Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Ngày 23/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

quy dinh tham quyen

Nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt kịp thời Quy định của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động và bạn đọc, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng trân trọng giới thiệu nội dung cơ bản của Quy định số 148-QĐ/TW như sau:

Quy định gồm 12 Điều: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1); Nguyên tắc (Điều 2); Giải thích từ ngữ (Điều 3); Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết (Điều 4); Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng (Điều 5); Thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác (Điều 6); Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác (Điều 7); Quyền và trách nhiệm của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác (Điều 8); Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 9); Thời hạn tạm đình chỉ công tác (Điều 10); Thủ tục và quản lý hồ sơ tạm đình chỉ công tác (Điều 11); Tổ chức thực hiện (Điều 12).

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng:

- Quy định số 148-QĐ/TW quy định nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, thủ tục, hồ sơ tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (gọi tắt là người đứng đầu cơ quan); cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập (gọi chung là cán bộ).

- Việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Việc tạm đình chỉ đối với các chức danh cấp ủy viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các chức danh tư pháp, ủy viên ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ủy viên ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của tổ chức.

Quy định 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết, gồm:

- Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.

- Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.

- Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

- Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Quy định 02 căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, gồm:

- Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.

- Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

Thẩm quyền tạm đình chỉ công tác trong cơ quan hành chính nhà nước được quy định như sau: 

- Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Thứ trưởng và tương đương; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh; người có chức vụ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

- Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

- Tổng cục trưởng và tương đương quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc tổng cục và tương đương.

- Cục trưởng và tương đương quyết định tạm đình chỉ công tác đổi với: Cấp phó của mình; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.

- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện; người đứng đầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.

- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành trong cơ quan chuyên môn trực thuộc uỷ ban nhân dân cấp huyện; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Cấp phó của mình; cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.

- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với: Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác được quy định như sau:

- Kịp thời ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới khi có một trong những căn cứ được quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định này; hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác trong trường hợp không đúng quy định hoặc khi có kết luận không vi phạm, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ.

- Chịu trách nhiệm về việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác. Công bố quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định hủy bỏ tạm đình chỉ công tác trong cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác và gửi quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định hủy bỏ tạm đình chỉ công tác đến các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ nếu có nhiều tình tiết phức tạp cần có thời gian tiếp tục xác minh, làm rõ vi phạm của cán bộ thì báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ trước khi gia hạn tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

Tạm đình chỉ công tác là việc buộc cán bộ dừng thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời hạn nhất định. Tạm đình chỉ công tác không phải là hình thức kỷ luật. Do đó, quyền và trách nhiệm của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được quy định như sau:

- 03 quyền của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác: (i) Có quyền đề nghị người đứng đầu xem xét lại quyết định tạm đình chỉ công tác nếu có căn cứ xác định việc tạm đình chỉ công tác không đúng quy định. (ii) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi được cơ quan chức năng kết luận không vi phạm, không bị xử lý vi phạm. (iii) Chế độ, chính sách đối với cán bộ trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện như trước thời điểm bị tạm đình chỉ công tác.

- 02 trách nhiệm của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác: (i) Chấp hành nghiêm quyết định tạm đình chỉ công tác. (ii) Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và chấp hành yêu cầu của người đứng đầu, cấp có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm.

Quy định cụ thể thời hạn tạm đình chỉ công tác:

- Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc, trường hợp phải gia hạn thì thời gian gia hạn tạm đình chỉ công tác tối đa không quá 15 ngày làm việc.

- Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng; thanh tra; kiểm tra; kiểm toán; thi hành án.

- Quyết định tạm đình chỉ công tác hết hiệu lực thi hành khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác.

Quy định số 148-QĐ/TW có hiệu lực thi hành từ ngày 23/5/2024./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: