Đất nước ta nửa cuối thế kỷ 20 trải qua hai cuộc kháng chiến cực kỳ ác liệt chống kẻ thù xâm lược. Lịch sử trao cho bộ đội sứ mệnh đứng ở vị trí tuyến đầu đuổi giặc để giành lại hòa bình, độc lập, tự do. Từ góc nhìn lý thuyết nào thì Bộ đội Cụ Hồ cũng là một biểu tượng văn hóa trung tâm của thời đại. Là nhân tố góp phần cơ bản, chủ yếu kiến tạo nên thời đại anh hùng, Bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng văn hóa đích đáng cho thời đại anh hùng.
Biểu tượng văn hóa là thành tố cơ bản, là gương mặt văn hóa
Để thuận lợi cho giao tiếp trong cuộc sống luôn vô cùng đa dạng, phong phú, phức tạp, con người mượn sự vật, hiện tượng làm ký hiệu, gửi vào đó những quy ước chung. Theo thời gian, nhờ được bồi đắp nhiều lớp phù sa văn hóa, ký hiệu lắng đọng, kết thành biểu tượng. Bước vào thời toàn cầu hóa, nhu cầu giao lưu, trao đổi ngày càng trở nên cấp thiết, biểu tượng văn hóa trở thành cầu nối giữa các quốc gia.
Hiểu theo nghĩa Hán Việt, “biểu” là dấu hiệu, ký hiệu; “tượng” là hình tượng. “Biểu tượng” là ký hiệu chứa đựng một hoặc nhiều ý nghĩa. Tiếng Anh gọi là “symbol”, có gốc từ tiếng La Mã (symbolus) và tiếng Hy Lạp (symbolon), có nghĩa nguyên thủy là “một nhóm người đồng ý sự vật, hình ảnh ấy có nhiều hơn một ý nghĩa của chính nó”. Tức nội dung ý nghĩa luôn lớn hơn cái vỏ hình thức biểu tượng.
Tái hiện hình ảnh chiến sĩ Điện Biên anh hùng tại Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024). Ảnh: MINH HUY
Mỗi dân tộc đều có một hệ biểu tượng tiêu biểu, như là “cửa ngõ” mời gọi thế giới bước vào một không gian văn hóa khác lạ để thưởng thức, chiêm ngưỡng. Vì thế, giải mã văn hóa là giải mã biểu tượng, phải hiểu biểu tượng theo hướng triết học, đi tìm cội nguồn phát sinh, bản chất, ảnh hưởng trong đời sống hôm qua và hôm nay.
Có những biểu tượng riêng của từng nơi nhưng cũng có biểu tượng mang tính phổ quát chung, như hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, chim bồ câu biểu tượng cho hòa bình... Biểu tượng luôn mang màu sắc biểu cảm sâu đậm. Nghe một điệu hát ru, ta nôn nao nhớ về quá khứ truyền thống ngàn năm ân tình, ân nghĩa. Nhìn màu cờ đỏ, nghe âm thanh của bài Quốc ca trước một trận đấu thể thao, trong ta dâng lên niềm tự hào dân tộc khó tả... Là sự kết tinh các giá trị mang bản sắc văn hóa nên biểu tượng mang tính thông điệp rất rõ.
Luôn bao chứa lượng tri thức văn hóa sâu rộng, có tính cộng đồng cao nên biểu tượng là “căn cước văn hóa” của mỗi dân tộc, tồn tại ở hai dạng: Những cái nhìn thấy hoặc có thể cầm nắm được, thuộc văn hóa vật thể và những biểu tượng trừu tượng (lòng yêu nước, yêu thiên nhiên...), thuộc văn hóa phi vật thể. Là thành tố cơ bản, là hạt nhân của văn hóa nên tìm hiểu, nghiên cứu biểu tượng sẽ thấy được một cách toàn vẹn, trung thực, rõ ràng hơn bản sắc văn hóa. Thế giới biết và hiểu Việt Nam hơn qua biểu tượng nón lá, áo dài, qua mái đình làng, qua cây đa cổ thụ... Vì thế, nghiên cứu văn hóa không thể không nghiên cứu biểu tượng.
Bộ đội Cụ Hồ - một biểu tượng văn hóa trung tâm của thời đại
Biểu tượng luôn đa nghĩa nhưng có hai loại nghĩa cơ bản, nhiều trường phái gọi là biểu hình (visible sign) và biểu ý (idea). Ký hiệu học gọi là cái biểu đạt, tức hình thức tồn tại dưới dạng các sự vật, hiện tượng và cái được biểu đạt là các nội dung mang tính giá trị, chuẩn mực văn hóa. Đất nước ta nửa cuối thế kỷ 20 trải qua hai cuộc kháng chiến cực kỳ ác liệt chống kẻ thù xâm lược. Lịch sử trao cho bộ đội sứ mệnh đứng ở vị trí tuyến đầu đuổi giặc để giành lại hòa bình, độc lập, tự do. Từ góc nhìn lý thuyết nào thì Bộ đội Cụ Hồ cũng là một biểu tượng văn hóa trung tâm của thời đại. Điều đó được thể hiện ở những nội dung sau.
Một là: Bộ đội Cụ Hồ - sự kế thừa xứng đáng truyền thống lịch sử anh hùng.
Tự thân biểu tượng luôn mang một chiều sâu văn hóa, theo thời gian được bồi đắp, tích lũy thêm các lớp mã ý nghĩa mới. Là hạt giống của cây văn hóa cổ xưa gieo vào mảnh đất đương đại, nảy mầm, lớn lên cho hoa quả ý nghĩa mới, do vậy biểu tượng luôn mang tính truyền thống. Giải mã biểu tượng cũng là một cách tìm về truyền thống. Không am hiểu sâu sắc “mẫu gốc” và hoàn cảnh lịch sử văn hóa, không tri giác tường tận mảnh đất đương đại, khó có thể kiến tạo ra biểu tượng mới.
Dễ chứng minh trong hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa hình tượng Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền cho đến người lính trong “Sông núi nước Nam...” (tương truyền của Lý Thường Kiệt), “Hịch tướng sĩ” (Hưng Đạo Vương), “Cáo bình Ngô” (Nguyễn Trãi), đến hình tượng người nghĩa sĩ của Nguyễn Đình Chiểu... Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì thế hệ những người lính lại lên đường đuổi giặc bằng mọi thứ vũ khí và luôn chiến thắng kẻ thù một cách vẻ vang nhất.
Theo hướng nghiên cứu liên văn hóa (intercultural), nhiều nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới lý giải sức mạnh của Quân đội Việt Nam trước nay được thể hiện trong mã văn hóa “ngụ binh ư nông” rất riêng. Khi hòa bình thì binh lính về làm ruộng, khi có chiến tranh thì toàn dân làm lính nên đặc trưng của Quân đội là rất linh hoạt, nhanh gọn, cơ động, có thể tác chiến trên mọi địa hình, thời tiết, hoàn cảnh, lại có thể tự nuôi mình... Sống trong dân, từ dân mà ra nên khi cầm vũ khí giữ nước, người lính được tiếp sức mạnh từ dân, từ bầu khí quyển, từ mảnh đất văn hóa họ sống.
Đặc trưng ấy được kết tinh và phát huy cao độ ở thời hiện đại nên Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, vì dân, được Đảng lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện nên đã vượt qua những chướng ngại tưởng chừng không thể. Trên thế giới hiếm có đội quân nào đạt được những chiến công như thế!
Học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao tinh hoa văn hóa quân sự cha ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần Thánh Gióng, 80 năm qua, Bộ đội Cụ Hồ đã viết tiếp những trang sử mới mang tầm thời đại, xứng đáng với truyền thống anh hùng.
Hai là: Bộ đội Cụ Hồ - hiện thân của bản sắc văn hóa Việt Nam yêu nước, hòa bình, hữu nghị.
Vượt qua mọi vất vả, hy sinh “mưa dầm cơm vắt”, “máu trộn bùn non”, Bộ đội Cụ Hồ đã làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Tiếp đó, Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành “Thạch Sanh của thế kỷ 20” chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược Mỹ hung bạo, thiện chiến.
Không những vậy, Bộ đội Cụ Hồ đã tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ, được nhân dân xứ sở chùa tháp gọi là “đội quân nhà Phật”. Trong lịch sử quân sự thế giới, hiếm thấy một đội quân nào anh dũng, yêu nước, nhân văn cao cả, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối như vậy!
Ba là: Bộ đội Cụ Hồ - biểu tượng cho chân lý, sức mạnh, bản lĩnh thời đại.
Nhà thơ Tố Hữu diễn đạt tinh tế bằng thơ về sứ mệnh vinh quang, thiêng liêng cao cả của Bộ đội Cụ Hồ: “Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!” (Chào xuân 67).
Thế giới có câu chuyện nổi tiếng về chàng Đan-kô móc trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho đoàn người đi về phía tự do, hạnh phúc. Bộ đội Cụ Hồ cũng vậy, họ đã mang tuổi xuân đẹp nhất của mình cống hiến cho Tổ quốc. Thế nên Bộ đội Cụ Hồ mang tầm vóc vũ trụ: “Anh đi, xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió, lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc xuồng con/ Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương!” (Tố Hữu - "Tiếng hát sang xuân").
Kẻ thù phi nghĩa muốn đốt cả dân tộc ta thành tro bụi, nhờ có Bộ đội Cụ Hồ mà “ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm”. Bọn cướp nước muốn ta “bán mình ô nhục”. Nhờ có Bộ đội Cụ Hồ, đất nước mình “làm sen thơm ngát” (ý thơ Tố Hữu trong “Việt Nam, máu và hoa”). Một hình tượng đẹp, lớn lao, kỳ vĩ như thế xứng đáng là một biểu tượng trung tâm của thời đại!
Là nhân tố góp phần cơ bản, chủ yếu kiến tạo nên thời đại anh hùng, Bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng văn hóa đích đáng cho thời đại anh hùng. Đó là chân lý và cũng là đạo lý!
(còn nữa)
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
Theo Báo Quân đội nhân dân
Bảo Ngọc (st)