Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

Có thể khẳng định tư tưởng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi còn nguyên giá trị. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, học tập và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trong hoạt động công vụ trên môi trường số trước bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là đặc biệt quan trọng. Bài viết phân tích tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nêu lên sự vận dụng trong xây dựng văn hóa số nhằm thực thi công vụ hiệu quả trên môi trường số hiện nay.

bac ho voi van hoa
Chủ tịch Hồ Chí Minh thổi chiếc khèn do đồng bào Yên Châu tặng kỷ niệm trong chuyến thăm nhân dân các dân tộc Tây Bắc, ngày 07/5/1959. Ảnh: TL.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa cho thấy những luận điểm của Người là sự sáng tạo, khoa học, kết tinh những giá trị văn hóa Đông - Tây, truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại; là nhân cách, bản lĩnh văn hóa của một nhà văn hóa kiệt xuất, và là sự vận dụng sáng tạo lý luận về văn hóa của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Tư tưởng của Người về văn hóa giữ vai trò định hướng việc xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa được hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp.

Theo nghĩa rộng: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Người cho rằng: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.

Theo nghĩa hẹp: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 04 vấn đề cần chú ý đến, phải coi là quan trọng ngang nhau, đó là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải trong kinh tế và chính trị.

Theo nghĩa rất hẹp: văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải đi học văn hóa, xóa mù chữ,… (Sắc lệnh số 17/SL do Người ký ban hành ngày 08/9/1945 thành lập Nha Bình Dân học vụ và đặt ra quy định bình dân học vụ trên toàn đất nước).

Trong tình hình mới của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 05 quan điểm về xây dựng nền văn hóa của dân tộc, đó là: “1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4- Xây dựng chính trị: dân quyền. 5- Xây dựng kinh tế”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa ý tưởng chiến lược văn hóa mà Người ấp ủ trên một chương trình hành động cho mỗi tập thể, cho mỗi con người trong sự “sinh tồn” mới của đất nước. Bên cạnh đó, Người cũng căn dặn: “Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ luộm thuộm, xa xỉ, lòe loẹt; cách làm việc phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn, chớ làm dối; cách ứng xử với đồng bào thì nên thành thực, thân ái và sẵn lòng giúp đỡ…”(2).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính là sự nhất quán giữa quan điểm và hành động. Tư tưởng của Người còn tiếp tục làm sâu sắc các chỉ dẫn hành động trong các bài viết kêu gọi đảng viên, cán bộ, Nhân dân thực hiện: “cần kiệm liêm chính” (năm 1949), “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu” (năm 1952), “Đạo đức cách mạng” (năm 1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969).

Quan điểm của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong tình hình mới

Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, Đảng ta đã đề ra nhiều định hướng và quan điểm chỉ đạo về xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Cụ thể: Cương lĩnh của Đảng năm 1930 đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc; đến “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943 tiếp tục chỉ rõ: Văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), và chủ trương phát triển văn hóa theo hướng “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng”; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960 đã xác định mục tiêu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về văn hóa và áp dụng những nhận thức đó vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, thiết thực, phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, nâng cao không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đánh giá rất cao nền văn hóa, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào: “Vị trí tiên phong của nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa VII; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VIII xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(3).

Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã xác định một số nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Các nhiệm vụ này tiếp tục được bổ sung, phát triển tại Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”(4). Đại hội đã chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(5). Đây là những quan điểm, nội dung quan trọng, xuyên suốt, có tính kế thừa và có nhiều điểm mới về phát triển văn hóa.

Định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 của Đảng ta cũng khẳng định: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(6).

Trước bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam...”(7), kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đặt ra yêu cầu khách quan cần phải “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(8).

Như vậy, trong tình hình mới, phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, cần ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa số nhằm thực thi công vụ hiệu quả trên môi trường số hiện nay

Trước tình hình mới với sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi thực hiện công vụ trên môi trường số, cán bộ, công chức, viên chức cần tuân thủ quy tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trên không gian mạng. Cụ thể là:

Thứ nhất, luôn chấp hành, tuân thủ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, đơn vị khi tham gia môi trường số. Trong mọi hoàn cảnh, cần giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình, thẩm quyền được giao. Mặt khác cần giải quyết công việc đảm bảo tính “nhanh - chính xác - hiệu quả”, loại bỏ “căn bệnh ì” trong tổ chức. Ngoài ra cần tuân thủ các quy định trên không gian mạng, môi trường số nhằm bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn thông tin. Như vậy, thực thi công vụ trên môi trường số, yếu tố pháp lý, tính kỷ luật chính là yêu cầu “dĩ bất biến” đòi hỏi tất cả cán bộ, công chức cần tuân thủ thực hiện.

Thứ hai, “ứng vạn biến” là: 1) Sự sáng tạo, linh hoạt của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ trên môi trường số; 2) Sự chủ động, sẵn sàng trong ứng phó và xử lý mọi sự cố, khủng hoảng đến từ công nghệ số, trên môi trường số. Ví dụ xử lý tình huống lộ lọt thông tin trên môi trường số; tình huống “luồng trình” sai hoặc “nơi nhận” không đúng; giả mạo chữ ký số, ban hành văn bản sai thể thức trên môi trường; hoặc kỹ năng phòng chống, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng chống phá tổ chức Đảng, Nhà nước, cơ quan đơn vị; công tác phòng chống tội phạm từ sớm, từ xa trên không gian mạng…

Môi trường số là không gian trực tuyến, nơi mọi thành viên trong cơ quan, đơn vị có thể tương tác, làm việc với nhau mà không lo rào cản của vị trí địa lý. Lợi ích của thế giới phẳng đã tập hợp những công cụ giúp các công chức có thể kết nối với nhau, hợp tác và thiết lập quy trình làm việc hiệu quả. Song nó cũng yêu cầu công chức phải trang bị nhiều kỹ năng làm việc (kỹ năng số, năng lực số, bảo mật thông tin, an toàn số) và sự sáng tạo “ứng vạn biến” trong vận dụng các trang thiết bị kỹ thuật số, trong cách thức xử lý công việc, vận dụng kỹ năng, kiến thức, trình độ để đảm bảo thực thi công vụ hiệu quả.

Có thể khẳng định rằng, văn hóa đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc học tập và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá, thấm nhuần đường lối, chủ trương của Đảng về văn hoá là vô cùng quan trọng đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ trên môi trường số.

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại, về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào những đóng góp to lớn cho nền văn hóa cho sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục để văn hóa thực sự “sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/2021./.

-------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.431.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập,  tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.98-99.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).

(4), (5), (6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. CTQG-ST, H.2021, tr.115-116, tr.46, tr.116, tr.110.                                      

(8) https://baotintuc.vn/chinh-tri/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc20211124172356831.htm, truy cập ngày 18/3/2024.

 

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: