Bài viết phân tích cơ sở chính trị, pháp lý và các giải pháp để Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

 nhan dan kiem soat

Cơ sở chính trị, pháp lý để Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước

Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước nên tất yếu phải kiểm soát quyền lực mà mình đã giao cho Nhà nước. Việc kiểm soát quyền lực nhà nước (trong đó có kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước) của Nhân dân được thực hiện thông qua các tổ chức đại diện cho nhân dân như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội nghề hiệp, hiệp hội, doanh nghiệp… Cá nhân công dân cũng thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước qua các quyền như ứng cử, bầu cử, khiếu nại, tố cáo…

Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”(1). Đó là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo “tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”(2), tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua các hoạt động ứng cử, bầu cử, bãi miễn, bãi nhiệm đại biểu trong các cơ quan dân cử; giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến, phê bình, chất vấn, khiếu nại, tố cáo về hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, “bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta được Nhân dân tin tưởng, trao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thực hiện ủy quyền của Nhân dân, Đảng giới thiệu đảng viên có đủ năng lực, uy tín để Nhân dân lựa chọn, bầu giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan, bộ máy nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước. Đây là những người chỉ đạo thực thi quyền lực nhà nước thông qua hoạt động quản lý, điều hành bộ máy, con người trong cơ quan nhà nước, trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân về những quyết định của mình.

Quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước là quyền lực công, được Nhân dân ủy quyền, giao quyền, được pháp luật quy định để thay mặt Nhân dân quản lý. Việc thực thi đúng, đủ quyền lực được ủy quyền, giao quyền là yêu cầu bắt buộc đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có những người đứng đầu “ảo tưởng” về quyền lực, sử dụng quyền lực theo ý muốn chủ quan, thậm chí vượt quyền, lạm quyền, biến quyền lực công thành quyền lực tư. Vì vậy, từ người được Nhân dân ủy quyền, là “đầy tớ” của Nhân dân thì họ lại trở thành người vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân. Đó chính là sự tha hóa quyền lực; quyền lực càng cao thì tha hóa càng lớn, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Do đó, việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và Nhân dân, là một giải pháp quan trọng góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm thực thi quyền lực của Nhân dân. Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước dựa trên các quy định để nhận diện, phát hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân. Nhân dân dựa vào giá trị, đạo đức dân tộc và chuẩn mực đạo đức cách mạng để nhận diện và phát hiện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Để thực hiện kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước, nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; còn cán bộ, đảng viên phải thực hiện các quy chế, quy định của Đảng. Khoản 1 Điều 30 và Điều 46 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”; “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”. Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng như Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… Các văn bản này là cơ sở chính trị, pháp lý để Nhân dân làm chủ và kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Do đó, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của Nhân dân.

Trong thời gian qua, Nhân dân rất tích cực tham gia kiểm soát quyền lực của người đứng đầu thông qua việc thực hiện trách nhiệm xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tham gia giám sát, phản biện xã hội, chất vấn, khiếu nại, tố cáo đối với những hành vi vi phạm của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận chưa nhận thức được đầy đủ về quyền và trách nhiệm, chưa tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với việc đề ra các chương trình, kế hoạch của các cơ quan nhà nước, các quyết định của người đứng đầu, chưa thực hiện trách nhiệm trong hoạt động chất vấn người đứng đầu cơ quan nhà nước. Thậm chí, có tình trạng một bộ phận người dân thờ ơ với sai phạm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, không dám đấu tranh, hoặc không thực hiện vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mà cho đó là công việc của các cơ quan chức năng, của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, cơ quan thanh tra... 

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do chưa có quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong hoạt động kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước nói riêng. Đến nay thể chế về kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kết hợp giữa kiểm soát nội bộ đảng (người đứng đầu cơ quan nhà nước là đảng viên) và kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước. Một số quy định về quyền của công dân trong quản lý đất nước, quản lý xã hội đã được xác định nhưng chưa cụ thể, chưa có quy định về trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước

Để phát huy vai trò của Nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước, cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản liên quan đến quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong quản lý đất nước và quản lý xã hội, trong đó có quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Nâng cao dân trí cho đồng bào ở các vùng miền kinh tế xã hội còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Thực tế, trình độ của người dân ở các vùng này còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong quản lý đất nước, quản lý xã hội. Vì vậy, cần có chính sách, chiến lược nâng cao kiến thức, hiểu biết cho Nhân dân, đó sẽ là cơ sở, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Trên cơ sở đó, Nhân dân cần xác định và thực hiện đầy đủ các nội dung, phương thức kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Về nội dung, Nhân dân kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, gồm trách nhiệm hành chính, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm đạo đức... Đặc biệt, trong điều kiện Đảng cầm quyền, để phòng, chống những nguy cơ suy thoái của cán bộ, đảng viên, nhân dân phải kiểm soát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, mối quan hệ với nhân dân và trách nhiệm trong công tác của người đứng đầu cơ quan nhà nước; kiểm soát tài sản, thu nhập của người đứng đầu và thân nhân người đứng đầu cơ quan nhà nước bằng các phương pháp, cách thức pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước thông qua hoạt bầu cử, chất vấn, đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm đại biểu dân cử. Tham gia giám sát hoạt động, bỏ phiếu tín nhiệm và đánh giá hoạt động của người đứng đầu cơ quan nhà nước cũng là một phương thức hữu hiệu để kiểm soát quyền lực của cán bộ được trao quyền. Nhân dân căn cứ vào các quy chế, quy định, mối quan hệ công tác, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để đánh giá người đứng đầu cơ quan nhà nước, đồng thời giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phát hiện, phản ánh, kiến nghị và tố giác hành vi vi phạm của người đứng đầu cơ quan nhà nước đến các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn.

Hai là, hoàn thiện các quy định cụ thể về thực hiện các quyền của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Hiện nay, quyền của công dân trong quản lý nhà nước và xã hội nói chung, kiểm soát quyền lực của cán bộ, công chức được quy định trong Hiến pháp, các văn bản có liên quan của Đảng và Nhà nước. Quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử được quy định tại khoản 2 Điều 7, Hiến pháp năm 2013, theo đó, các đại biểu do nhân dân bầu thì Nhân dân cũng có thể bãi nhiệm nếu họ không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân, thực sự phục vụ được Nhân dân. Quyền khiếu nại, tố cáo được quy định tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013, theo đó mọi người dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền khiếu nại, quyền tố cáo được quy định cụ thể tại Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại. Quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có người đứng đầu cơ quan nhà nước được khẳng định tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Ngoài ra, Nhân dân có quyền giám sát, chất vấn đại biểu do Nhân dân bầu ra…

Nhìn chung, những quyền này đã được đề cập trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, chưa có quy định, quy trình cụ thể để hướng dẫn nhân dân thực hiện có hiệu quả các quyền này. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về thực hiện quyền của Nhân dân, trong đó có quy định về quyền kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Cụ thể, cần ban hành văn bản quy định chi tiết hơn về các trường hợp cụ thể bị bãi nhiệm, về quy trình, thủ tục bãi nhiệm. Cần hướng dẫn và phổ biến chi tiết để Nhân dân biết quyền và trách nhiệm trong khiếu nại, tố cáo, để dám sẵn sàng tố cáo những việc làm sai trái của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Quy định cụ thể hơn về các hình thức tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo của Nhân dân; gắn với hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo để ngăn ngừa tình trạng bị trả thù, trù dập, đồng thời biểu dương, khen thưởng người tố cáo góp phần phòng, chống tham nhũng.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xây dựng cơ chế khen thưởng, bảo vệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Về quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước, mặc dù Quy định số 96-QĐ/TW đã có nội dung bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý nhưng quy trình chỉ thực hiện trong nội bộ các tổ chức của hệ thống chính trị. Vì vậy, cần quy định cụ thể hơn về việc nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân cử, kết hợp với bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ cơ quan nhà nước để có biện pháp xử lý đối với đại biểu không được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

Về quyền tiếp cận thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, thực tế cho thấy hiện nay Nhân dân chưa hiểu đầy đủ về chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu, về nguyên tắc thực thi quyền lực nhà nước, về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, vì vậy khó giám sát hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý; hoặc có giám sát cũng không phát hiện được việc cán bộ vi phạm nguyên tắc hoạt động hoặc lạm quyền, lộng quyền, thực thi không đúng thẩm quyền, trách nhiệm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XIII đã chỉ rõ: “Nghiên cứu ban hành các cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”(3). Cần thể chế hóa quy định này để Nhân dân được thông tin đầy đủ về hoạt động của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Do đó, để Nhân dân tiếp cận thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, cần phải minh bạch thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước, về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể hóa các tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong các cơ quan nhà nước và công khai để Nhân dân có căn cứ kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý để Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước và quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước. Các cấp ủy cần ban hành quy định cụ thể về phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên theo Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ba là, hoàn thiện quy định về việc thực hiện trách nhiệm của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Bên cạnh việc xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước, cần xây dựng cơ chế về việc thực hiện trách nhiệm của Nhân dân trong lĩnh vực này. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thì Nhân dân vừa là chủ, vừa làm chủ. Quyền làm chủ của Nhân dân đã được pháp luật quy định, song chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm làm chủ của Nhân dân. Nhân dân thực hiện trách nhiệm làm chủ cũng chính là bảo đảm cho quyền làm chủ của Nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho Nhân dân thực thi quyền lực của mình, trong đó có trách nhiệm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về cơ chế thực hiện trách nhiệm của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực. Hiến pháp năm 2013 quy định các nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước, trong đó có “bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Việc Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước cũng chính là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tuy nhiên, quy định của Đảng, Nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc phát huy vai trò của Nhân dân, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhân dân nói chung và trách nhiệm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước nói riêng. Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế để Nhân dân thực hiện trách nhiệm kiểm soát quyền lực. Theo đó, cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện trách nhiệm kiểm soát quyền lực của Nhân dân. Là đảng cầm quyền, Đảng cần lãnh đạo Nhà nước hoàn thiện quy định, quy trình để Nhân dân thực hiện trách nhiệm kiểm soát quyền lực nhà nước. Mở rộng hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa để tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Các tổ chức đại diện cho Nhân dân cần nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện đầy đủ trách nhiệm đại diện của Nhân dân.

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm quyền lực thực sự của Nhân dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị… cần có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh(4). Vì vậy, cần thực hiện tốt các biện pháp để Nhân dân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.

---------------------------

Ghi chú:

(1)  Hiến pháp năm 2013, Nxb CTQG-ST, H.2013, tr.1.

(2),(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/10/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

TS Nguyễn Thị Thảo - Học viện Chính trị khu vực II

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: