Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Ngày 07/02/1958, tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã thống nhất ký Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ. Đây chính là dấu ấn quan trọng để hai nước phát triển quan hệ ngoại giao tốt đẹp; phát triển hợp tác chặt chẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

bac ho va an do 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, hai nhà lãnh đạo đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: TTXVN.

Sinh thời, ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều coi trọng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai. Người khẳng định: “Chính sách ngoại giao của chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”. Trong 30 năm đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết bạn với nhiều người con ưu tú của các dân tộc trên thế giới, đã gặp gỡ hàng trăm danh nhân của nhân loại. Trong đó, có Motilal Nehru, nhà cách mạng chống đế quốc Anh nổi tiếng của Ấn Độ, người cha của Jawaharlal Nehru - Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ. Và cũng chính bắt nguồn từ đây, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và dày công vun đắp, đã vượt qua mọi thăng trầm của lịch sử, phát triển ngày càng tốt đẹp.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Ấn Độ 3 lần. Lần đầu tiên, Bác Hồ ghé qua Ấn Độ năm 1911 khi trên đường đi tìm đường cứu nước; lần thứ hai năm 1946 với tư cách là nguyên thủ quốc gia, dừng chân ở Ấn Độ trên đường đến Pháp dự hòa đàm. Và lần thứ ba năm 1958 là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước 10 ngày với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những lần Bác Hồ đến Ấn Độ đều để lại dấu sâu đậm trong tâm khảm những người dân Ấn Độ.

 

Từ nền móng đầu tiên

Lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và vun đắp.

Để nói về nét đặc trưng rất riêng của tình hữu nghị Việt - Ấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết những câu thơ như sau:

Lúc tôi phấn đấu, anh hoạt động

Lúc anh vào ngục, tôi ngồi tù

Muôn dặm xa xôi chưa từng gặp mặt

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

Chưa có cơ hội gặp mặt, nhưng đôi bên vẫn dành cho nhau, cho phong trào cách mạng hai nước, những tình cảm và hành động ủng hộ thiết thực. Năm 1946, được tin Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên được thành lập, thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới Jawaharlal Nehru. Bức điện viết: “Tôi rất sung sướng được tin Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên đã thành lập. Thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi gửi lời mừng và chúc ông những sự tốt lành nhất. Tôi tin chắc rằng những dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta”(1).

Về phần mình, Jawaharlal Nehru cũng luôn luôn theo dõi và dành cho cuộc đấu tranh vì độc lập của nhân dân Việt Nam sự ủng hộ nhiệt tình và quý báu. Đến ngày 17/10/1954 - chỉ 7 ngày sau khi thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới giải phóng, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thăm hữu nghị Việt Nam. Điều này thể hiện rõ sự ủng hộ cao độ của Chính phủ Ấn Độ đối với sự nghiệp cách mạng sáng ngời chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đáp lại tình cảm của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ dành cho Việt Nam, tại bữa tiệc đón mừng Thủ tướng Jawaharlal Nehru, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Hôm nay, nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Jawaharlal Nehru, vị lãnh tụ yêu quý của nước Ấn Độ vĩ đại, vị chiến sĩ tận tụy cho hòa bình châu Á và thế giới, vị bạn tốt của nhân dân Việt Nam... Nhân dịp này, tôi xin thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cảm ơn Thủ tướng Nehru, nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã góp phần to lớn vào việc đưa lại hòa bình cho Việt Nam và cho Miên, Lào... Tôi mời các vị cùng tôi nâng cốc, chúc Thủ tướng Nêru sống lâu, mạnh khỏe, để làm cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em Việt - Ấn càng tăng cường và làm cho hòa bình châu Á và thế giới thêm vững chắc”(2). Sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ mở ra những trang đầu trong lịch sử quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt - Ấn.

bac ho tai an do
Nhân dân thủ đô New Delhi nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Ấn Độ từ ngày 5-14/2/1958. (Nguồn: TTXVN)

Bốn năm sau chuyến thăm Việt Nam, năm 1958, Chính phủ Ấn Độ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Coi trọng mối quan hệ Việt Nam- Ấn Độ, phát biểu trước đông đảo cán bộ, nhân dân ra tiễn Người ở sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước Ấn Độ là một nước rất to và nhân dân Ấn Độ rất anh dũng. Trước đây cùng hoàn cảnh như chúng ta bị thực dân áp bức, nhân dân Ấn Độ và Miến Điện đã đấu tranh thắng lợi cho độc lập dân tộc và đang xây dựng đất nước. Chúng tôi đi chắc học được nhiều kinh nghiệm quý báu. Lúc về sẽ thuật lại cho đồng bào nghe để học tập anh em chúng ta”(3).

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi tin rằng cuộc đi thăm lần này sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước chúng ta, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi và củng cố hòa bình Châu Á và thế giới”(4). Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành sự kiện nổi bật, đỉnh cao của quan hệ giữa hai nước. Sau khi về nước, Hồ Chí Minh đã viết bài: Tình nghĩa anh em Việt - Ấn - Miến, ghi nhận tình cảm nồng ấm và mà các nhà lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ dành cho Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý  tin tưởng rằng, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ sẽ được duy trì, củng cố và ngày càng phát triển.

Một điều rất đặc biệt bất ngờ trong chuyến đi là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang từ Việt Nam sang một vòng hoa và một cây đào để đặt và trồng trên mộ của nhà cách mạng Ấn Độ Motilan Neru - người cha quá cố của Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Khó có thể diễn tả hết niềm xúc động của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ lúc đó.

 

Hồ Chí Minh gặp cha tôi ở thủ đô nước Bỉ từ năm 1927 trong cuộc Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân. Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cách đây đã lâu năm mà Hồ Chủ tịch còn nhớ đến cụ thân sinh tôi. Đó tuy là một việc bình thường nhưng nó chứng tỏ một cách rõ rệt phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch - Thủ tướng Jawaharlal Nehru khi ấy đã chia sẻ.

 

Trong những năm Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thông qua hoạt động của tổ chức Phong trào Không liên kết; Tổ chức nhân dân Á - Phi đoàn kết với Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn luôn ủng hộ và giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Lịch sử đã ghi lại, rất đông người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh giành hòa bình do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Các khẩu hiệu “Tên tôi là Việt Nam, tên anh là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam. Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ” đã được hô vang trên các phố phường Ấn Độ. Nhiều học giả, nhà văn, nhà thơ Ấn Độ đã xuất bản rất nhiều cuốn sách kể về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, ca ngợi sự vĩ đại nhưng cũng hết sức giản dị của Bác Hồ.

 

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là “tình anh em”, trong khi các thế hệ lãnh đạo Ấn Độ luôn bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị giữa hai nước sẽ luôn được củng cố theo thời gian bởi nó được vun đắp từ những lý tưởng chung về độc lập dân tộc, hòa bình, hợp tác tin cậy lẫn nhau”. - Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu chia sẻ trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Quân đội nhân dân, đăng ngày 19/5/2020.

 

Trải qua những biến động của lịch sử, chính  tình bạn bền chặt, chung thủy giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, đưa hai dân tộc kề vai sát cánh bên nhau. Từ đó, tình hữu nghị Việt - Ấn không ngừng được củng cố, bồi đắp và đang phát triển lên những tầm cao mới.

Đến quan hệ hợp tác toàn diện

Bước vào thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu và bước tiến quan trọng. Quan hệ song phương nói chung và quan hệ thương mại nói riêng đã được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi hai nước mở cửa thị trường và tự do hóa nền kinh tế. Hai nước đã ban hành Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện vào năm 2003 và bắt đầu đối thoại chiến lược từ năm 2009.

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ luôn được lãnh đạo hai bên quan tâm, thúc đẩy và đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Năm 2022 - năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Ấn Độ và Việt Nam - tình hữu nghị lâu năm lại được bồi đắp bởi nhiều hoạt động ý nghĩa.

Tháng 4/2022, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Om Birla thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm, ông nhấn mạnh Ấn Độ và Việt Nam cần mở rộng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế kỹ thuật số.

Ngày 15/4/2022, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi về các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đề ra, trong đó có việc Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của các công ty toàn cầu và nâng cấp nền kinh tế từ một ngành công nghiệp lao động chi phí thấp tập trung vào sản xuất thành trung tâm công nghệ cao cho khoa học và công nghệ.

 

Hơn 50 năm qua, quan hệ Việt - Ấn đã có bước chuyển nhanh chóng, từ việc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, đến quan hệ Đối tác toàn diện, rồi quan hệ Đối tác chiến lược và hiện nay là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Nội hàm chiến lược trong các trụ cột hợp tác giữa hai nước ngày càng mở rộng và sâu đậm, từ chỗ chủ yếu về mặt chính trị - ngoại giao đã mở rộng sang quốc phòng - an ninh, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân.

bac ho va an do
Nguồn: TTXVN.

Trên cơ sở Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam- Ấn Độ đến năm 2030, hai bên nhất trí tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và hợp tác giữa hai bên; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng và tham vấn sĩ quan tham mưu lực lượng hải quân - lục quân - không quân, giao lưu sĩ quan trẻ; hợp tác đào tạo, quân, binh chủng, công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... Đồng thời, nghiên cứu thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như: An ninh mạng, quân y, cứu hộ, cứu nạn... phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên.

bac ho va an do 2
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind thăm cấp Nhà nước Việt Nam, ngày 20-11-2018, tại Hà Nội.

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30/7/2024 đến ngày 01/8/2024.  Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Ấn Độ sau 10 năm và là chuyến thăm đầu tiên ở cấp Thủ tướng giữa hai nước sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016. Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, góp phần thắt chặt quan hệ giữa lãnh đạo hai nước. Bên cạnh đó, chuyến thăm còn tạo ra xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; vừa củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, vừa mở rộng sang những lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh như: Điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI)....

bac ho va an do 3
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ.

Từ nền tảng vững chắc, trải qua những biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, duy trì, củng cố và phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của cả hai bên và ngày càng phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng, củng cố ổn định, hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới, đúng như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Thanh Huyền (Tổng hợp)

Chú thích:

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 325.

 (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 92.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd.t.9, tr.35.

 (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 256.

Tài liệu tham khảo:

1- https://hochiminh.vn/ho-chi-minh-va-the-gioi/chu-tich-ho-chi-minh-voi-an-do-va-su-gan-ket-tinh-huu-nghi-viet-nam-an-do-3225

2- https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/voi-nguoi-dan-an-do-hinh-anh-viet-nam-luon-gan-voi-ho-chu-tich-618293

3- https://media.qdnd.vn/long-form/xung-luc-moi-cho-quan-he-viet-nam-an-do-60037

4- https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/voi-nguoi-dan-an-do-hinh-anh-viet-nam-luon-gan-voi-ho-chu-tich-618293

Bài viết khác: