốn là thể văn nghị luận thời xưa, được vua chúa, tướng lĩnh dùng để cổ động, thuyết phục, kêu gọi; có kết cấu chặt chẽ, ngắn gọn, lý lẽ sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, lời văn của hịch khích lệ tình cảm người nghe. Đấy cũng là yêu cầu về mục đích, hình thức, nội dung của báo chí cách mạng. Bác lại dạy các nhà báo: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

“Phò chính”, theo nghĩa từ điển là đi theo, giúp đỡ, ủng hộ, bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải. Hiểu trong văn cảnh văn hóa, xã hội nước ta tính từ thời điểm Bác viết thì “phò chính” là phụng sự, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân, bảo vệ Đảng. “Trừ tà” là vạch trần, tố cáo, lên án cái xấu, cái ác, cái phản động. Báo chí hôm nay “phò chính, trừ tà” như thế nào để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ? Xin được góp thêm cái nhìn về “phò chính” từ phương diện “vun trồng cây đức lớn”.

Đôi câu đối thật hay được nhiều người dân Việt treo ở vị trí trang trọng nhất: “Tổ tiên xưa vun trồng cây đức lớn/ Con cháu nay giữ gìn nhớ ơn sâu”. “Cây đức” được hiểu là đạo đức, tức hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn mang tính chuẩn mực, theo đó, con người tự nguyện điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Như vậy, đạo đức là nền móng trong cấu trúc nhân cách mỗi người, rộng hơn là xã hội. Đảng ta với dân ta là một, lợi ích Đảng gắn liền với lợi ích nhân dân. Vì vậy, “vun trồng cây đức lớn” cũng là cách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà báo chí phải là người chiến sĩ trên mặt trận ấy.

vun trong 1
Phóng viên Văn Hiếu, Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại khu vực động đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Ảnh: PHẠM ANH

1. Sống ở xứ sở nhiệt đới khí hậu khắc nghiệt, nghề canh tác chủ yếu gắn với cây lúa nước nên người dân Việt phải cố kết lại thành một khối để lao động và chống thiên tai, địch họa. Họ sống trọng tình và trọng niềm tin, “một điều bất tín vạn sự bất tin”. Việc xây dựng lý tưởng, niềm tin trong hệ giá trị con người Việt Nam hôm nay là việc cực kỳ trọng đại, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vĩ mô vừa mang tính sách lược, cụ thể. Ai cũng có lý tưởng, niềm tin của riêng mình nên ai cũng phải được giáo dục, bồi dưỡng về lý tưởng, niềm tin cho phù hợp với hệ giá trị chung của thời đại.

Lý tưởng của chúng ta hôm nay là dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đoàn kết đi lên chủ nghĩa xã hội cùng với niềm tin vào chế độ, vào Đảng, cách mạng. Niềm tin gắn liền với tình nghĩa. Bác Hồ từng nói, hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là sống với nhau có tình, có nghĩa. Đấy cũng là đạo lý “Người trong một nước phải thương nhau cùng” của người Việt. Báo chí là chất keo kết dính niềm tin với niềm tin, tình nghĩa với tình nghĩa để góp phần tạo ra một xã hội mạnh mẽ, giàu có niềm tin.

Dân ta thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng. Đáp lại tấm lòng ấy, Đảng phải gần dân hơn, yêu và vì dân hơn, nói đi đôi với làm. Điều kỳ vọng nóng bỏng của dân ta hôm nay đặt niềm tin vào Đảng là lãnh đạo xây dựng đất nước mạnh hơn, giàu hơn, độc lập và tự chủ cùng với việc chống tham nhũng triệt để, hiệu quả hơn nữa. Báo chí lại kết nối đẹp nhất Đảng và dân để sớm thực hiện tốt đẹp kỳ vọng ấy.

2. Trong xã hội hiện đại thì lý tưởng, niềm tin gắn chặt với luật pháp, con người điều chỉnh suy nghĩ, hành vi theo luật pháp. Chịu ảnh hưởng của tâm lý làng xã, ngại liên quan đến pháp luật (Vô phúc đáo tụng đình), thiên về duy tình (Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình) nên không ít người dân chưa quan tâm đến quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật. Quen với tập tục sống trong môi trường không gian tương đối biệt lập, khép kín với sự tĩnh lặng, ít biến đổi, sống và tuân thủ theo lệ làng nên người dân thường có tư tưởng cục bộ, bè phái, thiếu một tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Bác Hồ từng chỉ ra: Quan tham vì dân dại, nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì quan dù không liêm cũng hóa ra liêm. Báo chí lại là người góp phần nâng cao dân trí - điều kiện để nâng cao nhận thức về vai trò của pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Đạo đức là cái gốc của cây nhân cách con người. Đạo đức cũng là gốc của pháp luật, bởi pháp luật bao giờ cũng bắt nguồn từ đạo đức. Một người có đạo đức tốt có thể chưa có kiến thức pháp luật nhưng có nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức. Do vậy, nâng cao ý thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Việc ra luật là cần thiết và việc giải thích, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật cũng rất quan trọng. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị. Không tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì không hình thành được ý thức văn hóa pháp luật cho người dân. Nhiệm vụ ấy cũng cần đến báo chí, bằng và qua báo chí là tốt hơn cả.

vun trong 2
 Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện thể thao. Ảnh: TRỌNG HẢI

3. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, kỹ thuật đang có những thay đổi lớn lao, triệt để, vì vậy, việc học tập nâng cao tri thức là nhu cầu cấp thiết. Cả thế giới đang kêu gọi kiến tạo một “xã hội học tập”, ai cũng học, học suốt đời. Không thể đứng ngoài cuộc, báo chí lại là người định hướng xã hội hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện đại, góp phần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trong đó lấy giáo dục gia đình làm căn bản. Bởi mỗi cá nhân từ ấu thơ đến trưởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hóa gia đình. Ấn tượng tuổi thơ hằn sâu vào nhân cách, trở thành vốn sống, tài sản văn hóa rồi đi theo suốt cuộc đời. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất (nếu có) để kịp thời ngăn ngừa những hành vi phi đạo đức, thiếu chuẩn mực của mỗi thành viên.

Tiếp biến văn hóa là khuynh hướng không thể cưỡng lại, luôn có tính hai mặt. Con người được tiếp nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu cực từ khắp nơi. Điều quan trọng là phải giáo dục nhân cách văn hóa đủ bản lĩnh để chế ngự, loại bỏ cái xấu, tiếp thu cái tốt. Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Tuyên truyền những gương người tốt để lan tỏa những giá trị nhân văn là nhiệm vụ trung tâm của báo chí. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nhà báo dũng cảm vào tận tâm dịch viết bài, đưa tin. Ngoài việc học tập kinh nghiệm phòng, chống dịch còn là sự động viên tinh thần. Nhìn qua màn hình ti vi, hình ảnh đồng bào ta giúp nhau từng chiếc khẩu trang, từng mớ rau, bơ gạo... người ở xa cũng thêm ấm lòng, tin tưởng.

4. Ở thời hội nhập có cả “gió lành”, cả “gió độc” từ bên ngoài tràn vào. Thẩm định, sàng lọc các giá trị văn hóa cũng là một công việc khó khăn, phức tạp của báo chí. Chỉ ra cho độc giả cần tiếp thu văn hóa này, tránh tiếp xúc văn hóa kia, thật không dễ dàng. Nhiệm vụ này nâng nhà báo lên tầm nhà nghiên cứu văn hóa, theo cách riêng của nghề nghiệp để tìm hiểu vấn đề tận gốc rễ (từ nước ngoài), nắm bắt thị hiếu văn hóa, dư luận, nhu cầu độc giả (trong nước). Lợi dụng con đường “nhập khẩu văn hóa”, những kẻ xấu lại tạo ra “diễn biến hòa bình” nguy hiểm, thâm độc. Đây là mặt trận quan trọng, nóng bỏng. Báo chí phải cổ vũ khuynh hướng sáng tạo đúng đắn trên tinh thần kế thừa, tiếp thu truyền thống, kết hợp làm mới những giá trị cổ điển nhưng phù hợp với văn hóa Việt Nam, với thị hiếu con người thời hiện đại. Không thể nào khác, nhà báo phải mài sắc hơn nữa năng lực chính luận để phản biện, để khẳng định... Một bài báo hay, ngoài việc hiểu sâu vấn đề, hiểu rộng các lĩnh vực liên quan còn là sự lập luận bằng phân tích, giải thích, tranh biện có lý có tình, nhẹ nhàng, sâu sắc, thuyết phục được lòng người.Là người đi trồng “cây đức lớn”, nhà báo là tầng lớp trí thức tiêu biểu trong xã hội hôm nay. Muốn viết cho người hiểu, mình phải hiểu trước. Muốn thuyết phục được người, phải thuyết phục mình trước. Thấu hiểu lẽ đời, thấu cảm lẽ người, bài viết mới có hồn. Yêu đến tận cùng lẽ phải, sự thật và cái đẹp, kết hợp với sự nhạy cảm chính trị mới có trang viết tác động kịp thời, trực tiếp đến xã hội. Hết lòng yêu cuộc đời mà viết về cái đẹp, cái tốt, đồng thời vạch ra cái xấu, cái thấp hèn, lạc hậu để mọi người nhìn thấy cùng lên án mà xa lánh, rời bỏ, đấy là sứ mệnh văn hóa cao cả, vẻ vang của nhà báo cách mạng!

 

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: