Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Người Việt Nam nào cũng từng lưu vào trái tim mình hình ảnh ngôi Nhà sàn trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà sàn - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong hơn một thập niên cho đến ngày Người mãi mãi về cõi vĩnh hằng đã trở thành một trong những biểu tượng thể hiện cốt cách thanh tao, cao quý của vị Cha già dân tộc. Người thiết kế và chỉ huy thi công nhà sàn là kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nhân vật trong câu chuyện mà tôi đang kể…

bai 1 nha sna
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm thiết kế và thi công nhà sàn của Người.
Nguồn: Gia đình cung cấp

Ngôi nhà sàn giản dị, đơn sơ giữa trái tim Thủ đô Hà Nội đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử trọng đại, ý nghĩa lớn lao trong những ngày tháng cuối đời của Bác.

Tại ngôi nhà này, những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do!".

Cũng tại nơi này, từ năm 1965 đến năm 1969, Bác đã dành thời gian viết bản Di chúc thiêng liêng trước lúc Người ra đi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao ". Còn đây là lời Tổng Bí thư Trường Chinh: "Dưới mái nhà này, Bác Hồ của chúng ta nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, nghĩ về Chủ nghĩa xã hội miền Bắc, và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế. Chính những năm ở đây, Bác Hồ đã từng đề ra đường lối chiến thuật, chiến lược, đảm bảo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác "(*). Tổng thống Liên bang Nga V.Putin cũng đã xúc động viết: "Tôi thành thật được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam… Những tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng cho tương lai, và lịch sử thế giới nhắc về Người như một bậc thánh nhân…". V.Putin là một trong hơn 100 nguyên thủ quốc gia và hàng trăm nghìn người đến từ 160 quốc gia trên thế giới cùng với hàng chục triệu người Việt Nam từng viếng thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà sàn của Bác. Không một ai đến thăm nơi ở của Người mà không trào dâng cảm xúc thành kính và ngưỡng mộ về một nhân cách văn hóa lớn đã trở thành huyền thoại ngay cả trong cuộc sống đời thường…

Như một cơ duyên, tôi đã tìm đến và ngồi cùng những người thân của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh trong ngôi nhà ở số 328 cuối phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi ngày xưa ông và gia đình đã từng có nhiều năm sống và làm việc. Ngôi nhà dạng biệt thự kiểu miền nam nước Pháp, một biệt thự nhiều hộ cùng cư ngụ, cách bố trí nhà ở tập thể phổ biến thời bao cấp.

Vị kiến trúc sư tài hoa đã tạ thế từ 49 năm trước, nhưng tên tuổi của ông đã được lưu vào lịch sử ngành kiến trúc Việt Nam với những công trình để lại dấu ấn sáng tạo sâu sắc. Một trong những công trình gắn liền với tên tuổi của ông, như giới thiệu ở trên, là Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Ông (kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh) nắm rất vững kiến thức kiến trúc Việt Nam và kiến trúc Á Đông và đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn vào ngôi nhà sàn bằng gỗ lợp ngói của Bác Hồ. Có xem xét những mộng, những bờ mái của ngôi nhà này thì ta mới thấy được kiến thức của ông sâu sắc và cách làm việc của ông tỷ mỷ, chi tiết đến mức nào…”.

PGS, KTS ĐĂNG THÁI HOÀNG

 

Từ thuở thiếu thời, đọc trường ca "Theo chân Bác " của nhà thơ Tố Hữu, không ai không nhớ những dòng thơ miêu tả về nơi Bác ở: "Nhà gác đơn sơ, một góc vườn/ Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn/ Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối/ Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn…". Hình ảnh ấy giản dị, phản ánh rõ nét cốt cách thanh cao của vị lãnh tụ kính yêu, suốt một đời "nâng niu tất cả chỉ quên mình ". Tôi đã ngấm những dòng thơ ấy nhưng không ngờ một ngày lại được kiếm tìm những tư liệu và được vinh dự kể lại câu chuyện về người thiết kế ngôi nhà của Bác. Tôi đã lùi theo ký ức của người con trai trưởng của kiến trúc sư Ninh là ông Nguyễn Thanh Bích (sinh năm 1935) và cháu nội của kiến trúc sư là chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một cán bộ từng làm việc tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Trong cuốn sách mang dáng dấp hồi ký của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, do nhà văn Nguyễn Trường Thanh ghi chép, với tựa đề "Ngôi nhà của cha", thuật lại khá chi tiết:

Thời điểm đó, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đang giữ chức vụ Cục trưởng thiết kế dân dụng thuộc Bộ Kiến trúc. Ngày 18/12/1957, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác đã đến tận cơ quan gặp ông Ninh với lời đề nghị: "Bác cho tôi mời anh vào gặp Bác, ta đi ngay kẻo Bác chờ". Nghe đồng chí Vũ Kỳ nói vậy, lòng ông Ninh xốn xang khó tả. Được gặp Bác, ý nghĩ ấy vang lên trong tâm trí ông. Đó là ao ước, khát khao, là niềm tự hào vô bờ bến. Xen trong cảm xúc dâng trào, ông Ninh thấp thỏm: "Không biết Bác cho gọi là có việc gì?". Cũng may, trên dọc đường đi, đồng chí Vũ Kỳ đã gợi mở đôi chút. Ông Kỳ nói: Hồi mới về lại Thủ đô, Trung ương đã chọn Phủ Toàn quyền Đông Dương làm nơi để Bác ở và làm việc, nhưng khi đến tham quan ngôi nhà, Bác đề nghị dành nơi sang trọng này làm Phủ Chủ tịch để đón khách quốc tế và hội họp Chính phủ. Bác đã chọn căn nhà nhỏ vốn là nơi ở của thợ điện bên cạnh bờ ao trong Phủ Toàn quyền cũ làm chỗ nghỉ ngơi và làm việc cho riêng mình. Lý do Bác đưa ra là, ở đây vừa thích hợp với hoàn cảnh đất nước và tiện khi có khách đến làm việc, Người chỉ cần đi bộ không cần xe cộ. Nhưng lòng Bác vẫn có ý mong một căn nhà sàn nhỏ nhắn, khiêm tốn như hồi kháng chiến ở Chiến khu Việt Bắc. Chúng ta vẫn nhớ như in lời Bác trong một bài trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài từ năm 1946: "Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi…".

Thế rồi, Bác đã ra tận cửa đón khi ông Ninh vừa tới. Bác thân tình vỗ vai người kiến trúc sư, ân cần hỏi thăm công việc và đời sống của anh em cơ quan, hỏi cặn kẽ tình hình gia đình và việc học hành của các cháu; Bác còn nói là trong công việc và cuộc sống có khó khăn gì không. Khoảng cách giữa lãnh tụ và người cán bộ biến mất, chỉ còn lại không khí ấm áp, cởi mở, chan hòa. Bác vào việc: "Bác biết, trong tư duy sáng tạo của chú là những biệt thự, villa, những công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ. Đã đến lúc cần đến những điều đó rồi đấy, nhưng hãy dành cho dân cho nước. Còn bây giờ chú lo cho Bác một ngôi nhà sàn truyền thống, nhưng nhỏ thôi, chỉ cần một phòng làm việc, một phòng nghỉ, sao cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình". Vâng lời Bác, lĩnh hội ý tưởng của Người, lòng tràn ngập niềm vui sướng, tự hào, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đã bắt tay ngay vào việc. Trong lời kể lại của mình, ông Ninh đã diễn đạt tâm trạng vào thời điểm đó: Không hiểu sao tự nhiên thấy khó thế, khó vô cùng! Bác là lãnh tụ kiệt xuất, không chỉ với dân tộc ta mà cả bạn bè khắp năm châu bốn biển đều kính yêu Người. Bác là một nhà hiền triết, một nhà văn hóa lớn, một thi nhân. Xây cho Bác một căn biệt thự nhỏ thì không khó khăn gì. Dựng một căn nhà truyền thống cũng dễ thôi, nhưng lại to, lại rộng quá, trong khi căn nhà nhỏ của người thợ điện mà Bác đã cho là rộng quá rồi, vậy thì nhà của Bác diện tích bao nhiêu là đủ? Vì Bác chỉ dặn là "nhỏ thôi", và sao cho "tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh đất nước". Những câu hỏi cứ lần lượt xuất hiện trong đầu khiến cho vị kiến trúc sư phải liên tục giải mã sao cho đúng lời dặn dò của Bác. Ông Ninh từng kể lại: "Sau khi xem xét chỗ ngủ, chỗ làm việc của Bác, tôi nảy ra nhiều suy nghĩ, cái lớn lao, cao cả của Bác không những toát ra qua sự nghiệp vĩ đại của Người mà còn toát ra qua những cái tưởng như rất bình thường, gần gũi trong sinh hoạt hằng ngày. Đối với Bác không cần tô vẽ gì hết, vì mọi sự tô vẽ, trau chuốt đều trở nên thừa, ý nghĩ ấy đã giúp tôi phác thảo ra cái hướng chính của việc thiết kế ngôi nhà của Bác…".

(*) Theo “Ngôi nhà của cha”, tác giả Nguyễn Trường Thanh, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, năm 2007.

(Còn nữa)

UÔNG THÁI BIỂU

Theo Báo Nhân Dân

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: