Trong những ngày này, du khách trong và ngoài tỉnh nườm nượp đổ về địa danh Tân Trào lịch sử - “trái tim” của Việt Bắc, của cả nước trong những năm tháng chống thực dân Pháp xâm lược. Giờ đi trên con đường “tự do” về chiến khu cách mạng, lòng ai cũng có cảm giác lâng lâng nghẹn ngào nhớ Bác Hồ...
Những ‘’biểu tượng”...
Tháng 5, trời nắng như đổ lửa nhưng không làm giảm sự nhiệt tình của du khách đến tham quan Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Các đoàn khách đều trầm trồ trước hệ sinh thái gắn với Di tích lịch sử cách mạng có một không hai của cả nước này. Ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ là những ngôi nhà sàn truyền thống lâu đời của đồng bào Tày. Một không gian thật thoáng đãng, thanh bình, trong lành, mát mẻ có pha chút tâm linh. Ấn tượng bắt gặp đầu tiên của du khách là rặng duối tỏa bóng râm mát cho con đường trải nhựa chạy dài vào Khu Di tích.
Du khách thập phương đến thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào
Theo các cụ cao niên sống ở đây thì cây duối rất phù hợp với vùng đất Tân Trào, nhất là loại đất pha cát có độ ẩm lớn gần các con suối. Quả thật, tôi đã đi nhiều nơi nhưng không đâu nhiều cây duối như ở Tân Trào. Nơi đây đang “sở hữu” nhiều cây duối có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Cây duối thuộc dạng thân mộc chắc, dễ cọc, có bộ lá rậm xanh, thân cành thường xù xì uốn lượn khúc khuỷu, có tuổi thọ cao. Vì thế mà người ta còn sử dụng cây duối làm cây cảnh...
Không biết từ bao giờ những cây duối “đứng” rải rác hai bên đường vào Khu Di tích Tân Trào làm mọi người thích thú. Từ đó, Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào hàng năm vẫn cho trồng bổ sung thêm những cây duối hai bên tuyến đường nhựa. Giờ cả một tuyến đường chạy dài có màu xanh của rặng duối. Những hàng keo trước kia trồng nay cũng được huyện Sơn Dương cho “hạ” dần để trồng duối. Vì cây duối không vươn cao lắm, ít rụng lá đại trà, bền vững với thời gian. Hơn nữa, từ xưa cây duối vẫn là “biểu tượng” của tuyến đường vào Tân Trào. Đã có nhiều bức ảnh đẹp chụp ở cung đường này. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh của tỉnh như Nguyễn Chính, Hồ Thăng, Quang Minh, Hà Thế Đô, Hùng Cường… không đếm nổi đã bao nhiêu lần “vác” máy ảnh tới đây vì mê mẩn rặng duối già. Đẹp nhất vẫn là thể hiện cảnh học sinh Tân Trào đi học hay các thiếu nữ địa phương thướt tha trong trang phục tuyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan…
Ngoài quần thể “họ” nhà duối, vùng đất Tân Trào nổi tiếng với những cây đa cao lớn, chim muông lũ lượt về đây “hái” mồi. Cây đa Tân Trào đã đi vào lịch sử huyền thoại của dân tộc và cũng là biểu tượng cho văn hóa làng xã Việt Nam với “cây đa, bến nước, sân đình”. Giờ bên cạnh Cây đa Tân Trào năm xưa, tỉnh cho trồng thêm 5 Cây đa Tân Trào khác, ghi dấu quãng thời gian trên 5 năm Bác Hồ sống và làm việc ở Tuyên Quang. Hiện nay, 5 cây đa đang mọc xanh tốt xung quanh “cây đa ông, cây đa bà” ngày xưa. Ông Lê Đăng Tùng, chuyên gia về cây cảnh của Hội Sinh vật cảnh thành Tuyên khẳng định, vào năm 1975 tỉnh ta đã tặng 2 Cây đa hiệu Tân Trào trồng tại khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Một cây nữa đưa về trồng tại vườn hoa công viên đường Chiến Thắng Sông Lô (TP Tuyên Quang), một cây trồng trước cửa Công ty cổ phần Chè Tân Trào (Sơn Dương) giờ đã cao lớn. Ông bảo, mới đây tỉnh ta đưa 5 cây đa hiệu Tân Trào ra quần đảo Trường Sa trồng và tặng nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước thì quả thật ý nghĩa vô cùng. Cây đa hiệu Tân Trào đã trở thành một trong những biểu tượng của tỉnh ta và không ít địa phương “ao ước” muốn có. Tuy nhiều người chưa có dịp tới thăm Cây đa Tân Trào nhưng họ đã có ý thức sưu tầm bức ảnh chụp về Cây đa Tân Trào để treo trang trọng trong cơ quan, đơn vị, gia đình với niềm tự hào lớn lao.
Đường về Tân Trào trời nắng chang chang nhưng cây phách (người dân địa phương còn gọi là cây mí xẹt) vẫn đung đưa trước gió, tỏa bóng mát ra cả một vùng. Ở Tân Trào mùa hoa phách tím nở đẹp vô cùng, tô điểm cho cả một vùng đồi núi rộng lớn trải dài qua nhiều xã ATK. Vẻ đẹp lãng mạn này đã vào trong thi ca, nhạc họa và đó cùng là biểu tượng của Tân Trào. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ve kêu rừng phách đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình…/Nhớ khi giặc đến giặc lùng/Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”...
Bảo tàng cách mạng
Ông Lý Văn Quyết - một trong những người được
giao nhiệm vụ đưa Bác Hồ từ Pác Pó về Tân Trào
Tôi có anh bạn ở Báo Sài Gòn Giải Phóng (TP Hồ Chí Minh) mới lên thăm Tân Trào đã không tiếc lời khen. Anh bảo, Tân Trào của các bạn không những là “Bảo tàng cách mạng” của cả nước mà có phong cảnh hoang sơ, xen lẫn những mái nhà sàn truyền thống của người dân nơi đây thật đẹp. Khu Di tích lịch sử Bến Nhà Rồng nơi ghi dấu Bác ra đi tìm đường cứu nước của Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được hàng triệu lượt khách đến đây tham quan mỗi năm. Tân Trào là cái nôi của cách mạng, xứng đáng với tầm vóc Quốc gia mà lịch sử đã trao tặng nên sẽ là điểm đến của du khách khi đã làm tốt việc bảo tồn hệ động, thực vật và ngôi nhà sàn truyền thống, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người dân địa phương. Anh bảo nhiều tỉnh đã “biến” Khu Di tích lịch sử cách mạng “thành” khu dịch vụ “ăn uống, vui chơi, giải trí” quá sang trọng để nhằm mục đích “hút” khách, gây phản cảm. Tuyên Quang đang xây dựng Khu Di tích “lịch sử, văn hóa và sinh thái” là rất đúng hướng.
Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến mới được Chính phủ công nhận thành Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đúng với tầm vóc sứ mệnh lịch sử của nó. Ngày 3-5-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa ký Quyết định Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Bắc Kạn đến năm 2030. Trong đó, Tân Trào sẽ là trung tâm, đầu mối gắn kết các địa danh ATK của toàn vùng Việt Bắc. Chắc chắn Tân Trào sẽ có tầm vóc quốc gia, xứng đáng trở thành “địa chỉ đỏ” về nguồn của du khách thập phương. Hiện nay, Tân Trào ngày càng nhận được sự quan tâm của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Gần đây nhất, nhân dân huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã quyên góp ủng hộ xã Tân Trào 4 tỷ đồng để bảo tồn các ngôi nhà sàn truyền thống. Ông Vũ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho rằng, hiện giờ ở Tân Trào có nhiều ngôi nhà sàn đã xuống cấp mà không có nguồn gỗ thay thế. Để người dân “tự phát” làm nhà xây thì phá mất kiến trúc truyền thống, rất mong Sở Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang nghiên cứu những mẫu nhà sàn khung bê tông cốt thép, có giả vân gỗ đẹp cho áp dụng xây dựng ở Tân Trào, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà vẫn giữ gìn tốt cảnh quan hài hòa trong quần thể Khu Di tích đặc biệt này.
Giữa tháng 5 này, tôi tìm đến nhà ông Lý Văn Quyết, dân tộc Nùng, lão thành cách mạng ở thôn Hà Sơn, xã Đông Thọ (Sơn Dương), người được Bác Hồ đặt tên trong cụm khẩu hiệu: “Kiên-Quyết-Đấu-Tranh, Thực-Hành-Tiết-Kiệm, Đại -Hiền-Tán-Thành” càng được hiểu hơn về sự “tài tình” của Bác khi chọn Tân Trào làm “đại bản doanh” của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. 12 thanh niên tiêu biểu được Bác đặt tên trong cụm khẩu hiệu ở xã Kéo Yên, nay là xã Trường Hà, huyện Hà Quảng trong Tiểu đội bảo vệ Bác Hồ ở Pác Pó (Cao Bằng). Tháng 5 năm 1945, ông Quyết và nhiều đồng chí khác được giao nhiệm vụ đi bộ đưa Bác Hồ từ Pác Pó về Tân Trào. Theo ông Quyết, trên đường Bác Hồ về Tân Trào đã có tiền trạm địa phương đón tiếp rất chu đáo. Bác chọn Tân Trào là vùng giáp ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - nơi có dân tốt, phong trào tốt, địa hình tốt. Hơn nữa, thời điểm tháng 3 năm 1945 đã diễn ra khởi nghĩa Thanh La, xã Minh Thanh (Sơn Dương) và ra đời châu Tự do - đơn vị cấp huyện giành chính quyền về tay nhân dân đầu tiên trong cả nước. Tân Trào là trung tâm của cuộc khởi nghĩa, của vùng tự do, nơi châm ngòi đầu tiên cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Mới đây, tỉnh ta tổ chức “Hội thảo khoa học Khởi nghĩa Thanh La trong tiến trình cách mạng Việt Nam” nhằm đánh giá ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa này. Theo ông Quyết, quyết định lịch sử của Bác Hồ chọn Tân Trào là “Thủ đô Khu giải phóng -Thủ đô Kháng chiến” có vai trò của cuộc khởi nghĩa Thanh La.
Trước kia, năm 1945 khu vực Tân Trào gồm hai xã Tân Lập và Hồng Thái. Sau năm 1945 gộp thành xã Tân Trào với ý nghĩa “phong trào mới” bắt đầu từ đây. Tân Trào theo người địa phương cũng có thể đọc chệch là “Tân Triều” - nơi mở ra một triều đại mới và đó là “triều đại” của độc lập tự do, của chủ nghĩa xã hội mà ở đó không có áp bức bóc lột, ai cũng có “cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Giờ Tân Trào trở thành một địa danh nổi tiếng cả nước. Đường về Tân Trào ngày một đẹp hơn nhưng vẫn trầm mặc rặng duối già và róc rách làn nước chảy của dòng Khuôn Pén... Người đã đi xa nhưng cả người dân và rừng núi Tân Trào vẫn “trông theo bóng người”...
Lê Quang Hòa
Theo Báo Tuyên Quang
Kim Yến (st)