Chủ tịch Hồ Chí Minh coi và dùng báo chí như một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh cách mạng, trong bất cứ giai đoạn nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với những Cán bộ viết báo nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh quan điểm: Được phục vụ nhân dân là một vinh dự rất vẻ vang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân, năm 1957.
Ảnh: Tư liệu
Luôn học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ
Yêu cầu đặt ra với báo chí trong thời kỳ mới là phải phản ánh hơi thở của thời đại, đi sâu vào thực tiễn đổi mới và phát triển của đất nước.
Sự phát triển của internet, công nghệ thông tin và các phương tiện kết nối mới đã và đang tạo nên xã hội thông tin tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Hệ quả của điều đó là thế giới báo chí, truyền thông ngày càng rộng lớn. Báo chí trở nên đa dạng, đa phương tiện, đa loại hình, đa lĩnh vực. Môi trường truyền thông số đã và đang tạo ra những khả năng kết nối, tương tác ngày càng mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi những người làm báo phải tự nâng cao trình độ, kỹ năng của mình để thích ứng và đáp ứng được những đòi hỏi khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới. Những điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liệu và chỉ ra khi yêu cầu các nhà báo vươn lên học tập, nắm bắt những thành tựu khoa học từ rất sớm. Từ tháng 11/1959, Người đã căn dặn: “Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những câu hỏi có ý nghĩa phương pháp luận cho mỗi người làm báo: Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Thế thì viết cái gì? Đây là những câu hỏi cần (phải) được đặt ra và trả lời trước khi viết. Câu hỏi thứ tư liên quan đến cách thức thể hiện và truyền tải ý tưởng bài báo - điều này bị ảnh hưởng (và cũng được xác định) bởi văn phong báo chí và trình độ nghiệp vụ của mỗi người viết. Nhà báo lớn Hồ Chí Minh đã để lại tấm gương cho những người làm báo cách mạng Việt Nam về văn phong báo chí độc đáo của mình với những đặc điểm: Chân thực, Ngắn gọn, Trong sáng, Giản dị, Sinh động. Đó cũng là những điều quan trọng mỗi người làm báo cần học tập và rèn luyện khi viết, khi nói, để mỗi bài báo có sức lay động và truyền tải mạnh mẽ hơn.
Tính chân thực sẽ làm nên sức thuyết phục cao của những bài báo với người đọc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra”; “Không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Công việc hằng ngày của mỗi nhà báo là bám sát thực tiễn để phản ánh đúng thực tiễn. Người luôn nhắc cán bộ, phóng viên phải nắm bắt thực tiễn cuộc sống: “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, “cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”. Khi đến thăm các địa phương, các đơn vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sâu sát, không bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất. Người dùng những tư liệu “sống” sau các chuyến đi đó trong các bài báo biểu dương những điều tốt, nêu các vấn đề còn tồn tại, chỉ ra cách giải quyết, v.v.
Nhà báo lớn Hồ Chí Minh cũng thường nhắc nhở: Viết cho dân, nói với dân phải theo cách giản dị, cụ thể, thiết thực, làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu, như cách cảm, cách nghĩ của nhân dân và “phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích”. Theo Người, viết giản dị không phải là đơn giản hóa những điều phức tạp mà đó là sự thâu tóm, khái quát những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của quần chúng để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả nhất. Người cũng căn dặn: Cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng. Theo nhà báo Hồ Chí Minh: Để viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, trước hết phải gần gũi quần chúng, phải học tập nhân dân để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Người cũng chỉ ra rằng, phải chống lại bệnh hay nói chữ, còn với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã chẳng có lợi nhiều, nếu dùng sai theo kiểu “dốt hay nói chữ” thì hại càng lớn...
Thường xuyên “luyện tài” cùng với tích cực “rèn đức”
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc cần phải hoàn thiện cả năng lực và phẩm chất đối với người cán bộ cách mạng. Người cán bộ phải đầy đủ cả đức và tài, không thể khiếm khuyết mặt nào - bởi vì Có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Với những người viết báo, các yêu cầu về tinh thông nghiệp vụ cần được đặt song song với những yêu cầu về phẩm chất đạo đức, tư cách.
Muốn phục vụ tốt nhân dân, ngoài tài năng nghiệp vụ, những người làm báo cách mạng phải có tâm trong sáng, phải có bản lĩnh để thắng được những cám dỗ. Những điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Những tiêu chí Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư là những chuẩn mực đạo đức, là mục tiêu phấn đấu tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên - trong đó có những cán bộ làm báo, là những người cần gương mẫu thực hiện trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh những tiêu chí đó bởi vì: “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”.
Cách hiệu quả để tu dưỡng đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là giúp nhau tự phê bình và phê bình. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Người nói: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”.
Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. “Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Nhà báo cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động tác nghiệp của mình và luôn cần tâm niệm: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Nhà báo lớn Hồ Chí Minh cũng thường nhắc nhở: Viết cho dân, nói với dân phải theo cách giản dị, cụ thể, thiết thực, làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu, như cách cảm, cách nghĩ của nhân dân và “phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng". |
Ngô Vương Anh
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)