Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 22/01/2025

Quán triệt thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng văn hóa công sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ. Qua đó, tăng cường tính kỷ luật hành chính, quy tắc ứng xử; tạo môi trường làm việc văn minh, thân thiện góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động, chiến sỹ trong Ban Quản lý Lăng chuyên nghiệp, trách nhiệm, tận tình, chu đáo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Hiểu về văn hóa công sở

Theo quan điểm chung nhất, được nhiều tài liệu nghiên cứu ghi nhận, thì văn hóa công sở (VHCS) là các giá trị có tính chuẩn mực chung, làm nền tảng cho sự gắn kết giữa cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện các nhiệm vụ được giao. VHCS được hiểu bao gồm hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần phản ánh sự đúng đắn, tính nhân văn, nét đẹp và niềm tin được hình thành trong quá trình hoạt động, phát triển của công sở, được mọi người tuân thủ, tự giác thực hiện vì mục tiêu chung.

Theo đó, VHCS bao gồm 2 nhóm yếu tố cấu thành, đó là: 1- Các yếu tố phi vật chất, gồm: hệ thống các quy định, quy chế, quy tắc chuẩn mực hành vi của con người được chuyển hóa, thẩm thấu, biểu hiện thành thái độ giao tiếp, ứng xử; mối quan hệ, tinh thần đoàn kết, dân chủ trong cơ quan, đơn vị; ý thức trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; cách thức, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều hành của cơ quan... 2- Các yếu tố vật chất, gồm: Trụ sở, cảnh quan môi trường; các thực thể văn hoá và cách bài trí như quốc huy, quốc kỳ, biển hiệu, bảng thông báo, chỉ dẫn..; các trang bị, phương tiện, trang phục được sử dụng trong hoạt động của cơ quan.

Với cấu trúc như vậy, VHCS có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Nhận thức được yêu cầu đó, hầu hết cơ quan, đơn vị công vụ đã ban hành tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức đảng, đoàn thể; quy định về trang phục, tác phong, lề lối làm việc v.v.. Từ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, đại bộ phận có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân có chuyển biến tích cực. Phần lớn cơ quan, đơn vị được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, bố trí sắp xếp lại trụ sở làm việc; có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp tạo ấn tượng đối với Nhân dân đến liên hệ công tác.

Điều quan trọng hướng đến nền VHCS lành mạnh là tinh thần đoàn kết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chiến sĩ. Bất cứ công việc, nhiệm vụ muốn hoàn thành tốt thì đều cần sự chung tay, đoàn kết. Từ thực tế hiện nay, hiểu đúng về đoàn kết chính là: Đoàn kết phải thực lòng, nói đi đôi với làm. Đoàn kết không có nghĩa là xuôi chiều, né tránh phê bình, đấu tranh. Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc trong xây dựng tổ chức và cán bộ của Đảng, Nhà nước. Phê bình chỉ ra thiếu sót, khuyết điểm, góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp cùng sửa chữa, tiến bộ. Đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất, bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp, sự công bằng, ủng hộ người thẳng thắn, trung thực là cơ sở cho sự gắn bó của các thành viên trong tổ chức, củng cố sự đoàn kết ngày một vững chãi hơn, bảo đảm sự phát triển của đơn vị, cơ quan.

 “Văn hoá công sở” là một hệ thống được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở nên niềm tin giá trị về thái độ của các nhân viên làm việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm và hiệu quả hoạt động của nó. VHCS không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn của mỗi người. Giá trị của VHCS không phải bất biến mà sẽ từng bước phát triển, thích ứng với từng hoàn cảnh. Khi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động, chiến sĩ hiểu đúng, hiểu đủ, tin tưởng về giá trị VHCS thì họ sẽ tạo sự gắn bó, tin yêu, cùng nhau cố gắng, phấn đấu vì mục tiêu chung, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Văn hóa công sở hướng đến phục vụ tốt nhất Nhân dân, khách quốc tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và đề cao vấn đề đạo đức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, Người viết: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng“, “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Gần đây, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tái khẳng định: “Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc.

 

Thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế VHCS tại các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ và Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, VHCS trong các tổ chức công đã có những thay đổi theo hướng tích cực.

Ngày 29/02/2024, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã ký Quyết định số 283/QĐ-BQLL về việc ban hành Quy chế VHCS của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực thay thế Quyết định số 397/QĐ-BQLL ngày 30/6/2008 của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Quản lý Lăng. Quy chế được ban hành nhằm hướng đến xây dựng môi trường VHCS văn minh, lịch sự, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức, văn hóa giao tiếp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Trên cơ sở đó, làm căn cứ để đánh giá việc chấp hành các quy định của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ trong việc thi hành nhiệm vụ, công vụ.

van hoa cong so bqll 2
Tiến sỹ Phạm Thế Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hoá Quốc tế trao đổi về kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính Nhà nước tại Hội nghị của Ban Quản lý Lăng.

Trong những năm qua, Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đã quan tâm triển khai xây dựng VHCS; trọng tâm là nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý Lăng thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 gắn với Chị thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi tập thể, cá nhân luôn xác định tốt vai trò ý thức, trách nhiệm trong mối quan hệ đoàn kết xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; gắn bó mật thiết với Nhân dân, hết lòng phục vụ Nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cấp ủy, lãnh đạo các cấp và cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ, người lao động về văn hóa giao tiếp, ứng xử, về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công tác. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của Ban Quản lý Lăng tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động bảo đảm hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, góp phần xây dựng Ban Quản lý Lăng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ Nhân dân, khách quốc tế về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động và chiến sỹ luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc, quy trình xếp hàng vào Lăng viếng Bác và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân; có ý thức giữ gìn cảnh quan, bảo đảm khu vực luôn khang trang, sạch đẹp. Qua đó, tạo ấn tượng tốt đẹp với Nhân dân và khách quốc tế, xây dựng hình ảnh “người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác Hồ”.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Công khai, minh bạch, tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đúng đắn của các thành viên ở công sở, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ là cách tốt nhất để có thể huy động được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng trong xã hội vào việc xây dựng môi trường VHCS lành mạnh.

van hoa cong so bqll 3

van hoa cong so bqll 4
Văn hóa công sở tại Ban Quản lý Lăng hướng đến phục vụ tận tình, chu đáo Nhân dân,
khách quốc tế về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Văn hóa trong bất cứ một lĩnh vực nào cũng rất quan trọng. Đối với công sở, văn hóa chính là tiền đề để xây dựng một tập thể, một tổ chức có năng lực, hoạt động hiệu quả. Tại Ban Quản lý Lăng, hướng đến việc xây dựng môi trường VHCS lành mạnh, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ tiếp tục nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của đơn vị; có ý thức tổ chức kỷ luật, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả; nghiêm túc nhận lỗi, nhận khuyết điểm, tự phê bình, rút kinh nghiệm, có biện pháp và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khi để xảy ra sai sót trong thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao ý thức giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, kỷ cương; cộng tác, giúp đỡ đồng nghiệp; phục vụ tận tình, chu đáo Nhân dân, khách quốc tế. Qua đó, tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ tận tụy, gương mẫu, chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm. Xây dựng phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp, chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác, kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, đồng lòng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Bài viết khác: