Danh dự của một người là các giá trị tinh thần, đạo đức do người ấy xây dựng trong cuộc sống ở các mức khác nhau dựa trên cơ sở giải quyết các mối quan hệ với người, với việc, với tổ chức, với cộng đồng trong thời gian dài. Danh dự của một người được biểu hiện ra bên ngoài thông qua sản phẩm vô hình và hữu hình.
Sản phẩm vô hình của danh dự thường thuộc về yếu tố tinh thần, như thái độ tôn trọng, hòa nhã, lịch sự, hoạt bát, nhanh nhẹn trong ứng xử hoặc khi tiếp xúc với ai đó.
Sản phẩm hữu hình của danh dự rất đa dạng. Đó cũng có thể là sản phẩm từ quá trình lao động cần mẫn trên đồng ruộng, trong sản xuất nông nghiệp. Đó cũng có thể là các sản phẩm thủ công tạo ra từ tư duy, mồ hôi, công sức và sự khéo léo của đôi bàn tay. Đó cũng có thể là sản phẩm mang tính phối hợp như công nhân trong dây chuyền sản xuất ra một chiếc điện thoại mang hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao...
Danh dự của một người không tự nhiên có được, mà đến từ sự đóng góp, cống hiến trí tuệ và công sức lao động của người đó với gia đình, cộng đồng, xã hội, nhà nước, giai cấp và nhân loại; do sự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện miệt mài, dày công vun đắp, giống như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Danh dự không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính.
Danh dự đảng viên và văn hóa chính trị. Minh họa: LÊ ANH.
Người có danh dự, trọng danh dự, trọng chữ tín sẽ cho ra những sản phẩm giá trị, mang tính văn hóa, luôn được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng. Ví dụ, nhà văn cho ra đời một tác phẩm truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết sau nhiều năm tháng miệt mài lao động, với các giá trị chân, thiện, mỹ và mang tính giáo dục cao, được đông đảo bạn đọc đón nhận nhiệt thành.
Đối với mỗi đảng viên cần phải xác định, danh dự là vô cùng thiêng liêng và cao quý. Khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, đảng viên nêu cao quyết tâm thực hiện lời thề một lòng trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
Thực tế đã chứng minh, để thực hiện mục tiêu cao quý ấy, các đảng viên sẵn sàng chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản, các đảng viên kiên trung đã giữ vững khí tiết đấu tranh, dù bị địch bắt, tra tấn, tù đày. Nhờ đó mà uy tín, thanh danh của Đảng được dựng xây, bồi đắp, ngày càng được củng cố. Trong công cuộc đổi mới, đảng viên đã ra sức phấn đấu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, không ngừng hoàn thiện nhân cách, nâng cao năng lực lãnh đạo, mang lại hiệu quả cao cho cơ quan, đơn vị, địa phương. Và đây chính là những hạt nhân để văn hóa chính trị ngày càng phong phú, tỏa sáng rực rỡ hơn.
Ngược lại, trong quá trình công tác, nhiều đảng viên đã bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, vướng vào kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật phải hầu tòa và lĩnh các mức án khác nhau. Điều này đã làm cho danh dự của cá nhân đảng viên bị mất đi, đồng thời làm suy giảm văn hóa chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã dày công vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng.
Văn hóa chính trị là những giá trị, lý tưởng cao đẹp mà con người hướng tới trong hoạt động chính trị, thể hiện ở sự hiểu biết về chính trị, tri thức chính trị, ở trình độ tổ chức hệ thống quyền lực, ở hành động chính trị theo một chuẩn giá trị xã hội nhất định.
Xét khái niệm này thì danh dự của cán bộ, đảng viên có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xây dựng văn hóa chính trị. Nói một cách cụ thể, danh dự là trung tâm chi phối đến năng lực hành động chính trị...
Để có năng lực hành động chính trị, một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên văn hóa chính trị, trước hết mỗi đảng viên phải nêu cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân đều phải hết sức tránh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích của Đảng, quốc gia-dân tộc và của nhân dân; có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định và vận dụng, phát triển, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân; chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng, liên tục đổi mới, sáng tạo và hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, luôn nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm tốt bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội; gương mẫu, khiêm tốn, học tập suốt đời, cầu thị, giản dị, nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng.
Thực hiện tốt những vấn đề cơ bản đó thì người đảng viên đã có danh dự và đương nhiên cũng là người có văn hóa chính trị. Trong đó, danh dự thực thi công vụ là vấn đề đáng quan tâm hơn cả. Bởi danh dự giống như một chiếc động cơ, thúc đẩy người đảng viên hoàn thiện năng lực tư duy lý luận chính trị. Danh dự giúp cán bộ, đảng viên nâng cao khả năng nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn thế giới quan, phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là “kim chỉ nam”, đồng thời là phương tiện để cán bộ, đảng viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Nếu có danh dự, trọng danh dự sẽ giúp người cán bộ, đảng viên tập trung tinh thần, nêu cao trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị, vận dụng khéo léo trong thực tiễn.
Ở một khía cạnh khác, danh dự của đảng viên góp phần hoàn thành tri thức chính trị, một nội dung quan trọng cấu thành văn hóa chính trị. Thực tế cho thấy, ngoài nắm chắc, hiểu sâu, hiểu rõ lý luận chính trị, để có hành động chính trị hiệu quả thì mỗi đảng viên cần có lượng tri thức chính trị phong phú. Các đảng viên cần phát huy vai trò tự học, nâng cao hiểu biết, bồi bổ nguồn tri thức cuộc sống, xây dựng nền tảng văn hóa chính trị vững chắc. Đây chính là điều kiện tiên quyết để giúp họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ do Đảng giao phó, xứng đáng với tư cách người đảng viên.
Tiếp đó, danh dự giúp cán bộ, đảng viên hình thành và phát triển năng lực hành động chính trị mà cụ thể là giúp cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện năng lực tổ chức thực tiễn và các hoạt động chính trị. Đó có thể là việc cụ thể hóa nghị quyết lãnh đạo vào công việc chuyên môn, sáng tạo ra phương thức thực hiện bảo đảm đúng pháp luật, mang lại hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ cao cho cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kết quả hoạt động thực tiễn chính trị là thước đo để đánh giá năng lực hành động chính trị của con người chính trị, đồng thời cũng là thước đo để đánh giá danh dự của đảng viên. Vì “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, cho nên việc đánh giá năng lực hành động chính trị của người đảng viên không chỉ căn cứ vào lời nói, bằng cấp, chứng chỉ... mà còn phải căn cứ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hiệu quả công tác tổ chức vận động quần chúng, sự gương mẫu nêu gương của người cán bộ, đảng viên trong đời sống hằng ngày, sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân./.
Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)