Ở Trường Sa, trên bàn tiệc đãi khách, trên mâm cơm của mỗi gia đình, đơn vị , các món ăn thơm ngon, được chế biến công phu, tinh tế, trình bày đẹp mắt, mang nhiều màu sắc văn hóa ẩm thực của nhiều miền quê khác nhau. Chính các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người dân đến Trường Sa góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực truyền thống nơi đảo xa.
Thơm ngon đặc sản quê nhà
Đến đảo Song Tử Tây, mọi người đều ấn tượng khi được thưởng thức những chiếc bánh bao nóng hổi, thơm phức. Bánh bao trắng nhân thịt, rất dẻo, có vị thơm ngon. Các loại bánh được làm ở đảo như: Bánh bao, bánh xèo, bánh cam, bánh cuốn, bánh tai vạc… được các chị trong Hội Phụ nữ xã Song Tử Tây làm vào những dịp lễ, Tết để cúng tổ tiên, đãi các Đoàn ở đất liền ra thăm.
Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên đảo Song Tử Tây kể:
- Trước đây, bộ đội ở đảo chế biến các món ăn từ cá, thịt theo kiểu chặt to, kho mặn. Từ lúc các chị ở Hội Phụ nữ xã Song Tử Tây tham gia nấu nướng ở bếp ăn đơn vị, các món ăn được chế biến phong phú, ngon, trang trí rất đẹp mắt. Đặc biệt là món đặc sản bún cá Khánh Hòa, bộ đội ăn lạ miệng, khen ngon. Nhiều người còn nhờ các chị truyền bí quyết nấu món đặc sản này.
Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Anh Thư chăm sóc đàn vịt, gà được ấp nhân tạo trên đảo Trường Sa Đông.
Chế biến và nấu ăn ngon đòi hỏi những thứ không thể thiếu là gia vị. Trong vườn của các hộ dân ở Song Tử Tây, Trường Sa đều có những loại cây gia vị như: Chanh, sả, gừng, ớt, rau thơm… Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông kể:
- Trong số những cán bộ, chiến sĩ từ mọi miền đất nước ra đảo, có nhiều người có tài nấu nướng rất ngon, am hiểu văn hóa ẩm thực quê nhà. Khi có các “sự kiện” như: Sinh nhật, thôi nôi con, em gái ở quê xây dựng gia đình, được thăng quân hàm…, các phân đội lại bày tiệc ăn mừng. Ai nấu những món ăn ngon, lạ đều được đồng đội ghi chép tỉ mỉ cách chế biến để có dịp trổ tài. Những sĩ quan ở Trường Sa lâu, có kinh nghiệm nấu ăn rất ngon, có thể nấu được các món ăn của các vùng miền khác nhau.
Thị trấn Trường Sa là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa nghề truyền thống đặc sắc nhất. Sau khi cùng Đoàn tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp nhang các liệt sĩ, viếng chùa Trường Sa, tôi “tách Đoàn” rồi xuống khu vực nhà bếp của đơn vị. Nhà bếp khá rộng, chia thành các khu: Chế biến, nấu nướng, nhà ăn, khu hành chính, nhà kho, vườn gia vị…
Khu bếp buổi sáng đó có gần 20 chiến sĩ tham gia chế biến, nấu nướng. Mỗi người một công việc được phân công. Ở khu chế biến thức ăn, tôi thấy những miếng đậu phụ vuông vức, vừa được dỡ ra từ khuôn gỗ, thơm lừng, trông rất ngon mắt.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Trợ lý hậu cần đảo Trường Sa đi cùng nói với tôi:
- Đậu phụ do đầu bếp ở đảo làm đấy anh ạ!
Đậu phụ ở đảo ngon thơm không thua gì ở đất liền. Hỏi ra, tôi mới biết người đầu tiên đưa cách làm đậu phụ ra đảo chính là Thiếu úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Chinh, Cán bộ quản lý bếp ăn, tài chính. Chinh quê ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, có “thâm niên” 6 năm ở Trường Sa. Trò chuyện cùng tôi, Chinh nhớ lại:
- Lúc mới ra Trường Sa, trên đảo đã từng làm đậu phụ rồi, nhưng cách làm giản đơn, hạt bã đậu rất to, thiếu vị thơm, cứng. Bột đậu nành chủ yếu dùng bằng cối giã thủ công, chế biến vất vả, mất nhiều thời gian, số lượng lại được ít. Nghĩ đến nghề truyền thống của gia đình, tôi đề xuất cấp trên cho phép làm đậu phụ.
Được cấp trên đồng ý, Chinh nhờ mua máy xay từ đất liền gửi ra cùng với một số nguyên liệu, gia vị, dụng cụ như: Giấm chua đóng chai, đậu nành, khuôn đúc, giá lọc bã… Các khuôn gỗ để đúc đậu phụ thì Chinh cùng đồng đội tự làm. Khi mẻ đậu phụ đầu tiên được làm ra, những miếng vuông vức, thơm lừng, dẻo, ai cũng xúc động.
Chinh chia sẻ kinh nghiệm:
- Làm đậu phụ phải có kỹ thuật, từ ép bã cho đến pha chế nguyên liệu phải thực hiện đúng nguyên tắc. Khi bỏ giấm chua vào nồi nếu đổ ào vào cùng lúc sẽ khiến cho đậu phụ bị cứng khi ép. Đợi nước sôi lăn tăn, bỏ giấm chua vào, đậu phụ sẽ dẻo, thơm ngon. Nếu ngâm đậu phụ quá lâu sẽ làm đậu bị hư, bị chua.
Đậu phụ giờ đây trở thành món ăn phổ biến ở thị trấn Trường Sa. Mỗi tuần, nhà bếp chế biến đậu phụ 3 lần, mỗi lần có khi chế biến khoảng 50kg đậu. Đậu phụ được dùng để ăn sống, chiên, hấp hoặc kho thịt, sốt cà chua, sử dụng kèm với nấu canh… giúp cho các món ăn phục vụ cho quân và dân trên đảo được phong phú hơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy và vườn rau gia vị của gia đình ở đảo Trường Sa.
Ảnh: Đặng Kiên
Ở huyện đảo Trường Sa còn có “nghề” tồn tại khá lâu là ủ mầm giá. Ở đất liền thường dùng chum, vại để ủ giá, còn ở Trường Sa sử dụng khuôn gỗ. Cắt bao bì thành từng miếng lớn lót vào khuôn gỗ để ủ giá. Một số hộ dân trên đảo có khi dùng cát để ủ giá. Cát phải qua ngâm rửa nước ngọt để làm mất độ mặn mới có thể dùng ủ giá. Cách ủ trên đòi hỏi người làm phải chú ý tưới đủ lượng nước phù hợp. Giá chỉ cần ủ hai ngày, hai đêm là có thể ăn được.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Trợ lý hậu cần đảo Trường Sa cho biết:
- Giá đỗ là một trong những thực phẩm được cấp phát theo tiêu chuẩn. Giá đỗ không do bếp làm, mà được cấp phát xuống đến các phân đội, cụm chiến đấu và hỗ trợ cho các hộ dân. Cơ quan hậu cần có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và các phân đội kỹ thuật ủ mầm giá.
Vui nhất là dịp Tết cổ truyền, mọi người được dịp trổ tài chế biến những món ăn truyền thống như: Nem, chả bò, gà, cá hấp, cá chiên, chả cá… Những mâm cỗ được bày biện, trang trí đẹp mắt, được chấm thi và trao giải. Đó là những khoảnh khắc đẹp, ý nghĩa trong năm…
“Máy ấp trứng” của nhà sáng chế “tay ngang”
Đến đảo Trường Sa Đông, câu chuyện về “máy ấp trứng” của nhà sáng chế “tay ngang”- Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Anh Thư, nhân viên cơ công, khiến nhiều người khâm phục. Tôi biết về “máy ấp trứng” ngay khi sắp vào đảo thì nghe loa trên tàu phát bài giới thiệu đảo Trường Sa Đông. Nên khi lên đảo, tôi tìm hỏi ngay chủ nhân của chiếc “máy” và được chỉ huy đảo giới thiệu gặp Lê Anh Thư.
Hồi Thư ra đảo công tác, đàn gà, vịt ở đất liền đưa ra đảo nuôi cứ thưa dần vì thời tiết khắc nghiệt. Thư nghĩ, muốn gà, vịt khỏe, có sức đề kháng, quen với khí hậu biển, đảo thì phải cho ấp trứng nở trên đảo. Thư nhớ những ngày ở quê nhà, thỉnh thoảng lại nghe tiếng gà con kêu chiêm chiếp tìm mẹ vào sáng sớm. Trứng nở nhờ gà mẹ đẻ trứng trong trấu, gặp thời tiết nóng giúp tạo nhiệt độ như được gà mẹ ấp. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Thư nghĩ ra cách tạo nhiệt cho trứng tự nở bằng cách đóng một thùng gỗ, lót bao bố rồi dùng 4 đèn dầu đặt 4 góc để tạo nhiệt độ sưởi ấm trứng. Nhiệt độ trong thùng luôn được duy trì ở 37 độ C. Lứa trứng ấp thử nghiệm đầu tiên chỉ “đậu” 7 chú gà con, còn lại bị ung, hư. Nguyên nhân trứng bị ung, hư được Thư xác định là do nhiệt độ trong “lò” không đều, thời tiết có mưa, gió lạnh lùa vào. Rút kinh nghiệm, lần ấp trứng thứ hai, Thư và đồng đội trở trứng thường xuyên giúp nhiệt độ tỏa đều lên mặt vỏ trứng, lót một lớp cát mỏng dưới thùng gỗ để giữ nhiệt, che chắn gió kỹ càng hơn… Thư cười rất vui khi nhắc lại chuyện cũ:
- Hơn 18 ngày chờ trứng nở là thời gian chờ đợi dài nhất trong những ngày ở đảo. Rất may, lần thử nghiệm thứ hai, kết quả đạt 100%, giúp đảo có một lứa gà mới 20 con.
Ấp trứng thành công, lính đảo Trường Sa Đông mừng đến rơi nước mắt. Nước mắt của khát vọng vượt lên khắc nghiệt thời tiết. Trứng nở rồi, nuôi gà con cũng vất vả không kém. Gạo, mì ăn liền phải xay nhuyễn rồi bón cho gà con ăn. Gà con chỉ cứng cáp, trưởng thành khi tự mình mổ được thức ăn.
Đàn gà vịt trên đảo giờ đây ngày càng sinh sôi nhiều thêm, có lúc số lượng lên đến hơn 300 con. Chỉ huy đảo phải xây dựng một khu chăn nuôi gà vịt tập trung ở bên ngoài doanh trại. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa Đông có thêm nguồn thực phẩm dồi dào, bổ dưỡng, chế biến được những món ăn từ gà, vịt, trứng. Không chỉ vậy, Trường Sa Đông giờ đây đã trở thành địa chỉ cung cấp gà giống cho nhiều đảo ở Trường Sa.
Đặng Trung Kiên
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)