Văn hóa quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh mang đặc trưng của đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân để giải phóng đất nước, nên quan hệ quân dân là quan hệ ruột thịt trong cơ thể Tổ quốc. Trong cấu trúc nhân cách văn hóa, Bộ đội Cụ Hồ vừa mang bản sắc văn hóa Việt (yêu nước, dũng cảm, mưu trí, bất khuất, vị tha...), nhưng phải chiến đấu với những kẻ thù hung bạo, nham hiểm nhất thế giới nên vừa kế thừa, phát triển nâng cao tinh hoa truyền thống giữ nước vừa hiện đại hóa ở nghệ thuật tác chiến vượt lên trên kẻ thù có những vũ khí tối tân, để giành chiến thắng.

Bộ đội xứng đáng được gắn tên Người cha thân yêu của LLVT

Không chỉ là người khởi xướng, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 huyền thoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người kiến tạo một nhà nước dân chủ mới, một hệ hình mỹ học mới-và chính Người vừa là một chủ thể sáng tạo vừa là một đối tượng nghiên cứu của mỹ học.

bo doi cu ho bai 2
Đội tuần tra Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) chào cột mốc 3 biên Việt Nam-Lào-Trung Quốc. Ảnh: Tuấn Huy

Là tác giả của hàng trăm tác phẩm thơ, văn nổi tiếng, từng là thợ ảnh, họa sĩ, đạo diễn, diễn viên,... nhưng điều chung nhất là các sáng tác, các hoạt động nghệ thuật ấy đều hướng về một mục đích là phấn đấu vì hạnh phúc của con người. Sự nghiệp cách mạng và phong cách sống của Người là cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, của các chuyên ngành nghệ thuật sáng tạo. Như một lẽ tự nhiên, đến lượt Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng văn hóa tầm nhân loại.

Là một thiên tài quân sự, Bác Hồ là người khai sinh và giáo dục Quân đội ta, cũng là người kiến tạo đường lối quân sự và thế trận chiến tranh nhân dân. Nhân dân Việt Nam lấy tên vị lãnh tụ vĩ đại đặt tên cho hình tượng người lính yêu mến của mình là “Bộ đội Cụ Hồ” là sự thể hiện một đạo lý văn hóa cũng là chân lý thời đại.

Thực tế lịch sử 80 năm qua chứng minh, Bộ đội Cụ Hồ đã kết tinh vẻ đẹp thời đại, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với Tổ quốc nên hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu này.

Tính lý tưởng - một vẻ đẹp văn hóa thời đại

Từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu, Bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp mang biểu trưng cho vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của người dân quê Việt: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Lý tưởng yêu nước đã gắn kết những tâm hồn ban đầu xa lạ thành tình đồng chí: “Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”.

Một biểu tượng văn hóa rất đẹp được điêu khắc bằng ngôn ngữ thơ hiện thực, mộc mạc mà trữ tình, trong sáng: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu-"Đồng chí"). Biểu tượng lung linh tỏa sáng bao ý nghĩa về cuộc chiến đấu gian khổ; về tình đoàn kết chung lý tưởng; về ý chí và quyết tâm; về tình yêu hòa bình; về tâm hồn người lính trong trẻo, thi vị...

Một đặc trưng của cấu trúc là đậm chất lý tưởng thể hiện ở ngay lớp vỏ biểu tượng. Trường hợp này gọi là sự “tràn nghĩa”. Vì nội dung bên trong quá đầy các lớp nghĩa nên chúng tràn ra hình thức bên ngoài tạo ra “vùng ngoại biên văn hóa” (marginal culture) mang tính cộng sinh, giao thoa. Chính ở đây mới nói được nhiều nhất về sức sống biểu tượng: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” (Vũ Cao-"Núi đôi"). “Sao trên mũ” vừa biểu vật (ngôi sao) vừa là biểu ý (lý tưởng giải phóng...).

Trôi theo dòng lịch sử, con thuyền biểu tượng vừa tô điểm vừa cho thấy một hình dung về độ nông sâu ý nghĩa, giá trị, tầm vóc thời đại của các giai đoạn lịch sử. Từ điểm nhìn này cho thấy sự nhất quán của hình tượng bộ đội thời chống Mỹ là sự tiếp nối, phát triển ở thời chống Pháp: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang bắn”. Cả hai hình tượng đều tỏa sáng, đều tạo ra dáng đứng vừa riêng “anh”, vừa là biểu tượng chung-“dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân-"Dáng đứng Việt Nam").

Khảo sát nhiều tác phẩm thơ (thể loại thích hợp nhất để kiến tạo biểu tượng) sẽ thấy một đặc điểm vừa tương đồng vừa khác biệt. Do chiều kích, tầm cỡ biểu tượng mang tính kỳ vĩ, lớn lao nên bộ đội thời chống Pháp được “tạc” vào không gian vũ trụ thì anh bộ đội thời chống Mỹ lại được “tạc” vào thời đại (thế kỷ). Không ngẫu nhiên Phạm Tiến Duật được ví là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại” vì nhà thơ đã kiến tạo sinh động những biểu tượng văn hóa mới mẻ. Người lính trong thơ ông mang tầm thời đại: “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”; “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính).

Vượt lên trên cái vỏ “biểu đạt” anh lính lái xe, hình tượng lớn vụt thành biểu tượng cao cả đầy bản lĩnh, khí phách ngang dọc trời đất, tất cả đều vì nhiệm vụ của thời đại là giải phóng miền Nam. Đây cũng là nét âm hưởng anh hùng ca, đậm tinh thần sử thi của văn học thời chống Mỹ. Như một tất yếu, cùng với anh bộ đội, con đường trở thành biểu tượng cơ bản. Không chỉ là con đường vật lý thông thường mà là “đường thời đại”, như tên bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ (17 tập) của Đặng Đình Loan.

Xả thân vì Tổ quốc - một nét giá trị văn hóa thiêng liêng, cao quý

Nhà thơ-chiến sĩ Thanh Thảo đã nói hộ tâm hồn hàng triệu người lính sẵn sàng lên đường ra trận: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”. Không khí đất nước những ngày chống Mỹ thật sự là ngày hội: “Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục”. Nhân vật trung tâm của ngày hội là thanh niên: “Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau” (Chính Hữu-"Đường ra mặt trận"). Câu thơ: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật) là rất thơ, cũng rất thật. Đi đuổi giặc để đòi lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân chẳng phải là hành vi văn hóa đẹp nhất sao?

Thời gian đã cho phép văn học hôm nay nói thật hơn những “góc khuất” mà người lính phải đối mặt trong chiến tranh, để thế hệ trẻ biết cha anh họ đã sống chết như thế nào. Sẽ càng làm rõ hơn cái giá của sự hy sinh để tri ân người đi trước, rõ hơn cái ý nghĩa của một ngày hòa bình để tránh xa chiến tranh. Trên đời này có gì quý hơn thân thể con người đâu. “Người ta là hoa đất”. Con người là đáng quý, đáng trọng, đáng được chiêm ngưỡng, tôn kính, nâng niu...

Thế mà trên chiến trường ngày ấy, người lính phải chịu đựng, đón đợi “ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà chưa đến lượt chôn mình” (Chu Lai-"Ăn mày dĩ vãng"). Có một sự thật nghiệt ngã như vậy, mà những ai từng trên chiến trường đều trải nghiệm. Đúng với quy luật nhu cầu nói ra sự thật những câu chuyện của mình, mình trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến, nên thể tài tự thuật, tự truyện (thiên về phi hư cấu) hiện nay đang phát triển mạnh. Nhất là ở nước ta, thời gian chiến tranh kéo dài quá lâu, tính chất quá ác liệt, đã ăn sâu vào tâm thức, đặc biệt là ở những thế hệ trực tiếp cầm súng. Ngoài hồi ký, bút ký, ký sự... của các tướng lĩnh, các văn nghệ sĩ, là những trang viết nóng hổi tươi rói cuộc sống chiến trường, những suy tư về lý tưởng, hoài bão của những thanh niên trí thức, như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Nguyễn Văn Thạc...

Lấy tuổi trẻ mình, máu thịt mình, thân thể mình góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước chính là hành vi văn hóa cao nhất, đẹp nhất của Bộ đội Cụ Hồ./.

(còn nữa)

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Theo Báo Quân đội nhân dân

Bảo Ngọc (st)

Bài viết khác: