Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Hơn ba mươi năm trước, nhà văn Sơn Tùng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành riêng một ngày mời đến nhà riêng để nói chuyện về Bác Hồ. Trước đó, khi biết nội dung cuộc nói chuyện, nhà văn Sơn Tùng đã soạn một đề cương chi tiết để chuẩn bị cho cuộc gặp này. Gần đây, những trang viết về Bác Hồ nói trên lần đầu được đăng trong cuốn sách “Hồ Chí Minh trái tim quả đất” của nhà văn Sơn Tùng vừa được xuất bản.

Cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Gần đây, khi đến gặp anh Bùi Sơn Định, con trai cố nhà văn Sơn Tùng, tôi được anh cho xem cuốn sách “Hồ Chí Minh trái tim quả đất”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa xuất bản đầu năm nay. Sách dày hơn ngàn trang, trong đó có ba tác phẩm nổi tiếng về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng như “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất” và kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”… Đặc biệt, có hai di cảo của nhà văn Sơn Tùng gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu được in trong cuốn sách. Trong bài viết này, xin được đề cập tới phần di cảo của nhà văn Sơn Tùng gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung về Bác Hồ.

nha van son tung 1
Phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng (người cầm sổ ghi chép) được gặp Bác Hồ trong lần tác nghiệp ngày mùng một Tết năm Giáp Thìn 1964 tại làng Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Gia đình nhà văn Sơn Tùng cung cấp).

Anh Định cho biết, năm 1991, một hôm, đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho nhà văn Sơn Tùng, nói: “Nếu sức khỏe cho phép, anh thu xếp để đến gặp Đại tướng. Anh Văn muốn hỏi anh một số điều trước khi chuẩn bị tư liệu để viết về Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nghe vậy, nhà văn Sơn Tùng nhận lời ngay và chuẩn bị một đề cương chi tiết về Bác Hồ cho cuộc gặp với Đại tướng. Tới hôm gặp, nhà văn đi từ sớm, chiều muộn mới về nhà. Sau đó ít lâu, trong cuộc trò chuyện với gia đình và một số người bạn tại “Chiếu văn” ở nhà, nhà văn Sơn Tùng cho biết cuộc gặp với Đại tướng hôm đó diễn ra trọn một ngày, buổi trưa ông được Đại tướng mời ở lại ăn cơm. Tại cuộc trao đổi, Đại tướng nói những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng gửi biếu ông đều đọc hết, đặc biệt là cuốn “Búp sen xanh”. Nhưng có nhiều chi tiết Đại tướng muốn hỏi lại nhà văn Sơn Tùng cho rõ, như chuyện của bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, chị và anh ruột của Bác kể về Người hồi còn nhỏ. Hay chuyện về bài thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Côn (tên Bác Hồ thuở nhỏ) ứng khẩu đọc cho cha nghe khi đi qua đèo Ngang, trên đường vào kinh đô Huế, được in trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Rồi chuyện Bác từ cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước cùng nhiều vấn đề khác hình thành nên tư tưởng, nhân cách Hồ Chí Minh sau này...

Theo di cảo, từ thời đi học, Nguyễn Tất Thành tiếp thu hệ chân Nho, nhưng không bị ảnh hưởng bởi những ngụy Nho qua các triều đại Hán nho, Đường nho, Tống nho, Minh nho, Thanh nho. Đây là nền vững chắc về tư duy, để nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành hội nhập văn hóa tư tưởng phương Tây và trở thành nhà tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin.

 

Trước những điều trên, nhà văn Sơn Tùng đã trả lời đầy đủ những thông tin mình biết, được Đại tướng quan tâm. Những thông tin nhà văn chuẩn bị để báo cáo với Đại tướng hôm đó có nội dung đã được ông viết thành sách, có nội dung chưa. Nhưng những tư liệu này đều được nhà văn thu thập trong nhiều năm, thông qua những nhân chứng cụ thể, xác thực. “Sau đó, năm 1993, ba tôi lại viết thêm phần nữa về Bác để gửi Đại tướng làm tư liệu. Mãi sau này, tôi được ba cho biết thời gian đó, sau Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6/1991), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập hợp tư liệu để viết đề tài Tư tưởng Hồ Chí Minh”, anh Bùi Sơn Định cho biết. Rồi anh Định chia sẻ thêm, năm 2021, sau khi nhà văn Sơn Tùng mất, anh đã tập hợp những tư liệu nói trên của nhà văn với mong muốn được in thành sách. Và mong muốn đó đã thành hiện thực khi những di cảo của nhà văn viết về Bác đã được in trong cuốn “Hồ Chí Minh trái tim quả đất” nói trên.

Đôi nét về di cảo

Ở phần di cảo trong cuốn “Hồ Chí Minh trái tim quả đất”, nhà văn Sơn Tùng viết ông gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 23/11/1991 để làm việc về đề tài Hồ Chí Minh. Nội dung được nhà văn chuẩn bị theo hệ thống, có phần được viết chi tiết, có phần khái quát, qua đó đã khắc họa được hình tượng Bác Hồ từ khi còn nhỏ đến khi lên đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh được nhà văn Sơn Tùng ghi lại, ngay từ nhỏ, Bác Hồ đã bộc lộ thiên tư: “Năm lên bốn, năm tuổi, Côn thuộc nhiều đoạn của các truyện thơ Nôm, do bà ngoại dạy truyền miệng, trong những buổi tối nằm ngủ cạnh bà. Say sưa học theo truyền miệng của bà tới khuya, mẹ đã nghỉ dệt vải đi nằm, chị Thanh, anh Khiêm đều ngủ cả rồi, Côn vẫn thức, bà phải hứa: Cháu ngủ thì tối mai bà dạy cho cháu gấp đôi số câu tối nay… Ngày theo cha mẹ vào Huế, Côn thuộc lòng gần hết quyển Truyện Kiều, thuộc nhiều câu ca dao, bài vè về phong trào Cần Vương, dặm Nghệ Tĩnh, thuộc 96 bài thơ trong Kinh Thi, 50 bài Nhã, 40 bài Phong...”. Còn ông Nguyễn Sinh Khiêm kể: “Trên đường vào Huế (1895), Côn được cha cõng đi. Lúc nghỉ chân trên đèo Ngang bên phía Kỳ Anh, Côn ứng khẩu khi nhìn lên đỉnh đèo thấy con đường mòn màu nâu sẫm vắt vẻo trên núi: “Núi cõng con đường mòn/Cha thì cõng theo con/Núi nằm ì một chỗ/Cha đi cúi lom khom/Đường bám lì lưng núi/Con tập chạy lon ton/Cha siêng hơn hòn núi/Con đường lười hơn con”.

nha van son tung 2
Nhà văn Sơn Tùng ăn cơm trưa tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc nói chuyện năm 1991. (Ảnh: Gia đình nhà văn Sơn Tùng cung cấp)

Trước khi trở thành nhà văn, phóng viên Sơn Tùng công tác tại báo Tiền Phong. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian làm báo của phóng viên Sơn Tùng là cách đây tròn 60 năm, vào mùng một Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn (1964), khi đang tác nghiệp tại làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội), ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ, khi Người đến thăm và chúc tết người dân nơi đây.

Theo di cảo của nhà văn Sơn Tùng, trong thời gian ở Huế, Nguyễn Tất Thành (tên của Bác Hồ ở thời điểm đó) bắt đầu đến tuổi trưởng thành, được cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đưa đi các nơi, qua đó đã trực tiếp chứng kiến cảnh người dân chịu cảnh lầm than khi nước mất, nhà tan. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành cùng các học sinh trường Quốc học Huế tham gia phong trào chống sưu cao thuế nặng của chính quyền Thực dân. Vì việc này, Nguyễn Tất Thành phải rời trường Quốc học Huế, một thời gian sau đã về trường Dục Thanh (Phan Thiết) để dạy học. Tháng 6/1910, Nguyễn Tất Thành được tin cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khi đó đang là tri huyện Bình Khê (Bình Định) bị triệu hồi về kinh xử lý vì tội để xổng tù chính trị, bênh vực người dân. Sau khi quyết chí đi tìm đường cứu nước, tháng 10/1910, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn, đổi tên là Văn Ba. Theo di cảo, khi đó, ông Phạm Gia Cần, một người bạn của Bác Hồ từ thời học tại Quốc học Huế đã hỏi vì sao lại đổi tên này, Người đã trả lời: “Đây là cuộc dấn thân. Văn là nghe, là nhìn nhận. Ba là sóng. Dấn thân vào muôn trùng sóng dữ để thấy được điều gì hay mà trở về giúp nhân dân, cứu nước, cứu nòi…”.

Với lý tưởng đó, năm 1911, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã rời Tổ quốc để tìm đường cứu nước. Bôn ba khắp năm châu bốn biển, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu có chọn lọc di sản của các cuộc Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Mỹ 1776, Cách mạng Tân Hợi (1911), Cách mạng Tháng Mười (1917) để sau đó tìm ra con đường đi đúng cho Cách mạng Việt Nam./.

KIẾN NGHĨA

Theo Báo Tiền phong

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: