Từ ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp bắt đầu tấn công đánh chiếm Sài Gòn – Gia Định, rồi đánh lan ra các tỉnh cực Nam Trung bộ. Giữa năm 1946, đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp, để hòa đàm với Chính phủ Pháp tại Phôngtennơblô. Cùng trong thời gian ấy, Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thượng khách thăm chính thức nước Pháp.

          Cuộc hòa đàm Phôngtennơblô tan vỡ, ngày 12 tháng 9 năm 1946, phái đoàn Phạm Văn Đồng về nước. Bác Hồ ở lại Paris thêm mấy ngày. Bác ký với Mutê, đại diện chính phủ Cộng hòa Pháp bản Tạm ước đúng vào nửa đêm ngày 14 tháng 9 năm 1946 (sau này, nhân dân ta thường gọi là Tạm ước 14 tháng 9). Bác nói với Đại tá Vũ Đình Huỳnh, người Bí thư tin cẩn của mình: “Chúng ta về nước được rồi. Chúng ta sẽ về bằng đường hàng hải, không về bằng máy bay như lúc sang. Chú thông báo ngay với họ (Pháp) để họ chuẩn bị”. Bác còn dặn thêm: “Chú nhờ bà con Việt kiều làm thợ may, may cho một lá cờ Tổ quốc cỡ lớn. Chú mang theo trong hành lý xách tay của chú”.

            Đồng chí Vũ Đình Huỳnh, ngạc nhiên nhìn Bác, có ý hỏi để làm gì? Bác cười ý nhị: “Có lúc chúng ta sẽ cần đến…”.

            Ngày 15 tháng 9, Hồ Chủ tịch nói với nhân dân Pháp những lời tâm huyết, qua Đài Phát thanh Paris:

             “…Bổn phận của tôi gọi tôi về nước để giữ nhiệm vụ của tôi. Trước khi rời đất Pháp, tôi muốn tuyên bố một lần nữa lòng thân ái của tôi đối với nhân dân Pháp, lòng khăng khít của tôi với lý tưởng dân chủ mà dân tộc Pháp là người tiên phong…”.

          Chính phủ Pháp giao trách nhiệm cho thông báo hạm Duy-mông Duyếc-vin, do Trung tá Hải quân Ônây làm Hạm trưởng, đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Việt Nam.

            Ngày 18 tháng 6, khi tàu đã ra khơi, Bác nêu vấn đề kéo Quốc kỳ Việt Nam lên cột cờ hạm tàu, cùng song song với cờ Pháp để mọi người biết rằng có vị nguyên thủ nước Việt Nam tự do đang hành trình trên hạm tàu. Trung tá Ônây nói: “Thưa Chủ tịch, tôi không được giao việc này, Chủ tịch cho tôi điện về Paris xin chỉ thị”.

           Mấy phút sau, Ônây báo với Đại tá Vũ Đình Huỳnh: “Tôi đã nhận được chỉ thị từ Paris: được treo cờ Việt Nam lên cột cờ chiến hạm. Tiếc là… ở giữa biển này lấy đâu ra cờ của quí quốc?”.

            Đại tá Vũ Đình Huỳnh mở hành lý ra, lấy lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn trao cho Trung tá Ônây.

          “Mọi việc Bác Hồ nhìn thấy trước và liệu định trước cả rồi”, Đại tá Huỳnh vừa nghĩ thầm, vừa cười mỉm trước vẻ mặt ngơ ngác, vì quá ngạc nhiên của vị Trung tá Hải quân Pháp.

           Ngày 20/10/1946, thông báo hạm Duy-mông Duyếc-vin về tới cảng Hải Phòng, với lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên đỉnh cột cờ.

 

Bằng Tín

Theo http://www.baophuyen.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: